Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2009

Hồng Trần Dõi Bước (tt)

Ngày Hạ thừa ánh nắng. Như tia nắng sớm, hy vọng bừng lên rực rỡ, oi bức dần như nắng ban trưa trong nôn nóng chờ đợi, chuyển thành tia nắng chiều úa nhạt với tâm trạng hoang mang lúc nghĩ về một hành trình vô định hướng. Ngày tị nạn đủ bốn mùa, dài đăng đẳng. Mà nầy, nỗi đợi chờ nào chẳng kéo theo những suy tư đầy sắc màu của bốn mùa, quờ quạng trong bóng đêm mờ mịt, héo hắt 30 năm úa sầu, rộn ràng theo tia nắng dấy lên từ tinh cầu xa lạ, tấu vang cung điệu xì tin đầy hơi hám niềm hy vọng. Thế đó, ngày tị nạn lửng lờ, ngày tị nạn rã rời, ngày tị nạn chợt đầy ấp…nắng Hạ đôi khi xa lạ wá!

Kịch bản "năm mười" thật sự có chiều sâu, một dàn dựng có tầm vóc. Vua voi ngỏng vòi, phất cung điệu mở đầu thật hoành tráng. Tôi thấy cả anh nài voi thấp bé đứng trên lưng voi, nguấy đít đánh đũa bắt nhịp cho nhạc phẩm Ngày Tân Hôn. Từng nghe qua Thanh Lan, và gần đây Diễm Liên rất xuất sắc qua bài nhạc, vẫn không thể so sánh với giọng ca đang hồi xuân chơi đến chiều trong ngày ấy, xuất thần qua từng lời nhạc. Không bức xúc, dầy vò qua từng năm tháng rã rời trong hạnh phúc hoan lạc, không diễn tả đạt trình độ đến mức ấy, con Cún cho lời bình như thế. Từng cặp trong nhóm hơn mười đôi năm chẳn bước nhịp nhàng vào khu hành lễ. Nhóm phái nam trông mãn nguyện vì thành quả đạt được trong cuộc sống hôn nhân, cười tươi tắn. Nhóm phái nữ lộng lẫy từng bước hãnh diện đi kề cận người phối ngẫu, hài lòng với anh phu quân theo đúng phóc ca-ta-lô "cơm là cơm, phở là phở". Xì xầm từ đám rờ-mọt "Mẹ bảo, phúc đức nên lấy Bố có cốt tu". Tán đồng, lời thì thầm thứ nhì "Thế mà lúc xưa, thiên hạ dèm pha, không ưng ai, lại vớ cái anh ếch-xích-ti-ách". Không nghe tiếng quát từ ông dáo-xư bảo im, chỉ vang vọng âm nhà đạo diễn kịch bản họ Lỗ "cắt…cắt…cắt…"

Kịch bản đứt đoạn, giấc mơ đẹp bị những công việc thường nhật từ thực tế chen vào. Nghề võng nôi vốn một lãi mười, trở thành nghề gia công chính trong trại thời ấy. Lối đan lưới đánh cá được áp dụng, trở thành những chiếc võng chỉ sợi chắc chắn và bền đẹp. Suy diễn ra, không chỉ có anh cắt tóc nơi thành phố mới biết cải tiến ngành nghề, anh dân miền biển vận dụng chất xám chẳng kém ai khi cần thiết. Dĩ nhiên, luồng gió đổi thay cũng phải đến qua năm tháng, võng nôi có gắn mô-tơ ra đời sau sáng kiến cực độc đáo, đẩy lùi chiếc võng truyền thống vào bóng tối. Tôi chấp nhận canh tân để cải tiến, nhưng thiếu vắng bài ca dao đưa võng vang lên từng buổi trưa nơi khu xóm nhỏ ngày nào, back to the future or moving to the past, tôi phân vân…chất xám chạy hỗn loạn!

Lính canh trại gốc dân Malay nên theo truyền thống Đạo Hồi. Khi họ bắt đầu giờ cầu kinh lúc sáng sớm là lúc thuận tiện nhất cho việc lẻn trại đi bán võng. Ôm thùng thiếc lội băng ngang con sông phía sau trại, sông chảy ra cửa biển nên khá lớn, bì bõm khá lâu mới sang bờ phía bên kia. Từ đấy, ĐỨNG XE BUÝT ra thành phố, chen chút vào dòng người qua lại để bán hàng. Với vốn liếng Anh ngữ tiếng còn tiếng mất, nhưng chúng tôi bán hôm nào cũng sạch hàng. Nghĩ sau nầy có cơ hội gia nhập đội quân tiếp thị hãng võng nôi LH, tôi cầm chắc chức vụ trưởng tiếp thị, chào hàng bây giờ di chuyển bằng Honda xoáy nòng, tiện nghi quá, dân thành phố vương giả quá!!!

Cuối ngày, lúc nhóm lính vào buổi cầu kinh ban chiều, chúng tôi lại băng sông lội về trại, không quên đèo theo thùng bia đen bồi dưỡng cho chất xám vào buổi tối. Dzui là chính, Ngài Phó lúc nào chẳng bảo thế.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.