Thời hiện đại, phát sinh những tiến bộ vượt bực trong nhiều lãnh vực, khoa học, kỹ thuật, điện ảnh v.v…, những điều ấy tạo nên lợi ích hay không còn tùy thuộc vào nhận định của từng người. Tôi cứ tấm tắc về tấm hình của Ngô Lão trên trang bìa tạp chí, trẻ hơn vài chục tuổi, nhìn trên góc cạnh nầy, tất nhiên phải thán phục sự tiến bộ trong kỹ thuật nhiếp ảnh hiện thời. Tân tiến đến mức ấy thì làm gì chả có chỗ đứng!
Ông Giáo già với tư tưởng thế kỷ thứ XIX lại phản đối. Bảo rằng tiến bộ hay thụt lùi phải xem xét cẩn thận tựa việc vạch đuôi tằm. Ông bảo, nhất là trong lãnh vực văn chương, các tay viết hay dùng lối tốc tự là không tốt, tôi hiểu lời ông nên dạo nầy tôi cố gắng không dùng lối viết tắc nầy khi viết chức vị của LT & DT.
Muốn hay không muốn, tôi cũng phải ốp-đết thường xuyên hầu theo kịp trào lưu tiến hóa. Chỉ tiếc, những việc ấy lại lấy đi giây phút tôi tạm gọi là hương vị của cuộc sống. Tôi mất đi cái hương vị ngồi quán cóc đầu ngõ Xóm Canh Nông ở đầu cầu Thị Nghè, nhâm nhi ly phé nại buổi sáng sớm, vễnh tai nghe chuyện bà tám. Tôi mất đi những buổi ban mai nắng ấm, hớp ngụm cappuccino, đọc tin tường thuật trên trang nhật báo, mất nhiều thứ lắm! Tiến bộ vượt bực nên bây giờ ly cà phê chỉ toàn vị bắp rang, hớp chưa đầy ngụm đã muốn phun ra, nghiệm ra đấy là lý do tôi chỉ thích dùng trà Ô long người sơn nữ hái, ấy thế mà ông chủ trà lá lại cứ quyết rằng tôi nói chuyện nhảm, thua trắng!
Tôi lại càng tiếc hơn khi nghĩ về thế hệ nối tiếp. Truyền thống dúi mũi vào các trang sách đang mờ dần, hình ảnh cậu bé ôm màn hình máy vi tính ngày càng hiện rõ. Diễn xuất nhập thần như A-len-đờ-lông hay đờ-lát gì đó cũng chả diễn được cái thâm thúy của văn chương, ông Giáo già bảo thế. Lại diễn giải, Mầy thấy không, Danh Tướng đã hét Đoooooooó rồi, thằng tiểu đồng cứ ngơ ngác hỏi Đâu, đâu, Bác!!! DT thế kia mà nó lại bảo bé như hạt cát , cứ ngơ ngẩn tìm, lòa mắt vì cứ dán vào màn hình đấy! Tôi gật gù, thầm hiểu ý ông Giáo, dù tiến bộ thế nào cũng cần giữ lại những truyền thống căn bản. Đánh vần là bước đầu, Em Sờ Em Xem, đúng thế không, ông Giáo?
Chỉ là tiếc thế thôi, tiếc vì những truyền thống, những hương vị đẹp đã mờ dần theo đà tiến hóa. Chẳng đẹp sao được, trong thời chiến quốc có đủ tên tuổi tài danh, Ngô Lão, Danh Tướng, Triệu Phúc, càng đậm màu thêm khi điền vào đấy tên của Lỗ Công, Tề Công, Bùi Công, đẹp thật hình ảnh các cao nhân rút kiếm, bay lượn trên ngọn tre tỉ thí võ công, thách thức lẫn nhau uống vò độc tửu, vận khí công đẩy sỏi đá chặn đường!
Ui da! Ông Giáo gỏ đầu, vừa đủ mạnh để tôi quay về thực tế. Tôi cũng còn thấy nhiều tre ngày ấy lắm. Tôi theo những chuyến xe tải, lên Long Khánh tải tre nứa về nhà máy giấy ở Biên Hòa. Không sao, đã bảo rồi, tất cả đều do cách thức mình sờ, góc cạnh mình nhìn, bởi, đoạn đường từ thời chiến quốc đến nhà máy giấy Biên Hòa ĐO TRÒN MỘT GIẤC MỘNG.
Lại nữa, Biên Hòa thiếu dzì BƯỞI!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.