Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

Hồng Trần Dõi Bước (tt)

 

Không rõ đấy là phong cách của bậc văn nho, hay chỉ vì thực thi đúng sách vở thánh hiền truyền lại mà các bậc nhà giáo thường bị gán cho cái tánh gàn dở. Tôi theo Ông Giáo già lâu ngày nên cũng bị nhiễm đôi chút dị chứng nầy. Đôi khi gặp ngày đình đám, tôi khệ nệ mang hộp trà Ông Ruồi đến để tỏ lòng tôn sư, ông lại quắc mắt nhìn Bọn bây chỉ được nước bày trò, tao đường trần đã dứt, không cần chi đến thứ nầy.

Ông Giáo già có lần bảo nếu hòa hợp được THỰC TẾ và HƯ ẢO, xem như đã thông suốt Kinh Điển. Chà! Vừa nốc xong ly rượu Long Hưng, lại bảo hóa giải bằng tách trà Ông Ruồi! Kinh gì kỳ khôi thế!

Không cần ông bảo thì tôi cũng nghiệm ra rằng con Cún và tôi có rất nhiều điều khác biệt. Nó là người được huấn luyện, uốn nắn theo khuôn khổ để duy trì truyền thống, tôi ngược lại, cũng được huấn luyện, nhưng mục đích duy nhất là để có chỗ đứng, được hay không lại là chuyện khác, đấy là THỰC TẾ.  Biết được điều ấy, nên bẳng đi vài năm, tôi chỉ giao thiệp với con Cún ở mức độ bình thường mà không cần dùng trà. Khi rảnh rỗi, tôi thường mò đến cà phê đường Nguyễn Du nghe vài bản nhạc Pháp, vậy thôi, lúc ấy chưa có cà phê không điện, bia cao tầng thì chắc là có, nhưng tiền bạc đâu mà nghĩ đến các thứ ấy.

Hôm ấy là Sinh Nhật của con Cún nên tôi nhất định phải có mặt. Chiều đến thì nó bảo tôi lưu lại, tỏ ý muốn gửi cho tôi một món quà lưu niệm tình bạn. Từ ngày biết nó đến giờ, chẳng bao giờ tôi làm trái ý nó nên lần ấy cũng không ngoại lệ. Con Cún thường bảo Bạn trông khờ khạo, nhưng được cái dễ bảo, con gái thích tính nầy lắm đó. Thiệc! Phái nữ có khác! Chỉ thích nắm quyền!

Tôi hơi rung khi thấy con Cún mở nắp đàn dương cầm, bụng thầm nghĩ chắc nó lại bắt tôi vểnh tai trâu nghe mấy tấu khúc cổ điển, chán phèo! Định đề nghị nó chơi nhạc Pháp cho đỡ bức rức lỗ tai nhưng thấy nó đã ngồi xuống nên lại thôi, lẩm bẩm cầu xin cho việc nầy kết thúc nhanh thì quá tốt.

Diễn tả người nhạc sĩ lả lướt trên phím đàn quả là không sai. Nhìn các ngón tay chải dài, thoăn thoắc dạo phím quả là tuyệt, nếu không thông hiểu nút thì chẳng làm gì bấm được thế. Tôi say sưa theo dõi, ngạc nhiên quá, đây là lần đầu tiên con Cún chơi một bản nhạc Việt

 

Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay.

………………………………………….

Thoáng nghe buồn man mác đâu đây. Buồn vô tư lự của tuổi vừa lớn. Giọng ca nó hay quá, đơn sơ quá, giản dị quá nên trở thành HƯ ẢO như những lời ca. Tôi miên man suy tưởng về những lời ca ấy. Hay thật! Giọng con Cún mang nỗi xúc động tột cùng, tôi nghĩ nếu không có niềm cảm xúc thì nó đã không rung động trước mắt tôi như thế

 

Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai

Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời

Xin cho tay em còn muốt dài

Xin cho cô đơn vào tuổi nầy

Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài

 

Hay quá! Hay quá!

 

Điệp khúc lại tuyệt hơn. Tôi có thể mường tượng Ông Giáo già ngồi gục đầu, lẳng lặng nghe lời vang thống thiết

………………………………………

Còn tuổi trời hư vô

Bàn tay che dấu lệ nhòa

Ôi buồn!

 

Thả hồn theo từng lời ca, từng dòng nhạc, để rồi lại mơ ước

 

Xin chân em qua từng phiếm ngà

 Xin mây se thêm màu áo lụa

Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ

 

Tôi nhớ mãi mùi hương ký ức đêm ấy.

Đêm nay, trời Melbourne lạnh và tĩnh mịch. Tôi ao ước được nghe bài Còn tuổi nào cho Em, không phải bằng giọng ca thánh thót của Khánh Ly, không phải bằng giọng ca chải chuốt điêu luyện của Cẩm Vân, lại không phải là giọng ca của Hồng Nhung. Tôi muốn được nghe lời tình tự rất thơ ngây từ con Cún, Chỉ một giọng ca có thể đem đến cho tôi THỰC TẾ và HƯ ẢO.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.