Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2010

Thư Phục Sinh 2010



Thư Phục Sinh 2010:
"Bà Maria ơi, trên đường bà thấy những gì …"

VRNs (16.04.2010) – Sài Gòn – Buổi sáng hôm ấy, ngày thứ nhất trong tuần, Maria Magdala đứng bên mộ Chúa mà khóc. Có ai hỏi: "Bà ơi, sao bà khóc?" "Thưa, người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, mà tôi không biết họ để Người ở đâu!" Rồi có bóng người lững thững trên lối đi trong vườn, và lại hỏi: "Bà ơi, sao bà khóc?" Maria tưởng là người làm vườn, liền hỏi: "Thưa ông, nếu ông đã đem xác Người đi đâu, xin bảo cho tôi biết để tôi đem về…"
Trời ạ, Đấng Phục Sinh, Đấng cực thánh đang ở trước mặt, mà vẫn tưởng mình ở trong xã hội đen! Chỉ có xã hội đen mới quật mồ cướp xác người chết, để thỏa lòng căm thù hay để bắt chẹt người nhà đang còn sống phải trả giá… Mà đúng là xã hội đen lắm rồi, nói như hai người trên đường Emmau: "Ai ở Giêrusalem mà chẳng biết những chuyện xảy ra mấy hôm nay …"
Thôi, thế cũng thông cảm cho Maria Magdala. Trước đây bà đã bị bảy quỷ ám, bà đã biết thế nào là sự hắc ám của thế gian, và bây giờ Chúa Giêsu chết rồi, còn ai trừ quỷ cho bà nữa, lại quay về với trò mặc cả với xã hội đen thôi. Biết làm thế nào khác?
Để nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh thì không giống như ta nhận ra nhau trong thế gian phàm trần này. Người thế gian nhận ra nhau vì khuôn mặt quen và giọng nói. Còn nhận ra Chúa Phục Sinh thì không phải như thế. Đây là giờ phút thiên ân, cần một sự giác ngộ, một sự bừng sáng của ý thức và nhân tâm. Và đã đến giờ Chúa khai tâm, Chúa mạc khải, Chúa tỏ mình cho kẻ quỷ ám. Ông làm vườn lên tiếng gọi: "Maria!" Maria bỗng giật mình thảng thốt: "Rabbuni!" Trong một giây, niềm vui mở trong, hạnh phúc oà vỡ, cuộc đời và thế giới đổi chiều.
Vì vậy, Hội thánh hát lên: "Bà Maria ơi, trên đường bà thấy những gì, xin kể cho chúng tôi nghe." Đây lời Việt của Hùng Lân dịch từ bài cổ phụng vụ bằng tiếng La Tinh: Victimae Paschali Laudes. Mỗi lễ Phục Sinh, bài ca này còn để lại trong cõi lặng thinh của thâm tâm một niềm vui, hòa quyện với bình an man mác (Nghe nhạc ở đây).
Xét ra mỗi người tín hữu ở một mức độ nào đấy, được kêu gọi sống lại phần nào cảm nghiệm của Maria. Hôm nay vẫn có những Maria đứng bên mộ mà khóc. Ta hãy đưa mắt nhìn Giáo Hội. Bên Âu bên Mỹ, những vụ tai tiếng của một số giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em, đang làm xấu mặt toàn thể Giáo Hội. Còn đâu là thanh danh, còn đâu là tín nhiệm. Những người vẫn ác cảm, vẫn thù oán Giáo Hội được cớ nhảy vào đánh hôi. Người ta muốn dìm cả Đức giáo hoàng Bênêdictô XVI xuống vũng bùn gian dối. Người ta hô hào như những ông Thượng tế, và Biệt phái: "Hãy canh mộ cho kỹ, đừng cho phá mộ đi ra."
Ta có thể hỏi Chúa: "Lạy Chúa, Chúa đi đâu rồi, sao Chúa để cho Giáo Hội Chúa đổ sập từng mảng vậy?" Câu hỏi này không mới, từ rất xa xưa, tác giả Thánh vịnh đã kêu than:
Tường giậu vườn nho sao Ngài phá đổ
khách qua đường mặc sức hái mà ăn
heo rừng vào phá phách,
dã thú gặm tan hoang (Tv 80, 13-14).

Thôi ta bỏ Âu Mỹ để quay về "ao ta" thì cũng vẫn ngổn ngang trăm mối tơ vò. Xã hội ta bây giờ đang bấn loạn lên vì chuyện bạo lực trong nhà trường, giữa các học sinh, giữa các nữ sinh với nhau. Người có đạo chúng ta cảm nhận nỗi đau mà không ngạc nhiên. Bởi vì chính chúng ta cũng phải nếm mùi bạo lực nhiều rồi. Hết Tòa Khâm Sứ đến Thái Hà, hết Tam Tòa đến Đồng Chiêm, ở đâu cũng thấy bạo lực như đang làm chủ xã hội. Linh mục, tu sĩ, giáo dân đều đã nếm đòn của sự tàn nhẫn mờ ám. Bạo lực thể lý, bạo lực tinh thần. Như vị Tổng giám mục bị người ta cắt lời, bóp méo ý nghĩa để bôi nhọ, lăng nhục, suốt cả tháng trời bằng cả một hệ thống truyền thông hùng hậu, và có những người còn dọa giết nữa.
Đây là những công phá bên ngoài. Nhưng xem ra, nội bộ chúng ta cũng không bình an. Có vẻ như ta đang thiếu sự đồng tâm nhất trí. Các Đấng chủ chăn không tìm được tiếng nói và đường lối tổng hợp chung. Những tâm trạng gay gắt đã bộc lộ, đặc biệt trong kỳ họp Hội đồng giám mục vừa qua. Có thể thấy sự đắng cay, ngán ngẩm của nhiều giáo dân đối với các đấng bậc. Giáo dân đắng cay đến thế, thì chắc nhiều vị giám mục cũng cay đắng chẳng kém gì, chỉ không nói ra thôi. Có một sự tương thân, tương kính nào đó đã đổ sập nơi nhiều người.
Lại một lần nữa hoang mang "Chúa đi đâu mất rồi" chỉ còn để lại những ê chề như vậy. Người ta đã cướp Chúa tôi đi đâu mất rồi. Maria đứng ngoài mồ mà khóc.
Thế rồi bà quỷ ám gặp ông nhà vườn. Tưởng là ông làm vườn, hóa ra là ông trừ quỷ. Ông Giêsu Phục Sinh. Trong phút chốc Maria tỉnh ngộ về ý nghĩa của ngôi mộ trống. Ôi, sao tôi lại đi tìm người sống nơi cõi chết?
Hội đồng giám mục Hoa Kỳ mới đây công bố con số những người lớn đã chịu thanh tẩy trong đêm Phục Sinh, nghe đâu đến cả chục ngàn. Những tờ báo lớn như New York Times chẳng hạ, đang ì xèo những vụ tai tiếng tình dục trong lòng Giáo hội. Xã hội Hoa Kỳ lại là xã hội thông tin. Cả chục ngàn người kia sao không đọc báo cho sáng mắt, lại cứ đổ xô vào lòng Giáo hội làm gì? Có đọc chứ, đọc báo nghe đài đủ cả. Nhưng họ nhận ra một điều mà có lẽ các nhà báo không nhận thức được. Tất cả những tồi tệ kia đều là ngôi mộ trống, là tấm khăn liệm đã xếp gọn một bên. Ngôi mộ và khăn liệm là để dùng cho một Giêsu đã chết. Giêsu không chết nữa thì nấm mồ, khăn liệm chả có tác dụng gì. Hôm qua, hôm kia Giêsu đã chết ở đâu đó nơi một giáo sĩ tội lỗi, nơi những tình huống đầy dục vọng, ích kỷ, phi nhân và nơi những thủ đoạn hắc ám của người đời. Nhưng hôm nay, Người không còn ở những nơi ấy nữa. Người đang trả lại niềm vui cho Maria bơ vơ giữa vườn hoang, Người đang thủ thỉ với hai ông chán chường trên đường Emmau, Người đang dọn bữa cho các anh thuyền chài sau một đêm mệt nhọc.
Và những Maria ngày này, những bác Emmau của ngày nay, những người chài lưới của ngày nay bỗng thấy lòng mình ấm lại, họ thấy bước chân Phục Sinh loang loáng trước mặt mình, họ thấy có tiếng của Người phất phới trước mặt mình. Thế là họ bằng lòng đi theo, bỏ lại sau lưng, gạt qua một bên những bê bối, tội lỗi, những toan tính quẩn quanh, những điều tiếng thị phi, những mộ trống cùng khăn liệm.
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
(Hàn Mạc Tử)
Bây giờ Maria có thể trả lời câu hỏi: "Bà Maria ơi, trên đường bà thấy những gì …"
VŨ KHỞI PHỤNG, CSsR
Trưởng ban Truyền thông Chúa Cứu Thế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.