Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

Sao cứ phải quan trọng việc sinh con trai hay con gái


Lang thang trên net, thấy bài hay, chia sẻ với anh em. Ánh 757
nguồn http://paultranvu.multiply.com/journal/item/290/290

      Nhìn hai con gái nô đùa vui vẻ bên đống đồ chơi, lấy tay xoa cái bụng đang nhấp nhú một hình hài. Chị chợt giật mình: "Nếu kỳ này mình mà không sinh con trai thì chắc là sẽ khó mà sống nổi!".  

Ảnh hưởng từ truyền thống

Từ rất nhiều thế kỷ qua, nước ta đã chịu ảnh hưởng và trải qua hàng nghìn năm phong kiến, nên tư tưởng Nho Giáo vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Việc quan niệm phải có con trai để nối dõi "tông đường" cũng bắt nguồn sâu xa từ những phong tục, tập quán, từ truyền thống chứ hoàn toàn không dựa trên cơ sở khoa học nào. Với thời đại bây giờ quan niệm đó hoàn toàn phong kiến và đã lạc hậu. Tuy nhiên chưa thấy ai nghiên cứu phân tích xem tại sao quan niệm đó vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay? Và làm thế nào để mọi người không còn có tư trưởng trọng nam, khinh nữ?

Từ xa xưa, ngay từ khi mới chào đời, người ta đã đặt sẵn một "định kiến" cho tất cả những ai mang thân phận là con gái, đó là họ luôn phải có tam tòng tứ đức, "công, dung, ngôn, hạnh" đầy đủ... Ngày nay, khi xây dựng gia đình mọi người đều hiển nhiên biết rằng: người con gái sẽ phải về nhà chồng ở, phải lo toan công việc cho nhà chồng, phục vụ và chăm sóc chồng con, quán xuyến mọi việc trong nhà… và phụ nữ muôn đời vẫn cứ là "tề gia nội trợ", con gái đi lấy chồng thì mang họ chồng và an phận với bổn phận dâu con nhà chồng. Tóm lại, người con trai là trụ cột của gia đình, có trách nhiệm lo toan cho bố mẹ, phụng dưỡng bố mẹ già khi ốm đau bệnh tật. Từ những quan niệm đó ta thấy, nếu không có con trai để nối dõi tông đường thì rõ ràng một điều là khi các con gái đi lấy chồng hết nhà chỉ còn lại mỗi bố mẹ già ở với nhau, và gia đình đó sẽ "tuyệt tử tuyệt tôn".

Điển hình cho vấn đề này, dù có hai cô con gái xinh xắn và ngoan hiền nhưng ca sĩ Mỹ Lệ cũng đã từng bộc bạch trên báo chí khi chị cũng sẽ cố gắng sắp xếp để sinh thêm cho gia đình một bạch mã hoàng tử, vì trước sau con gái cũng sẽ bỏ bố mẹ về nhà chồng thì nếu có thêm một cậu con trai thì gia đình mới không cảm vắng vẻ quạnh hiu lúc về già. Còn chuyện xôn xao dư luận báo chí gần đây, khi mẹ con chị Phùng Thị Quế (Lâm Đồng) đã bị chồng là anh Lực, nghe lời khích bác của bạn bè: "vợ con gì mà đẻ toàn một bề lấy gì nối dõi tông đường thế thì tuyệt nòi rồi", đã về đánh cả con lẫn mẹ "lên bờ xuống ruộng" vì cái tội không sinh thằng cu cho anh. Chuyện sinh toàn con gái không có gì lạ lẫm với nhiều người nhưng ở đây chuyện anh Lực đánh cả vợ cả con với thương tích đầy mình đến nỗi báo chí phải lên tiếng thì nó đã vượt ra khỏi sự chịu đựng của những phụ nữ mang tiếng là vợ, là con nhưng lại không được sống đúng kiếp của một con người.

Rõ ràng là vấn đề có con trai nối dõi là quan niệm do xã hội cũ để lại, nhưng tại sao ngày nay quan niệm đó vẫn còn tồn tại? Điều này ngoài vấn đề do tư tưởng, nó còn chịu ảnh hưởng của những hệ lụy do không có con trai gây ra. Ngay cả những bà mẹ, khi sinh con cũng muốn mình có con trai, nếu không thì thế nào cũng bị mẹ chồng chê, họ hàng cười, còn đồng nghiệp thì xì xào, hàng xóm nhỏ to "cây độc không trái, gái độc không con trai". Những ông bố không con trai đi đâu cũng bị móc khóe, bị đả kích, nhất là ở quê thì vấn đề này càng trở nên nặng nề, nào là không có thằng chống gậy, ngồi mâm dưới…  


Có vượt qua được định kiến!

Chúng ta đều biết, về mặt di truyền học, dù là con trai hay con gái cũng đều nhận 50% "vật liệu" di truyền từ bố và 50% từ mẹ, chỉ có khác là con trai nhận nhiễm sắc thể Y từ bố, X từ mẹ; còn con gái nhận nhiễm sắc thể X của cả bố và mẹ. Như thế, rõ ràng là chuyện có con trai hay con gái không hoàn toàn thuộc vào phụ nữ mà quyền quyết định là do cánh đàn ông con trai. Thế nhưng, chuyện không có được con trai mọi người lại cứ hay đổ thừa thậm chí áp đặt "lỗi" là do người phụ nữ khi họ lỡ sinh toàn con gái. Vậy mà xã hội vẫn đã và đang xem đó là chuyện hiển nhiên cho dù nó bất bình đẳng trong quyền lợi của người phụ nữ.

Ở một số nước, việc con gái có đầy đủ quyền của người phụ nữ và thậm chí được lên "ngôi vua" mà chẳng có gì lạ. Chẳng hạn như ở Anh đã có rất nhiều nữ hoàng từ bao nhiêu thế kỷ trước. Những nữ hoàng ở Anh không những nổi tiếng về sắc đẹp mà còn vang danh thế giới bởi tài cầm trịch trong sứ mệnh điều khiển cả một đất nước rộng lớn. Lấy một chuyện thực của vương quốc Anh, khi vua Henry VIII qua đời người ta đã phải đưa người con gái Elizabeth lên làm nữ hoàng kế vị ngai vàng của ông. Những gì mà nữ hoàng Elizabeth đã làm khiến thần dân của họ luôn an lòng và vương quốc luôn an bình thịnh vượng, vượt qua nhiều cuộc chiến tranh với các thế lực thù địch trong và ngoài vương quốc Anh.

Mặc dù Elizabeth là người con gái không được vua Henry VIII sủng ái, yêu thương và chăm sóc như một công chúa nên khi bà lên ngôi vua người dân thế giới không khỏi ngạc nhiên. Bởi vì trong suốt thời gian trên ngai vàng vua Henry VIII đã không che dấu ước vọng là phải có hoàng tử để nối ngôi vì chẳng có bà vợ nào sinh được cho ông một mụn con trai nào để nối dõi. Người ta đã từng tiếc thay cho ước vọng nhỏ bé của ông không thành hiện thực và tiếc hơn khi ông đã xem thường cô con gái bé bỏng của mình là Elizabeth , bởi chính bà lại là người tạo dựng cho lịch sử vương quốc Anh một thời kỳ hoàng kim lộng lẫy mà không phải là một "ông" vua nào khác làm được. Người ta cũng tự hỏi rằng tại sao sáu bà hoàng hậu và hàng trăm cung tần mỹ nữ của vua Henry VIII  tất cả đều không sinh con trai hoặc có sinh được con trai thì cũng chết sớm, không thì cũng sẩy thai ngay khi chưa kịp thành hình hài. Âu đó cũng là sự không may và "số phận" cho một vị vua luôn mong mỏi có "con trai" mà quên mất sự bình đẳng trong quyền của phụ nữ.

Ngày nay, người ta đã bắt đầu dùng những thủ thuật để tìm cho được một đứa con trai. Từ việc thụ tinh trong ống nghiệm được quyền lựa chọn tinh trùng sao cho kết quả là con trai, cho đến việc siêu âm thai nhi khi mới bụng mang dạ chửa vài tháng để lựa chọn giới tính. Nếu việc thụ tinh lựa chọn tinh trùng Y phải nhờ tới khoa học tân tiến khi người ta đang đổ xô qua những nước phát triển về y khoa như Singapore hay Thái Lan để làm không mấy khó khăn. Thì việc lựa chọn lấy hoặc bỏ thai nhi vài tuần hay vài tháng tuổi khi siêu âm đang có chiều hướng gia tăng và nó thật sự đáng báo động khi con người ngày càng trở nên "ác" hơn trong việc tìm kiếm con trai theo ý "ham muốn".

Trở lại Việt Nam, trong thực tế nhiều gia đình ở nông thôn sinh đến bé gái thứ năm, sáu vẫn tiếp tục cố, cố để ra bằng được con trai. Ở thành phố có thể không sinh được nhiều thì các ông cố đi kiếm thằng con trai ở những nơi các "phòng nhì" khác và nó lại sinh ra nhiều hệ lụy tệ nạn cho xã hội. Vậy thì tại sao mọi người lại đang cố gắng bằng mọi cách để sinh "thằng cu" làm gì để gia đình nheo nhóc, ly tán và tan vỡ. Con trai hay gái, con nào cũng là con. Điều quan trọng là nuôi con thế nào cho con không phải chịu thiếu thốn về vật chất và tinh thần.

Như vậy, qua những dẫn chứng trên đây có thể thấy rằng việc sinh con trai hay con gái là như nhau, quan niệm phải sinh con trai hoàn toàn cổ hủ và lạc hậu. Vấn đề là làm thế nào để mọi người hiểu được điều đó? Và xa hơn nữa là tiến tới nam nữ bình đẳng. Để làm được điều đó, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục chúng ta cần phải phát triển hệ thống nhà dưỡng lão để người già ít phụ thuộc hơn vào chuyện con trai "nối dõi tông đường". Tuyên truyền cho chị em phụ nữ phải đấu tranh để bảo vệ mình, không vì sợ chồng bỏ mà phải sinh bằng được con trai. Hy vọng đến một ngày nào đó tư tưởng trọng nam khinh nữ, phải sinh bằng được con trai sẽ không còn nữa.  

PS:

 Vladimir Vladimirovich Putin, là đương kim tổng thống Nga và hiện đang là thủ tướng Nga. Là người năng động trong công việc và là vị tổng thống thu hút phụ nữ bởi sự lịch lãm và thân hình thể thao. Nhưng ông và vợ là một cựu tiếp viên hàng không cũng chỉ có hai cô con gái Maria và Katya vừa được 15 và 14 tuổi.

Barack Obama, tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ. Với hai cô con gái Malia Ann 11 tuổi và Natasha 9 tuổi, ông đã không chỉ kế nhiệm chức vụ tổng thống mà còn tiếp tục là vị tổng thống không có con trai nối dõi sau các vị đương kim tổng thống trước đây như George Walker Bush với hai cô con gái sinh đôi và Bill Clinton với chỉ một cô con gái độc nhất.

Vương Phi là nữ ca sĩ HongKong rất được khán giả yêu mến. Trước khi đến với Lý Á Bằng, nam tài tử sáng giá của điện ảnh HongKong, Vương Phi từng có một cô con gái. Sau khi kết hôn lần hai với Lý Á Bằng cô lại sinh thêm một công chúa nhỏ. Đây cũng là lý do khiến cho làng giải trí rộ lên tin đồn Lý Á Bằng chán vì không có con trai khiến vợ chồng họ ngày càng trục trặc.

Danh thủ bóng đá Louis Figo và cô vợ người mẫu Helen Svedin cũng có tới ba nàng công chúa trắng trẻo và xinh đẹp giống mẹ là Daniela, Martina và Stella. Dù thế thế Figo vẫn là cầu thủ mẫu mực nhất trong làng bóng với các scandal liên quan về ái tình. Và dễ gì Figo mong có một đứa con trai ngoài luồng để vất bỏ đi tất cả hình ảnh mẫu mực đó.

Cọp con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.