Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

LỜI CHÚA LỄ GIÁNG SINH - THÁNH LỄ ĐÊM (Lc 2, 1-14)


NGHÈO  
Góp nhặt
Nhìn vào cảnh đơn sơ, tiều tụy của hang đá, tôi muốn chia sẻ một vài ý nghĩ đơn sơ về sự nghèo khó.
 
Sống trong cuộc đời, nỗi bận tâm day dứt nhất của nhiều người, đó là kiếm tiền. Chúng ta tính toán, chúng ta đôn đáo chạy ngược, chạy xuôi, chúng ta sẵn sàng chịu đựng mọi vất vả miễn sao tìm cho được nhiều tiền lắm bạc. Nào là những giọt mồ hôi đổ xuống trên ruộng đồng cho cây lúa kết trái. Nào là những thùng nước đè nặng đôi vai gầy, tưới cho thửa hoa mầu được xanh tươi. Nào là những tiếng máy nổ chát chúa trong bầu khí nóng bức của xưởng thợ…Chúng ta vui vẻ chấp nhận để tìm kiếm những đồng tiền mà dường như mỗi lúc một trở nên khan hiếm.

Sở dĩ như vậy là vì ai cũng hiểu rõ những giá trị của đồng tiền. Phải, tiền bạc sẽ thỏa mãn những nhu cầu cần thiết:

- Có tiền mua tiên cũng được.
 
Tiền bạc tạo nên công lý:

- Nén bạc đâm toạc tờ giấy.

- Miệng nhà giàu có gang có thép.

Tiền bạc làm ra tình nghĩa:

- Thấy người sang bắt quàng làm họ.

- Bần cư chung thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm. Nghèo mà ở giữa chợ cũng chẳng ai hỏi. Còn giầu mà ở tận rừng núi cũng vẫn có người tìm đến.

Chính vì thế, chúng ta thường cầu chúc cho nhau tiền rừng bạc biển, đồng thời nai lưng ra để thực hiện cả ước vọng làm giầu. Cho dù đồng tiền có thế nào chăng nữa, thì chúng ta cũng vẫn cứ chất cho đầy túi:

- Hôi tanh chẳng thú vị gì,
Thế mà cũng lắm kẻ vì người yêu.

Hay như người ta thường nói:

- Tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân, là cán cân của công lý.

Trái lại, nghèo túng quả là một tai họa cần phải lẩn tránh, là một cái gì đáng nguyền rủa. Tối hôm qua, tôi đứng nói chuyện với một anh bạn trẻ, tôi hỏi:

- Thế nào, sắp sửa vợ con gì chưa? Bao giờ thì cho thiên hạ ăn cỗ đấy?

Anh mỉm cười trả lời:

- Nghèo rớt mùng tơi như con thì ai thèm mà lấy.

Mặc dù tôi biết đó chỉ là một câu nói vui, nhưng cũng phản ảnh được phần nào sự thật.

Trước hết, nghèo túng dễ làm cho người ta tạm quên cái nhân phẩm, để rồi chỉ biết giải quyết cho cái bao tử mà thôi, như tục ngữ đã bảo:

- Có thực mới vực được đạo.

- Bần cùng sinh đạo tặc.

- Đói ăn vụng, túng làm càn.

Nghèo túng còn giết chết những mộng ước cuộc đời và gieo vào tâm hồn chúng ta nỗi mặc cảm tự ti và thua sút. Vì căn nhà xiêu vẹo, chúng ta ngại không dám mời bạn bè tới chơi. Vì không có tiền, con em chúng ta đành phải bỏ dở việc học hành, cái khó bó cái khôn là vậy.

Và sau cùng, sự nghèo túng còn hủy diệt tình yêu, phá đổ hạnh phúc. Tôi có quen một gia đình. Thời gian đầu, ông chồng đi làm. Lương tháng hậu hĩnh. Bà vợ tươi cười và bầu khí trong gia đình rất thuận hòa và đầm ấm. Nhưng rồi sau đó, ông chồng bị thất nghiệp. Tiền bạc cạn dần. Từ đó, những xào xáo, cãi vã xảy ra cũng chỉ vì chuyện thiếu hụt tiền bạc. Ấy là chúng ta chưa nói đến những hoàn cảnh vì đồng tiền mà vợ chồng phải rã gánh, anh đường anh, tôi đi đường tôi, còn con cái thì lâm vào cảnh nheo nhóc.

Ngay như bè bạn cũng vậy. Tiền bạc nhiều khi đã trở nên cái thước để đo tình nghĩa:

- Khi vui thì vỗ tay vào,
Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai.

Đức cha Bùi Tuần đã viết:

- Nghèo đói sinh ra lo buồn. Lo buồn này kéo theo lo buồn khác, như một chiếc móc xích của một sợi dây dài, xiết chặt vào cuộc đời chúng ta. Nghèo đói như là một ngõ cụt, không một ai muốn bước chân vào đó, mà nếu có trót dại, có lầm lỡ bước vào thì rồi cũng cố thoát cho ra…

Thế mà nhìn vào hang đá Bêlem, chúng ta lại thấy Chúa đã chọn cảnh nghèo đói, đã mang thân phận của một kẻ túng thiếu. Bộ Chúa không biết hay sao: nghèo túng vừa vất vả nhọc nhằn, vừa đắng cay chua xót, vừa bị khinh miệt coi thường, vừa bị thiệt thòi đủ thứ. Vậy thì tại sao Chúa lại chọn cảnh nghèo túng như thế? Tại sao Chúa lại dại như vậy?

Nếu suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy rằng:

- Chỉ có Chúa là Đấng thánh thiện, là Đấng khôn ngoan, là Đấng yêu thương vô cùng mới dám dại như vậy. Việc Chúa chọn thân phận nghèo hèn, chính là một niềm an ủi lớn lao cho chúng ta.

Trước hết, với cuộc sống nghèo hèn, Chúa đã tích cực chia sẻ cuộc đời túng thiếu của chúng ta, bằng cách sống với người nghèo, sống trong cảnh nghèo, sống như người nghèo và sống cho người nghèo. Nhìn vào hang đá Bêlem, chúng ta nhận ra: Chúa còn nghèo hơn cả chúng ta, nhưng nhờ đó, chúng ta cảm thấy Chúa thật gần gũi với chúng ta, như một người bạn, như một người thân. Và chúng ta sẽ không còn cô đơn, sẽ không còn buồn tủi.

Hơn nữa, qua máng cỏ Bêlem, Chúa còn dạy cho chúng ta biết giá trị cao quý của đau khổ.

Thực vậy, nếu Chúa đã dùng đau khổ để cứu chuộc nhân loại, thì chúng ta cũng không thể đi con đường nào khác, ngoài con đường khổ đau. Cuộc đời chúng ta sẽ không thiếu vắng đau khổ, chỉ cần chúng ta biết chấp nhận, biết chịu đựng những đau khổ ấy với tâm tình mến Chúa. Và tình mến sẽ là như một cây đũa thần, biến những đau khổ tầm thường nhất trở thành những sợi chỉ vàng dệt nên tấm vải cuộc đời chúng ta, làm cho cuộc đời ấy có một giá trị to lớn trước mặt Chúa. Và như thế, những khổ đau nhỏ bé nhất cũng sẽ trở thành con đường dẫn chúng ta vào cõi sống vĩnh hằng.

Nghèo túng không thể nào kéo dài hơn cuộc sống trần gian. Nó chỉ là tạm thời, rồi sẽ qua đi. Nó không còn là nơi bất hạnh, nếu chúng ta biến nó thành phương tiện để làm giầu về phương diện thiêng liêng, nếu chúng ta xử dụng nó như chiếc chìa khóa để mở cửa thiên đàng. Và đó cũng chính là bài học mà Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ Bêlem đem lại cho chúng ta.
(tinmung.net) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.