Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2013


Dear All Exs,

Ngày cuối cùng của năm 2012. Dừng lại một tí. Suy nghĩ vài điều. Có một suy nghĩ của bạn mình gây ấn tượng, mình cũng muốn chia sẻ chút gì. Thôi thì tinh thần chia sẻ, nên nếu chưa đúng ý thì thông cảm vậy, ngày cuối năm mà!

Bạn nghĩ: Chúa đã được sinh ra trong cảnh nghèo hèn, Chúa sống như người nghèo và sống cho người nghèo.... Vậy liệu những người Công Giáo giầu có, có dám thực hành theo gương Chúa đã làm không ? Có đến 1% người Công giáo giầu có dám thực hành không?

Xin ai đó trả lời cho tôi xóa đi cái mặc cảm mãn tính của tôi với.

Thiên Chúa là chủ thời gian, là chủ vạn vật, nên Ngài rất giàu có. Khi mình search chuỗi từ "Mọi sự là của Chúa" trên Google, có... 902.000 kết quả, bảo đảm luôn, như thế cũng chưa hết đâu!

Vì Ngài rất giàu có nên Ngài đương nhiên có quyền "sinh ra trong cảnh nghèo hèn, sống như người nghèo và sống cho người nghèo" đó là vì... Ngài muốn thế!

Nếu bạn là người nghèo, bạn muốn "sinh ra trong cảnh giàu có, sống như người giàu và sống cho người giàu..." được không? Không thể!

Nhưng đã giàu có, lại muốn được sinh ra trong nghèo khó... Đó là chuyện hiếm có, đó là... chuyện của Chúa. Như bàn tay của Maradona vậy! Vậy thì 1%, 10%, 100%... người công giáo giàu có dám thực hành điều đó hay không thì ảnh hưởng chi đến "cái mặc cảm mãn tính" của Thắng, của mình và còn của rất nhiều người nữa đấy!

Mình nhớ đã lâu rồi, được nghe người bạn kể về một câu trong Phúc Âm "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào Nước Trời" (Mt 19,24).

Bạn đó diễn giải: "Ý trong Phúc Âm muốn nói không phải người giàu có sẽ khó vào Nước Trời, mà là người có tâm hồn giàu có sẽ khó vào Nước Trời!"

Có nhiều người rất giàu có, tiền bạc vật chất dư thừa. Nhưng thích một cuộc sống giản dị, chẳng khoe khoang, không kiêu căng tự phụ, sống bác ái, chia sẻ với những người khó khăn khác... Đây là những người có tâm hồn giản dị, tâm hồn nghèo khó.

Có những người nghèo khó, cuộc sống thiếu thốn chật vật, suốt ngày chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền bằng mọi cách, làm giàu bằng mọi cách kể cả việc bất chính, suốt ngày mơ ước đến lúc kiếm được hằng đống tiền rồi v..v... Đây mới đích thực là những người có tâm hồn giàu có, suốt ngày chìm đắm trong giấc mơ giàu có. Vào Thiên Đàng được mới lạ!

Ý nghĩa của việc giàu có và nghèo khó theo tinh thần Phúc Âm như thế là rõ ràng rồi nhé.

Vậy thì Thắng ơi, xác định xem tinh thần của mỗi người chúng ta là nghèo khó hay giàu có! Đây mới quan trọng. Chẳng liên quan gì đến căn nhà, ruộng vườn, xe cộ, quần áo, công việc... mà mỗi người chúng ta đang có!

Sang năm mới 2013, kính chúc tất cả anh em Exluro68 vạn sự cát tường, toàn gia hạnh phúc, công thành danh toại. Tiền vào như nước... hà hà... Nhưng nếu tiền vào nhiều hay ít, hoặc không vào đi nữa thì cũng mong anh em chúng ta sẽ luôn là những người có tinh thần đơn sơ giản dị, nghèo khó, sống bác ái, giúp đỡ mọi người...

Vậy thôi, vậy là được rồi bạn hiền Thắng à! Lăn tăn làm gì!

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt!

ExLiên

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA NĂM C (Lc 2, 41-52)



BÍ QUYẾT HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH 
Sưu tầm
Khi còn sống, trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài BBC, công chúa Diana của Anh quốc đã không ngần ngại bộc bạch hết câu chuyện đổ vỡ của gia đình bà. Sự đổ vỡ của gia đình vương giả này khiến nhiều người phải tiếc xót. Bởi vì, nếu xét theo những tiêu chuẩn thông thường, thì quả thực cặp vợ chồng này có mọi sự để được hạnh phúc, như danh vọng, tiền tài, địa vị. Thế nhưng tại sao họ không tìm được hạnh phúc trong gia đình? Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ này? Có lẽ họ còn thiếu một cái gì đó mà sự giàu sang phú quý không thể mua được cũng như khiến họ không thể vượt qua được khó khăn thử thách.

Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Thánh Gia để múc lấy bí quyết hạnh phúc gia đình. Cũng như bao gia đình khác, Thánh Gia cũng đã trải qua nhiều sóng gió, thử thách. Chúng ta hãy nhìn lại cảnh bối rối mà có lẽ ít có đôi vợ chồng trẻ nào phải trải qua: vợ sắp sinh đi tìm một quán trọ để qua đêm nhưng không có, cuối cùng phải vào một chuồng súc vật và sinh con ở đó, và rồi sau đó đã phải vội vã đi lánh nạn trong một cuộc hành trình cam go và sống giữa những người xa lạ. Bí quyết đã giúp Đức Maria và thánh Giuse vượt qua khó khăn thử thách, đó là có Chúa Giêsu bên cạnh. Sự hiện diện của Chúa Giêsu chính là nền tảng của gia đình Nagiarét.

Cũng như Thánh Gia, ngày nay các gia đình Việt Nam cũng đang trải qua bao khó khăn thử thách. Trước tiên là cái nghèo và rồi từ nghèo khổ sinh ra dốt nát, dốt nát kéo theo bao hệ lụy khác. Tuy nhiên, nhìn vào gương Thánh Gia, chúng ta thấy rằng nghèo khổ không đương nhiên gây nên bất hạnh và đổ vỡ cho gia đình. Tỷ lệ những đổ vỡ của các gia đình tại các nước công nghiệp tiên tiến là bằng chứng cho thấy giầu có chưa hẳn đã là một bảo đảm cho hạnh phúc gia đình.

Không những trải qua cảnh nghèo, Thánh Gia còn phải đương đầu với bạo chúa Hêrôđê nữa. Ngày nay, các gia đình cũng phải đương đầu với nhiều thứ bạo chúa, như các phương tiện truyền thông quảng bá lối sống đồi phong bại tục nhằm lung lạc và đầu độc giới trẻ, hoặc những luật pháp áp đặt những luật lệ nhằm phá đổ chính nền tảng thánh thiêng của gia đình, chẳng hạn luật cho phép phá thai, ly dị…

Thánh Gia đã vượt qua được sóng gió nhờ niềm tin vững chắc vào sự hiện diện của Chúa trong gia đình. Đó cũng là bí quyết mà Giáo Hội đề ra cho chúng ta khi mời gọi chúng ta chiêm ngắm Thánh Gia. Lấy sự hiện diện của Chúa Giêsu làm nền tảng vững chắc cho gia đình chính là mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu, tha thứ cho nhau; lấy sự hiện diện của Chúa Giêsu làm nền tảng vững chắc cho gia đình chính là lấy sự cầu nguyện trong gia đình làm mối giây liên kết mọi người: một gia đình cầu nguyện chung với nhau là một gia đình đứng vững, và đó là điều chúng ta phải cầu xin cho nhau.


(tinmung.net)

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

từ internet

"Ưu tiên chọn lựa người nghèo" - Băn khoăn và hy vọng

        Người nghèo trong truyền thống Kitô giáo 
            Người nghèo, hiểu theo nghĩa người thiếu thốn về vật chất và tinh thần; người đau khổ vì bệnh tật, hoạn nạn; người bị bóc lột, áp bức, tù đày; người bị ruồng bỏ, loại trừ, cô thân cô thế trong xã hội…được nói đến trong Cựu và Tân ước, trong nhiều văn bản của các Đức Giáo hoàng, của Giáo Hội.
            Nhưng, phải đến sau Công đồng Vatican II, tại châu Mỹ Latin, một khuynh hướng thần học mục vụ dành ưu tiên cho những người “nghèo” trong xã hội mới hình thành. Khuynh hướng này được Đại hội các Giám mục của châu Mỹ Latin, lần III, tại Puebla, năm 1979 công nhận và khai triển thành nguyên tắc “Ưu tiên chọn lựa người nghèo”.
            Thật vậy,
            Trong cựu ước,
            Thiên Chúa được ca ngợi là Đấng nuôi dưỡng cô nhi, bênh đỡ quả phụ, giải phóng người bị tù đày, xử phạt quân phản nghịch…(Tv 68,6-7; 103,6; 145,14; 146,6-9); là Đấng bảo vệ và bênh vực người nghèo, lên án tình trạng bất công xã hội, và đưa ra các biện pháp để bảo vệ  quyền lợi của người nghèo (Đnl 24,19-22; 23,25-26).
            Sách Đệ nhị luật ghi rõ những quy tắc để bảo vệ người nghèo, như định kỳ bảy năm, năm mươi năm được tha nợ, xóa nợ…(Dnl 15,1-2); (Lv 25,10); không được bóc lột người làm thuê nghèo, chủ thuê phải trả tiền công cho họ trước khi mặt trời lặn vì họ nghèo khổ cần tiền để sống (Đnl 24,14-15); (Lv 19,13).
            Lễ nghi phụng tự có vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đoàn Dân Chúa thời Cưu ước, nhưng lễ tế chỉ được Thiên Chúa chấp nhận khi người tế lễ phải sống đạo hạnh, công bằng và tình liên đới (Amos 5,21-24), phải làm điều thiện, kiếm lẽ công bằng, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ (Is 1,13-17), và…mở xiềng xích, tháo gông cùm, trả tự do cho người áp bức…chia cơm cho người đói, rước vào nhà người nghèo không nơi trú ngụ, cho người trần áo che thân…” (Is 58,6-7).
            Ước mơ của Cựu Ước là “làm sao không còn người nghèo khổ trong lòng dân tộc được tuyển chọn” (Đnl 15,4), chính vì vậy mà luật lệ thời này nhằm vào việc bảo vệ quyền lợi của người bé mọn, nghèo hèn.
           trong Tân ước,
           Đức Giêsu Kitô tiếp nối và kiện toàn chương trình cứu độ của Thiên Chúa, nhưng nét độc đáo của Đức Kitô là đã liên kết tính phổ quát của tình yêu Thiên Chúa với việc ưu tiên chọn lựa dành cho người bị thua thiệt. Nhờ Đức Kitô và qua sứ vụ của Người, Thiên Chúa hiện diện với con người.
           Thánh sử Luca (Lc 4,16-19) ghi lại việc Đức Giêsu tuyên bố sứ mạng của Người với mọi người hiện diện lúc bấy giờ, qua lời tiên tri Isaia rằng, “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Is 61, 1-2). Và qua câu trả lời các môn đệ của Gioan tiền hô khi họ hỏi Ngài có phải là Đấng thiên sai không, “Các anh về thuật lại cho Gioan những gì mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què đi được, người phong cùi được lành sạch, người điếc nghe được, kẻ chết sống lại, người nghèo được nghe Tin Mừng” Đức Giêsu muốn khẳng định, Ngài là con Thiên Chúa, là Đấng thiên sai, vì dấu chỉ hiển nhiên của Đấng thiên sai là hành động lựa chọn đứng về phía người nghèo khổ, bé mọn, tật nguyền, xấu số…(Mt 11,4-5).
           Suốt ba năm ngược xuôi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu luôn đồng hành và gần gũi với những người nghèo khổ, Người tự đồng hoá với họ. Những gì chúng ta làm cho họ là làm cho chính Người. Những gì chúng ta không làm cho một trong những người bé mọn nhất của nhân loại khổ đau này là đã không làm cho chính bản thân Người (Mt 25,34-36).    
           và trong các văn kiện của các Đức Giáo hoàng, của Giáo Hội.         
           Một tháng trước khi khai mạc Công đồng Vatican II, trong diễn văn ngày 11-9-1962, ĐGH Gioan XXIII đã đưa ra đề tài “Giáo hội của những người nghèo”. Nhưng đề tài này lúc đó, chưa trở thành chủ đề chính của Công đồng Vatican II vì với các Giáo hội phương Tây lúc ấy, hai chủ đề “Hiệp nhất giữa các Kitô hữu” và “Đối thoại với thế giới hôm nay” là chính yếu và được đưa vào Công đồng Vatican II thảo luận.
           “Giáo hội của những người nghèo”, được xem là thứ yếu trong Công đồng Vatican II, thì năm 1968, Đại hội các Giám mục của châu Mỹ Latin tại thành phố Medellin (nước Colombia), một lục địa nghèo đói và có nhiều bất công lại trở thành đề tài chính: “Giáo hội tại châu Mỹ Latin”.
           Giáo hội xem những vấn đề của những người nghèo là những vấn đề của giáo hội. Giáo hội có nhiệm vụ nói thay cho những người nghèo vì họ thường là nạn nhân của bất công, bạo lực.
           Một khuynh hướng thần học mục vụ dành ưu tiên cho những người bị thua thiệt trong xã hội đã được phát triển tại châu Mỹ Latin. Sau này, như nói trên được công nhận và khai triển thành nguyên tắc “Ưu tiên chọn lựa người nghèo”, một trong những nguyên tắc nền tảng của Giáo huấn Xã hội Công giáo.
           Vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội nói về người nghèo về điều kiện lầm than của những người nghèo trong hoàn cảnh xã hội thay đổi vì tiến trình kỹ nghệ hoá, đó là Đức Giáo Hoàng Lêô XIII qua thông điệp Rerum Novarum - Tân sự, 1981.
           105 năm sau kể từ Thông điệp Rerum Novarum, Bộ Giáo lý Đức tin qua Huấn thị Libertatis Conscientis - Tự do Lương tâm, 1986 (Triều đại Giáo hoàng Gioan Phaolô II), số 86, nói, “sự khốn cùng của con người xuất hiện dưới nhiều hình thức: thiếu thốn vật chất, bất công và đàn áp, bệnh hoạn thể xác và tâm thần, cuối cùng là cái chết…vì thế Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương mang lấy thân phận khốn cùng ấy, tự đồng hoá với người bé mọn nhất. ...Giáo hội thể hiện Ưu tiên chọn lựa người nghèo bằng nâng đỡ, bảo vệ và đem lại hạnh phúc cho họ qua vô số những công tác từ thiện”.
           Sau đó một năm, năm 1987, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II,
            - trong Thông điệp Sollicitudo rei Socialis - Quan tâm đến vấn đề xã hội, số 42...Không thể quên sự hiện hữu của thực tại (tình trạng nghèo khổ) này. Phủ nhận nó có nghĩa là chúng ta tự đồng hoá với “người giàu có yến tiệc linh đình”, làm ngơ không biết đến người hành khất Lazarô đang nằm trước cửa.
            - Cùng năm ấy, Ngài ban hành Thông điệp Mẹ Đấng Cứu thế - Redemtoris Mater, khẳng định tình thương ưu tiên dành cho người nghèo được ghi lại cách tuyệt diệu trong kinh Magnificat của Đức Maria. Thiên Chúa của giao ước mà Mẹ ca ngợi là Đấng: “giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay không” (Lc 1,51-53),
          - Và trong Bách Chu Niên - Centesimus Annus, 1991, số 57, Ngài giải thích rõ “Ưu tiên chọn lựa người nghèo” là một chọn lựa không mang tính chất loại trừ và phân biệt đối xử với các nhóm khác. Đây là một chọn lựa không chỉ giới hạn nơi cái nghèo vật chất mà còn nghèo về văn hoá, tôn giáo, bất chấp sự phát triển kỹ thuật và kinh tế (số 57).
          - Năm 1999, trong Tông huấn Ecclesia in Asia - Giáo hội tại Á châu, ở số 34, Đức Giáo hoàng Gioan Phao lô II viết, Á châu, một lục địa có tài nguyên phong phú, có nền văn minh cổ đại, là quê hương của các tôn giáo lớn trên thế giới. Nhưng là vùng đất của bất công, nghèo đói, vi phạm nhân quyền, …Vì thế, vấn đề ưu tiên chọn lựa người nghèo tại châu Á là cấp thiết. Theo các Nghị phụ của Thượng Hội đồng Giám mục Á châu: Khi tìm cách thăng tiến nhân phẩm, Giáo hội ưu tiên chọn lựa người nghèo và những người không có tiếng nói, vì giáo hội theo Chúa Giêsu, Đấng đã đồng hoá với những người này một cách đặc biệt. Tình yêu không loại trừ một ai nhưng cần ưu tiên cho những người nghèo (Mt 25,40).
           Đức đương kim Giáo Hoàng Bênêđictô XVI,
          - trong Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu - Deus Caritas est, 2005, số 15, nhắc nhở chúng ta rằng, Loan báo Tin Mừng đi đôi với hành động thăng tiến nhân bản và cuộc giải phóng đích thực theo Kitô giáo. Kính Chúa, yêu người quyện hoà với nhau: trong những người nghèo hèn nhất, chúng ta gặp được chính chúa Giêsu, và trong Chúa Giêsu, chúng ta gặp được chính Thiên Chúa.
          - Trong diễn văn trước Hội đồng Giám mục Brazil, tại Vương Cung Thánh đường São Paulo, ngày 11-5-2007, ĐGH Benêđictô XVI nhắc nhỡ các Giám mục, Loan báo Tin Mừng phải là một trọng điểm của mọi chương trình mục vụ trong tương lai tại đây, … trong những nỗ lực loan báo Tin Mừng, không bao giờ lãng quên người nghèo khổ. Ngài nhấn mạnh, như đã nói trong Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, Giáo hội không được lãng quên các công tác bác ái, từ thiện, cũng như giáo hội không được lãng quên các Bí tích và Lời Chúa.
          - Trong diễn văn khai mạc Đại Hội Giám mục Châu Mỹ Latin lần V, tại Brazil, ngày 13-5-2007, Ngài khai triển chủ đề của Đại hội: “Trở nên môn đệ và thừa sai của Đức Giêsu Kitô để, trong Người, các dân tộc chúng ta được sống dồi dào” khi đề cập đến chỗ đứng của những người cùng khổ trong cộng đồng Dân Chúa và mong rằng rao giảng Tin Mừng phải đi đôi với hành động thăng tiến con người
           Sách Tóm lược Giáo huấn Xã hội Công giáo, số 184, Giáo hội yêu những người nghèo vì tình yêu này bắt nguồn từ Tin Mừng của bát phúc, từ nếp sống nghèo của Đức Giêsu và sự ân cần của Người đối với người nghèo…” (số 184).
            Như vậy, truyền thống đứng về phía người nghèo, nói thay tiếng nói của người nghèo, bênh vực và giúp đỡ họ, qua các huấn giáo của giáo hội tiếp tục đến ngày nay.  
            Những điều băn khoăn
            Thế nhưng, nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của xã hội loài người, chúng ta dễ nhận ra nguyên nhân của “cảnh nghèo”, “người nghèo” là do ở chế độ xã hội và phương thức quản lý xã hội của chế độ ấy. Ước mơ về “một xã hội công bằng, trong đó mọi người ấm no hạnh phúc, …” có thành hiện thực không, bởi vẫn còn đó chế độ xã hội này hay chế độ xã hội khác - căn nguyên của “cảnh nghèo”, “người nghèo” ? Và liệu rằng những cố gắng của Giáo Hội có được con người đáp ứng không, vì với bản tính ích kỷ, trọng chuộng tiền bạc, vật chất, … trong xã hội đang trên đường tục hóa, có chăng một người nào đó sẵn sàng từ bỏ lợi ích của mình cho người khác, thậm chí cho người nghèo ? …
            Hy vọng          
            Giáo hội hiện diện và đồng hành với xã hội, nhưng Giáo Hội không phê phán, chỉ trích một chế độ xã hội nào, bởi vốn dĩ không một chế độ xã hội nào hoàn hảo, mà với thiện tâm hợp tác với nhà cầm quyền, với mọi tổ chức, với các tôn giáo, với mọi người trong xã hội, dưới ánh sáng Tin Mừng tìm kiếm những phương thế hữu hiệu nhằm thăng tiến xã hội và con người, đặc biệt những người nghèo.
            Khi xét riêng từng vấn đề mà Giáo huấn xã hội Công giáo đề cập đến như Nhân vị, Công ích, Liên đới, Bổ trợ, … Ưu tiên chọn lựa người nghèo chẳng hạn, chúng ta dễ có tâm trạng hoài nghi, bế tắc nhưng đặt mỗi vấn đề trong tương quan với những vấn đề khác chúng ta sẽ nhận ra rằng Giáo huấn Xã hội Công giáo là kim chỉ nam để mỗi người, cùng với Giáo Hội nỗ lực góp phần xây dựng cộng đồng nhân loại ngày một tốt đẹp, trong đó mỗi người sống đúng với phẩm giá cao trọng là con cái Chúa.
            Hát mừng Chúa đến với nhân loại trong thân phận nghèo hèn ở Mùa Giáng Sinh 2012, hòa trong niềm vui chào đón Năm Mới 2013, xin mượn những lời đầu trong Sứ điệp của Đức Thánh Cha Benêđictô nhân ngày Hòa Bình Thế Giới 01-01-2013 để kết thúc những băn khoăn này, Năm mới luôn mang lại cho chúng ta niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn. Trong ánh sáng này, tôi nguyện xin Thiên Chúa là Cha của nhân loại, ban cho tất cả chúng ta sự hoà thuận và bình an để những khao khát của chúng ta về một đời sống hạnh phúc và thịnh vượng, có thể được thành tựu”.
Tôma Hoàng Kim Khánh
Thư ký Ban CL&HB Huế
    ---------------------------------------------------------------
     Trích nguồn.
     - Linh mục Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang, Tài liệu Giáo lý Công Giáo cho Sinh viên Công Giáo tại Huế niên khoá 2011-2012, Bài Ưu tiên chọn lựa người nghèo tr 79-87.
     - Gm Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Một Cái Nhìn Về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, NXB Phương Đông, 2010, tr 201-216.

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Giầu Nghèo...

Bái Phục, Bái Phục !!! với câu trả lời của Bác PHT
Hoàn toàn toàn tâm, toàn ý với câu giả nhời của Bác.
"Hướng người giáo dân theo một hướng khác, tôi nhận định đấy là hành động không đúng chủ nghĩa đạo giáo " (PHT)

Bác PHT ơi,

Tớ rất tâm phục khẩu phục và kính phục con đường Kính Chúa, Yêu Người của Bác.
Cầu chúc Bác an mạnh và thăng tiến. Nước Trời với Bác không còn xa lắm đâu !!
Chỉ xin được góp vài ý thô thiển làm sáng lên cái thiện ý cao vời của Bác.

Đó là Tự Do.

Là người Công Giáo, chắc trong chúng ta ai cũng phải cố sống " trong Tinh Thần và Chân lý" nói rộng ra là những gì thuộc về Thiên Chúa, hay trong ánh sáng của Thiên Chúa, gần chừng nào tốt chừng đó. Bên cạnh đó, Chúa còn ban cho con nguời Tựdo, cái Tự do quyết định cho chính cuộc sống của mình.

Hồi nhỏ coi cuốn phim của Charlot, "City Lights", (hình như trong Tiểu CV !!!) tuy là phim câm, nhưng đến cái đoạn Ông nhà giầu tự tử, Charlot khi can ngăn đã nói Be brave !!!, face life!! ( bằng chữ trên màn hình !!! chứ hồi đó nghe sao nổi !!??)

Trong khi bao nhiêu con người đang cố để sống , thì lại có nguời đòi chết !!

Nhưng đó là Tự Do !!

Trong ngày Truyền Tin, nếu giả sử Đức Mẹ không hiểu sao, say " No "thì giờ đây thế giới này sẽ ra sao ?? Chắc là trên các đường phố từ Melboune của Bác PHT, đến tháp Eiffel của Bác T Thắng sẽ tràn ngập các thập giá, bà con tha hồ đóng đinh nhau, thoải mái, muốn đóng ai thì đóng, không ai cản. Rồi, thì... Lưỡi cầy thành đao kiếm, và nhà tù tràn ngập các người đạo đức, lương thiện....

Chúa cũng phải bó tay...

Nhưng đó là Tự Do !!

Bên Mỹ này, có những người giàu rất bủn xỉn, nhưng cũng có những người giàu sẵn sàng cho đi nửa phần gia sản của mình !!! Có những giáo dân nghèo đóng góp cho nhà thờ 1/10 lương tháng của mình, đều đều như vậy, nhưng cũng có những chức sắc áo dài tua rộng huênh hoang khoác lác, ăn hiếp kẻ cô thế, nhưng túi tiền thì giữ chặt !!!

Nhưng đó là Tự Do !!

Tuy giờ này, chúng ta không phải là Linh Mục, nhưng chẳng ai cấm mình sống lý tưởng LM !!

Và đó là Tự Do !!

Bởi vậy, các Sư Huynh đừng lo chi. Những người đã lên đến chức Đại Gia rồi, thì họ cũng biết đường vào nước Trời !! Cách nào đó, không biết ??? Và chắc họ sẽ tới !! Cầu mong họ sẽ tới.

Vì, cái Tự Do này, xét cho cùng, cũng không có gì là khó, nếu xét theo ĐHY Thuận:

"Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ thẳng,
Sống mỗi phút cho đẹp, đời sẽ thánh "

Và sau cùng, làm gì thì làm, Chúa sẽ thông biết mọi sự. Amen.

Chúc các Bác thân tâm trường an lạc, mạnh khỏe.

Nay kính

An758

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Giau & NGHÈO

Thưa bác Bùi và các bác,

Câu hỏi ngắn của bác làm tôi tốn đến 21 ơ-rô cho 3 ly cà phê khi ngẩm nghĩ về câu hỏi nầy. Nhất định tôi không có tánh "ta đây", nhưng nhớ lại mẫu chuyện nhỏ ngày xưa, trong một lần ngồi chờ nhân viên tiệm thuốc pha trộn liều thuốc xức lác, tôi may mắn được ông thầy người Hoa kéo vào phía phòng bên trong, nhỏ vào tai câu ngắn gọn nầy: "muốn tiến đến sự thông minh thì phải lộ cái ngu dốt của mình ra", xem như đây là lý do tôi có vài hàng đáp lại câu hỏi của bác.

Tôi lâu nay cứ nghĩ, trong lớp 68, mười thì đến hết chín thuộc loại nhà giàu, thế mới chết! Thế nhưng, câu xem ra như viết chơi nầy, nhưng đích thực là quá tầm cỡ: "Người có 1 triệu USD ở Việt Nam được gắn cho đẳng cấp Đại gia, ở xứ Huê Kỳ thì được xem là người thành công, sang đến kinh thành ánh sáng thì chỉ vỏn vẹn mang đẳng cấp thường dân", vậy xin tạm mượn ngôn ngữ của bác cho câu hỏi nầy, ông bạn đang xem xét bụi tre từ ở góc cạnh nào?

Kinh thánh nhiều lần viết đến "sự từ bỏ" tất cả khi muốn "theo chân Chúa". Câu quen thuộc và thấm nhuần vào lòng mỗi người Công giáo lại bị vô tình hoặc hữu tình hướng người nghe suy về một lối khác. Tạm ngưng và nhường sự diễn giải câu nói "follow me" của Chúa Giê-su cho các bậc chân tu. Đây xin đáp câu hỏi "có dám thực hành", theo suy nghĩ riêng tư, câu nầy có nguồn gốc nhất định là từ các cuộc vận động gì đó, quá hăng say nhiệm vụ nên dùng câu từ Kinh Thánh hầu đạt đến mục đích của mình, theo tôi, nếu dùng câu nầy vào mục đích trên thì chỉ được điểm C phiên dịch của giáo sư nhà mình.

Cốt lỏi đạo Công giáo nằm trong 10 điều răn và chỉ thu lại về 2 điều chính: "KÍNH CHÚA và YÊU NGƯỜI". Hướng người giáo dân theo một hướng khác, tôi nhận định đấy là hành động không đúng chủ nghĩa đạo giáo.

Nay kính,

PHT

LỜI CHÚA LỄ GIÁNG SINH - THÁNH LỄ BAN NGÀY (Ga 1, 1-18)


Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

LỜI CHÚA LỄ GIÁNG SINH - THÁNH LỄ RẠNG ĐÔNG (Lc 2, 15-20)



Re: MỪNG CHÚA GIÁNG SINH

Qui Ban va gia dinh exluro 68,

Cau chuc cho tat ca mot mua Giang Sinh thanh thien, vui tuoi va mot nam moi an khang, nhu y.

Hoa va gia dinh





Nghèo và giầu.

Thưa các bạn.

Chúa đã dược sinh ra trong cảnh nghèo hèn, Chúa sống như người nghèo và sống cho người nghèo.... Vậy liệu những người Công Giáo giầu có, có dám thực hành theo gương Chúa đã làm không ? Có đến 1%  người Công giáo giầu có dám thực hành không ? Xin ai đó trả lời cho tôi xóa đi cái mặc cảm mãn tính của tôi với.

Hữu Thắng

 

MỪNG CHÚA GIÁNG SINH VÀ NĂM MỚI 2013


Thân chào gia đình Ex68 
(Ex, Exa, Exo, Exu)

Mến chúc 
các bạn và gia đình
Giáng Sinh An Lành - Năm Mới An Khang 
trong Tình Yêu Chúa

Gđ. Tuấn 813

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

LỜI CHÚA LỄ GIÁNG SINH - THÁNH LỄ ĐÊM (Lc 2, 1-14)


NGHÈO  
Góp nhặt
Nhìn vào cảnh đơn sơ, tiều tụy của hang đá, tôi muốn chia sẻ một vài ý nghĩ đơn sơ về sự nghèo khó.
 
Sống trong cuộc đời, nỗi bận tâm day dứt nhất của nhiều người, đó là kiếm tiền. Chúng ta tính toán, chúng ta đôn đáo chạy ngược, chạy xuôi, chúng ta sẵn sàng chịu đựng mọi vất vả miễn sao tìm cho được nhiều tiền lắm bạc. Nào là những giọt mồ hôi đổ xuống trên ruộng đồng cho cây lúa kết trái. Nào là những thùng nước đè nặng đôi vai gầy, tưới cho thửa hoa mầu được xanh tươi. Nào là những tiếng máy nổ chát chúa trong bầu khí nóng bức của xưởng thợ…Chúng ta vui vẻ chấp nhận để tìm kiếm những đồng tiền mà dường như mỗi lúc một trở nên khan hiếm.

Sở dĩ như vậy là vì ai cũng hiểu rõ những giá trị của đồng tiền. Phải, tiền bạc sẽ thỏa mãn những nhu cầu cần thiết:

- Có tiền mua tiên cũng được.
 
Tiền bạc tạo nên công lý:

- Nén bạc đâm toạc tờ giấy.

- Miệng nhà giàu có gang có thép.

Tiền bạc làm ra tình nghĩa:

- Thấy người sang bắt quàng làm họ.

- Bần cư chung thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm. Nghèo mà ở giữa chợ cũng chẳng ai hỏi. Còn giầu mà ở tận rừng núi cũng vẫn có người tìm đến.

Chính vì thế, chúng ta thường cầu chúc cho nhau tiền rừng bạc biển, đồng thời nai lưng ra để thực hiện cả ước vọng làm giầu. Cho dù đồng tiền có thế nào chăng nữa, thì chúng ta cũng vẫn cứ chất cho đầy túi:

- Hôi tanh chẳng thú vị gì,
Thế mà cũng lắm kẻ vì người yêu.

Hay như người ta thường nói:

- Tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân, là cán cân của công lý.

Trái lại, nghèo túng quả là một tai họa cần phải lẩn tránh, là một cái gì đáng nguyền rủa. Tối hôm qua, tôi đứng nói chuyện với một anh bạn trẻ, tôi hỏi:

- Thế nào, sắp sửa vợ con gì chưa? Bao giờ thì cho thiên hạ ăn cỗ đấy?

Anh mỉm cười trả lời:

- Nghèo rớt mùng tơi như con thì ai thèm mà lấy.

Mặc dù tôi biết đó chỉ là một câu nói vui, nhưng cũng phản ảnh được phần nào sự thật.

Trước hết, nghèo túng dễ làm cho người ta tạm quên cái nhân phẩm, để rồi chỉ biết giải quyết cho cái bao tử mà thôi, như tục ngữ đã bảo:

- Có thực mới vực được đạo.

- Bần cùng sinh đạo tặc.

- Đói ăn vụng, túng làm càn.

Nghèo túng còn giết chết những mộng ước cuộc đời và gieo vào tâm hồn chúng ta nỗi mặc cảm tự ti và thua sút. Vì căn nhà xiêu vẹo, chúng ta ngại không dám mời bạn bè tới chơi. Vì không có tiền, con em chúng ta đành phải bỏ dở việc học hành, cái khó bó cái khôn là vậy.

Và sau cùng, sự nghèo túng còn hủy diệt tình yêu, phá đổ hạnh phúc. Tôi có quen một gia đình. Thời gian đầu, ông chồng đi làm. Lương tháng hậu hĩnh. Bà vợ tươi cười và bầu khí trong gia đình rất thuận hòa và đầm ấm. Nhưng rồi sau đó, ông chồng bị thất nghiệp. Tiền bạc cạn dần. Từ đó, những xào xáo, cãi vã xảy ra cũng chỉ vì chuyện thiếu hụt tiền bạc. Ấy là chúng ta chưa nói đến những hoàn cảnh vì đồng tiền mà vợ chồng phải rã gánh, anh đường anh, tôi đi đường tôi, còn con cái thì lâm vào cảnh nheo nhóc.

Ngay như bè bạn cũng vậy. Tiền bạc nhiều khi đã trở nên cái thước để đo tình nghĩa:

- Khi vui thì vỗ tay vào,
Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai.

Đức cha Bùi Tuần đã viết:

- Nghèo đói sinh ra lo buồn. Lo buồn này kéo theo lo buồn khác, như một chiếc móc xích của một sợi dây dài, xiết chặt vào cuộc đời chúng ta. Nghèo đói như là một ngõ cụt, không một ai muốn bước chân vào đó, mà nếu có trót dại, có lầm lỡ bước vào thì rồi cũng cố thoát cho ra…

Thế mà nhìn vào hang đá Bêlem, chúng ta lại thấy Chúa đã chọn cảnh nghèo đói, đã mang thân phận của một kẻ túng thiếu. Bộ Chúa không biết hay sao: nghèo túng vừa vất vả nhọc nhằn, vừa đắng cay chua xót, vừa bị khinh miệt coi thường, vừa bị thiệt thòi đủ thứ. Vậy thì tại sao Chúa lại chọn cảnh nghèo túng như thế? Tại sao Chúa lại dại như vậy?

Nếu suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy rằng:

- Chỉ có Chúa là Đấng thánh thiện, là Đấng khôn ngoan, là Đấng yêu thương vô cùng mới dám dại như vậy. Việc Chúa chọn thân phận nghèo hèn, chính là một niềm an ủi lớn lao cho chúng ta.

Trước hết, với cuộc sống nghèo hèn, Chúa đã tích cực chia sẻ cuộc đời túng thiếu của chúng ta, bằng cách sống với người nghèo, sống trong cảnh nghèo, sống như người nghèo và sống cho người nghèo. Nhìn vào hang đá Bêlem, chúng ta nhận ra: Chúa còn nghèo hơn cả chúng ta, nhưng nhờ đó, chúng ta cảm thấy Chúa thật gần gũi với chúng ta, như một người bạn, như một người thân. Và chúng ta sẽ không còn cô đơn, sẽ không còn buồn tủi.

Hơn nữa, qua máng cỏ Bêlem, Chúa còn dạy cho chúng ta biết giá trị cao quý của đau khổ.

Thực vậy, nếu Chúa đã dùng đau khổ để cứu chuộc nhân loại, thì chúng ta cũng không thể đi con đường nào khác, ngoài con đường khổ đau. Cuộc đời chúng ta sẽ không thiếu vắng đau khổ, chỉ cần chúng ta biết chấp nhận, biết chịu đựng những đau khổ ấy với tâm tình mến Chúa. Và tình mến sẽ là như một cây đũa thần, biến những đau khổ tầm thường nhất trở thành những sợi chỉ vàng dệt nên tấm vải cuộc đời chúng ta, làm cho cuộc đời ấy có một giá trị to lớn trước mặt Chúa. Và như thế, những khổ đau nhỏ bé nhất cũng sẽ trở thành con đường dẫn chúng ta vào cõi sống vĩnh hằng.

Nghèo túng không thể nào kéo dài hơn cuộc sống trần gian. Nó chỉ là tạm thời, rồi sẽ qua đi. Nó không còn là nơi bất hạnh, nếu chúng ta biến nó thành phương tiện để làm giầu về phương diện thiêng liêng, nếu chúng ta xử dụng nó như chiếc chìa khóa để mở cửa thiên đàng. Và đó cũng chính là bài học mà Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ Bêlem đem lại cho chúng ta.
(tinmung.net) 

MỪNG CHÚA GIÁNG SINH



Các bạn Exluro68 thân mến,
Nguyện xin Ân Sủng, Bình An và Niềm Vui của Chúa Hài Đồng luôn ở cùng các bạn và gia đình trong Mùa Giáng Sinh và Năm Mới 2013 sắp đến.

Xin cầu cho nhau.

Khoan 789 & KimLoan

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C (Lc 1, 39-45)



TIN CÓ CHÚA Ở CÙNG

Lm Gioan M. Cao Vũ Nghi, CMC
Trại tù Humaita ở Ba Tây là một trại tù hơi khác thường. Công việc cai quản gần bốn trăm tù nhân thay vì được trao cho các nhân viên chính phủ, thì lại do một số Kitô hữu đã tình nguyện lãnh nhận công tác phục vụ những tù nhân này. Ngoài ra, còn một điều khác thường thứ hai và đáng kể hơn. Mỗi trại tù thường có phòng biệt giam để giam giữ những tội phạm ngang bướng. Tại trại Humaita, phòng biệt giam này ngày nay chỉ có một "tội phạm." Sau cánh cửa sắt, là một bàn thờ, với hoa tươi, một tượng Thập Giá, và một biểu ngữ: "Estamos juntos" (chúng ta cùng có nhau).

Người "tội phạm" biệt giam đây chính là Chúa Giêsu, và cây thánh giá của Người là một nhắc nhở hùng hồn cho mọi tù nhân rằng Chúa Giêsu đã chịu án tù cho mọi người và Người vẫn luôn ở đó với họ. Vì nhận ra tình Chúa yêu thương họ mà các tội phạm tại Humaita đã chấp nhận được cảnh tù đầy của họ.

Hai ngàn năm trước đây, khi Mẹ Maria đến thăm bà chị họ Isave, bà này đã chúc khen Đức Mẹ vì Đức Mẹ đã tin rằng những điều Chúa hứa sẽ được thực hiện. Đọc trong Thánh Kinh, Đức Mẹ biết Thiên Chúa hứa sẽ ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại. Khi Tổng thần Gabrien đem tin mừng đến cho Đức Mẹ, với niềm tin vững vàng vào lời Chúa, Mẹ đã thưa lên lời xin vâng: "Này tôi là tớ nữ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền" (Lk 1:38). Với niềm tin này của Mẹ Maria, Chúa đã nhập thể làm người để cứu nhân loại thoát khỏi gánh nặng của tội lỗi. Chúng ta đang gần kề giây phút mừng kỷ niệm ngày Chúa đến trong Đại Năm Thánh Cứu Độ. Nhưng trong khi cùng với toàn thể nhân loại hân hoan mừng ngày rất thánh này, chúng ta cần dừng lại để tự hỏi mình xem Chúa Kitô đã đến ngự trị trong lòng tôi chưa?

Đêm Giáng Sinh thường được gọi là đêm an bình. Chúa Giêsu, Vua Bình An, đã đến để ban lại cho nhân loại sự bình an hạnh phúc mà nguyên tổ đã đánh mất. Nhưng tôi đã được hưởng sự bình an đó chưa? Hay là lương tâm vẫn còn bị đè nặng bởi tội lỗi, bởi những bất công, hận thù, chia rẽ... Nếu vậy, thì ích gì cho tôi, nếu Chúa đến trần gian để ở với con người, để cứu độ con người, và để ban bình an cho mọi người, nhưng riêng tôi lại không được dự phần?

Khi có Chúa ở cùng, có thể là Chúa sẽ không cất đi mọi đau khổ chúng ta đang gặp phải trong cuộc sống. Điều Chúa hứa là Người sẽ ban cho chúng ta được sự bình an trong tâm hồn, sẽ chúc phúc, và sẽ ở bên chúng ta để phù trì chúng ta trong mọi giây phút của cuộc đời. Khi sinh ra trong cảnh bần cùng, sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó, và sau cùng chết khổ nhục trên thập tự giá, phải chăng là Chúa muốn nói trong bất cứ cảnh huống nào của cuộc đời, Chúa luôn ở bên để chia sẻ kiếp sống làm người với chúng ta. Điều quan hệ là chúng ta có dám tin là Chúa đang hiện diện trong cuộc đời của mình không? Có dám tin là Chúa có đủ quyền năng để cứu chuộc chúng ta, và sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi cảnh cùng quẫn mà chúng ta đang gặp phải hay không? Nếu có được niềm tin đó, thì cũng như những tù nhân tại Humaita, cho dù chúng ta vẫn còn bị giam hãm bởi những bất công trong xã hội, những hận thù ghen ghét, chúng ta vẫn tìm được sự bình an trong tâm hồn.

Vậy trong những giây phút còn lại trước giờ phút hồng phúc của đêm nay, chúng ta hãy xin Đức Mẹ ban cho chúng ta lòng tin của Đức Mẹ. Chúng ta hãy xin Đức Mẹ chuẩn bị tâm hồn chúng ta để đón tiếp Chúa đến với tâm hồn mình. Mẹ Maria có phúc vì đã tin lời Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế sẽ được thực hiện, và như lời Tổng thần Gabrien, Mẹ có phúc vì Mẹ có Chúa ở cùng Mẹ. Xin Mẹ ban cho chúng ta cũng có được niềm tin đó, để chúng ta cũng được tiếp rước Chúa đến với tâm hồn chúng ta. Có vậy, chúng ta mới cảm nghiệm được đêm Giáng Sinh thực sự là Đêm Bình An. 

(tinmung.net)

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH



Văn phòng giao dịch: 04 Hoàng Văn Thụ, Phường 09, Quận Phú Nhuận
Tel: (84-8) 3 995 0225  -  Fax: (84-8) 3 995 0307

Re: Chào tái ngộ

Hi Ex Alpha
Cần lưu ý những anh có thông gia nên mặc đồ "quyết chí"
Chứ tay vo như phó thường dân tụi tui coi không chuẩn.
Ex 772

Chào tái ngộ

Chào tái ngộ anh em,
Ex tôi phải nói là rất vui mừng được gặp lại anh em ở đây, sau cái ngày mà mọi lời đồn đoán về tận thế là sai bét. Có tin rằng 20 nghìn người Mexico đổ xô vào đền thờ Maya để trú tận thế nhưng lại .... mua vé khứ hồi..*tin trên BBC. Thôi thì chuyện đã thuộc về quá khứ, trước mắt là phải lên kế hoạch cho những này cuối của năm 2012 này.

Thưa anh em, ex tôi đang phụ trách phần hình ảnh nhất là hình xưa của lớp mình cho kỷ yếu 150 năm Chủng Viện Sài Gòn. Vậy kính xin anh em có được những hình sinh hoạt của lớp ngày xưa thì gởi về cho ex tôi qua dạng file jpeg hay cho mượn hình ảnh thật (xin hứa sẽ trả lại).


Và đây là hình lớp 68 mới làm xong, bản nháp, sẽ đưa vào kỷ yếu 150 năm, những hình đẹp nhất được lấy trong bộ sưu tập của ex tôi, nếu anh em nào chưa ưng ý muốn đổi xin vui lòng gởi file ảnh cho tôi trước ngày 01/01/2013.
Và cuối cùng , xin ơn bình an của Chúa Hài Đồng xuống tràn đầy trên anh chị em và các cháu của chúng ta nhân mùa Giáng Sinh này. Amen.

Thân ái,
Ánh 757

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Noel

 Các exs 68 thân mến ;



Thân chúc các bạn và gia đình 1 mùa giáng sinh nhiều hạnh phúc , thật đầy tràn hồng ân của Thiên Chúa trong những ngày tháng sắp tới .

Toàn Thắng

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Re: tĩnh tâm mùa vọng

Thưa anh em
Cám ơn ex Alpha đã vừa xay bột vừa bồng em.
PHT tuần này cũng lo tận thế nên chưa gửi bài ...
Cám ơn tất cả các bạn đã đi dự tĩnh tâm.
Mình tin là lời cầu nguyện của anh em có giá trị hiệp thông
Ex Chung 765 đã mời cha làm phép nhà mới ở Cần Thơ rồi. Xin chung vui với bạn mình.
Ex Khải 787 đã ổn định. Sau khi mỗ nội soi để thắt các tĩnh mạch bị dãn ( có nguy cơ "bục bể" cao) nay đã ổn định. Tuy nhiên Ex Khải 787 vẫn nằm một chỗ và uống sữa thôi. Chưa được ăn cháo vì sau khi mổ chưa đi vệ sinh nên bác sỹ vẫn sợ nhiễm trùng.
Hiện tại Ex Đức 777 cũng phải nằm một chỗ trong 4 tuần nữa vì dây chằng sau gối đứt hết cho nên bác sỹ bó bột cố định. Hiện nay bạn mình nằm 1 chỗ cũng chưa yên vì còn đau nhức lắm.
Sáng nay bà già mình lên Sài Gòn du ngoạn. Bà nhất định đòi đi thăm mấy bà già khác: con cháu chở bà đi về gần tới nhà thì bị xe máy tông xụi lơ luôn. Bà bị gẫy 2 răng cưa , sưng mặt mày kể cả vết mổ đầu năm xưa. Thế mà tạ ơn Chúa sau khi chụp X quang và CT thấy bình thường bệnh viện cho về nhà. Bà dự tính 1 -2 hôm mới về bây giờ bị tai nạn nằng nặc đòi về Bảo Lộc ngay sợ ở lại phiền con cháu. Ôi bây giờ mình cũng lão rồi đi xe không còn phản ứng nhanh nhạy nữa mà cung cách giao thông ở VN ngày càng hỗn loạn hơn. Cha cha, nếu tận thế đến mà VN có 1 núi như Pháp Quốc, thì dân ta dẫm đạp lên nhau để vào thiên đường không biết lúc nào mới ngưng.
Cầu chúc anh em quốc nội ngủ ngon, các Ex USA 1 chủ nhật tươi hồng
EX 772


Re: tĩnh tâm mùa vọng

Thưa anh em,

Sáng nay về dự tĩnh tâm mùa vọng 2012 có đông đảo anh chị em, con cháu các lớp. Lớp 68 có Ánh, gia đình Cảnh, gia đình Công. Trước khi lên phòng tĩnh tâm, anh Trí Dũng đã giới thiệu Đức Cha Trâm lớp 53 với các anh em có mặt tại sân bóng chuyền ngày xưa.

Trong tình hình còn mấy ngày nữa là tận thế (ấy là tôi nói theo lời đồn đoán gần đây), bên Pháp thì tuôn về vùng có quả núi mà người ta tin là chui vào đó thì sẽ thoát, bên Mỹ thì đóng thuyền kiểu như ông Noe ngày xưa tránh đại hồng thủy hay xây hầm trú ẩn kiên cố, không biết bên Úc người ta làm gì hả PHT, còn ở VN thì đi mua tích trữ mì gói, nước và nến (tối 3 ngày 3 đêm) bắt tội các cha làm phép đến mỏi cả tay. Tôi thì chọn cách đi tĩnh tâm để đón Chúa đến cho chắc.

Tôi thì trí nhớ kém chẳng được như Dũng Ruồi, cha giảng xong thì nó chui từ tai này sang tai kia đi đâu mất, chỉ nhớ đại ý là: Năm Đức tin, cha giảng về Đức tin với câu của thánh Giacobe : Đức tin không có việc làm là đức tin chết", ma quỷ nó cũng tin chứ, nhưng nó không làm theo điều nó tin, vậy mình phải làm theo những điều mình tin để đừng giống nó. Cái hay của cha giảng tĩnh tâm là có máy trình chiếu và ví dụ về điện làm ví dụ rất thực tế, (rất may là các cháu lên phụ với cha không ai bị điện giật cả). Vợ chồng ex Công ngồi dưới xanh máu mặt vì cô con gái út tình nguyện làm thí nghiệm.
Sau giảng là giờ sám hối và hòa giải.

Thánh lễ thứ ba mùa vọng, không có áo lễ hồng, cha mặc tạm áo tím. "Có tiếng kêu trong hoang địa, hãy dọn đường ..." là ý chính trong bài phúc âm.

Sau lễ anh Hà (lớp 62) trong BBT kỷ yếu lên cho biết tình hình bài vở cho kỷ yếu, đã có 2 TGM (Đc Tốt, Đc Nhơn), 5 GM, các cha giáo đã viết bài cho kỷ yếu, nếu các bạn còn bài thì cứ nộp.

Anh em ra về lúc 12 giờ.

Tạm biệt, hẹn sau ngày 21/12/2012 nếu.... he he..
Thân,
Ánh 757

PS: tớ đã gởi đường link xem hình cho anh em rồi đó nhá.

chuong pham đã chia sẻ album với bạn.

Bạn được mời xem album ảnh của chuong pham: Ngày 16 tháng 12 năm 2012
Ngày 16 tháng 12 năm 2012
6 Cường Để, SàiGòn -
16-12-2012
bởi chuong pham
Tĩnh tâm Mùa Vọng 2012 tại Trung Tâm Mục Vụ SàiGòn, giảng tĩnh tâm : Linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, lớp 71
Nếu bạn không xem được email này, hãy sao chép và dán liên kết sau vào trình duyệt của bạn:
https://picasaweb.google.com/lh/sredir?uname=103296902864912083961&target=ALBUM&id=5822478848695761425&authkey=Gv1sRgCKm9i6zX2KHrJg&invite=CJm52dYE&feat=email
Để chia sẻ ảnh của bạn hoặc nhận thông báo khi bạn bè của bạn chia sẻ ảnh, hãy đăng ký tài khoản Album Web Picasa miễn phí của riêng bạn.

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C (Lc 3, 10-18)



TỈNH THỨC ĐÍCH THỰC  
R. Veritas
Trong kho tàng truyện các Thánh ẩn tu trong sa mạc vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo có một câu chuyện như sau:

Có một ông vua vừa mới lên ngôi. Ông muốn vào sa mạc để gặp gỡ các vị ẩn tu để học hỏi về sự nhân đức của các ngài. Nhà vua ra lệnh cho đoàn tùy tùng đứng ở xa, chỉ có một mình ông đến gần túp lều của một vị ẩn tu, ông gỡ vương miện cất vào trong người rồi rón rén đến gõ vào túp lều của vị ẩn tu. Vừa mở cửa, vị ẩn tu biết ngay người trước mặt mình là kẻ nắm quyền sinh sát trong tay, nhưng nhà tu hành làm như mình không biết nhà vua là ai. Ngài đón tiếp như bất cứ một vị khách nào đến thăm và vấn kiến. Nhà vua hỏi thăm sức khỏe của các tu sĩ trong tu viện. Vị ẩn tu trả lời như sau:

- Tất cả đều cầu nguyện cho sức khỏe của anh.

Nhà vua nhìn chung quanh túp lều không thấy có bất cứ một thứ của cải nào ngoài một cái giỏ đựng một ít bánh mì khô. Vị ẩn tu nói như ra lịnh:

- Mời anh ăn.

Nói xong, ngài cầm bánh nhúng vào nước lã, chế lên một ít dầu và muối rồi trao cho nhà vua. Vị ẩn tu cũng mời nhà vua uống nước lã. Sau bữa ăn chỉ có một mẩu bánh và nước lã ấy. Nhà vua hỏi vị ẩn tu:

- Ngài có biết tôi là ai không?

Vị ẩn tu trả lời không một chút do dự:

- Chỉ có Chúa mới biết mà thôi.

Nhà vua liền tiết lộ tông tích của mình. Lúc đó vị ẩn tu mới cúi mình tỏ dấu cung kính. Nhà vua đỡ vị tu sĩ lên rồi nói:

- Thầy thật có phúc vì thầy không phải lo lắng về chuyện thế gian. Tôi được sinh ra là để làm vua, và chuyện cai trị là mối lo canh cánh của tôi. Mỗi ngày tôi ăn uống toàn cao lương mỹ vị, nhưng phải nói rằng: bánh và nước lã mà thầy vừa dọn cho tôi ăn quả là bữa ăn ngon nhất mà tôi chưa từng được thưởng thức.

***  
Quí vị và các bạn thân mến,

Chúng ta đang bước vào Mùa Vọng. Ít nhất mỗi năm một lần, chúng ta lại có dịp được đào sâu và sống tinh thần tỉnh thức đích thực của Kitô giáo. Tinh thần tỉnh thức của Kitô giáo nhắc nhở chúng ta về ngày trở lại của Chúa Kitô và mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn mừng ngày sinh của Ngài. Giáo Hội cũng gợi lên cho chúng ta ý nghĩa đích thực của sự tỉnh thức của Kitô giáo. Chúa Kitô sẽ trở lại không phải vì Ngài đang vắng bóng, mà đúng hơn, Ngài đang hiện diện và đến trong từng phút giây của cuộc sống mỗi người chúng ta. Con người chỉ thực sự nhận ra Ngài trong ngày quang lâm nếu ngay từ bây giờ họ biết đón nhận Ngài đang đến trong cuộc sống mỗi ngày. Ngài đến trong mọi biến cố. Ngài đến trong từng cuộc gặp gỡ. Ngài đến trong mỗi một tha nhân. Ngài đến ngay trong giây phút hiện tại chúng ta đang trải qua. Như vậy, sống tỉnh thức chính là sống sung mãn từng giây phút hiện tại.

Nhà vua trong câu chuyện của vị thánh ẩn tu trên đây đã tìm thấy ý nghĩa của sự tỉnh thức ấy. Của ngon vật lạ không hẳn là cao lương mỹ vị mà là của ăn đơn sơ từng ngày khi con người biết nhìn bằng con mắt trong sạch và đơn sơ. Họ sẽ nhận ra chiều sâu của mọi sự khi con người biết để cho tâm hồn được lắng đọng và thanh thản. Họ sẽ cảm nhận được sự bình an đích thực.

Ðể cho tâm hồn lắng đọng và hưởng nếm được sự bình an đích thực có lẽ cũng chẳng cần phải đi vào giữa sa mạc hay từ bỏ của cải và mọi hoạt động trần thế. Chúa Kitô đến trong cô tịch vắng vẻ, nhưng Ngài cũng đến giữa phố chợ ồn ào. Chỉ có cõi lòng thinh lặng mới cảm nhận được sự hiện diện âm thầm của Ngài mà thôi.  

***
Lạy Chúa, có những giây phút ưu biệt chúng con dành cho Chúa nhưng không đủ, chúng con còn dành nhiều thời gian cho mọi sinh hoạt khác. Chúng con xin dõi theo tâm tình của Thánh Phaolô: "Dù khi ăn, dù khi uống, dù khi làm bất cứ công việc gì, xin vì sáng danh Chúa". Xin cho chúng con luôn biết tỉnh thức để đón nhận Chúa đến và sống một cách sung mãn từng ân huệ Chúa ban trong mỗi phút giây của cuộc sống. Amen. 

(tinmung.net)

re: tĩnh tâm mùa vọng

Chào chư huynh
Xin anh em bớt chút thì giờ trở về mái trường xưa để tịnh tâm đón Chúa
Hài Đồng đến
Thư mời dự Tĩnh Tâm Mùa Vọng 2012

Để chuẩn bị đón mừng Đại lễ Giáng Sinh,

Thân mời anh em và gia đình tham dự buổi Tĩnh tâm Mùa Vọng 2012 của
Gia Đình Ex Luro Saigon.

Vào Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng, 16/12/2012 (từ 8h30 đến 11h30)

Tại Nhà Truyền Thống Tổng Giáo Phận Saigon, số 6 Tôn Đức Thắng Q1 TP.HCM.

Linh mục phụ trách: Phaolo Nguyễn Quốc Hưng, (Lớp 71 vừa tốt nghiệp từ Rôma về).

Mến chúc Mùa Giáng Sinh vui tươi và tràn đầy Hồng ân.

Thân mời


TM. GIA ĐINH EXLURO SAIGON

Tôma NGUYỄN TRÍ DŨNG
[http://exlurosg.net/?p=2907]

PS: DR xấu hổ vì không thể dự buổi tĩnh tâm này

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

re: Ex 787 SOS

Thưa anh em
Ex Khải bắt đầu bị đau lại và phải vào cấp cứu ở bệnh viện 115 từ 3h sáng nay
Hiện tại đang phải vào máu ở khu cấp cứu
Xin anh em thêm lời cầu nguyện cho bạn mình.
EX 772

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

re:từ internet

YÊU THƯƠNG BẰNG HÀNH ĐỘNG

Yêu thương bằng hành động nhỏ nhặt cụ thể

Các ngôn sứ lập đi lập lại điều này.

Thánh Gioan tông đồ luôn nhắc đi nhắc lại điều này

 

Bác ái Kitô giáo là điều khác hẳn các thứ tương tự của các tôn giáo khác.

Yêu như Chúa yêu không phải là bỏ tiền làm từ thiện vì lương tâm cắn rứt bởi bất công của chính mình gây ra trong quá khứ

Yêu như Chúa yêu không hề hàm ý là cho đi những thứ dư thừa, những gì mình không dùng nữa. ( Cũng tốt hơn người cả đời không đọc sách nhưng cương quyết không cho bạn mượn)

Yêu như Chúa yêu cũng không dính dáng đến một bài tính ( dĩ nhiên trong vô thức thôi) theo kiểu bánh ít đi bánh qui lại. Chúng ta cũng tính toán khi yêu thương  đấy nhỉ?

Yêu như Chúa yêu càng không thể dựa vào Lời Chúa hẳn hoi:" các con hãy dùng tiền của thế gian mà mua hạnh phúc vĩnh cửu" (Cf Lc.16:9).. Than ôi vô tình người nghèo, người phận nhỏ... trở thành bậc thang đưa chúng ta lên thiên đàng. Chúng ta dẫm [ chà] đạp lên họ cho nhanh, cho nhiều để chiếm hữu Vương Quốc mà không hề nhớ đến hiến chương nước trời:" Phúc cho những con người nghèo khó vì nước trời là của họ"( Cf Lc 6,20)

Tình Yêu mang theo nhiều ảo tưởng...chúng ta cần thoát ra khỏi đó và trở về với những gì thật cụ thể của đời thường (Cf Gc 3,1tt)

Các nhà tâm lý đã nói đến hội chứng "vui vẻ với người ngoài"còn những người gần gụi sát bên thì hình như chúng ta tự cho phép mình "ngừng yêu thương". Người chồng trở thành khả ái, nịnh đầm với tất cả các phụ nữ trừ vợ mình, mẹ mình. Người vợ nhìn thấy điều tốt đẹp, đáng ao ước nơi những người khác trừ chồng con mình. Trong các cộng đoàn sống chung việc này còn xẩy ra nhiều hơn nữa.

Làm sao hoa hồng có thể nói: "tôi sẽ tỏa hương cho người lành chứ không tỏa hương cho kẻ dữ ngửi tôi"? Hoặc có thể nào ngọn đèn lại nói: "tôi sẽ tỏa ánh sáng cho những người tốt trong phòng này, chứ không cho những kẻ xấu"? Hay một bóng cây, làm sao có thể chỉ che mát cho người tốt và từ chối đối với người xấu? Tình yêu cũng như vậy đó. Chúng ta làm ngược lại: yêu ghét phân biệt rạch ròi>> ta chỉ yêu mình chứ chả yêu ai cả.( Tha nhân không mà Thiên Chúa cũng không)

Lời Chúa còn vang vọng mãi:" Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.  " Mt 5,44tt

Lạy Chúa, yêu như Chúa yêu tự sức chúng con không đảm đương nổi.

 

Xin ban Thánh Thần Tình Yêu để chúng con yêu bằng Tình Yêu của Chúa

                                                để chúng con yêu như Chúa yêu.

Đọc Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô khó khăn.


Nếu Chúa Giê-xu đến

 

Bạn phải thay

quần áo trước khi mời Ngài vào trong?

Hoặc giấu một số tạp chí, và đặt

Kinh Thánh, thế vào đó?

 Bạn có phải cất nhạc đời

và đặt một số bài thánh ca không?

Bạn có thể cho Chúa Giêsu vào ngay,

hay bạn sẽ vội vàng sửa soạn? 

Và tôi tự hỏi .. nếu Đấng Cứu Thế

Lưu lại nhà bạn một, hai ngày

Bạn sẽ vẫn làm,

những điều bạn luôn luôn làm?

Bạn sẽ vẫn nói,

những điều bạn thường nói?

Bạn vẫn tiếp tục cuộc sống

như nó từ ngày này sang ngày khác?

Bạn vẫn đi cùng Chúa Giêsu

khắp mọi nơi bạn đi ?

Hoặc bạn có thể thay đổi

kế hoạch vào ngày này?

 Bạn vui mừng khi cùng Ngài

gặp gỡ bạn bè bạn gần gũi nhất?

Hoặc bạn sẽ hy vọng bọn họ tránh xa

cho đến khi chuyến thăm của Ngài kết thúc?

 Bạn vui mừng khi Ngài

ở lại mãi mãi không về?

Hoặc có thể bạn thở dài, và rất

nhẹ nhõm vì cuối cùng Ngài đã ra đi?

 

Thật thú vị để biết,

những điều mà bạn sẽ làm,

Nếu Chúa Giêsu đã đến với bạn,

để dành thời gian với bạn.

Khuyết danh

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C (Lc 3, 1-6)



SA MẠC  
Sưu tầm
Thomas Morton là một tiểu thuyết gia nổi tiếng. Mặc dù theo Anh giáo, nhưng khi còn trẻ, chàng đã sống như một kẻ vô thần. Sau khi trở lại, chàng đã vào dòng khổ tu. Chàng đã ghi lại biến cố làm đảo lộn cuộc đời chàng như sau:


Hôm đó tình cờ tôi bước chân vào một nhà thờ Công giáo. Điều đầu tiên lôi kéo sự chú ý của tôi đó là một cô gái duyên dáng đang quỳ cầu nguyện một cách sốt sắng, không để ý tới những gì xảy ra chung quanh. Tôi tự hỏi: Tại sao một thiếu nữ trẻ đẹp lại có thể quỳ cầu nguyện trong một ngôi thánh đường lặng lẽ, một cách hết sức tự nhiên và say đắm như thể bị hút hồn?

Dĩ nhiên cô gái vào nhà thờ không phải là để cho người ta nhìn ngắm, mà là để cầu nguyện và chỉ để cầu nguyện mà thôi. Cuộc gặp gỡ thân tình của cô gái với Thiên Chúa trong khung cảnh vắng lặng ấy đã là một trong những yếu tố dẫn đưa tôi đến chỗ gặp Chúa và theo đạo sau này.

Ngôi thánh đường, trong bầu khí trang nghiêm và thinh lặng ấy, phải chăng là hình ảnh của một sa mạc, nơi con người có thể gặp gỡ và sống thân mật với Thiên Chúa giữa dòng chảy của một cuộc đời nhiều bon chen và dao động này.

Thực vậy, theo Kinh Thánh sa mạc vừa là nơi con người chịu thử thách, vừa là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa. Như chúng ta thường thấy: sa mạc thì khô cằn sỏi đá. Ban ngày thì nắng cháy, còn ban đêm thì lạnh buốt.

Đó chính là hình ảnh cuộc sống của con người không có bóng dáng và sự hiện diện của Thiên Chúa. Giữa cảnh hoang vu của cát đá, con người đói khát và lạc hướng. Thảm trạng ấy sẽ giúp con người ý thức được cái bé bỏng của thân phận, cái vô nghĩa của đời mình, bởi vì con người là gì nếu không phải chỉ là cát bụi.

Nhận thức này sẽ giúp chúng ta từ bỏ mọi ý nghĩ kiêu căng và ngạo mạn, đồng thời mở rộng tâm hồn mình cho ơn sủng của Chúa hoạt động.

Đường vào sa mạc như thế là con đường dẫn đưa con người đến điểm hẹn, gặp gỡ với Thiên Chúa và đón nhận những ơn phúc của Ngài.

Trong cuộc sống thiêng liêng, càng biết vào sa mạc, nghĩa là càng sống thinh lặng và cầu nguyện, thì càng cảm nghiệm được sự gặp gỡ với Thiên Chúa một cách mật thiết và gắn bó hơn.

Dân Do Thái đã phải lang thang trong sa mạc suốt bốn mươi năm trời. Trong thời gian này, họ đã phải gặp nhiều thử thách, nhưng cũng đã được chứng kiến biết bao việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm vì yêu thương họ.

Chúa Giêsu trước khi bắt đầu cuộc sống công khai, cũng đã vào sa mạc suốt bốn mươi đêm ngày. Và Phúc âm đã ghi nhận trong thời gian này, Ngài đã ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ.

Còn chúng ta thì sao? Giữa những bon chen của cuộc sống, chúng ta có biết vào sa mạc, có biết dành lấy những giây phút thinh lặng để thực sự cầu nguyện, gặp gỡ và kết hiệp mật thiết với Chúa hay không?

(tinmung.net)

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Con sau lam rau noi canh

Ex tui tự hỏi :...."Tai sao có những người Việt lại thích làm những chuyện tai tiếng dữ vậy ??? Để được mau chóng thành ĐẠI GIA chăng ! .....
Tổng thống Sarkozy hồi đương nhiệm đã lên tiếng xếp người Việt ngang hàng với đám dân "du mục phương Đông" gọi là ROM , thuộc dân tộc Roumanie , cần phải tống cổ hết về VN ...
nhiều người Việt sống tại đây , trong đó có tui đã tức giận khg bầu phiếu cho ổng lần 2 ....
Tin này đang làm xôn sao thêm trong cộng đồng người Pháp vì đây là 1 bằng chứng cho họ suy nghĩ về câu tục ngữ của cha ông đã day :
"Qui vole 1 oeuf , volera 1 boeuf" (an ăn cắp 1 quả trứng , sẽ ăn cắp 1 con bò) tiếp theo sau đó .....
Ex tui cũng rất lấy làm buồn phiền với con sâu trong "chùm khế ngọt" của mình , nhưng biết làm chi mô , được mau mau trở thành giàu có ai mà chẳng ham , hic , hic , hic ....
Qua đây "làm bậy" vài quả , đem tiền về VN xây ressort , thương xá làm đại gia , lấy sao điện ảnh trẻ đáng tuổi con cháu ... kể ra cũng đáng làm các bác nhỉ !
Toàn Thắng

Cảnh sát Pháp vừa phá đường dây tội phạm đưa người Việt nam trái phép sang Pháp và Anh, một số người trong đó bị ép làm việc cho các trại trồng cần sa.

Các bài liên quan

13 người bị bắt do có liên quan tới đường dây này, từng đưa nhiều người nhập cư trái phép từ Việt Nam sang làm việc trong khu trại cần sa ở phía Đông nước Pháp, theo hãng tin AFP.

Cuộc điều tra được mở ra hồi tháng 9, khi cảnh sát biên giới giữ sáu người Việt Nam nhập cư đi lại bằng giấy tờ giả trên tàu từ Bồ Đào Nha tới Paris.

Những người này sau đó khai với cảnh sát là do một trung tâm môi giới ở Việt Nam tuyển, hứa được cho sang Bồ Đào Nha để đi thu hoạch hoa quả.

Cảnh sát cũng thu được gần 2000 cây cần sa ở khu trại này.

Theo hãng tin AFP, đường dây tội phạm được chia làm hai, một số dân nhập cư trái phép ở lại Pháp, còn một số thì được gửi sang Anh quốc.

Cũng theo AFP, một gia đình người Việt sống ở hạ lưu sông Rhine của Pháp đã tổ chức nên đường dây này.

Chín thành viên của tổ chức bị bắt trong khu vực Paris, bốn người còn lại bị bắt khi đang ở Strasbourg.

Còn báo Le Figaro trích nguồn tin cảnh sát Pháp cho biết, lợi nhuận thu được từ tổ chức này lại được đưa về đầu mối ở Việt Nam để tái đầu tư.

Trich BBC
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/12/121205_vietnam_france_cannabis_farms.shtml

Re:từ exluroSaigòn

*viết trường kỳ đến độ dai dẳng như anh Antonius Nguyễn Văn Ngữ, quả đáng giật bằng "tôn sư thuật dùng bút".( Lớp trưởng hải ngoại)
*Lớp mình nên tổ chức đi tĩnh tâm(Trưởng ban "lọ chai"rỗng)
http://exlurosg.net/?p=2860

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

re: tin xe cán chó

Anh em nhà Ex Luro68 thân mến.
DR không dám đùa.
Đây là chuyện thật 100%
Chiều này Ex ba số bẩy đi làm về và không né kịp 1 con chó từ hẻm phóng ra.
Chỉ nghe 1 cái rầm, bạn mình đã nằm xụi lơ dưới đất.
Vừa đi chấn thương chỉnh hình, sau khi khám và chụp X quang bác sỹ nói không bị gì về xương cốt; nhưng đứt dây chằng phía sau đầu gối>> Chính vì vậy đi lại 2 đầu xương "cọ quẹt" vào nhau gây đau.
Dự kiến ngày mai sẽ thử máu để ngày thứ sáu hay sáng thứ bẩy sẽ mổ nối gân lại.
Xin anh em cầu nguyện cho Ex Đức 777 .
Được biết bạn mình đi Future xin mấy anh đi Future lưu ý chó chạy rông nhé!
Ex 772

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

từ internet


Chủ nhật thứ hai mùa vọng : DỌN LỐI YÊU THƯƠNG
Chắc sẽ có người bảo. Yêu thương thì làm tới luôn chứ cần gì dọn .                               Mỗi việc đều cần chuẩn bị.
Nếu yêu thương là việc quan trọng cả đời thì việc chuẩn bị là điều không thừa!
Sao ta phải dọn lối yêu thương?
Đơn giản vì chúng ta là con người, quả tim ở bên trái nên dễ dàng lạc lối yêu thương
Có nhiều con đường, nhiều lối mòn mà ta phải nhìn lại, so đo và chọn lựa!
Phải sửa đổi tận đáy lòng mình trước như Khổng tử viết:” tu thân, tề gia ...”
Sám hối đầu tiên là thay đổi cái nhìn, cách nhìn về chính mình về anh em và về Thiên Chúa từ đó định ra thái độ sống thích hợp. Đừng lấy mình là trung tâm nữa hãy để Chúa Giêsu là trung tâm. Cái tôi không thể là tiêu chuẩn cho mọi sự...
Nhưng thực tế chúng ta thích so sánh hơn. Phải công nhận rằng ai cũng mang sẵn mần giống ghen tị.. Ngạn ngữ Ấn Độ nói rằng: Điều quan trọng không phải là tôi hơn người này người khác nhưng là ngày hôm nay đã hoàn thiện hơn ngày hôm qua ?.   
  
         Một triết gia Ấn độ đã nhìn lại quãng đời đi qua của mình như sau :                              - Lúc còn trẻ, tôi là một người có đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất mà tôi dâng lên Thiên Chúa là : lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để con thay đổi thế giới.    
                                                                        
          - Đến tuổi trung niên, tôi mới nhận thấy rằng một nửa đời người của tôi đã qua đi mà tôi chưa thay đổi được một người nào. Lúc đó, tôi mới cầu nguyện với Thượng Đế : lạy Chúa,  xin cho con được biến cải tất cả  những người con gặp gỡ hằng ngày, nhất là gia đình con, bạn bè con. Và như vậy là đủ cho con mãn nguyện rồi.   
             - Nhưng giờ đây, tóc đã bạc, răng đã long, ngày tháng còn lại chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận thức rằng tôi đã khờ dại biết chừng nào. Giờ này, tôi chỉ biết cầu nguyện như sau : lạy Chúa, xin ban cho con được thay đổi chính con.                     Nếu tôi biết cầu nguyện như thế ngay từ lúc đầu, thì tôi đã không phí phạm quãng đời đã qua.                                                                                                                  Dọn đường cho Chúa đến , chính là nỗ lực hoán cải bản thân và thực thi bác ái [ điều mà ta sẽ khai triển ở tuần sau].                                                                                      Chúng ta được mời gọi hoán cải và hoán cải chỉ hoàn tất khi ta trở thành như Gioan Tiền Hô: Loan báo cho mọi người Đấng phải đến.
Yêu thương thì không tạo ra khoảng cách chính vì vậy không có lồi lõm, không có quanh co. [như lời ngôn sứ Cf Lc 3,5]. Nhưng vấn đề là ở chỗ người ta không thật sự muốn lớn lên, không thật sự muốn sửa đổi, không thật sự muốn hạnh phúc chân thực.
Lạy Chúa, Xin Chúa thương xót chúng con.