SỐNG ĐẠO
Sưu tầm
Đối với Chúa Giêsu, điều quan trọng cốt lõi của mọi khoản luật chính là cái tinh thần của nó. Kẻ nào chỉ bo bo giữ cái hình thức bề ngoài mà quên cái tinh thần cốt lõi của lề luật thì cũng như những mồ mả tô vôi bề ngoài thì đẹp đẻ, nhưng bề trong thì xấu xa hôi thối. Vật chúng ta sẽ phải sống làm sao?
* Thứ nhất là việc dự lễ:
Bên các nước tiến bộ, ngày nay có một vấn đề được đặt ra, khá ngộ nghĩnh: người ta hỏi có được phép ngồi ở nhà dự thánh lễ được truyền qua màn ảnh vô tuyến truyền hình, khỏi cần đi đến nhà thờ được không? Giáo Hội đã trả lời dứt khoát là không được. Bởi vì dự lễ kiểu đó chỉ là một hình thức cho có cho rồi, chẳng có một chút tâm tình tôn thờ, yêu mến, kết hợp với Thánh Thể. Chuyện bên Tây thì vậy, nhưng bên ta cũng có chuyện tương tự như vậy: nhiều người đi dự lễ nhưng không muốn vào nhà thờ cho dù trong nhà thờ vẫn còn chỗ. Họ đứng ở ngoài, miễn sao là có hướng vào nhà thờ, mắt nhìn về phía bàn thờ. Vậy thì có khác gì xem lễ qua Tivi đâu? Chỉ là hình thức, chẳng có tâm tình.
* Thứ hai là luật thánh hóa ngày Chúa nhật:
Điều răn thứ ba dạy ta phải thánh hóa ngày Chúa nhật. Nhiều người nghĩ rằng thánh hóa ngày Chúa nhật chỉ là đi xem lễ. Từ quan niệm đó, ai mà có dự lễ thì gọi kể là xong hết bổn phận. Còn ai lỡ kẹt chuyện gì đó không đi xem lễ được thì cũng kể như mình đã lỡ, thôi đành vậy. Chúng ta hiểu điều răn thứ ba như vậy là hời hợt quá, chỉ phớt qua một hình thức bề ngoài là dự lễ thôi. Thực ra điều răn này dạy ta phải thánh hóa ngày Chúa nhật. Thánh hóa là làm cho ngày đó nên thánh thiện. Mà muốn làm cho ngày đó nên thánh thiện thì dự lễ chỉ là một việc, ngoài ra còn dành nhiều thời giờ của ngày đó để làm những việc Chúa muốn, như đọc kinh cầu nguyện nhiều hơn, làm thêm những việc lành, lưu ý đến kẻ khác hơn bằng cách dùng ngày nghỉ đó để tới lui thăm viếng, truyện trò, an ủi nhau, giúp đỡ nhau…
* Thứ ba là việc sống đạo giữa đời:
Mọi lề luật được đặt ra không phải chỉ là để cho có “hình thức, mà để giúp cho con người có thể sống đạo tốt hơn. Nhưng sống đạo là gì? Không phải chỉ là chu toàn một số hình thức đạo đức như đọc kinh, dự lễ, chịu các bí tích. Sống còn là làm việc, là làm ăn buôn bán, giao tế, biết xử sự tốt, trước những va chạm, khó khăn xảy ra hàng ngày. Giáo Hội thường nói “Sống đạo giữa đời”. Hội đồng Giám mục Việt Nam còn nói rõ hơn: sống đạo là “Sống Tin mừng giữa lòng dân tộc”. Cho nên chỉ mới có đọc kinh xưng tội, dự lễ thì chưa phải là sống đạo, mà chỉ là giữ một số hình thức của luật đạo thôi. Khi nào chúng ta biết để ý làm ăn theo lương tâm của người Kitô hữu, cư xử với mọi hạng người theo tinh thần bác ái của Tin mừng thì mới đúng là chúng ta sống đạo thật sự.
Mười điều luật Chúa và sáu điều luật Hội thánh ai trong chúng ta cũng thuộc lòng từ nhỏ. Hình thức bề ngoài của những luật đó là đọc kinh, dự lễ, xưng tội, ăn chay v.v… Nhưng tinh thần của chúng là “mười điều răn ấy tóm về hai điều này thôi: mến Chúa và yêu người”. Chúng ta hãy cố gắng đem tinh thần yêu thương ấy vào tất cả mọi sinh hoạt của chúng ta, không những chỉ có các sinh hoạt ở nhà thờ mà còn các sinh hoạt làm ăn, buôn bán, giao tế, buồn vui sướng khổ hằng ngày nữa. Đó mới thực sự là sống đạo giữa đời.
(tinmung.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.