Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2009

Hồng Trần Dõi Bước (tt)

                                                 

Cơn bão có tên Blog 68 ập đến Sài gòn vào thời điểm nầy. Nếu chấp nhận lời Ông Giáo già trong Kinh Thư, ghi rằng, Hiện tại chỉ là sự lập lại của Quá khứ. Tôi không vội tin khi nghe câu nầy lần đầu, nhưng sau vài chục năm làm chứng nhân lịch sử, tôi nghiệm ra việc các nhà tài phiệt xứ Cờ Hoa có lẽ không chấp nhận chính sách mới của Ông Ton Ton, tạm ngừng các dự án đầu tư, gây ra việc trì trệ nghiêm trọng về kinh tế, đấy là hiện tại. Lúc xưa ở Sài gòn, các chú ba sợ kiểm kê nên ngưng hẳn mọi hoạt động, gạo cũng không có đủ mà ăn, ăn cơm độn khoai mì ngán muốn chết. Tôi thấy tội nghiệp cho con Cún vì không quen vất vả như thế, riêng bản thân là dân mò hang cua, đã không có gì dịch sát nghĩa là không có gì để mất. Tôi chỉ đơn thuần nói về khía cạnh kinh tế ở nơi đây.

Chỉ cần nghe hai tiếng Sơn Nữ là tôi đã rộn ràng cả người, nhưng số mệnh lại xếp đặt cho tôi trở về xứ Củ Chi. Bố mẹ tôi bảo phải về đấy khai thác lại mảnh đất bỏ hoang từ nhiều năm. Thôi thì đành hú hí với Thôn Nữ cho qua ngày tháng, chuyện sơn nữ để tôi kiểm chứng với ông chủ trà lá rồi sẽ báo cáo sau.

Chuyện thôn nữ thủng thẳng kể sau. Hình ảnh ấn tượng nhất lúc ấy là gia trang của Ông Chín Mun. Thời buồi ấy mà bề thế như vậy coi như là số một. Tôi khoái nhất là mấy tủ sách kinh thư trong tiền sảnh, sách Nho học, Hán học xếp từng hàng trông thật bắt mắt. Có lẽ dân làng nhập tâm khi nghe Ông kể chuyện thời chiến quốc trong sách Xuân Thu nên đã gọi Ông bằng nhã danh thân mật là Bùi Công. Đám nô bộc trong nhà còn mé rằng Ông lại có căn phòng thứ nhì trong nhà cũng chứa đầy sách, đứa nhiều chuyện bảo nơi đấy đủ loại tiểu thuyết diễm tình, đứa lắm mồm lại bà tám trong phòng ấy đầy đủ tạp chí chuyên về hình ảnh của ngoại bang. Tôi nửa tin nửa ngờ vì lâu lâu cũng thấy Ông đánh dây thép cho người nhà ở nước ngoài. Gặp hôm vui miệng, tôi hỏi Ông về chuyện ấy, lại gậm gừ, lại ực vài ly xây chừng, lại khọt khẹt tiếng còn tiếng mất. Thiệc! Cái gì của Ông cũng xịn ngoại trừ cái micro! Thắc mắc chuyện ấy thì cứ tìm Ông mà hỏi thẳng, tôi ngồi sát bên mà còn chẳng hiểu Ông muốn nói gì!

Chuyện Ông Chín Mun còn dài dài. Gia trang Bùi Công là sự hòa hợp tuyệt hảo giữa Đông và Tây, bên ngoài theo kiến trúc Tây Phương, không hoành tráng như dân Ăng- Lê nhưng trông vững chắc và uy thế, nghe đâu chỉ có vỏ ngoài chưa tính bên trong nội thất mà kinh phí đã lên đến hai trăm sáu mươi triệu. Theo nhà kế toán nước Tây thì con số đưa ra trên giấy trắng mực đen thường chỉ là con số ảo, tổng kinh phí cho toàn gia trang thực sự gấp mười lần con số được công bố. Ông kế toán nầy không có tính cà rỡn như tôi nên tin rằng việc nầy là sự thật. Nội thất Bùi Gia Trang thật là điểm chuẩn cho các nhà thiết kế nội thất nhìn vào. Những hàng cột gỗ mun bóng mướt, thấy đen bóng như thế thì đã biết độ cứng như thế nào rồi. Bàn ghế chạm trổ theo kiểu cổ rất tinh vi, hòa thêm sự uy nghi cho đại sảnh là các bức tranh cẩn xa cừ, thật đúng với một người mang tước Công. Bàn ghế như thế mà được đặt để trong một không gian như thế mới gọi là hòa hợp. Muốn dịch rõ hơn thì tìm Đại Gia Bôn là người chuyên về bàn ghế. Còn muốn dịch tinh vi theo kiểu Ông Giáo già thì có nghĩa là tóc đen mà ở xứ tóc vàng thì đôi khi cũng chua chát lắm. Ông Luật Sư chút ít kinh nghiệm cũng bảo rằng sang xứ Tây thì trở thành què quặt câm điếc. Ông Bút Gian phán… thôi, tự đục bỏ cho được việc!

Chuyện kế tiếp về Bùi Công….

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.