Lộ dẫn đến hội Vũ Môn ngày ấy náo nhiệt nhờ đoàn người dự hội, đẹp nhờ dáng tạo hình của những sở cao su chạy dọc hai bên bờ lộ. Tiết Xuân vừa chớm, lá vẫn nhớ cành, lượn vòng khoảng không gian trước khi phủ người trên mặt đất dầy cả tấc. Mủ vẫn rịn ra khá sung mãn nên nhà vườn cứ thế sinh hoạt đều đặn cả vào lúc trời tinh sương, đợi khi lá rụng dầy ngập tận ống quyển, khi ấy mới chuyển sang sinh hoạt mới, võng mắc dài con lộ chờ quan binh tới nằm. Đấy là tục lệ còn sót lại của nhà xã, ra đến phủ huyện thì cảnh vật đã khác.
Quan lộ số 22 rất dài, chạy thẳng lên hướng Bắc giáp ranh với xứ Cao Miên,địa danh nổi tiếng việc sản xuất các tượng hình trang trí sân vườn. Lộ dài, nhưng chỉ ngay đoạn An Hạ giang, nhờ mạch nước tốt, bồi thêm tài dẫn dắt của Lỗ tri phủ, thu dụng nhiều nhân tài nên thành vùng trù phú, trời Tây cũng nghe tiếng nên tặng cho biệt danh là xứ Sa-Lê-Diêng. Từ ngày trấn nhiệm, Quan thay đổi nhiều lãnh vực, biến hẳn phủ thành đô thị sinh thái 4D tân thời, các sinh hoạt được sửa đổi tận nguồn. Quan dẹp hẳn các hình thức vẽ vời trong y tế, mụn nhọt chỉ dùng mảnh chai cắt, nạo cạn mủ, chẳng tốn nén bạc nào cho đám dáo-xư-bác-xĩ nơi thành phố. Quan lại dứt tận nọc nạn trộm cắp, nhà vườn đêm ngủ tha hồ, không còn nạn thức canh chừng bọn trộm vặt. Lơ-xen không cần dùng nên toàn bộ được phái đến tửu quán Tư Thân, Kinh Điển mở ngoặc đoạn nầy, ghi rằng kẻ nào hành nghề hạ cầy tơ, kiếp sau sẽ rước họa hình, cả ngày cứ đứng rú như chó rừng, cứ thế đến mãn kiếp.
Đạt lắm thì chỉ đến 3D, đạt mức 4D như phủ có dòng sông An Hạ là nhờ áp dụng phương thức sinh thái thật tân kỳ. Chủ trương giảm chất khí thải độc hại các-bon được nghiêm chỉnh thi hành, bảo vệ tuyệt đối bầu ô-zon, quán xá dọc theo con lộ dài đến thế nhưng chẳng quán nào dùng điện, chẳng quán nào dám xé rào vì Ngài Quan tuần tra thường xuyên, tên gì, quê quán đâu, có làm việc nơi ấy, Ngài đều thuộc vanh vách. Kế bàn rằng, nếu Quan mời được Bác Phó Gian, dạy cho đám phục vụ chiêu thức "ngực tấn công, mông phòng thủ" gì đó, hẳn ăn đứt quán Lú nơi phương Tây cả dặm dài.
Cách nhau nghìn năm, xa nhau vài vạn dặm, cư dân tỉnh Hồ Nam xứ Trung Quốc họp thành từng đoàn người, khăn gói cho một chuyến đi xa. Nhìn biển người như thế nầy, tuôn khắp nơi về tụ hội tại các ga tàu trong thành phố, tính nhẩm thì cũng khoảng vài triệu, tất cả trong trạng thái hối hả, không líu lo chuyện trò vì phải dành hơi sức cho hành trình trọn 3 ngày trong những khoang tàu chật hẹp, đầy hơi người như những chuyến ghe vượt biển. Họ phải khăn gói đến xứ lạ, đến tận chóp đỉnh phía Tây là xứ Tân Cương, gia nhập vào đội quân lao động của vương quốc bông gòn, làm việc 7 ngày trọn ca 12 tiếng. Thế để khi nhìn vào, không phải họ nhưng một ai đó sẽ tự hào rằng bộ quần áo, đôi bí-tất, hay tấm khăn trải giường đã xuất xứ từ cơ sở đậm hàng chữ in MADE IN CHINA.
Không cùng chủ đích, không đồng chí hướng, nhưng vẫn tiếp diễn cảnh đoàn người phương xa, lũ lượt kéo nhau về một nơi lạ để dự hội Vũ Môn. Ai nấy hớn hở về một hành trình đầy hứa hẹn. Ai nấy đều ôm mộng cá chép hóa rồng, chỉ quên mất Lão Táo Quân đã mượn xe cá chép bay về trời, họp bạn cùng rồng chính hiệu đang nghỉ mát ở rì-sọt!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.