Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Hồng Trần Dõi Bước (tt)

Ban mai lại khởi đầu cho một ngày mới ở trại ti nạn. Cơn mưa đêm qua không chặn nổi sức nóng nhiệt đới dù ngày chỉ mới bắt đầu bừng dậy. Tia nắng dọi thẳng, hực trên hàng bông kẽm gai giăng kín vòng rào trại. Không khác kiểu cách các trại lính, trại được dựng vội với những dãy barracks mái tôn, mọc trơ trọi giữa vùng rừng núi, cách khá xa khu cư dân. Những mảnh ván ghép sát vào nhau, kê hỏng khỏi mặt đất lối nhà sàn của người dân tộc, nơi sinh hoạt của chúng tôi trong một thời gian, có thể là rất dài, nào ai biết. Hộ phức tạp dùng ván hoặc vải che lên để ngăn vách, hộ đơn giản như kiểu tôi thì chẳng cần gì, cứ để trống cho gió thổi vào, thế mà lại thoáng. Hành lý cũng chẳng khả quan hơn lúc trên ghe, vẫn chiếc quần đùi làm tiêu chuẩn, vài chiếc quần xóc khá đẹp được hội phân phát vẫn nằm trong xó, mấy cha Tàu Mã Lai phốp pháp nên vòng bụng quá khổ so với thân thể tôi hồi ấy. Có phải vì thế mà các cụ xưa thường nhắc đến việc "nâng khăn sửa túi" lúc bước vào ngưỡng cửa đời? Tư tưởng hơi chệch nên tôi đơn thuần nghĩ việc ấy chỉ là việc phối hợp tính năng động, nếu không thì lại nằm phơi lãi mỗi đêm như tôi lúc ấy, kể cũng buồn.

Tiếng động từ vách ngăn hộ cha phó tài công ngắt ngang trang bí kiếp tôi thường đọc mỗi tối. Đến đoạn Ngô Lão bước vào tuổi "đái ướt quần" nên bệnh cứ phát sinh theo kiểu dây chuyền, dược thảo cung cấp từ Danh Tướng không còn hiệu nghiệm như lúc ban đầu, nốc vào đường trên lại xổ thẳng ngay ra đường dưới, lậm sang bệnh co thắt cơ tim, như lời ghi trong giấy bắt mạch của đám dáo-xư-bác-xĩ. Lo tất bật, Mõ Ruồi bàn nên đọc qua trang bí kiếp của vua voi Ama Kông, nghe nói là nhặt được từ năm tháng lưu lạc lúc hái trà với sơn nữ trên vùng cao nguyên. Phái chuyên thuốc Nam lại bảo rằng truy tung tích của anh em Song Vũ, tìm sư phụ, lóc đủ mười bộ ngọc dương về ngâm thuốc, nốc vào là dương khí lại tươi tốt, ông uống thì bà lại sẽ khen!

Ngô Lão chuyên về kinh nhà Phật nên bảo rằng gốc căn bệnh do phát xuất từ tâm. Bạn văn học họa thơ như Triệu Phúc thì đã trốn biệt dạng, chật lưỡi bảo không lên Pờ-lây-cu thì thuốc đâu mà hái. Sang Tề Công mới họa ứng vài hàng, chưa đầy canh giờ đã vội gỡ bảng. Lão Bút Gian khuyên tìm đến Lỗ Công là người thực tài. Cười híp mắt, họ Lỗ dựng tức thời kịch bản để đạo diễn, "năm mười" tên kịch vừa nghe qua đã thấy phơi phới con tim. Lại Ông dáo-xư phê bình kịch bản thiếu chiều sâu, có thân mà không có mến, phán rằng nên đì-lít câu "chịu chơi…chơi đến chiều", Ông dáo-xư lắc đầu ngoày nguậy. Lỗ Công thở dài… "bá nhân, bá tánh", hứa sẽ sửa đổi chiều sâu kịch bản!

Lại tiếng cọc cạch từ hộ cha phó tài công. Đoan chắc cha nầy thuộc con cháu họ Lỗ. Đêm nào cũng diễn kịch!

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.