Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2009

Hồng Trần Dõi Bước (tt)

 

Lại phải nhờ kiến thức bác học của Bác Ruồi, nhắc nhớ cho về những món ăn chế biến từ thực phẩm dư thừa ở Việt Nam, lâu ngày tôi quên mất. "Pain perdu" hay "Lost bread", qua sự chế biến tài tình, trở thành món điểm tâm được ưa chuộng. Buổi sáng mai có nắng ấm như thế nầy, đĩa French toast màu vàng óng hấp dẫn, ly cà phê bốc hương trên mặt bàn ngoài sân vườn, ban mai ngày đẹp trời thật rực rỡ. Lấy kiểu cách của Bác Bùi Nông, mở chiếc vi tính xách tay, vào gú-gồ chét meo, đọc tin lề phải từ quê nhà. Mẫu tin về quán cà phê C'est Moi thật là ý tưởng hay, đúng gu Tây rồi đó. Con Cún từ gần nửa vòng trái đất, chát với tôi, bài tường thuật có vẻ không chuyên nghiệp, phải chi có Anh Ròm đến tận nơi làm phóng sự, chớp vài pô nghệ thuật, pót lên bờ-lóc với lời bình Ngô Tôn Cương thì tuyệt hơn. Lệnh đã phán thế thì lúc nào tôi lại chẳng ù ờ, bụng lại thầm nghĩ, lại bày trò khó tính, có bài đọc đã là may, Anh Ròm thuộc loại pờ-rô có chỗ đứng, dĩ nhiên phải khác với dân a-ma-tơ chứ. Chán thật, thân tuy to nhưng chắc đầu óc không bằng nên ít khi tôi dám đi ngược chiều hướng con Cún suy nghĩ, phục lời nó san sát. Không chừng phải cậy đến sự nhuần nhuyển triết lý Sắc Sắc Không Không của Bác ấy, điểm hóa cho vài điều, vận may không chừng sẽ trở về, cứ thế nầy thật không sai ly nào trong bài hát quen thuộc Trái Tim Ngục Tù. Mà nầy, đâu chỉ có mình tôi nằm trong cảnh tù ngục, cứ nghĩ thế cho đời bớt khổ. Mé ngoài lề thôi, chọt sâu vào vấn đề, va chạm vào lãnh vực chuyên ngành của Bố Tây, Bác ấy văng bút thì lại khốn.

Nhật ký từ ký ức đêm ấy ghi rằng. Đang nổi hứng như thế nầy, máu Tây dâng cuồn cuộn qua những bài hát. Hơi khựng lại khi nghe văng vẳng bài vọng cổ hướng cuối ghe, tôi trườn về phía sau, nơi anh bạn đồng hành đang cầm bánh lái thay cho tài công sau cơn bão, bảo cha điều chỉnh âm thanh tí xíu, tôi đang giựt kiểu Tây mà Bác Bùi lại chơi hò kéo gỗ thế nầy thật chỏi không chịu được. Có thấy gì đâu, cha đang phì phà khói thuốc, nhoẻn miệng cười tưởng rằng tôi mò đến trò chuyện. Lại nghĩ, chắc đám phụ nữ đã xong phần cầu kinh, giờ chuyển qua hò vọng cổ cho đỡ buồn, thầm khen giọng mấy bà ở thành phố mà cũng nhuyển không thua gì giọng con Út Quỹa, tôi thò đầu từ trên mui nhìn vào khoang ghe, mấy bà nằm la liệt, đâu ai còn hơi sức mà hò với hát. Bò từ trước đến sau ghe, chẳng có ai gây tiếng động nào ngoài tôi, lạnh thiệt đó, câu vọng cổ vẫn vang đều trong màn đêm yên tĩnh, luồng hơi lạnh từ xương sống xông lên khắp người, lắc đầu liên hồi, tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để nhận thức rằng, ghe chúng tôi đang đi vào vùng biển chết. Biển Đông, mồ chôn biết bao người vượt biển. Tôi vội đưa tay làm dấu.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.