Hôm họp mặt vứa rồi ở nhà LT, Ex Tui mới biết nội dung cuộc hội ý khẩn cấp do LT khởi xướng sau khi viếng đám tang ở nhà Ex Tuấn lúc trước đây. Đó là chuyện về con Trai, con Gái, và có nữa hay thôi. Lỡ hung hăng sẽ viết 1 bài về đề tài này để góp ý với anh em nên hôm nay đành phải đăng đàn.
Bài này Ex Tui viết nghiêm túc, không cà rởn và viết để chia sẽ với những Ex đồng cảnh ngộ như ex Tui về đường con cái: có Tẻ không có Nếp, hoặc ngược lại.
PHẦN 1: CỰC ĐOAN
Lúc còn tuổi thanh niên tôi có ý nghĩ rất cực đoan về cách sống, về chuyện vợ chồng, con cái. Điều này bây giờ tôi đoán chừng là ở tuổi đó không phải chỉ mình tôi. Thưở đó tôi có quan điểm về cách sống như thế này: sống tự do, sống giàu, chết giàu, không sống bị ràng buộc, sống nghèo và chết nghèo. Tôi nhất định với lòng mình là không vợ con gì cả. Sống đếm 50t sẽ kê súng vào đầu và “Bùm” 1 phát, xong! Tôi chán ghét cái cảnh lúc nhúc, chen chúc của Saigòn mà nguyên nhân thì tôi cho rằng là do sinh đẻ quá nhiều.
Càng thêm tuổi thì cái tư tưởng cực đoan ấy cũng nhạt nhòa dần đi. Rồi thì tôi cũng lấy vợ. Lấy vợ vài năm rồi tôi cũng quyết định có con với ý nghĩ là chỉ có 1 con thôi. Với tôi thì trai hay gái cũng được. nhưng theo ước muốn của hai bên nội ngoại, vợ chồng tôi quyết định sẽ sinh con trai. Thế là bắt đầu “công cuộc sinh con trai”. Tôi tìm mua các loại sách về “sinh con như ý muốn” để nghiên cứu. Các biện pháp để sinh con trai mà tôi đọc được trên các sách được chọn lọc và mang ra áp dụng. Kết quả cuối cùng là 1 thằng con trai khỏe mạnh, đúng như kế hoạch.
Tám năm sau, tôi vẫn chỉ có 1 thằng con trai vì vẫn mang tư tưởng chỉ nên có 1 con thôi. Tôi có nhiều người quen, bạn bè làm ăn lớn hơn tôi nhiều tuổi. Vài lần dự buổi họp mặt gia đình họ thật đông vui, và quan trọng nhất là thấy chúng có anh em để giúp đỡ, hổ trợ nhau trong công việc làm ăn. Chứng kiến những gia đình này, tôi lo sợ khi con tôi ra đời sẽ bơ vơ lạc lõng vì thiếu anh em. Cái ý nghĩ chỉ có 1 con cũng dần tàn lụi như cái tư tưởng sống độc thân tự do trước đây. Tôi quyết định phải sinh thêm con. Lần này đối với tôi thì vẫn vậy, trai gái đều được, nhưng vợ tôi lại muốn có con gái. Thế là công cuộc sinh con theo ý muốn tập 2 lại bắt đầu. Mục đích lần này là con gái. Thấy lần đầu áp dụng phương pháp "sinh con như ý muốn" thành công, tôi tiếp tục sử dụng để sinh con gái. Nhưng lần này thì không được như ý: đứa con thứ hai của tôi cũng là con trai. Tôi nghiệm ra rằng lần đầu sinh con trai theo như ý muốn cũng có thể chỉ là hên xui chứ không do các phương pháp mà tôi đã áp dụng. Cái sắc xuất 50/50 này không biết đâu mà lần.
Khi có đứa con đầu, tôi 30t, đứa thứ hai thì tôi đã gần 40t. Khi đứa con đầu được vài ba tuổi, ba mẹ tôi, nhất là mẹ tôi, cứ khuyên tôi nên sớm có thêm vài đứa nữa, nhưng tôi nào có nghe. Sau khi sinh đứa thứ hai, mẹ tôi lại bảo vợ chồng tôi nên kiếm thêm mụn con gái. Và rồi cũng lại điệp khúc “nhưng tôi nào có nghe”!
PHẦN 2: PHẢI QUYẾT ĐỊNH CÓ NỮA HAY THÔI
Lại 10 năm trôi qua. Tôi đã gần 50t. Vợ tôi kém tôi 1t. Ở cái tuổi này cái ước muốn có mụn con gái bắt đầu hình thành và nó cứ tăng dần theo năm tháng. Vợ tôi cũng muốn nên thường rù rì rủ rỉ vào tai tôi: “ Em mang nặng đẻ đau mà còn không sợ thì anh sợ gì? Em mang bầu, sinh đẻ chứ có phải anh đâu mà anh sợ? E đẻ cho anh 2 đứa con trai giống y anh để nối dõi, còn em lại không có mụn con gái nào để giống em! Vợ chồng mình đẻ con gái chắc nó đẹp lắm.v.v…” và những câu tương tự khác để thúc giục tôi kiếm mụn con gái. Vợ tôi muốn, ba mẹ tôi muốn, mọi người trong gia đình đều muốn, và quan trọng nhất là tôi cũng muốn, và có lẽ tôi còn muốn nhiều hơn họ nữa. Vậy mà tôi vẫn dùng dằng không quyết vì tôi sợ. Tôi sợ gì? Tôi sợ rủi ro. Tôi sợ cái tuổi già của cả hai vợ chồng sẽ tạo ra 1 đứa con không lành lặn, bình thường. Tôi sợ viêc sinh đẻ sẽ có hại cho sức khỏe của vợ tôi. Tôi sợ vì chỉ để thỏa mãn ước muốn hôm nay của mình mà gây hậu họa cho vợ và con mình. Là người chồng, người cha, tội sợ và không cho phép mình ích kỷ. Nếu tôi biết chắc chắn vợ tôi và đứa con muốn sinh đều sẽ mạnh khỏe bình thường thì chắc là tôi có thêm đứa con thứ ba, thứ tư rồi. Cuộc chiến đấu giữa ước muốn ó mụn con gái và trách nhiệm cứ dai dẳng trong tôi. Nếu cùng với thời gian, ước muốn càng dữ dội, càng mãnh liệt hơn thì cũng cùng với thời gian cái nguy cơ rủi ro mà tôi nêu ở trên cũng càng lớn hơn. Cuộc chiến đấu trong tôi cũng dằng co mãnh liệt hơn. Lý trí vẫn tiếp tục thắng, nhưng với tỷ lệ ngày càng khít khao chứ không thắng với tỷ lệ áp đảo như lúc đầu. Đôi khi tưởng chừng phe ước muốn đã lật ngược thế thắng thua trong cuộc chiến này. Thêm vào đó, cường độ các yếu tố thúc đẩy bên ngoài cũng mạnh mẽ hơn. Vợ tôi biết tôi ao ước có đứa con gái (cũng không loại trừ vợ tôi có thể lo lắng tôi “gởi nơi khác”) nên lại càng muốn sinh con hơn. Ba mẹ tôi đã quen hủ hỉ với đứa cháu nội, nay nó đã lớn, có thích sống riêng tư thì lại càng mong tôi có con nhỏ để được bồng bế, hủ hỉ với cháu.
Cuộc chiến cứ thế kéo dài cho đến bây giờ, tôi 53t và vợ tôi 52t, và kẻ chiến thắng vẫn là lý trí.
Tôi biết về mặt dân số, việc chủ trương “ mỗi gia đình chỉ nên có 1-2 con” là đúng. Tuy nhiên nếu cho thời gian quay trở lại tôi sẽ lên kế hoạch để có 4 đứa con: Con gái đầu, con gái út và 2 cậu con trai ở giữa. Đó thật sự là suy nghĩ hiện nay của tôi.
Trong 4 năm chiến tranh tư tưởng vừa qua, nếu vợ tôi nhỏ hơn tôi nhiều tuổi, tức là các rủi ro, về sức khỏe của vợ tôi và sự bình thường của đứa con mà tôi định sinh ra, được giảm thiểu nhiều hơn thì kẻ chiến thắng sẽ không phải là lý trí mà là ước muốn có mụn con gái. Tôi biết là như vậy
PHẦN KẾT: CÁ KHÔNG ĂN MUỐI CÁ ƯƠN
Đến nay tôi hoàn toàn không ân hận gì vì đã nói không với việc muốn có thêm cô con gái, nhưng tôi lại hối hận về việc đã không coi trọng những lời khuyên của ba mẹ tôi. Bây giờ tôi luôn cố gắng khuyên nhủ, góp ý, truyền đạt những kinh nghiệm mà tôi đã có được trong cuộc sống cho những đứa con của tôi. Nhưng tôi cũng biết rằng cùng với sự bồng bột, suy nghĩ cực đoan của tuổi trẻ, sự hãnh tiến của thế hệ văn minh đi sau, những đứa con của tôi cũng sẽ lơ là với những lời khuyên nhủ, góp ý của ba mẹ chúng. Lúc xưa tôi cũng vậy mà!
Ex Fuc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.