YÊU VÀ GHÉT
Ở bài trước (“Nói hay đừng” – xc. Thanhlinh.net, tr. Bài vở), tôi có nói đến Đức Giê-su dạy các môn đệ “4 đừng”: Đừng giận ghét – Chớ ngoại tình – Đừng ly dị – Đừng thề thốt. Bài Tin Mừng hôm nay, Người lại dạy thêm “1 đừng” nữa: Chớ trả thù. Vì sao con người hay trả thù? Chung quy cũng do tự ái quá cao mà thôi. Bởi tự ái là gì nếu không phải là tự yêu mình. Khi chỉ biết yêu mình một cách thái quá thì sẽ cho là mình đúng, lúc nào và trong trường hợp nào cũng đúng hết. Bởi thế nên được người khen thì chẳng nói làm gì, nhưng bị chê thì sửng cồ lên ngay. Bị phê bình trúng tim đen thì bằng mọi giá sẽ tìm cách trả đũa. Nói cách khác, khi con người tự ái quá đáng, sẽ rất dễ giận ghét và từ giận ghét sẽ đưa đến hành động trả thù. Sau 5 lời khuyên “Đừng”, thì tiếp liền theo đó, Đức Ki-tô lại khuyên “Nên” (“Phải yêu kẻ thù”). Cả 6 điều khuyên bảo “Đừng” và “Nên”, xét cho thấu đáo, đều nằm trong luật yêu thương, mà ở đây là Luật yêu thương của Thiên Chúa (vô hạn) chớ không phải của con người (hữu hạn). Nói về luật yêu thương thì chính là nói về nguyên lý tình yêu, nguyên lý ấy xuất phát từ Thiên-Chúa-Tình-Yêu. Vâng, kể từ khi Thiên Chúa dựng nên vũ trụ, muôn loài, thì đã vì tình yêu mà Người dựng nên loài người và đặt làm chủ mặt đất. Con người đầu tiên được sinh ra chỉ có một mình, Thiên Chúa lại thương "Con người ở một mình thì không tốt" (St 2, 18), nên ban cho một người bạn khác giới tính để từ đó có thể sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất. Sự đối kháng giới tính không nhằm loại trừ nhau mà là bổ túc cho nhau, hỗ trợ nhau nên hoàn thiện. Cũng vì tình yêu, không những Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người, có nam có nữ, mà Người lại ban cho con người một đặc ân là được tự do đến gần như tuyệt đối. Cũng vì được tự do như vậy, nên con người đã vượt qua giới răn của Thiên Chúa mà phạm tội. Sau khi phạm tội, con người vẫn không bị trách phạt; chẳng những thế, còn được Thiên Chúa ban Con Một xuống thế để cứu chuộc, để giải thoát con người khỏi ách thống trị của tội lỗi và đem lại đời sống vĩnh cửu. Nếu không vì tình yêu, thì Thiên Chúa có đối xử với con người như vậy không?
Và khi vì tình yêu, Đức Giê-su Kitô vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người, thì Người đã thi hành sứ vụ tình yêu bằng cách khuyên răn, dạy dỗ mọi người sống với nhau bằng tình yêu đích thực, như Người đã thể hiện qua thời gian ngắn ngủi sống trên trần gian và nhất là qua cái chết trên thập tự. Tất cả những Lời truyền dạy, răn đe, những việc làm, nhất là sự hy sinh tột bậc của Người (hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người), chung quy cũng mong muốn cho con người trở nên hoàn thiện, hầu xứng đáng là một công dân Nước Trời. Mà con người muốn hoàn thiện, đáp lại Tình yêu Thiên Chúa thì phải làm sao? Nói gọn lại thì chính là “yêu Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình”. Triển khai ra thì chẳng phải là “5 đừng + 1 nên” đó sao?
Nói thì có vẻ trơn tru, nhưng từ lời nói đến việc làm vẫn còn một khoảng cách xa lắm, nhiều khi tưởng chừng như cách nhau cả một dải thiên hà. Sông trời ư? Có thể lắm, bởi yêu Chúa thì tôi sẵn sàng tuyên bố là tôi yêu Chúa hết lòng, và còn hơn thế nữa kia; nhưng nói đến yêu người thì tôi chỉ có thể lu loa trên lỗ miệng thôi, chớ thực tế thì… hãy đợi đấy! Đến như bảo tôi phải yêu cả kẻ thù địch với tôi thì còn khuya! Viết đến đây, tôi chợt giật mình vì nghĩ rằng có thể mình đã đi quá xa, quá trớn, đã bi thảm hoá vấn đề chớ đâu đến nỗi như vậy. Đúng lúc đó, lũ cháu tôi mở TV, vừa lúc có bản tin thời sự (chiều mùng một Tết Tân Mão – 03/02/2011). Ngoài những tin tức lễ hội Xuân ở VN, tới bản tin thế giới thì có 2 tin làm tôi chú ý: Đó là tin cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ ở Ai-cập lên cao điểm và đã có người chết vì bạo động vũ lực. Bản tin thứ 2 là tin Trung Quốc vừa phát hiện một xí nghiệp lớn, chuyên sản xuất “gạo ni-lông”. Bản tin nói rõ: nếu ai ăn hết 01 kg gạo thường trộn thứ gạo siêu đẳng này, thì cũng tương đương ăn hết một bao ni-lông nguyên chất. Vị chi một tháng nếu tôi ăn hết 15kg gạo đó, thì tôi đã cho vào máu của tôi 15 bao ni-lông được tán nhỏ. Một năm như thế, thì… thôi không dám nghĩ tiếp nữa. Không nghĩ, nhưng lại nhớ tới trứng gà hoá chất, sữa mê-la-min, cũng xuất phát từ Trung Quốc. Thế giới thì như thế, còn VN thì sao? Gần đây nhất (năm 2010) cảnh cứu trợ đồng bào bị bão lụt lại lặp lại những chiêu “ảo hoá” (cắt xén thực phẩm, biến những đồng tiền cứu trợ thành con số ảo đối với nạn nhân, nhưng lại là tiền thật nằm trong túi những vị có chức có quyền…), rồi thì… thực phẩm ngoài chợ là heo tai xanh, gà vịt cúm gia cầm, rau quả ướp thuốc rầy, giữ thịt tươi lâu và làm bánh phở bằng thuốc ướp xác chết… Ôi chao! Nhiều lắm, không dám nghĩ, mà cũng chẳng dám kể ra nữa… Như vậy mà bảo là yêu thương nhau, là “Nhiễu điều phủ lấy giá gương,/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, rồi còn “tứ hải giai huynh đệ” (bốn bể đều là anh em), hay sao?
Tôi tự an ủi: Như vậy thì mình cũng chưa đến nỗi mang tiếng là hay bi thảm hoá vấn đề, cốt tạo nên những cú sốc lôi cuốn độc giả. Vâng, quả thực là thực tế đã chứng minh: Tôi chỉ có thể tự yêu tôi (tự ái), khó lòng yêu được người khác, chớ đừng nói đến yêu cả kẻ thù. Mà có lẽ cũng chính vì thế nên mới có vụ “cửa rộng cửa hẹp” (khi Đức Giê-su Ki-tô khuyên tôi “hãy qua cửa hẹp mà vào” - Mt 7, 13). Như vậy thì phải làm sao? Cái đó hoàn toàn tuỳ thuộc vào tôi, bởi “Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước,/ con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy./Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử,/ ai thích gì, sẽ được cái đó” (Hc 15, 16-17). Nếu tôi không muốn bận tâm bận trí, không muốn hy sinh này, thiệt thòi khác, tôi được quyền tự do chọn cho mình cửa rộng - còn rộng thênh thang nữa kia! - còn ngược lại, tôi sẽ được vào cửa hẹp. Nói cách khác, tôi hoàn toàn tự do khi tôi yêu hoặc ghét, Chúa không hề ngăn cấm hay bắt buộc. Người chỉ khuyên bảo, nhắc nhở tôi thôi. Và có lẽ cũng nhờ thế mà tôi thấy được rằng, xung quanh tôi, vẫn còn nhiều thật nhiều những con người sẵn sàng quyết tâm chọn cho mình cửa hẹp. Thế thì tại sao tôi lại cứ đưa cái tự ái lố bịch của mình lên quá cao như thế? Vâng, hãy bình tâm lại, hỡi “cái tôi” không biết đáng yêu hay đáng ghét này! Bình tâm lại, sẽ nhận ra rằng: tôi đã “nhận” quá nhiều từ Thiên Chúa, kể cả của anh em tôi nữa. Vậy tại sao tôi lại cứ khép chặt cửa lòng, bịt chặt miệng túi, mà không biết đem chia sẻ với anh em những gì tôi đã được nhận. Tôi hãy nhớ rằng, nếu tôi có đem “cho” anh em cái gì thì cái đó cũng chẳng phải là của tôi, mà là của Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi đâu có mất mát thiệt thòi gì mà cứ phải ca cẩm?
Nói tóm lai, bản chất con người vốn dĩ là thích yêu hơn bị ghét, và nếu có yêu thì chỉ thích yêu mình hơn cả. Còn oái oăm hơn nữa là khi thù ghét người khác thì lại không muốn người ta thù ghét mình. Nếu không vì thế, các bậc thánh hiền đã không mất công truyền dạy “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác), “ái nhân như ái thân” (yêu người như yêu mình). Thiên Chúa thì còn hơn thế nữa, tình yêu Người dành cho nhân loại đã lên tới tuyệt đỉnh: Người đã ban cả Con Một làm giá chuộc muôn người vì tình yêu. Và chính Con Một Thiên Chúa – Đức Giê-su Ki-tô – luôn luôn day: "Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó" (Mt 7, 12); “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12); “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 15).
Ôi! Lạy Chúa! Chúa đã dựng nên con, đã ban cho con một tấm lòng, một trí khôn biết phân biệt thiện ác, biết yêu và ghét, và nhất là đã ban cho con sự tự do tuyệt đối, để con có thể tự quyết định cuộc đời của mình bằng cách lựa chọn một con đường. Con đã sai lầm trong lựa chọn để chỉ biết yêu mình trên hết, co mình vào cái vỏ ốc “ích kỷ” đến độ có thể “hại nhân” (“ích kỷ hại nhân”: lợi mình hại người). Xin Chúa đoái thương, ban cho con một tâm hồn quảng đại, một tấm lòng bao dung độ lượng; xin cho con biết yêu người như yêu chính mình, biết coi tất cả mọi người (kể cả những người thù ghét con) đều là anh em một nhà (“tứ hải giai huynh đệ”), cùng con một Cha trên trời. Ôi! “Lạy Chúa từ nhân. Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người …” (Kinh hoà bình). Amen.
(nguồn : thanhlinh.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.