Thứ Ba, 9 tháng 3, 2010

Người Nữ Tuyệt Vời...

Ngày Phụ Nữ đã qua...ở đây vẫn bình lặng với những bận rộn của cuộc sống cơm áo hàng ngày. .Những bài viết đó đây về những gương sống thật đẹp của những phụ nữ hy sinh cho đời, cho người....

Nguyện xin Mẹ Maria luôn nâng đỡ và giúp chúng con luôn sống theo guơng của Mẹ, Người NữTuyệt Vời...



*******

Làng tôi không bán hoa ngày 8/3

Ngày 8/3, Hà Nội hoa rực rỡ, giá cả cũng ngất trời. Một bó lan từ ba trăm ngàn trở lên, bằng cả mấy luống rau chăm chút sớm hôm ở quê tôi. Khoảng cách đâu có xa mà cuộc sống như khác biệt hàng thế kỷ.

Làng tôi cách tháp Rùa khoảng 20 km tính theo đường "chim bay". Còn theo đường "chim đi xe máy" thì vòng vèo lắm mới đến ba mươi cây số. Nhưng nếu tính về nhận thức (cũng như thực trạng đời sống) của người dân trong vấn đề bình đẳng giới thì có lẽ làng tôi phải cách Hà Nội xa lắm, hàng trăm năm là ít.

Khi hai đứa cháu 3 tuổi tranh nhau cái ti vi, ông giành phần thắng cho thằng "đít nhôm". Còn đứa cháu gái đang mếu máo thì ông bảo: "Ối giời, con gái con đứa xem xét để làm gì, phải biết nhường nhịn chứ ?!".

Khi con lớn lên, người mẹ chỉ chăm chút dạy dỗ con gái: "kẻo sau này về nhà chồng người ta khinh cho". Còn con trai, ngay từ nhỏ đã có câu cửa miệng: "con giai cần gì phải lo, sau này cứ lấy vợ về là nó khắc làm hết".

Khi con hư hỗn, dốt nát, người ta đổ lỗi: "tại mẹ nó không biết dạy". Nếu con ngoan, học giỏi, thành đạt thì: "đấy, cái giống nhà tôi…".

Khi con trai thi trượt đại học, bố mẹ cố kiết chạy sáu bảy chục triệu để vào một trường cao đẳng. Nhưng có cô bé thi đỗ hai trường đại học cũng như không. Bố bảo: "ra Hà Nội học hành tốn kém lắm, tiền tao đang định xây cái nhà ba tầng". Mẹ bảo: "học xong thì 23 tuổi, về quê thì ế chồng mà ở Hà Nội thì tiền đâu mà chạy việc". Cuối cùng cô bé được đi học một trường trung cấp của tỉnh, sáng đi chiều về, đạp xe bảy cây số mỗi lượt.

Khi hai vợ chồng lấy nhau 20 năm không có con, nguyên nhân tại chồng, họ vẫn bên nhau cho đến lúc xin một đứa cháu về nuôi. Nhưng có đôi khác, nguyên nhân tại vợ, chưa đầy 2 năm họ đã chia lìa trong hắt hủi, rẻ khinh người bạc phận.

Khi anh chồng kiếm được nhiều tiền, hai vợ chồng giận nhau, người ta bảo: "được chồng nuôi sướng thế còn không biết điều !". Khi người vợ thu nhập gấp 10 lần chồng, dù bất cứ điều gì xảy ra, họ lại nói: "cậy nhiều tiền nên tinh tướng đây mà!".

Khi người vợ sinh con một bề, anh chồng tự cho mình cái quyền được đi kiếm "thằng chống gậy". Có anh còn ngang nhiên dắt cô tình nhân cùng cậu quý tử về nhà, đuổi sáu mẹ con "vịt giời" xuống gian trái bếp rồi ra tòa li dị để còn đăng ký kết hôn với người đàn bà "biết đẻ". Người vợ cả ngậm ngùi chấp nhận "số mình hẩm hiu" còn dân làng xôn xao: "ai bảo đẻ toàn con gái", rồi: "may quá, thế là có thằng cu rồi. Đáng nhẽ lấy vợ hai sớm hơn thì có phải hay không ?".

Khi người vợ bị bạo hành, chồng đánh tới chết ngất rồi bỏ mặc ngoài mưa gió, giá rét mùa đông. Hàng xóm đưa đi cấp cứu rồi thông báo cho hai bên gia đình. Bên nội bảo: "thằng chồng nóng nảy một chút, lần sau rút kinh nghiệm". Bên ngoại nói: "nó đi lấy chồng rồi, không còn là người nhà mình nữa. Xía mũi vào người ta chửi cho". Nguyên nhân đánh nhau: Vợ cứng đầu, bảo không nghe. Hôm ấy, chồng đi tụ tập tổ tôm về thấy vợ chưa nấu cơm. Trời tối nhá nhem rồi mà gọi nửa tiếng không về, còn dám cãi lại: "không làm cố cho xong, nhỡ mai mưa thì nát hết cây chứ còn gì. Tí nữa tôi mới về, anh nấu bữa cơm thì đã sao !". Chỉ có vậy.

Khi người vợ dậy từ 3 giờ sáng, chở hơn hai tạ rau đi ba mươi cây số ra Hà Nội. Bán xong, trở về là 10 giờ. Trời rét căm căm, thấy đứa con gái 2 tuổi cởi truồng tím tái, nước mũi chảy ròng ròng. Thì ra con đã ị xong từ bao giờ mà bố không rửa đít, mặc quần cho vì nhà có khách: "chẳng lẽ để người ta thấy tôi rửa đít cho con à ?" Xót con, bụng đói, người mệt, chị vừa khóc vừa nói anh "sĩ dởm, vô trách nhiệm". Hậu quả là nhận được một trận đòn vì tội "láo toét, dám mắng chồng xơi xơi". Người ta còn bảo: "cởi truồng chứ có gì to tát, cùng lắm là sổ mũi chứ chết làm sao được !".

Khi người chồng có tình nhân về bỏ vợ thì không sao. Họ vẫn sống trong một làng tuy đường ai nấy đi. Nhưng có người vợ đơn phương ly dị anh chồng vũ phu thì chị phải bế con bỏ đi biệt xứ. Bởi anh ta đe dọa nếu tìm thấy sẽ: "giết chết hai mẹ con ngay lập tức". Sợ anh ta làm liều liên lụy đến cha mẹ, anh em, suốt sáu năm nay chỉ có người nhà đi thăm mẹ con chị rồi giấu biệt địa chỉ, còn chị vẫn chưa dám về làng. Thi thoảng nhìn thấy ai giông giống anh chồng cũ, thậm chí chỉ nghe cái tên thôi, chị vẫn tái mặt sợ hãi nơm nớp.

Ngày 8/3, Hà Nội hoa rực rỡ, giá cả cũng ngất trời. Một bó lan từ ba trăm ngàn trở lên, bằng cả mấy luống rau chăm chút sớm hôm. Khoảng cách đâu có xa mà cuộc sống như khác biệt hàng thế kỷ. Làng tôi không bán hoa ngày 8/3. Người làng dùng lịch âm là phổ biến. Cứ khi nào chợ làng bán hoa tươi, ta hiểu rằng hôm đó ngày Rằm hoặc Mồng Một. Anh chồng nào mua hoa hoặc có quà tặng vợ hôm nay đảm bảo là một sự kiện động trời, còn hơn cả ở Chilê và Haiti động đất.

Không biết còn bao nhiêu thôn quê khác cũng giống làng tôi. Không biết còn bao nhiêu chị em khác cũng khổ cực như phụ nữ quê tôi ? Giá như chị em đừng tự trói buộc mình vào những quan niệm cổ hủ để làm khổ lẫn nhau. Giá như các bà mẹ dạy con trai cũng như con gái, biết yêu thương, biết sẻ chia, biết làm mọi việc trong nhà không phân biệt giới tính. Để cho thế hệ sau được hạnh phúc hơn.

Tôi không lớn lên ở làng nhưng thường xuyên về thăm họ hàng thân thiết. Nơi đó là quê hương mà mùi khói rơm khói rạ đã in sâu vào trái tim tôi từ những ngày lên mấy. Nhân ngày mồng 8 tháng 3 tôi chỉ mong sao những người phụ nữ quê tôi cũng như chị em ở các vùng nông thôn khác được thoát khỏi nỗi nhọc nhằn, tủi nhục do những tư tưởng lạc hậu, trọng nam khinh nữ. Hi vọng rằng con đường quốc lộ mới mở chạy qua làng tôi sẽ khiến cho Long Mạch làng có nhiều thay đổi. Để các chợ làng sẽ bán hoa ngày 8/3…

Xuyến Chi VD (Công ty QC BĐS nhadatvideo.vn)


http://vnexpress.net/GL/Ban-doc-viet/Doi-song/2010/03/3BA1970D/

 

 

Ý kiến bạn đọc (11)

Tội nghiệp!

Thật tội nghiệp. Cụ Nguyễn Du có câu: 'Những chuyện trông thấy mà đau đớn lòng". Trong những câu chuyện về trọng nam khinh nữ vẫn luôn luôn đúng.

( cong )


Một bài viết thật xúc động

Cảm ơn tác giả! Một bài viết thật xúc động.

Cầu mong cho ước nguyện của tác giả Xuyến Chi sớm thành sự thật!

( Phan Đình Hiệu )


Chúc tất cả những người phụ nữ sẽ có một cuộc sống công bằng,

nhiều hơn những hạnh phúc, và thật mạnh mẽ để xóa bỏ những bất công

( đàn ông )


Suy nghĩ lạc hậu căn bản là do kinh tế kém phát triển

Đọc bài của Xuyến Chi, thấy chị có cái nhìn khá sâu sắc và thấu đáo. Văn thì khỏi phải bàn, tuy đã bỏ nghề giáo sang kinh doanh khá lâu, nhưng khả năng viết văn của chị vẫn rất sắc xảo, không hề mai một.

Đọc xong bài của chị, tôi thấy hình ảnh của quê tôi của 15 năm về trước, quê tôi Ninh Hiệp (Gia Lâm - Hà Nội), trước kia khi kinh tế khó khăn, cũng lạc hậu lắm, nhưng giờ thì mọi thứ đã trái ngược hoàn toàn. Kinh tế thị trường dường như đã làm thay đổi mọi quan niệm. Người người, nhà nhà đua nhau làm kinh tế, không ai có thời gian soi mói lẫn nhau, kinh tế phát triển mạnh không dành kẽ hở cho những thứ lạc hậu cổ hổ bám theo. Tôi nghĩ chỉ có kinh tế mới phá thủng được cái não trạng lạc hậu của dân ở các làng quê mà thôi.

Tôi cũng đọc hết các bài của Xuyến Chi đã đăng tải, vào cả trang Web nhà đất của chị, tôi khâm phục chị lắm. Chị làm kinh doanh mà vẫn dành thời gian quan sát xã hội. Những bài của chị đều rất hay, sắc xảo và tinh tế.

Phúc Thành


Chuyện của chị quá thật

Chuyện của chị quá thật! Nó thật đến nỗi một thằng đàn ông như tôi đọc xong thấy cay cay nơi sống mũi..

( Đàn ông thôn quê)


chạnh lòng...

Tôi cũng sinh ra tại miền quê. Cũng giống bạn, khoảng cách địa lí không xa Thủ Đô. Nhưng khoảng cách về tư tưởng và nhận thức thật cách xa nhau quá.
Đọc qua bài viết của bạn tôi cũng thấy chạnh lòng...

08.03 là ngày của Phụ Nữ toàn Thế Giới. Vậy mà... miền quê tôi thấy nó xa xôi quá...

(Mr.Closed )


Sống ở thủ đô, tôi đâu có sướng

Không bị đánh đập, nhưng đẻ con trai vẫn là số một.

Bao nhiêu bà vợ được tặng hoa vào 8-3. Tôi cũng đầu tắt mặt tối từ 6h sáng lo cơm nước, kết thúc ngày thật muộn và mệt nhoài. Ở cơ quan,tôi làm như nam giới, nhưng vẫn bị đối xử bất công, bị những đồng nghiệp nam tranh giành, nhiều người muốn phát triển được phải biến thành của riêng của họ. Tình trạng tình hờ ở cơ quan ngày một nhiều. Tất cả những gì chưa được trong gia đình là do phụ nữ: con hư tại mẹ, chồng ngoại tình vì không đẻ con trai hoặc không biết chiều, không biết làm mới.

Ở phố tôi, cứ thấy phụ nữ đi với đàn ông là xì xào, hình như nó bồ bịch, còn đàn ông lôi cave vào nhà, bình phẩm đấy, nhưng quên ngay. Con trai phố tôi, không làm nhưng sĩ diện: nào là giám đốc nọ, thủ trưởng kia, bia bọt oang oang, nhưng cấm đưa cho vợ một đồng. Mình ngoại tình thì "đàn ông là như thế từ thủa hồng hoang", nhưng nếu vợ mà như thế thì cả thế giới này sụp đổ.

Phụ nữ Việt tốt tới mông muội. Tôi biết, bạn biết chúng ta quá khổ sao không gỡ ra được nhỉ? Khi tôi viết những dòng này ngoài kia chắc hoa đã lên đến 1 triệu. Bỗng dưng tôi không muốn có ngày 8-3 vì thấy nó giả dối.

( Diepha )


Đọc xong lại thấy lòng cuộn sóng.

Đọc bài viết của chị mà thấy đúng quá. Chẳng thấy cần thêm hay bớt câu j.

Chỉ nói một điều các bài viết của chị khá sâu sắc. Đọc xong lại thấy lòng cuộn sóng.

( linhchi )


Hoa ngày 08.3

Ngày 08.3 bây giờ hoành tráng quá. Công sở đầy ắp tiếng cười, chúc tụng. Đường phố đầy áp hoa tươi giá ngất ngưỡng.

Ngày 08.3 ruộng đồng vẫn chỉ là các Mẹ, các chị bón phân, tưới nước.

Hãy cho ngày 08.3 đều khắp, chứ không phải của người nhiều tiền.

Hãy viết về những khó khăn của người dân, bên cạnh ngợi ca những bó hoa tiền triệu của doanh nhân tặng vợ.

Vài dòng ngắn, xin chia xẻ với những người chưa may mắn.

Mai Vinh Bình


ôi cái quan niệm ...

Hà nội sắp kỷ niệm 1000 năm tuổi, ngõ như mọi thứ đã thay đổi, vật chất là thứ thay đổi dễ nhận thấy nhất , xã hội ngày càng phát triển và đi lên cùng với sự thay đổi đó là quan niệm và lối sống con người ngày càng văn minh, vậy mà ko ngờ ở một nơi chỉ cách HN ko xa, vẫn còn lối suy nghĩ lạc hậu và vô cùng cổ hủ như thế ? liệu rằng khi HN đã một ngàn năm mà suy nghĩ của một bộ phận dân cư sống không cách xa thủ đô vẫn là của một ngàn năm trước hay sao ? Vậy thử hỏi rằng những nơi cách xa thủ đô hơn thì thế nào ?

( mrslamdunk )


( đàn ông )



Hình ảnh của làng tôi

Đọc bài viết của bạn mà nước mắt tôi òa ra không sao kìm nổi. Tôi thấy hình ảnh làng mình trong đó. Hình ảnh bà tôi, mẹ tôi, cô tôi, các chị em họ hàng của tôi… Sự thật sao mà đắng cay, chua xót. Ngay cả ở Hà Nội cũng còn nhiều chị em, lấy chồng trí thức hẳn hoi, mà vẫn khổ chẳng kém gì làng quê của bạn. Những anh chồng được cha mẹ nuông chiều từ nhỏ, đến khi lấy vợ chẳng biết làm gì.

Vợ ốm là con cũng đói theo, nhà cửa bề bộn, không nấu nổi cho vợ bát cháo. Động đến việc là cáu gắt. Lấy cớ này nọ để bồ bịch. Khi vợ đề nghị ly hôn thì không dám ký đơn. Chị em mình phải giúp nhau thôi. Bắt đầu từ việc dạy dỗ các bé trai để sau này trở thành những người cha, người chồng tử tế. Mong rằng thế hệ sau sẽ hạnh phúc hơn. Bởi một gia đình chỉ Hạnh Phúc khi có sự yêu thương và chia sẻ. Một gia đình mà người vợ quá vất vả trong khi người chồng không làm đỡ nổi việc gì thì có hạnh phúc được không ?

( Mai Trâm )


Rất xúc động

Bài viết của bạn xúc động quá ! Tôi đọc xong mà chết lặng trong lòng. Trên thế giới, ở nhiều quốc gia khác, người ta thèm lấy được một cô gái Việt Nam làm vợ. Trong khi đó, đàn ông Việt chúng tôi lại không biết trân trọng những báu vật mình đang có. Và có lẽ một ngày nào đó chúng tôi sẽ bị trả giá bởi những sai lầm ngu ngốc của mình.

Cám ơn chị Xuyến Chi, một phụ nữ Việt Nam thông minh và đôn hậu. Chúc chị 8/3 thật Hạnh Phúc. Chúc cho những mong ước của chị sớm thành hiện thực.

( Minh Quang Nguyen )


Rưng rưng

Quá đúng, quá thật, quá hay và rất cảm động. Có lẽ ai đọc bài này cũng rưng rưng nước mắt và thấy lòng xao xuyến, nao nao, day dứt. Nhất định sau này tôi sẽ dạy con trai trước hết phải là một người đàn ông tốt trong gia đình…

Cám ơn tác giả, cám ơn VnExpress.

( Khánh Ly )


Buồn !!!

Thật buồn, Nếu tính ra ở Miền Nam chúng tôi cũng đở hơn.
Cha mẹ không quá xem trọng chuyện con trai con gái, đứa nào cũng là con.
Đọc bài viết mà thấy buồn ghê, Tui là con trai, tôi rất tôn trọng phụ nữ, mẹ mình cũng là phụ nữ mà.
Mong sao 8/3 tràn khắp nước Việt cho tất cả phụ nữ có 1 ngày thực sự hạnh phúc.

( Vủ Tâm )


Tương lai ế vợ

Tình hình này mà không cải thiện, trai làng chị ế vợ hết cho xem.

( Hoa cải )


Sao mà giống thế.....

Cái gì đã tạo nên một lối sống như thế nhỉ????

( bicycle_taxi )


Xuyen Chi ( 3 )

Noi toi o, khong thay hoi ham cua ngay 8-3 , nhung phu nu duoc quy men va ton trong nhieu hon chung toi , Toi nghi , luat phap cua chung ta chua cung ran trong chuyen bao ve quyen loi nguoi phu nu .

Mong rang dieu nay som duoc sua doi .

Chuc suc khoe Xuyen Chi , thanh dat trong kinh doanh va viet tiep viet tiep .

( Van Pham )


Một bài viết thật xúc động

Cảm ơn tác giả! Một bài viết thật xúc động.

Cầu mong cho ước nguyện của tác giả Xuyến Chi sớm thành sự thật!

( Phan Đình Hiệu )


Chúc tất cả những người phụ nữ sẽ có một cuộc sống công bằng,

nhiều hơn những hạnh phúc, và thật mạnh mẽ để xóa bỏ những bất công

( đàn ông )



Thứ Hai, 08/03/2010, 18:10 (GMT+7)

Người chị ở quê

TTCT - Hơn 30 năm, tôi rời khỏi đồng bưng để "lên rừng xuống biển", nhìn ngắm thiên hạ mà tìm kiếm cái đẹp. Đến khi tóc đã pha sương, tôi mới chịu ngồi lại định thần nhìn ngắm thật kỹ, thật sâu làng quê của mình. Rồi bất chợt, tôi nhận ra những vẻ đẹp của đồng quê, trong đó có vẻ đẹp của phụ nữ nông thôn.

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=402690

Chị Sáu Hên - Ảnh: Quang Hùng

Họ là những người mẹ, người chị, người em tay chai mặt nám. Nếu ta chịu khó vạch khói đốt đồng bay đi, vạch rơm rạ nắng táp mưa sa ra thì trước mắt ta sẽ hiện ra một người phụ nữ nông thôn thuần hậu.

Tôi có người chị bà con cô cậu ruột tên Trần Thị Hên. Chị thứ sáu nên tôi gọi theo cách gọi địa phương là chế Sáu. Năm nay chị đã 71 tuổi mà còn rắn rỏi lắm. Người chị ốm o nhưng nụ cười ấm áp lạ. Gần trọn cuộc đời chị sống trong cái làng ngày bé tôi sống. Làng nằm ven sông Bạc Liêu, sau lưng là cánh đồng phèn mặn. Mùa mưa dân làng tôi đi cày cấy, mùa hạn gặt lúa, đạp rơm. Lúc nông nhàn thì đi giăng lưới, cắm câu kiếm sống. Những mùa mưa nắng đi qua, nhiều chục năm đi qua, nhịp sống làng tôi vẫn vậy. Quả là cái làng thuần nông thứ thiệt.

Chị tôi từ làng thuần nông ấy sinh ra rồi lớn lên. Nghe nói ngày xưa chị đẹp nhất xóm. Thế nhưng, dượng Hai (ba chị) bắt ép gả cho anh Sáu (chồng chị). Anh Sáu mặt đen như đít nồi, lại rỗ tàn ong, giò cẳng ốm tong teo, sức khỏe yếu, lại đi kháng chiến biền biệt. Nói vậy chứ thi thoảng anh cũng có về. Mỗi lần về chỉ tặng chị một... đứa con, chứ chẳng giúp được gì. Vậy mà họ ở với nhau đến đầu bạc răng long, có bảy mặt con, ít nghe tiếng cãi vã. Chỉ có điều chị cực lắm, thay anh xốc vác việc nhà như đàn ông. Ba giờ sáng, người ta đã nghe chị lọ mọ nấu cơm, rồi bốn giờ đã đi phát cỏ. Đến xế chiều, chị lại lặn ngụp cấy lúa đến đỏ đèn.

Nhìn đường phảng chạy dài hơn một thước của chị, đám thanh niên le lưỡi lắc đầu. Một tay chị dựng vợ gả chồng cho bảy đứa con. Mỗi lần có đứa nào ra riêng là chị lại "cụ bị" xuống xuồng nào cột, kèo, lá, thậm chí đến chén, nồi, lò, củi, gạo, muối... để chở qua lo cho chúng. Mười bữa nửa tháng chị lại chèo xuồng chở một quày chuối, mấy trái dừa khô, ít gạo... qua thăm con. Con dâu hoặc con gái sinh là chị qua ở để lo nhà cửa, chăm sóc sinh nở cho chúng đến ra tháng mới về.

Từ ngày ba má tôi qua đời, chị thường xuyên ra nhà tôi hơn. Lúc cầm trên tay mấy củ khoai mì, khi thì một bó rau lang. Rau lang do chị trồng đem luộc chấm cá kho ăn ngọt ngào làm sao. Chị hay kể: "Hồi nhỏ, cậu lí lắc lắm! Chế ẵm cậu về nhà chơi, cậu nhảy vào cái lu bể rồi ngủ khò làm chế tìm xanh máu mặt".

Cách đây hơn mười năm, lúc đó ba tôi bệnh nặng phải chở đi Sài Gòn trị, ở nhà vợ tôi lại chuyển bụng sinh thằng út, chị tất tả chạy ra, chỉ huy, cắt đặt công việc: "Mợ Ba, mợ Tư (hai bà chị dâu tôi), dì Sáu (em gái tôi) cứ ở bệnh viện lo cho vợ thằng Nghĩa. Chế về nhà nó nấu cơm cho mấy đứa nhỏ ăn rồi mang cơm vào". Chị ở để lo việc nhà, chăm sóc vợ tôi sinh đến ra tháng mới về. Tôi từ Sài Gòn về đi thẳng vào bệnh viện thấy chị tất bật choàng khăn ấm cho vợ tôi, đút sữa cho con tôi. Tối đến, chị trải chiếu dưới sàn gạch để mấy chị em nằm. Họ thức suốt đêm. Một bà chị, một cô em, ba chị em bạn dâu, chân người nọ gác lên chân người kia mà thủ thỉ tâm sự. Tôi nhìn rồi ứa nước mắt!

Diệu - em gái tôi, năm nay đã 46 tuổi, ba năm trước nó bước xuống xuồng sẩy chân té làm nứt xương đùi. Chị lại tất tả chạy đến nhà nó lo heo gà, cơm nước. Tối chị vào mùng ngủ với nó. Nhìn bóng chị in trên mùng dịu dàng mà khắc khổ, Diệu nhớ má, khóc: "Phải chi em còn má hén chế!". Chị cũng sụt sùi rồi ôm nó: "Thì dì còn chế đây mà!".

Chị thương yêu, bao dung em út như thế, nhưng đứa nào không phải thì chị rầy. Mà cách la rầy của chị lạ lắm. Có lẽ trong đời người ai cũng có lần vấp ngã và tôi cũng không ngoại lệ. Nhiều năm trước tôi cũng có một lần "xao xuyến ngoài chồng ngoài vợ", không còn cha mẹ đâu để méc, vợ tôi về quê khóc rấm rứt với chị. Thế là chị lại tất tả chạy ra, trên tay cầm mấy con cá kèo và một bó rau lang. Thấy tôi, chị không nói không rằng mà xộc vào bếp làm cá kho lạt dầm me rồi luộc rau. Mâm cơm dọn lên toàn là những món tôi thích. Tôi ăn ngon lành, chị chỉ ăn qua quýt, chủ yếu nhìn tôi ăn. Gần cuối bữa cơm, chị đưa tay vạch tóc tôi lên rồi bảo: "Tóc cậu bạc nhiều rồi đó! Mới đó mà cậu mợ (ba má tôi) đã không còn! Chế thì sắp xuống lỗ, còn cậu thì đã già, gắng mà giữ gìn sức khỏe. Cậu làm đến chức gì thì chế không biết, chỉ biết trong dòng họ, làng xóm mình, cậu là người có uy tín. Nếu cậu sẩy chân thì mặt mũi chế biết để đâu?". Nói xong, chị ứa nước mắt rồi rũ áo về quê. Chị đi mà như chạy, cái kiểu chạy trốn nỗi sợ. Cái sợ của chị ngấm qua tôi rất nhanh. Tôi sợ sự sẩy chân của mình như một thứ ma quỷ.

Lối sống, tính cách của chị tôi, của làng tôi làm tôi suy nghĩ thật nhiều. Ngoài chợ, chỗ tôi ở, người ta sống với nhau theo cách "đèn nhà ai nấy sáng". Nhà bên này có đám tang, hai vợ chồng trẻ nhà bên kia chờ đến chiều đóng bộ như đi chơi sang ngồi vào bàn ăn cháo rồi phúng điếu và chấm hết. Nhiều chị em bạn dâu, thậm chí cả chị em ruột, sống với nhau cạnh khóe, dấm dẳng vì cạnh tranh làm ăn và sự cách biệt địa vị, tiền tài. Còn ở làng tôi, hễ nhà ai hữu sự, đặc biệt trong dòng họ, là người ta đến trước, nhảy vào lo công việc của gia chủ như công việc của mình. Kẻ nấu nướng, người mượn bàn ghế...

Khi ai đó bệnh hoạn thì cả đoàn người kéo ra chực chờ, nằm lăn lóc ở bệnh viện để chia sẻ. Chị em bạn dâu lâu lâu buồn thì rủ nhau ngủ chung rồi nói chuyện thâu đêm suốt sáng về thời con gái. Nhịp đời của làng tôi cứ chầm chậm trôi đi trong sự ấm áp, giống như ai đó nhóm lên ngọn lửa cháy triền miên từ đời này sang đời khác.

Chị chẳng những sống tình cảm, siêng năng mà còn giỏi nữa. Trước đây, tôi có viết một kịch bản phim Văn minh lá dừa nước. Hãng phim Giải Phóng về quay, chị được mời vào làm nhân vật minh họa cho việc thuở xưa người ta sống dựa vào thiên nhiên là chủ yếu, nông dân đã khai thác, chế tác cây dừa nước phục vụ đời sống như thế nào. Chị ngồi trước ống kính chằm lá lợp nhà, bện đăng làm giường ngủ, thắt giỏ xách cơm, giỏ đựng trầu, chẻ lạt bó mạ, chằm gàu múc nước, chằm cà vun, cà bịch đựng gạo, muối, hay làm máng xối, hoặc dùng lá dừa gói bánh, hấp bánh lá...

Qua bàn tay của chị, người ta thấy ngày xưa cây dừa nước chẳng những được sử dụng để làm vật dụng gia đình, làm nhà ở mà nó còn hữu ích trong việc làm ăn và đi vào văn hóa ẩm thực. Chị ngồi và thao tác một cách điêu luyện như rồng bay phượng múa, khiến đạo diễn phim (vốn là một nhà văn) cứ ngạc nhiên trố mắt nhìn, quên cả chỉ huy. Tôi thì buồn man mác, bởi mai này nếu chị tôi mất đi, những kinh nghiệm quý ấy cũng sẽ mất theo, dù rằng sự hữu ích của cây dừa nước trong đời sống hiện tại không còn bao nhiêu nữa.

Một nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín đã nói rằng: "Nông thôn là thành lũy cuối cùng để bảo vệ văn hóa truyền thống".

Đức tính thuần hậu của chị tôi và những người phụ nữ nông thôn có thể lý giải bằng mấy nét sau: Thuở tiền khẩn hoang, vùng Nam bộ nổi tiếng là vùng đồng chua nước mặn và sương lam chướng khí qua các câu ca dao: "Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Lên bưng sợ đỉa xuống rừng sợ ma". Hay: "Xứ nào ghê cho bằng xứ Cạnh Đền/ Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh tợ bánh canh". Và thêm nạn loạn lạc cướp bóc nữa. Yếu tố thứ hai là những người đi khẩn hoang có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, là những kẻ cơ nhỡ, tha phương cầu thực. Hai yếu tố địa lý và lịch sử ấy buộc người khẩn hoang phải làm cật lực mới có cái ăn, đồng thời phải thương yêu, đùm bọc, nương tựa nhau mới mong sống được. Từ đó hình thành lối sống, tính cách của từng cá thể và nếp sống của làng xóm.

Làng xóm nào càng giữ được nếp sống thuần nông thì người phụ nữ thuần hậu càng nhiều, bởi vì nó chưa bị các văn hóa khác xâm nhập, làm phai nhạt. Đức tính thuần hậu của phụ nữ nông thôn là một thứ văn hóa nội sinh của vùng đất.

Bút ký của PHAN TRUNG NGHĨA

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=366735&ChannelID=119


Bình đẳng giới, cuộc chiến vẫn còn dài

TTCT - Phụ nữ có các cơ hội và được tôn trọng như nam giới là mục tiêu xếp thứ 3 trong Chương trình các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) mà Liên Hiệp Quốc đã đề ra và cả thế giới cùng nhau cam kết thực hiện. Có rất nhiều cách đánh giá kết quả kế hoạch này ở Việt Nam...

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=402688

Trẻ em gái được đi học đến nơi đến chốn sẽ giúp tiến tới bình đẳng giới. Trong ảnh: học sinh Trường THPT Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: Minh Đức

Hãy bắt đầu bằng cách nhìn thẳng vào thực trạng "lấy chồng Đài Loan" ở một bộ phận dân số không có điều kiện kinh tế đủ sống. Một dự án chống buôn bán trẻ em và phụ nữ tại tiểu vùng Mekong của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đúc kết những khác biệt giới cơ bản dẫn đến tệ nạn này như sau:

"- Trẻ em gái và phụ nữ ở những gia đình nghèo ít được đi học, thường phải bắt đầu làm việc từ khi còn ít tuổi, trong khi trẻ em trai có nhiều cơ hội được đến trường hơn.

- So với trẻ em trai, trẻ em gái không được đến trường hoặc phải chịu gánh nặng gấp ba: vừa làm việc nhà, vừa lo học tập ở trường, vừa phụ giúp gia đình làm kinh tế mà không được trả công.

- Ngày càng có nhiều phụ nữ và trẻ em gái phải bắt đầu kiếm sống vì nhu cầu kinh tế và để tồn tại.

Công việc của phụ nữ và trẻ em gái thường bấp bênh, chất lượng thấp.

- Trẻ em gái và phụ nữ được trả công ít hơn so với trẻ em trai và nam giới khi làm cùng một loại công việc. Họ ít có quyền kiểm soát số tiền mà họ nhận được, kiếm được: hầu hết nếu chưa muốn nói rằng tất cả đều là chi tiêu cho gia đình của họ.

- Trong các ngành nghề làm việc không công khai và không được kiểm soát như giúp việc gia đình và hoạt động mại dâm thì trẻ em gái và phụ nữ chiếm đa số, làm họ càng dễ có nguy cơ bị bóc lột và lạm dụng hơn. Trẻ em gái và phụ nữ cũng chiếm phần lớn trong số những nạn nhân bị buôn bán để bóc lột lao động. Những gia đình mà người mẹ là đơn thân, dễ có nguy cơ bị mua bán. Con cái có thể bị bố mẹ bán đi hoặc "cho không" với lời hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chúng. Những đứa trẻ này, thường là gái, cuối cùng phải gánh chịu những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Đáng ngại hơn cả là trong bối cảnh "đen đủi" đó, "nhiều trẻ em gái có ý thức tự trọng thấp, ý thức đó hằn sâu hoàn toàn khi các em trưởng thành". (1)

Nghiên cứu này giải thích phần nào, một cách gián tiếp thực trạng "lấy chồng Đài Loan ở phụ nữ Việt Nam"... Ngược lại, cũng theo các tác giả, "nhiều trẻ em gái và phụ nữ cảm thấy nâng cao được tính tự trọng và có thêm sự lựa chọn trong cuộc sống nếu họ làm ra thu nhập từ công việc làm của họ". Nghĩa là nếu đầu tư sớm cho các em gái được ăn học, các em sẽ được giải phóng và tự giải phóng.

Điều này được kiểm chứng qua việc thực hiện mục tiêu "Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ (MDG3). Theo kế hoạch này, giáo dục là chìa khóa để đưa các em gái vào đời ngang bằng các em trai. Liên Hiệp Quốc đề ra mốc năm 2005 cho bậc tiểu học và trung học, và ở tất cả các cấp học vào năm 2015.

Căn cứ vào mục tiêu này, từ năm 2006 tỉ lệ nữ sinh so với nam sinh ở bậc tiểu học đã là 94,1%, ở bậc trung học cơ sở là 93,05%, riêng ở bậc trung học phổ thông lại lên đến 93,05% (2). Nữ hầu như bình đẳng với nam trong việc (được) đi học, và điều này được sự đồng thuận từ gia đình đến xã hội. Một dấu chỉ khác cho thấy sự đồng thuận tương tự về quyền hạn của phụ nữ đối với tài sản gia đình: tỉ lệ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới cấp mang tên cả hai vợ chồng vào năm 2006 đã là 90%.

Trong cả hai lĩnh vực này, gia đình, xã hội đều đồng ý, đồng lòng rằng trẻ em gái đi học, người vợ cùng đứng tên nhà đất là chuyện đương nhiên, hợp lý. Đó là những dấu chỉ cho thấy nơi một bộ phận dân số có khả năng cho con đến trường, có tài sản (nhà đất) để đứng tên... phụ nữ đang tiến đến bình đẳng một cách ung dung, không gặp nhiều cản trở.

Thành ra, làm thế nào để xóa đói giảm nghèo hơn nữa, không chỉ với tỉ lệ phần trăm dân số, mà còn ở các nơi định nghĩa chuẩn nghèo là thế nào. Vấn đề không hề là: xếp hạng nghèo là thu nhập 1 USD/ ngày hay 2 USD/ ngày, quy ra theo sức mua ở VN là bao nhiêu, từ đó tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn 2 USD/ ngày, thay vì 1 USD) sẽ tăng lên bao nhiêu và thành tích xóa nghèo sẽ giảm bao nhiêu? Mà là: làm thế nào để ngày càng có ít người dân cứ phải trong cảnh nghèo là "bán vợ đợ con", để càng có thêm trẻ em gái được đi học đến nơi đến chốn và học cái gì hữu ích cho cuộc sống.

HỮU NGHỊ

______________

(1) http://www.ilo.org/public/english/region/asro/bangkok/child/trafficking/downloads/tia-6-vn.pdf
(2) http://www.undp.org.vn/mdgs/summary-achievements/?&languageId=4

Bà giáo về hưu và lớp học miễn phí trong con ngõ hẹp

 

(Dân trí) - Gần 10 năm nay, con ngõ hẹp chừng 5m2 ở vùng quê nghèo xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) của cô giáo Nguyễn Thị Thông đã trở thành nơi mang con chữ đến với bao trẻ em nghèo nơi đây.

Cũng như bao lớp học khác, có lớp, có cô và trò, chỉ khác là lớp học của cô Thông chỉ là con ngõ nhỏ được lợp bằng những tấm phên cũ nát, chiếc bảng được chắp vá, học sinh là những em nhỏ sáng đến lớp học chiều về phải đi làm kiếm sống.  

"Tôi sẽ đem chữ về cho họ đỡ nghèo"

Sau hơn 30 năm công tác trong nghề, năm 2001, cô Thông về nghỉ hưu, sống độc thân cùng với người chị gái mù lòa. Về nghỉ hưu nhưng với lòng yêu nghề và hơn hết là chứng kiến cảnh những đứa trẻ nghèo quê mình không có điều kiện đến trường phải chịu cảnh thất học, cô Thông quyết định mở lớp dạy miễn phí. Học sinh của cô là những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn chưa có điều kiện đến trường hay cả những người lớn còn mù chữ.

http://dantri.vcmedia.vn/Uploaded/2010/03/08/co%20Thong08032010.JPG

Cô Thông luôn tận tâm chỉ bảo cho từng em học sinh.

Trò chuyện với chúng tôi vào một ngày đầu xuân, cô Thông tâm sự: "Tôi nghĩ mình sẽ đem chữ về cho họ đỡ nghèo, mình tìm đến với những mảnh đời cơ nhỡ để các em sớm hòa nhập với cộng đồng, dạy miễn phí chắc họ sẽ đến với tôi và sẽ cho con đi học".

Từ những suy nghĩ và trăn trở đó, lớp học tình thương của cô Thông ra đời. Để có học sinh, cô bắt đầu lặn lội đến từng thôn, từng nhà một để vận động, thuyết phục các bậc bố mẹ cho con đến học chữ. Rồi những em học trò cũng tự tìm đến với cô. Nhưng biết dạy cho các em ở đâu? Cái khó ló cái khôn, cũng bởi nhà chật không đủ chỗ, cô Thông đã sử dụng ngõ ra vào làm lớp học, lấy thanh tre làm thước, dùng cánh cửa làm bàn và muợn sách về dạy.

Lớp học mỗi ngày một đông dần, từ buổi đầu chỉ có vài ba em rồi lên hàng chục em và thêm cả lớp dành cho những người lớn tuổi chưa biết chữ. Những học sinh đến với cô đều có cái chung là đói ăn, đói mặc và đói cả cái chữ. Khởi đâu lớp học tình thương là bao khó khăn với cả cô và trò. Học sinh nghèo không có tiền mua sách, sách cũ cải cách không còn phù hợp, trò thì đói, cô thì thiếu.

Thế là cô lại phải lặn lội đi khắp nơi sưu tầm những tài liệu, sách và tìm những nguồn hỗ trợ cho các em học sinh nghèo của mình.

Lớp học đầy ắp tình thương

Cứ sau mỗi buổi dạy, người ta lại thấy cô giáo Thông rời lớp học cuốc bộ khắp đường làng ngõ xóm, gặp lãnh đạo và Chi hội khuyến học nhờ tìm và giới thiệu cho mình những trẻ em lang thang hay những em có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật chưa được đi học để thuyết phục các em đến lớp.

Có nhiều trường hợp bố mẹ không cho con đi học và bản thân các em cũng không muốn đến lớp, cô Thông không tiếc thời gian, công sức và bỏ qua những mặc cảm, tự ái, cô khuyên các em đi học như đang khuyên nhủ chính con mình để các em phải ra lớp mới thôi. Trước tấm lòng của cô giáo nghèo, nhiều trường hợp lúc đầu không đồng ý rồi cũng đến với cô.

Trong quá trình học, em nào đột nhiên nghỉ học đến buổi thứ 2, dù bận mấy không kể sớm tối cô Thông liền tìm đến nhà thăm hỏi. Với đồng lương hưu ít ỏi, còn phải lo cho hai miệng ăn và trang trải cuộc sống, nhưng cô vẫn chắt bóp lo cho các em học sinh có đủ một bộ tài liệu để học. Với những học sinh quá khó khăn, cô gõ cửa các tổ chức đoàn thể hỗ trợ các em. Cô còn tìm đến những gia đình có điều kiện để xin quần áo cũ cho những em học sinh nghèo thiếu áo thiếu quần khiến anh đi học em phải nghỉ. Tháng nào cô Thông cũng cố gắng dành dụm ít lương hưu của mình dự phòng khi có cháu nào đói qúa để mua cái lót dạ cho các em.

http://dantri.vcmedia.vn/Uploaded/2010/03/08/lop%20hoc08032010.JPG

Lớp học nằm trong con ngõ hẹp luôn đầy ắp tình thương.

Nhắc đến những học sinh của mình, cô Thông chia sẻ: "Có lần đang dạy, một học sinh bị tụt huyết áp, tôi phải cõng cháu chạy vội đến trạm xá. Sau buổi học, đến thăm gia đình mới được biết mẹ cháu bị ốm triền miên nên bữa đói bữa no, vì nể tôi mà gia đình cho cháu đi học. Tôi liền lên báo cáo với UBND xã và xin hỗ trợ và gia đình được xã hỗ trợ cấp cho mỗi cháu trong gia đình 10kg gạo".

Không chỉ chăm lo từ cái ăn, cái mặc và sức khỏe của từng em mà trong qúa trình dạy cô Thông còn chỉ bảo các em rất tận tâm. Đối với học sinh yếu cô kèm cặp hoặc phân công cho em khá kèm thêm. Đã có nhiều em học sinh nhờ đó mà có đủ kiến thức để theo học tại trường và trưởng thành trong cuộc sống.

Những cố gắng không biết mệt mỏi của cả cô trò cũng đã được an ủi bằng những tấm lòng hảo tâm của nhiều cá nhân, đơn vị và tổ chức trong và ngoài tỉnh.

Ngoài việc mở lớp học tình thương, cô Thông còn tham gia công tác khuyến học tại địa phương. Những cố gắng không biết mệt mỏi của người phụ nữ đã ngoài ngũ tuần đã khơi dậy truyền thống hiếu học và phong trào học tập nơi vùng quê nghèo ven biển xã Ngư Lộc.

Rời lớp học tình thương, chúng tôi ra về mang theo hình ảnh những khuôn mặt của những đứa trẻ đến lớp còn nhem nhuốc bởi những vất vả của đời thường, nhưng ánh mắt các em rạng ngời bởi các em đã được sưởi ấm bằng chính tình thương vô bờ của cô giáo Thông.

Bài và ảnh: Thanh Hằng

http://dantri.com.vn/c25/s25-382875/ba-giao-ve-huu-va-lop-hoc-mien-phi-trong-con-ngo-hep.htm


Cô giáo trẻ chống nạng đến trường dạy học

 

Từng bước, từng bước... chậm chạp nhưng chắc chắn, người phụ nữ ấy một tay cầm cặp một tay chống nạng vẫn ngày ngày dò dẫm trên những con dốc quanh co của Tây Bắc để kịp giờ lên lớp.

Hình ảnh đó của cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân đã trở nên quen thuộc đối với người dân thị trấn Yên Bình và các em học sinh Trường tiểu học Kim Đồng, Yên Bái.

32 năm sống cùng nạng sắt

14 tháng tuổi đôi chân của Vân vĩnh viễn không đi lại được vì virus bại liệt. Chính vì thế trở thành cô giáo với Vân chỉ là điều xuất hiện trong những giấc mơ. Kể cả cho đến tận bây giờ khi giấc mơ ấy đã thành sự thật, Vân vẫn cho đó là một cái may mắn mà "ông trời thương".

Không biết những điều kỳ diệu trong các câu chuyện cổ tích có phải là sự thật? Nhưng cái "may mắn" mà Vân có được có lẽ là nhờ chính nghị lực và khát vọng sống phi thường của Vân mang đến.

32 tuổi, cũng là ngần ấy quãng thời gian người phụ nữ này sống cùng đôi nạng sắt. Không biết bao nhiêu lần những giọt nước mắt ướt đẫm những trang sách vì tủi hờn và cũng không nhớ nổi bao lần "đôi chân sắt" của cô bất lực trên chặng đường theo đuổi con chữ của mình. Kể về những kỷ niệm đó, Vân chỉ cười, đôi mắt không giấu được hạnh phúc bởi lẽ đối với cô mọi khó khăn vất vả chẳng là gì so với niềm vui được đến lớp mỗi ngày.

Thời gian học ở Khoa Ngoại ngữ - Viện đại học Mở  Hà Nội, có lúc không nhờ được bạn lai đến trường Vân nhịn ăn sáng để bắt xe ôm cho kịp giờ học. Lớp trên tận tầng 5, hai đôi nạng sắt, bước chân cô bé cứ dò dẫm từng bậc cầu thang.

Vân ngã ít lắm, mà lần nào ngã Vân cũng tự đứng dậy lại tiếp tục đi tiếp... Cô không thích bạn bè quan tâm quá mức, bởi lẽ cô muốn mình là một người bình thường, cô muốn đi bằng chính nghị lực của bản thân. Cái dáng bé nhỏ mỗi lẫn bước lại như lệch hẳn về một bên khiến bất cứ ai trông thấy cũng không giấu nổi niềm thương cảm.

8 năm "chống nạng" dạy học

Tốt nghiệp với tấm bằng khá, không theo đuổi công việc mà bố mẹ đã vạch sẵn ở Hà Nội, cô gái trẻ tình nguyện  xin về quê dạy học, gắn bó cuộc đời mình với những đứa trẻ nghèo vùng cao.

Cảm xúc của ngày đầu tiên đứng lớp như vẫn còn nguyên vẹn trong Vân: "Tôi vừa sợ, vừa lo vừa vui mừng khôn xiết... Vui vì ước mơ đã thành sự thực nhưng lo vì sợ các em có thành kiến đối với những người khuyết tật như mình".

Lần đó, không chỉ riêng Vân lo mà các thầy cô trong Ban giám hiệu cũng lo không kém, đích danh cô hiệu phó đã phải đến từng lớp để kể về hoàn cảnh của cô Vân cho các em học sinh. Nhưng thật bất ngờ, trái với những gì Vân đã tưởng tượng các em học sinh đều rất ngoan và chăm chỉ, ngày hôm đó cô giáo trẻ đã không giấu được những giọt nước mắt vì hạnh phúc.

Quãng thời gian từ lần đầu tiên ấy cho đến bây giờ cũng đã được 8 năm... 8 năm kể sao cho hết những vui buồn của một cô giáo chống nạng dạy học. Khó khăn nhất là lần Vân có em bé đầu lòng, đoạn đường từ nhà đến trường tuy ngắn nhưng không biết bao nhiêu lần Vân bị ngã, có lần nặng  bị động thai  phải nghỉ dạy. Thế nhưng ở nhà mấy hôm, vắng các em,  nhớ lớp nhớ trường Vân lại tiếp tục chiếc nạng sắt quen thuộc cùng với những bài giảng của mình.

Và kỳ lạ thay, sự tận tâm và nhiệt huyết trong những lời  giảng của cô giáo trẻ luôn làm các em học sinh bị lôi cuốn và say mê. Đi lại khó khăn nên không  kèm cặp, chỉ bảo được cặn kẽ từng em một nhưng trái lại Vân luôn có phương pháp dạy học của riêng mình. Với Vân, làm sao để các em thích học, ham học, say học chứ không phải là bị ép học, phải học. Trong giờ tiếng Anh của cô, các em học sinh rất sôi nổi và hào hứng. Có lúc cô dạy từ mới bằng một bài hát tiếng Anh, có lúc lại là một trò chơi hay một đề tài thảo luận.

Cô Vân miệt mài tìm tài liệu trên mạng cho những bài giảng của mình.

Xúc động nhất là mỗi lần mùng 8/3 hay 20/11 các em thường tự tay làm tặng cô những tấm thiệp ghi lời chúc xinh xắn. Có em, còn đòi cô giáo đứng yên để làm người mẫu. Bức tranh tuy chỉ là những nét vẽ ngượng ngịu nhưng vẫn được cô Vân nâng niu và giữ gìn cẩn thận.

Nếu ai có dịp chứng kiến cảnh các em học sinh ùa ra mỗi khi cô giáo Vân đặt chân đến cổng trường thì mới có thể thấy hết được sự yên mến của những đứa trẻ vùng cao nơi đây. Em thì cầm cặp, em thì đỡ cô giáo, có em chỉ đi cùng chuyện trò để chặng đường của cô đến lớp bớt gian nan.

Mới đây, trong đợt thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện môn Anh văn lần đầu tiên được tổ chức, cô vinh dự giành được giải nhì. Nói về cô, cả học sinh lần đồng nghiệp đều không giấu khỏi niềm tự hào. Cô Nguyễn Thị Tảo - Hiệu trưởng Trường Kim Đồng nói: "Lúc đầu tiên khi nhận cô giáo Vân về trường, mọi người trong Ban Giám hiệu đều lo lắng và ái ngại nhưng sự lo lắng ấy dần dần đã biến thành sự khâm phục. Đó là một cô giáo, một người phụ nữ có nghị lực phi thường. Giao cho nhiệm vụ nào cũng hoàn thành mà hoàn thành rất tốt. Sắp tới, nhà trường cũng cử cô Vân đi học lớp cảm tình Đảng".

"Với tôi, gia đình luôn là điểm tựa vững chắc nhất"

Có lẽ câu chuyện về mối tình của vợ chồng cô giáo Vân đã trở thành một "thiên tình sử"  đẹp mà người dân nơi đây vẫn thường trầm trồ xuýt xoa. Chồng cô cũng là một người khuyết tật, họ gặp nhau trong một lần đi phẫu thuật ở bệnh viện tình thương Nam Định.

Sự dịu dàng và nghị lực mạnh mẽ của cô giáo miền núi đã thực sự làm lay động trái tim của chàng trai miền đồng bằng. Tình yêu của họ cũng nồng nàn, tinh khiết như bông hoa ban giữa rừng Tây Bắc. Căn nhà nhỏ, dường như không lúc nào là ngớt tiếng nói cười.

 

Niềm vui bên chồng và con trai.

 

Vân vẫn thường cười và nói trêu: "Ông xã của mình có lẽ là người đàn ông tuyệt vời nhất hành tinh". Mỗi lần như thế đôi mắt của cô lại rạng ngời hạnh phúc. Khi đứa con đầu lòng chào đời căn nhà nhỏ của Vân lại càng trở nên ấm áp. Bé Trường Phước bây giờ đã được 6 tuổi, kháu khỉnh, thông minh và rất lém lỉnh. Hai vợ chồng Vân coi đó như một món quà tuyệt vời nhất mà tạo hóa đã ban tặng.

Sau mỗi lần lên lớp, trở về nhà Vân lại đảm đang trong vai trò một người vợ, một người mẹ. Anh Nhương không giấu nổi tự hào khi kể về vợ mình: Vân nấu ăn khéo lắm, có những món ăn mà có khi hai bố con chỉ đợi mẹ đi dạy về để chế biến. Nghe bố nói thế cu Phước cũng nhoẻn miệng cười tán thành.

Có nhìn Vân chăm sóc cho chồng mới thấy được tình yêu cô dành cho chồng mình lớn đến thế nào. Với cô, gia đình luôn là điểm tựa mạnh mẽ nhất trong cuộc sống.

Giữa cái nắng gay gắt của  tiết trời đầu hè, cái dáng bé nhỏ của cô giáo Vân lại kiên trì dò dẫm với những bài giảng của mình. Cô giống như bông Hoa ban vẫn kiêu hãnh khoe mình làm đẹp cho đời giữa núi rừng Tây Bắc.

Theo Hà Trang

VnMedia
http://dantri.com.vn/c25/s25-383107/co-giao-tre-chong-nang-den-truong-day-hoc.htm


Bà Mẹ Công Giáo thuộc TGP Sài Gòn nô nức tham dụ Thánh lễ mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ tại Gx Tân Định

 

VietCatholic News (08 Mar 2010 11:03)

 

SAIGÒN - Kỷ niệm 100 năm ngày Quốc tế Phụ Nữ (8/3/1910 – 8/3/2010) các Bà Mẹ Công Giáo thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn đã nô nức đến nhà thờ Tân Định để tham dự thánh lễ do Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc chủ tế.

Khi nắng chiều đã tắt, con đường Hai Bà Trưng đang còn nhiều xe cộ chen chúc thì trong khuôn viên nhà thờ Tân Định, đoàn rước từ từ tiến vào thánh đường trước khi thánh lễ được cử hành để cầu nguyện cho tất cả các chị em phụ nữ trong giáo phận.

Cùng đồng tế với Đức cha Phaolô còn có cha GB. Võ Văn Ánh, tổng linh hướng Các Bà Mẹ Công Giáo, GP Sài Gòn và hai linh mục thân hữu. Dường như hôm nay các bà, các chị mặc chiếc áo đẹp nhất của mình, cũng có các chị em cùng mặc đồng phục của giáo xứ chọn. Ngôi thánh đường cổ kính với những chiếc cột to không còn một chỗ trống nào trên các dãy ghế, nhiều chị phải ngồi trên ghế nhựa ở dọc hành lang trong lòng nhà thờ. Sự đông đúc đó có lẽ không nói lên nhiều điều cho bằng cảm xúc vui hiện trên khuôn mặt của quí bà quí cô.

Trước khi bài giảng bắt đầu, Đức cha Phaolô chúc mừng niềm vui và hân hoan đến với tất cả các chị em phụ nữ trên thế giới, trong tiếng vỗ tay vang dội.

Đức Cha cho rằng ngày Quốc tế Phụ Nữ là một ngày vui chung nhưng đối với Giáo hội, đây là một cơ hội tốt để chúng ta có cái nhìn về người phụ nữ theo quan niệm Kitô giáo, đúng với chiều kích Tin Mừng. Dựa vào việc quan sát và những suy nghĩ của bản thân, Đức Cha cho rằng một người phụ nữ Công Giáo tốt cần có những nét đẹp sau:

- SỰ DỊU DÀNG của người phụ nữ quan trọng và có tác dụng đặc biệt trên người khác. Nét đẹp này tạo ra bầu khí êm ái, nhẹ nhàng, yêu thương trong cuộc sống. Người phụ nữ dịu dàng trở thành chứng tá cho sự dịu dàng của Thiên Chúa. Đức Maria là một thí dụ điển hình về nét đẹp này. Thử tưởng tượng một người phụ nữ mà hùng hùng hổ hổ thì làm sao diễn tả được tình yêu của Thiên Chúa?! Nhiều người đàn ông ngoại đạo và những thanh niên vô thần đã có lần thổ lộ rằng rất thích sự dịu dàng của phụ nữ Công giáo.

- LÒNG NHÂN HẬU: Lòng nhân hậu được nhắc đến nhiều lần trong Kinh Thánh. Một bà góa chỉ còn một chút dầu, một chút bột mà niềm nở làm bánh cho tiên tri Êlia ăn. Một cô gái người Israel bị bắt làm nô lệ cho ông vua Syria thù địch, lại bị cùi lở; cô bèn khuyên bà vợ của vua nên đưa chồng đến gặp tiên tri của Chúa để được chữa khỏi…

Người phụ nữ nhân hậu rất nhạy cảm trước những đau khổ của người khác, rất dễ chạnh lòng thương. Những người phụ nữ nhân hậu là hiện thân của lòng thương xót Chúa.

- SỰ ĐẢM ĐANG của người phụ nữ làm gia đình ấm cúng, hạnh phúc. Được như thế, người vợ trở thành kho báu lớn nhất của người chồng. Tuy nhiên, ngày nay, gia đình cũng phải biết dung hòa công việc gia đình và công việc xã hội cho người phụ nữ. Sự dung hòa này giúp người phụ nữ cân bằng trong thế "giỏi việc nước, đảm việc nhà".

- CAN ĐẢM: Những bà mẹ Công Giáo cần phải biết can đảm lội ngược dòng, nghĩa là phải mạnh dạn góp ý đối với chồng khi cần thiết; sửa dạy con một cách cứng rắn hoặc mềm dẻo tùy theo tình huống, không phải vì quí chồng thương con mà để mặc cho mọi việc tự trôi mà phải tìm hiểu sự việc để cân đối gia đình. Can đảm nhưng không quá lố đến độ cố chấp, độc đoán độc tài.

- CÓ KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO: Có một chút khả năng lãnh đạo sẽ biết điều khiển, tổ chức, sắp xếp gia đình và biết quyết định kịp thời đúng lúc trước nhiều tình huống trong cuộc sống.

- BIẾT CẦU TIẾN: học hỏi để nâng cao kiến thức, phù hợp với thời đại trước một xã hội có nhiều chuyển biến phức tạp và khó khăn. Phải biết tiếp cận, trau dồi để nắm bắt về tâm lý, về giới tính, khoa học phổ thông….để không tụt hậu, để có thể rao giảng Tin Mừng một cách phù hợp.

Vậy nếu phải lựa chọn giữa HẠNH PHÚC và THÀNH CÔNG, chúng ta nên chọn cái nào? Có những lúc thành công đi đôi với hạnh phúc, nhưng nhiều khi thành công mà không hạnh phúc. Nhiều bậc cha mẹ đặt nặng sự thành đạt quá làm cho chồng con mất cả niềm vui. Thiên Chúa dựng nên chúng ta và mong chúng ta được hạnh phúc vì thế cần biết cân bằng, làm sao để gia đình luôn vui trong tình yêu thương của Chúa.

Chắc chắn bài giảng của Đức Cha đã đi vào tâm tư của các bà mẹ dù ở nhiều độ tuổi khác nhau. Lời cầu nguyện chung hôm nay không biết của ai đã soạn cho các chị mà cũng ý nhị không kém: Hình ảnh của người phụ nữ là nét điểm xuyết tuyệt vời của Thiên Chúa khi tạo dựng vũ trụ. Sự hoán cải, làm đẹp hình thể bề ngoài và trau chuốt trái tim bên trong là bổn phận của phụ nữ. Thế giới đề cao vai trò người phụ nữ, thế nên người phụ nữ cần được đối xử đúng với phẩm giá ở khắp nơi.

Hôm nay, có khoảng mười chị được làm thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa trong thánh lễ, một hình ảnh mà trước Công đồng Vatican II không ai dám nghĩ đến!

Lời cảm ơn của bà trưởng Các bà mẹ Công Giáo GP Sài Gòn Maria Nguyễn Thị Ngọc thật đậm đà tình cảm trước khi Đức cha chủ tế nhận món quà nho nhỏ.

Khi những hộp bánh được phát tận tay các bà các chị thì có một bà lên đọc một bài thơ rất hay, đại ý là dù có những lấn cấn trong cuộc sống, các thành viên trong gia đình vẫn yêu thương nhau:

"Em đừng buồn khi thấy mẹ yêu anh,

Em đừng buồn khi thấy anh yêu mẹ…"


Thánh lễ khép lại, trong lòng nhà thờ, nhiều chị chụp hình chung với nhau còn sân nhà thờ Tân Định lại có nhiều tà áo dài tung bay trong không khí mát mẻ của buổi tối mùa hè.

Dù không được tham dự thánh lễ mừng ngày phụ nữ 8/3 hôm nay vì cơm áo gạo tiền, cũng xin cầu chúc các chị đang bôn ba vất vả vì gia đình được khỏe mạnh và vui tươi trên đường đời.

 

Maria Vũ Loan

 

http://vietcatholic.net/News/Html/77702.htm



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.