Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2009

Hồng Trần Dõi Bước (tt)

Thi văn là sản phẩm của trí tưởng tượng, cùng với nhạc, tạo thành những chất liệu cần thiết cho cuộc sống. Anh Kỹ Sư Cơ Khí chèn vào một bài thơ trên trang blog nhà, Anh chủ hãng đang mò mẩm nâng cấp cho chiếc máy bắn banh bố, vẫn xì ra được bài tứ tuyệt Sắc Sắc Không Không hay ra phết, Anh Bôn tóc vàng, hẳn là đang dùng sữa đặc sản, thoáng nhớ về ngôi trường nơi cao nguyên, vạch bút  họa bài thơ Pờ-lây-cu …,  Anh Độc Cước Vương, đứng trên bục giảng, lại mơ về chốn thương trường, cố nhớ mấy vần thơ vừa sáng tác, nhất định phải cho vào Lá Thư Chào Hàng sắp tới. À há! Thi văn chiếm địa vị quan trọng, thứ hương vị rất cần cho cuộc sống. Nghĩ xa hơn, các em tiếp thị xinh xắn hãng võng nôi, chúm chím miệng ngâm câu thơ tình tứ khi chào hàng…thế ấy thì thằng già gối lỏng tay run vẫn muốn mua nôi để nằm, chào thêm lọ thuốc Gội Là Đen, không xẩy cửa nào, chắc ăn như bắp.

Cần hâm nóng luồng máu già, tôi nghe nhạc. Cần đi vào chốn mịt mù hư ảo, tôi đọc thơ. Những bài thơ thời tiền chiến của Xuân Diệu, Huy Cận, v.v…, tôi có biết nhưng không thích thú, đơn giản là vì các bài nầy đượm quá nhiều chất lãng mạn, tình tứ, không thích hợp với người có nguồn gốc đã một thời học đường tăng lữ, mấy đứa bút vênh bảo rằng thơ tình tựa như những sợi lông, dán um tùm lông vào người, sợ khó mà đắc đạo, có phải thế? Đạt Mao? Kim Mao? …mao? Một thời, tôi có chú ý đến thơ của Nhà Thơ Phạm Thiên Thư, thuộc các bài Ngày Xưa Hoàng Thị, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, v.v…, loáng thoáng, tôi nhớ câu …Anh làm thiền sư buồn, ngồi tụng dưới ánh trăng, hẳn là dịch từ những câu

                                 Em làm trang tôn kinh

                                 Anh làm nhà sư buồn

                                 Đêm đêm buồn tụng đọc

                                 Lòng chợt nhớ vương vương       (Pháp Thân)

 

Chất hư ảo từ thi văn lần thấm vào người. Tên Nguyễn Tất Nhiên đến gần với tôi hơn vào những ngày sắp xa xứ, có lẽ vì đây là một trong những Nhà Thơ hiếm hoi từ miền Nam, có lẽ vì lối dùng từ khá mới mẻ với thời ấy, có lẽ vì sự hòa quyện giữa Đạo với Tình, tôi thường lẩm nhẩm

                                 Tay ta từng ngón tay

                                 Vuốt lưng em tóc dài

                                 Những trưa ngồi quán vắng

                                 Chia nhau tình phôi thai                (Ma Soeur)

Nhưng ấn tượng, ít nhất là đối với riêng tôi

                                 Vì tôi là Linh Mục

                                 Giảng lời tình nhân gian

                                 Nên không có Thánh Kinh

                                 Nên không có Bổn Đạo

                                 Nên không có Giáo Đường

                                (một tín đồ duy nhất

                                 vừa thiêu hủy lầu chuông)                (Linh Mục)

 

Thật là một bài có ấn tượng rất mạnh. Bởi lúc đang hì hục vác tre cho nhà máy giấy Biên Hòa, tôi nhận được tấm thiếp từ con Cún báo tin lầu chuông của tôi vừa bị thiêu hủy, tên Kỹ Sư người Việt nào bên Tây muốn mở hộp đàn để bấm nút, thôi thì

                  Em có một đời rong xanh mơ đá

                  Tôi có ngàn năm say khướt hận thù    (Bài Thấm Mệt Đầu Tiên)

 

Tôi không có ấn tượng đẹp đối với 2 từ Kỹ Sư từ dạo ấy.                    Hi hi.

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.