Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2009

Chút suy tư!!!

Tu Thân - Tề Gia - Trị Quốc - Bình Thiên Hạ

Đa số những người thích tự khẳng định mình ngày nay, đều chỉ muốn Trị Quốc và Bình Thiên Hạ chứ há có mấy ai nghĩ tới việc Tu Thân và Tề Gia là phải làm trước hết.

Ngay cả ở đạo Vợ Chồng, người đàn ông cũng chỉ muốn Tề Gia chứ ít ai nghĩ rằng mình cần phải Tu Thân.

Cái đạo làm người Quân tử cốt lõi ở chữ Tu Thân, xong rồi mới tới hành đạo. Đạo không chỉ có nghĩa là đạo lý luân thường, mà Đạo còn nói về những gì hợp với lẽ tự nhiên, hợp với quan niệm xã hội, và với quan hệ con người.

Thành thử ra, đàn ông bây giờ ra đường gặp nhau toàn nói truyện trên mây trên gió, đu dây điện cả ngày vợ với bạn gái kêu không thèm xuống, vì cái đầu họ nghĩ lớn quá, nghĩ toàn truyện nước nhà, truyện quấc tế, truyện Kosovo, truyện Timor Lesté, chứ có ai thèm nghĩ tới việc nhà cửa gia đình.

Dân ta thường nói một cặp Tu Thân Tích Đức (hay là Tu Nhân Tích Đức), thiệt ra không cần phải cố tình tích đức bằng cách làm từ thiện, giúp đỡ trẻ em nghèo hay đóng góp các quỹ bão lụt, bởi chỉ cần Tu cái Thân thôi thì tự nhiên tích được Đức.

Tu Thân với Khổng Tử có nghĩa là phải sống Chính Danh và phải đặt chữ Nhân (Nhân Trị) lên đầu mọi việc mình làm.

Chính Danh nghĩa là làm việc gì cũng phải đường đường chính chính. Mỗi sự vật phải được gọi đúng tên của nó, mỗi người phải làm đúng bổn phận, chức phận của mình. Danh không chính ắt Ngôn không thuận, Ngôn không thuận ắt Việc bất thành.

Vậy mà ngày nay, có được bao nhiêu người đàn ông dám tự vỗ ngực nói là ta sống một cách Chính Danh? Lừa tình lừa tiền phụ nữ, ruồng rẫy vợ già vợ quê, gạt gẫm dụ dỗ bạn bè, làm những hành động lén lút, giấu giếm gia đình, giấu giếm xã hội, đút lót, hối lộ, tham nhũng, ăn chặn ăn bớt, luồn cúi, bợ đỡ, mặt thì lấm la lấm lét, mắt thì liếc tới liếc lui, nói không dám nói lớn, đi không dám đi thẳng lưng… ta nói đàn ông bây giờ ra đường nhiều thằng còn nhục hơn đàn bà con gái.

Nhân có nghĩa là tình người, Nhân trị là đối xử với người như đối xử với bản thân mình, thương người như thể thương thân, vân vân. Khổng viết Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân tức điều gì mình không thích thì đừng làm cho người, là cốt lõi của việc Tu thân của người quân tử.

Vậy mà ngày nay, thiếu gì những người hại bạn, đẩy bạn bè anh em vào đường cùng cũng chỉ vì chút vinh hoa phú quý. Món nào trong nhà dở, dư ra thì đem cho bạn bè, còn cái gì ngon ngọt thì giữ lại cho mình. Ngày xưa bạn tới nhà người ta lấy rượu quý ra đãi, còn ngày nay bạn tới nhà người ta đem nước lạnh ra cho uống. Cái gì dễ ăn thì mình bốc hốt, cái gì khó ăn thì nhường cho mấy thằng em. Nhiều người sống không còn biết người khác mà chỉ nghĩ tới bản thân mình, thiệt nhiều khi muốn nhấn cái nút nào đó cho mấy thằng như vậy biến sạch hết cho rồi.

Tu thân là như vậy, sống phải nhân hậu, phải đàng hoàng thì tự nhiên đức nó tới, chứ không cần phải tích, phải trữ làm gì.

Thành thử ra, ngày nay đàn ông Việt Nam đu dây diện quá nhiều, lo nhà đất, lo chứng khoán, lo buôn bán làm ăn, lừa nhau được cái gì thì lừa, giấu nhau được cái gì thì giấu, cốt chỉ để thủ lợi cho mình nhiều hơn cho thằng kia, rồi đem tiền về quăng cho vợ là coi như xong bổn phận làm chồng.

Nhiều người mơ xa, mơ cao làm tổng giám đốc công ty đa quấc gia, đa lĩnh vực (như tui chẳng hạn ) mà suốt ngày đu dây điện, nói truyện trời ơi đất hỡi chị em phụ nữ nghe chỉ biết lè lưỡi ra bái phục, nhưng về tới nhà thì mới lòi mặt chuột ra là một người bạo ngược, lăng nhăng, hoang đàng chi địa, ăn chơi trác táng, bỏ bê vợ con…

Bản thân chính mình còn không thèm tu, không thèm làm một người quân tử đường đường chính chính trước mà cứ đòi lên mặt dạy vợ dạy con, dạy dân dạy nước, dùng vũ lực để trấn áp kẻ yếu thế thì chẳng khác gì một thằng điên đi ra ngoài đường dõng mỏ lên nói chẳng ai thèm nghe mà cũng không ai muốn cãi.

Câu nói từ hai ngàn năm trước của Khổng Tử dạy cho đám hậu bối tới ngày nay mà cái điều đơn giản nhất là Tu Thân còn hiếm thấy người làm cho trọn vẹn, thì chắc là Tề Gia - Trị Quốc - Bình Thiên Hạ là cái điều khó khăn tột bực…

Khó lắm thay, khó lắm thay!!!

'but gian HNM' sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.