CỬA HẸP
Thoạt nghe đến từ cửa hẹp người ta nghĩ ngay đến những gian truân, khó khăn, vất vả. Sự liên tưởng này không sai, nhưng nguời ta có thể lầm khi chỉ dán mắt vào độ hẹp của cánh cửa mà quên nhìn thực tại đằng sau nó. Đó là Nước Trời, là Vương quốc của tình yêu, là hạnh phúc vĩnh cửu. Các biến cố lịch sử thường được nhìn nhận cách khách quan và trung thực hơn sau một thời gian cần thiết nào đó. Tương tự như thế, có nhiều sự thật chỉ được biểu lộ hay được nhận biết cách khá chính xác hơn với cái nhìn từ phía sau. Chúng ta cần phải tự hỏi rằng Thiên Chúa ban hạnh phúc vĩnh cửu, vương quốc Nước Trời cho những ai? Thật dễ dàng trả lời đó là cho tất cả những tạo vật mà Người dựng nên, các loài hữu hình và vô hình mà trong đó có loài người chúng ta, loài thụ tạo cao cả nhất trong các loài hữu hình được tạo dựng.
“You get what you pay” (tiền nào của nấy). Để có được những thiện hảo đời này hẳn nhiên không thể thiếu sự gắng công nỗ lực. Và chắc chắn để có hạnh phúc vĩnh cửu thì sự nỗ lực gắng công càng nhiều hơn gấp bội. Có nhiều cách thế cũng như lãnh vực phải gắng công để đạt hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng trong tất cả những sự gắng công ấy thì việc nỗ lực trở nên “con người” là một nỗ lực nền tảng, không thể thiếu. Thiên Chúa ban hạnh phúc Nước Trời cho con người thì có thể nói cách không thể sai lầm rằng những ai đích thực là con người thì sẽ được hưởng nhận hạnh phúc ấy.
Theo nhãn quan này thì việc bước qua cửa hẹp chính là những cố gắng để trở nên con người như thuở ban đầu được tạo dựng. Trước khi Ngôi Lời nhập thể, dù được ánh sáng Thiên Chúa soi dẫn qua vũ trụ thiên nhiên và đặc biệt qua tiếng lương tâm, nhưng con người khi tìm cách trở nên chính mình, trở nên con người, thì vẫn một cách nào đó còn mò mẫm như đi trong đêm tối. Các hiền triết cổ đại thường mời gọi đồng loại ưu tiên cho việc “biết mình”. Biết mình là cái biết nền tảng để thành nhân. Đến thời viên mãn với mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa thì chân dung và căn tính “con người” đã được mạc khải cách toàn hảo nơi chính Đức Giêsu Kitô. “Người chính là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” là “Trưởng tử giữa các loài thọ tạo”(x.Col 1,1). Lần giở các trang Tin Mừng, chúng ta cùng xem Chúa Kitô đã trình bày chân dung “Con Người” như thế nào.
Con người được tạo dựng có nam có nữ (x.Mc 10,6): Con người là loài được dựng nên chứ không phải tự mình mà có hay hiện hữu cách ngẫu nhiên. Dữ kiện phái tính cách nào đó khẳng định tính hữu hạn và tính hướng tha của con người. “Người đi một nửa hồn tôi mất. Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”. Nhiều thi nhân ví von cuộc đời như là quá trình tìm kiếm cái phần nửa của bản thân mình. Hội Thánh dạy rằng con người là hữu thể hướng đến tha nhân và hướng về Tuyệt đối. Như thế bước qua cửa hẹp là nỗ lực làm chủ khuynh hướng tìm mình cách vị kỷ cũng như làm chủ sự tự mãn, tự cao cho mình hoàn hảo hay toàn năng.
Con người là loài có thể xác nên có các nhu cầu ăn uống nghỉ ngơi…(x.Mt 11,19). Tuy nhiên con người còn có linh hồn thiêng liêng làm linh động thân xác. Mặc dù có sự góp phần không thể thiếu của thân xác, nhưng chính linh hồn qua các cơ năng luận suy, phán đoán, chọn lựa mới làm nên giá trị tốt, xấu, đúng sai của các hành vi. Vì không phải những gì bên ngoài vào trong con người làm cho con người ra ô uế mà chính những gì bên trong phát xuất ra…(x.Mt 15,11). Bước qua cửa hẹp là nỗ lực thanh luyện linh hồn đồng thời dùng linh hồn để hướng dẫn và làm chủ thân xác.
Lề luật hay ngày Sabbat được lập ra vì con người chứ không phải con người có ra vì ngày Sabbat hay vì lề luật (Mt 12,8; Mc 2,28). Khi sống thành bầy đoàn, loài vật giành giật và duy trì địa vị thống trị của chúng chủ yếu bằng sức mạnh của cơ bắp. Dĩ nhiên khi đã già yếu thì vị trí thống trị của chúng bị đe dọa và đến lúc nào đó bị tước đoạt bởi cá thể khác mạnh hơn. Con người thì nhờ có lý trí đã biết vận dụng lề luật để duy trì quyền uy và sự thống trị của mình. Là sản phẩm do tay con người lập nên, lề luật đã được khách quan hóa thành ý của thần minh, thành ý trời, để một cách có chủ ý phục vụ quyền lợi cho những người làm nên lề luật ấy. Như thế, một cách nào đó con người đã tự phong thần phong thánh cho bản thân. Khi bắt người khác tuyệt đối quy phục lề luật mình làm ra thì mình đã nô lệ hóa tha nhân bằng chính ý chí chủ quan của mình. Bước qua cửa hẹp chính là nỗ lực cởi bỏ những ràng buộc khiến ta và tha nhân trở thành nô lệ cho sản phẩm của con người, để đưa chính mình và tha nhân trở thành những chủ nhân thực sự đối với các thực tại trần thế theo thánh ý Thiên Chúa truyền ngay tự buổi đầu thưở tạo dựng (x.St 1,26; 2,20).
Con Người đến thế gian không phải để được người ta hầu hạ nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x.Mc 10,45). Đến thế gian này, một trong những sứ mạng của Ngôi Hai Thiên Chúa đó là mạc khải cách đủ đầy và hoàn hảo căn tính của con người, vốn là loài được dựng nên, là hình ảnh của Thiên Chúa. Nét khác biệt và sự trỗi vượt của loài người trên các loài thọ tạo hữu hình không chỉ được thể hiện bằng trí khôn, một khả năng giúp con người ngày càng phát triển mọi mặt, mà còn được thể hiện qua ý chí tự do. Các loài vật bậc thấp khi yêu thích sự gì thì bị thôi thúc chiếm hữu nó bằng mọi giá. Trái lại tình yêu nơi con người lên đến đỉnh cao nơi động thái dâng hiến. Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu tự hiến thân vì người mình yêu (x.Ga 15,13). Bước qua cửa hẹp là gột bỏ những rào cản khiến chúng ta không thể yêu thương tha nhân bằng sự tự hạ mà dâng hiến, bằng sự quên mình để phục vụ như Chúa Kitô đã yêu thương (x.Ga 13,34).
“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em”(Lc 12,32). Thiên Chúa yêu thương trao ban Hạnh Phúc Nước Trời cho con người. Như thế chúng ta có thể nói rằng để được vào Nước Trời, tức là để có được hạnh phúc đích thật thì chúng ta phải là con người. Vào qua cửa hẹp chính là sự nỗ lực gắng công từng ngày gột bỏ những gì khiến chúng ta không còn là con người hoặc làm chân dung con người nơi chúng ta bị biến dạng. Một vài điều cần gột bỏ đó là sự tự cao, tự đại cho mình toàn năng, toàn hảo hay toàn tri; đó là sự vụ lợi ích kỷ; đó cũng là những ý đồ thống trị tha nhân bằng sức mạnh của quyền lực, thế quyền và lẫn thần quyền, bằng các thể chế luật lệ phi nhân, bất hợp lý do chính mình dựng nên để phục vụ cho quyền lợi của bản thân mình, tập thể của mình…
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột
(nguồn : thanhlinh.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.