Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY NĂM A (Ga 11, 1-45)

Mời xem videoclip

SINH THÌ HAY TỪ TRẦN?
 
Tôi vẫn còn nhớ hôm sinh hoạt Huấn đức Huynh đoàn Đa Minh GPSG (16/02/2011), tới giờ giải lao, tôi có đưa cho anh chị em mỗi người một chai nước giải khát. Một anh bạn Huấn đức Liên huynh nói đùa: “Các anh chị ơi! Tôi vừa nghe anh Huấn đức Huynh đoàn GP nói: Ta khát. Anh nói xong, có nước uống liền”. Tôi phân bua: “Anh còn quên khúc sau: Nói “Ta khát” xong, thì đến “đã đoạn”, rồi gục đầu xuống giã Đức Mẹ mà sinh thì. Nào, xin mời quý anh chị cạn 100%. Dzô!” Không khí vui hẳn lên, và buổi sinh hoạt vì thế, đạt kết quả tốt. Anh bạn giỡn, nhắc lại lời Đức Giê-su trên thập giá, tôi cũng giỡn nhắc lại lời viếng đàng Thánh giá (nơi thứ 12: “Đức Chúa Giê-su sinh thì trên thánh giá”). Chỉ là một câu chuyện đùa giỡn, nhưng chẳng hiểu sao, về nhà, tôi cứ băn khoăn mãi về chữ sinh thì.

Thú thật, thời trẻ khi nghe hay đọc tới tiếng này, tôi chỉ nghĩ “sinh thì” là chết, qua đời, từ trần, trút hơi thở cuối cùng, trút linh hồn…, không thắc mắc. Nhưng hôm nay, khi suy niệm bài TM CN V/MC, nhớ lại buổi sinh hoạt, tôi chợt để ý tới từ “sinh” trong chữ “sinh thì”, nên mới có những thắc mắc “ấm ớ hội tề” như vậy. Tôi phải tìm đến bộ tự điển có uy tín là cuốn “Việt Nam Tự điển” của Hội Khai Trí Tiến Đức
(xb cách đây trên 80 năm), để tách ra từng từ mà tìm hiểu. Theo tự điển này thì sinh có nghĩa là sống (và vài nghĩa phụ khác), và thì có nghĩa là: * thủa, lúc, tuổi (thủa đương thì, thì son trè, tuổi dậy thì) - * mùa (tứ thì bát tiết) - * giờ (thì khắc, thì giờ). Cũng theo tự điển trên, do luật biến trại âm tiết, chữ “thì” thường đọc trại thành chữ “thời” (thời giờ, thời khắc, thuở đương thời, thời son trẻ, tứ thời bát tiết v.v…). Chẳng hạn như trong văn học nói về một người đã chết, mà lúc còn sống người ấy làm một việc gì đó, thì dùng tiếng “sinh thì (sinh thời)” (Vd: Lúc sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân rất thích phở, nên đã để lại tuỳ bút “Phở” rất hay). Còn nếu nói về người chết thì dùng tiếng tử (tử nạn, tử vong), qua đời, từ trần...

Nhưng tại sao khi Đức Giê-su trút linh hồn không dùng tiếng “từ trần”, “qua đời” mà lại dùng tiếng “sinh thì”? Cũng nhờ cái thắc mắc “ấm ớ hội tề” như trên mà tôi có được nhiều điều hay hay. Với con người bình thường, nếu gặp cảnh chết treo trên thập giá thì chỉ nói người ấy đã chết, đã qua đời, đã từ trần; nhưng ở đây là Đức Giê-su Ki-tô Thiên Chúa, Người chết trên thập tự vì tội lỗi loài người và ngay lúc đó là lúc Người chiến thắng sự chết, bởi Người là Thiên Chúa hằng sống, sự chết không thể làm gì được. Nói cách khác, bản tính loài người trong Đức Ki-tô khi ấy thực sự đã chết, còn bản tính Thiên Chúa là hằng sống, nên khi Đức Giê-su chết trên thập tự chính là lúc Người bước vào thời điểm “sinh thì” vậy. Còn nếu một con người bình thường khi chết đi mà được thần linh làm cho sống lại (như trường hợp anh La-da-rô trong bài TM hôm nay) thì dùng tiếng “phục sinh”, hoặc tiếng thuần Việt “sống lại”. Điều đó lại càng có ý nghĩa thuyết phục khi dùng tiếng Phục Sinh để chỉ biến cố sáng ngày thứ ba sau khi Đức Ki-tô chết trên thập tự, bởi cái xác phàm Giê-su (bản tính loài người) thực sự đã chết và linh hồn Người xuống ngục Tổ tông yên ủi các thánh; nhưng sáng ngày thứ ba thì cũng vẫn xác phàm ấy tự động trỗi dậy (bản tính Thiên Chúa) mà chúng ta vẫn quen gọi là sống lại cả hồn lẫn xác. Đó quả thật là vô cùng ý nghĩa khi các cụ ta hồi xưa đã dùng tiếng sinh thì (“Đức Chúa Giê-su sinh thì trên thánh giá”). Cũng như Thánh Gio-an dùng tiếng “trao thần khí” thay vì dùng tiếng “trút linh hồn”, “tắt thở” như Thánh Mat-thêu và Lu-ca.


Trở lại với bài TM hôm nay, (tường thuật phép lạ Chúa Ki-tô cho anh La-da-rô chết chôn đã 4 ngày được sống lại). Sự kiện anh La-da-rô bị đau nặng đã được chị Mac-ta và Maria cho người đến báo tin cho Đức Ki-tô (chắc cũng có ý muốn xin Người chữa bệnh cho em mình); nhưng Người lại không tới liền mà mãi 2 ngày sau mới tới. Việc làm này mang ý nghĩa gì? Nếu Người tới liền, thì có thể anh La-da-rô sẽ không chết và như thế thì Đức Ki-tô cũng chỉ là một thầy lang giỏi chữa bệnh mà thôi. Còn nếu Người tới mà La-da-rô vẫn chết và dù sau đó có được Chúa cho sống lại, thì người đời (thông qua các môn đệ) vẫn bán tín bán nghi, làm sao có thể hiểu được rằng "Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh" 
(Ga 11, 4). Đúng là các môn đệ không hiểu được ý nghĩa sâu xa trong Lời dạy của Đức Ki-tô, nên khi nghe Người nói “Bệnh này không đến nỗi chết đâu” và sau đó Người còn nói: "La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây." (Ga 11, 11), nên các ngài đã cho là La-da-rô chỉ ngủ và sau giấc ngủ sẽ khoẻ lại. Cũng vì thế Đức Ki-tô phải nói rõ hẳn ra: "La-da-rô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy." (Ga 11, 14-15).

Câu Đức Ki-tô nói với các môn đệ: “Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin” 
(Ga 11, 15), đã minh hoạ rõ ràng là Người có chủ định để La-da-rô chết chôn được 4 ngày mới lại thăm và tỏ uy quyền của Thiên Chúa cho anh ta sống lại. Đúng là đáng mừng cho các môn đệ lúc nào cũng cứ nửa tín nửa ngờ, thì đây là dịp “thực mục sở thị” một phép lạ chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Vâng, Thầy không có mặt khi anh La-da-rô chết, và Thầy còn để anh được chôn trong hang đá tới 4 ngày, xác chết đã nặng mùi, như thế thì anh em mới thực sự tin rằng anh La-da-rô đã chết (chớ không phải chỉ ngủ say). Và nhờ đó, khi Thầy tới kêu anh ta ra khỏi mồ, anh em mới tin thật "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống" (Ga 11, 25). Không còn cách nào để có thể củng cố đức tin cho các môn đệ hơn là dịp này vậy. Được củng cố đức tin đến như thế mà tới giờ phút phải bày tỏ niềm xác tín (Thầy bước vào cuộc khổ nạn, chết trên thập tự và sống lại hiển vinh) cũng vẫn còn bán tín bán nghi. Quả thật, không chỉ có một Tô-ma “khi nào tôi được xỏ ngón tay vào lỗ đinh, thọc bàn tay vào cạnh sườn Chúa, tôi nới tin là Người đã sống lại thật” đâu!

Suy đi nghĩ lại, sự hoài nghi của con người ở cái thế kỷ XXI này còn vượt xa các Tông đồ tiên khởi. Hoá cho nên các ngài sống cách nay 2000 năm, nếu cứ hay nửa tin nửa ngờ cũng chẳng có gì đáng phàn nàn, vì bản chất con người là thế. Các tông đồ ở liền bên với Thầy mà cũng chỉ tin khi được trông thấy nhãn tiền người chết chôn trong mồ đã 4 ngày và “nặng mùi rồi”, Đức Ki-tô không hề chạm đến anh ta mà chỉ hô lớn tiếng: "Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ! ", thì ngay lập tức anh ta bước ra khỏi mồ với khăn liệm còn quấn trên người. Chính vì thế, trong Sđ Mùa Chay 2011 (số 2), ĐGH Biển Đức XVI mới dạy: “Trong Chúa nhật thứ V, khi nghe đọc trình thuật về sự sống lại của anh La-da-rô, chúng ta được đặt trước mầu nhiệm cuối cùng của cuộc sống chúng ta: "Thầy là sự sống lại và là sự sống.. con có tin điều này không?” 
(Ga 11,25-26). Đối với cộng đoàn Ki-tô, đây là lúc cùng với Mac-ta, chân thành tái đặt trọn niềm hy vọng của chúng ta nơi Đức Giê-su thành Na-da-ret: ”Vâng, lạy Chúa, con tin Ngài là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng đến trong thế gian” (Ga 11, 27).

Thế thì người Ki-tô hữu ở thế kỷ XXI này còn đợi gì mà không “… chân thành tái đặt trọn niềm hy vọng của chúng ta nơi Đức Giê-su thành Na-da-ret: "Vâng, lạy Chúa, con tin Ngài là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng đến trong thế gian” 
(Ga 11, 27)? Ước được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD
(nguồn : thanhlinh.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.