Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

re: xuong kinh

Thưa anh em
Không thấy ông trùm bắt kinh, nên mạn phép gửi 2 bài cách nhau 19 thế kỷ về lễ Phục Sinh

LỄ CHÚA KITÔ PHỤC SINH
 (Bài giảng Lễ Phục Sinh của Thánh giám mục Melito of Sardis: cách nay 19 thế kỷ)

Tranh của Rubens
 
  Anh em thân mến, chúng ta phải hiểu rằng mầu nhiệm vượt qua là mầu nhiệm vừa cũ lại vừa mới, vừa chuyển tiếp vừa vĩnh hằng, vừa khả diệt vừa bất diệt, vừa chết chóc vừa bất tử. Về khía cạnh Lề Luật thì mầu nhiệm này là cũ, về khía cạnh Ngôi Lời thì lại là mới. Theo hình ảnh của mình thì mầu nhiệm này đã qua rồi, về ân sủng thì lại là vĩnh hằng. Mầu nhiệm này khả diệt nơi hy tế của con chiên, lại bất diệt nơi sự sống đời đời của Chúa Kitô. Mầu nhiệm này chết chóc nơi việc Người bị chôn táng, lại bất tử nơi việc Người phục sinh từ trong cõi chết.
 Lề Luật thật sự là cũ, nhưng Ngôi Lời là mới. Kiểu mẫu thì chuyển tiếp, nhưng ân sủng thì vĩnh hằng. Con chiên thì khả diệt, nhưng Chúa Kitô thì bất diệt. Người bị sát hại như là một con chiên; Người đã sống lại như Thiên Chúa. Người đã như con chiên bị bị dem đi làm thịt, nhưng Người không phải là một con chiên. Người đã im lặng như một chiên con, nhưng Người không phải là một chiên con. Kiểu mẫu đã qua đi; thực tại đã xuất hiện. Chiên con hiến chỗ cho Thiên Chúa, con chiên nhường chỗ cho con người, và con người là Chúa Kitô, Đấng tràn đầy toàn thể tạo vật. Hy tế của chiên con, việc cử hành của Lễ Vượt Qua, cùng với những qui định của Lề Luật đã được nên trọn nơi Chúa Giêsu Kitô. Theo Lề Luật cũ, và còn hơn nữa, theo sự phân phối mới, thì mọi sự phải qui về Người.
Cả Lề Luật lẫn Ngôi Lời đều từ Sion và Giêrusalem mà tới, nhưng Lề Luật đã nhường chỗ cho Ngôi Lời, cũ nhường cho mới. Giới răn đã trở thành ân sủng, kiểu mẫu thành thực tại. Chiên con trở thành Người Con, con chiên thành con người và con người thành Thiên Chúa.
Mặc dù là Thiên Chúa, Chúa đã làm người. Người đã chịu khổ vì những ai chịu khổ, Người đã bị ghì trói vì những ai bị trói buộc, Người đã bị lên án vì kẻ lỗi phạm, đã bị chôn táng vì những ai nằm trong mồ mả; nhưng Người đã sống lại từ trong cõi chết và đã lớn tiếng kêu lên rằng: Ai sẽ chống lại Ta đây? Hãy để cho họ đối đầu với Ta. Ta đã giải thoát kẻ bị kết án, làm cho kẻ chết hồi sinh, làm cho con người sống lại từ trong mồ mả. Ai nói điều gì phản lại Ta đây? Ta, Người phán, là Đức Kitô; Ta đã hủy diệt sự chết, đã chiến thắng kẻ thù, đã chà đạp hỏa ngục, đã trói buộc kẻ dũng mãnh, và đã đưa con người lên trời cao thẳm: Ta là Đức Kitô.
Vậy tất cả mọi dân nước các ngươi hãy đến, hãy lãnh nhận ơn thứ tha về những tội lỗi đã làm các ngươi ra ô nhơ. Ta là ơn tha thứ của các ngươi. Ta là Sự Vượt Qua làm phát sinh ơn cứu độ. Ta là chiên con đã bị sát tế vì các ngươi. Ta là giá chuộc của các ngươi, sự sống của các ngươi, sự phục sinh của các ngươi, ánh sáng của các ngươi, Ta là ơn cứu độ và là vua của các ngươi. Ta sẽ mang các ngươi lên trời cao thẳm. Ta sẽ nâng các ngươi lên bằng bàn tay phải của Ta, và Ta sẽ tỏ cho các ngươi thấy Chúa Cha hằng hữu.
                                    Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch 

Sống Niềm Vui Phục sinh

           Tôi rất thích câu Kinh thánh Ga 20:15: “Khi Chúa Giêsu thấy Maria Mađalêna khóc ở cửa mộ thì Ngài hỏi: Này chị, sao chị khóc?”. Lúc đó Ngài không hỏi một câu văn hoa bóng bẩy. Ngài muốn biết lý do chúng ta lo âu, khóc lóc và phiền muộn khi niềm hy vọng tiềm ẩn trong mọi sự – nếu chúng ta lưu ý.
Phục sinh mang ý nghĩa giải thoát, rầt ý nghĩa đối với một người như tôi, vì tôi luôn cảm thấy buồn sầu và tiêu cực. Mừng lễ Phục sinh là dịp để chúng ta nói: “Vâng, lạy Chúa Giêsu, con tin”. Khi làm vậy, hãy nắm bắt niềm hy vọng có sẵn đó.
1. Tiến lên và chạm vào Ngài. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và nói: “Sao anh em phiền muộn? Sao anh em nghi ngờ? Hãy sờ vào Thầy và xem đây, ma không có xương thịt như anh em thấy Thầy”.
Nếu tôi là một trong số họ, tôi không chỉ phiền muộn mà chắc rằng tôi sẽ không đến gần sờ thử. Tôi nghi ngại. Nhưng tôi tìm thấy sự an tâm trong sự bảo đảm của Chúa Giêsu rằng sự phục sinh của Ngài là thật. Chúa Giêsu là thật, sự phục sinh là thật, do đó mà các lời hứa của Ngài là thật. Nghĩa là chúng ta khả dĩ tin Ngài khi Ngài nói với chúng ta rằng Ngài sẽ ở với chúng ta đến tận thế (x. Mt 28:20).
2. Thiên Chúa tốt lành. Trước khi chịu chết, Chúa Giêsu  nhắc lại rằng Ngài được sai đến nhân danh Chúa Cha. Thật vậy, qua nhiều phép lạ, nhất là việc cho Ladarô sống lại, cho thấy tính tốt lành của Thiên Chúa: “Vì Cha yêu Con và cho Chúa Con thấy mọi sự Người làm, và Người sẽ cho Chúa Con thấy những việc vĩ đại hơn vậy, đến nỗi anh em có thể ngạc nhiên” (Ga 5:20).
Chân phước Angela Foligna, thế kỷ 14, là người mẹ và người vợ, rồi là người viết xuất chúng về các điều thần bí, đã viết: “Bước đầu tiên mà linh hồn phải có khi đi vào con đường yêu thương là biết Thiên Chúa qua chân lý, nhờ đó mà muốn đạt tới Thiên Chúa… Biết Chúa qua chân lý là biết Ngài như chính Ngài, hiểu sự xứng đáng của Ngài, vẻ đẹp của Ngài, sự ngọt ngào của Ngài, sự tuyệt luân của Ngài, sức mạnh của Ngài, sự tốt lành của Ngài, bản chất cực tốt lành của Ngài”.
Tôi nghĩ rằng tin Chúa tốt lành là điểm phục sinh. Thiên Chúa có tốt lành? Có. Chúng ta có thể nói vậy với niềm xác tín vào sự Phục sinh.
3. Phó thác. Hãy phó thác ý muốn và cuộc đời mình cho Chúa quan phòng. Thánh Thomas Tiến sĩ viết: “Tính thánh thiện không gì hơn là quyết định dứt khóat, một hành động anh dũng của một linh hồn phó thác cho Thiên Chúa. Nhờ ý muốn thẳng thắn mà chúng ta yêu mến Chúa, chạy về phía Chúa, đạt tới Ngài và sở hữu Ngài”.
Mỗi khi chúng ta nói với Chúa: “Hãy lấy điều đó khỏi con”, chúng ta đang sống niềm vui Phục sinh, vì chúng ta đang nhớ lời hứa của Chúa rằng Ngài sẽ cung cấp cho chúng ta, Ngài không bỏ chúng ta, và dù chúng ta nghi ngờ thì Ngài vẫn thực sự đáng tin.
4. Loại bỏ sợ hãi. Trong trình thuật của thánh Mát-thêu, thiên thần Chúa hiện ra với Maria và một Maria khác ở nơi mộ trống, rồi nói với họ: “Đừng sợ, vì tôi biết các chị đang tìm Giêsu bị đóng đinh. Ngài không còn ở đây. Ngài đã sống lại như Ngài đã nói”. Sau đó Chúa Giêsu gặp các chị và lặp lại: “Đừng sợ!” (Mt 28:10).
Có thể điều Chúa Giêsu nói ở đây là đừng sợ. Loại bỏ sợ hãi là điều không dễ làm. Nhưng nếu chúng ta có thể loại bỏ sợ hãi, dù loại bỏ dần dần, chúng ta sẽ tránh xa nỗi buồn thập giá và đến gần sự tuyệt vời của ngôi mộ trống.
Cố tu sĩ Thomas Merton, dòng Trap, viết: “Nỗi sợ hãi thu hẹp lối vào trái tim, co rút khả năng yêu thương và làm đóng băng khả năng trao tặng chính mình”.
5. Công khai. Mệnh lệnh của Chúa Giêsu là rao giảng công khai. Cho dù bạn có thể giống như kẻ khờ dại, cứ nói với người ta rằng sự sống lại đã xảy ra thực sự. không nhất thiết chúng ta phải là người rao giảng Tin Mừng từ xa. Chúng ta khả dĩ làm và nói mọi thứ, ngôn ngữ và hành động của chúng ta luôn trở lại với sự Phục sinh, truyền niềm hy vọng cho mọi người chúng ta gặp.
6. Khiêm nhường. Nếu Chúa Giêsu là Thiên Chúa, và chỉ có một Thiên Chúa, điều đó nghĩa là không ai trong chúng ta là Thiên Chúa. Đó là sự thật quan trọng khác về sự sống lại: Thiên Chúa trở nên con người, con người không thể trở nên Thiên Chúa. Tôi biết tôi thường lẫn lộn hai điều đó, nhất là khi tôi nói qua điện thoại với nhân viên bảo hiểm y tế, vì tôi cảm thấy mình có quyền hơn người đó.
Thánh nữ Catarina Siena viết: “Hãy nhỏ bé và khiêm nhường. Hãy nhìn vào Thiên Chúa, Ngài tự hạ làm con người. Đừng làm mình bất xứng với những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta”. Với sự khiêm nhường, chúng ta sẽ có khả năng hơn nhờ sự phục sinh. Điều đó như sự bù đắp những gì chúng ta không thể có, nhưng Thiên Chúa khả dĩ cung cấp cho chúng ta nếu chúng ta tin rằng ngôi mộ trống.
7. Hành trình Emmaus. Tôi luôn được đánh động bởi trình thuật của thánh Luca về hành trình Emmaus. Hai môn đệ trên đường đi Emmaus, Chúa Giêsu đến gần và hỏi họ đang nói chuyện gì. Một người nói: “Sao ông hỏi vậy? Ông không nghe xôn xao chuyện gì ư?”. Và họ chợt nhận ra Ngài khi Ngài cùng ngồi ăn với họ. Nhưng ngay khi họ nhận ra Ngài thì Ngài biến đi.
Hằng ngày chúng ta có dịp đi Emmaus nếu chúng ta đồng ý với thánh Leo Cả: “Chia sẻ sự phục sinh của Chúa Kitô là không bị ràng buộc bởi những gì tạm thời, nhưng chỉ ràng buộc bởi sự sống vĩnh hằng mà Ngài trao ban cho chúng ta... Sự phục sinh đã khởi sự nơi Đức Kitô, và Ngài muốn dẫn chúng ta đến sự viên mãn của sự sống và sự chữa lành”.
8. Cầu nguyện liên lỉ. Trong trình thuật của thánh Luca, tôi thích câu: “Họ hỏi nhau: Lòng chúng ta không sốt sáng khi Ngài nói chuyện với chúng ta trên đường đi và giải nghĩa Kinh thánh cho chúng ta sao?” (Lc 24:32).
Hành trình tới Emmaus là lời cầu nguyện, các nhiệm vụ nhỏ mọn của chúng ta hằng ngày cũng là những lời cầu nguyện. Thánh bổn mạng của tôi, Têrêsa Hài đồng, đã định nghĩa: “Lời cầu nguyện là điều bộc phát từ đáy lòng, là ánh mắt hướng về trời cao, là lời tạ ơn, là tình yêu giữa cơn thử thách và giữa niềm vui”.     Đó là cách cầu nguyện khi chúng ta sống niềm vui Phục sinh.
9. Nhận biết Chúa trong mọi sự. Nếu mùa Chay là sống tĩnh lặng để lắng nghe tiếng Chúa thì lễ Phục sinh là ca vang Alleluia với Ngài. Và nếu 40 ngày bắt đầu bằng thứ tư lễ Tro là tách mình ra khỏi ai đó, nơi nào đó và thương mình hơn thì lễ Phục sinh là đón nhận mọi người, mọi nơi, mọi thứ gì thúc đẩy sự tốt lành, vẻ đẹp và tình yêu thương. Cố Giáo hòang Gioan-Phaolô II đã viết: “Chúng ta có thể tìm thấy Chúa trong mọi sự. Chúng ta có thể hiệp thông với Ngài trong mọi sự và qua mọi sự”.                            Thiên Chúa hằng sống và hiện hữu khắp nơi.
Hãy sống niềm vui Phục sinh ở mọi nơi và mọi lúc.
Hãy cầm lấy, tạ ơn, bẻ ra và trao cho người khác chính cuộc đời mình!
Tác giả: THÉRÈSE BORCHARD
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Beliefnet.com)
 Ex 772

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.