Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Bài Học Tiếng La - tinh của Nguyễn Trường Khoan, lớp 68

Lời nói đầu: Chỉ tiếc một điều, khi Kỷ Yếu được phát hành, cha giáo môn La- tinh của chúng ta - cha Joakim Nguyễn văn Hiếu - đã về nhà Cha, nhưng tôi tin rằng khi đọc bài này, ít nhiều anh em chúng ta - những học trò - đều nhớ đến ngài và không quên cầu nguyện cho ngài Amen.


HỌC TIẾNG LA-TINH
N.T.K.

La-tinh là môn ngoại ngữ thứ ba chúng tôi phải học khi lên lớp đệ ngũ trong Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse. Lúc ấy, đa số chúng tôi chỉ ham chơi, không thích học bất cứ môn gì, huống hồ lại phải học một ngôn ngữ mới. Tiếng Việt viết chưa thông, vào lớp đệ thất phải học Pháp văn đã mệt với chia động từ và "concordance de temps", lên đệ lục học thêm Anh văn phát âm méo cả mồm mà cha giáo chưa hài lòng; thế nên khi gặp La ngữ với những "nominatif, genitif, accusatif…" rồi cứ "amo bellam puellam" ở tuổi ham thể thao hơn mơ mộng, hầu như chẳng ai muốn học một "tử ngữ" mà Công đồng Vatican II, khi cho phép dùng tiếng bản xứ trong phụng vụ, đã thẳng tay "loại bỏ."

Thời tiền Công Đồng Vatican II, La-tinh là một ngôn ngữ được dùng trong toàn bộ phụng vụ và phần lớn trong sách nhà đạo, nhưng sau Công Đồng, La-tinh đã không còn chiếm ngôi vị độc tôn. Do đó, khi chúng tôi "đánh vật" với tử ngữ này, chỉ vì "bắt học thì phải học," chứ ai cũng nghĩ rằng mình đang làm một việc khá là "vô ích,"chẳng thích thú hay có lợi gì.  Đúng vậy, nếu được chọn thì học "sinh ngữ" chứ ai học "tiếng chết" làm gì. Nói thế nhưng nghĩ mình là con nhà đạo, theo đường tu hành thì phải vâng lời bề trên, cũng nên học biết ít nhiều tiếng "nhà Đức Chúa Trời." Mà quả thật vậy, Pháp và Anh ngữ cũng có liên hệ "họ hàng" với La-tinh, nên học thêm được một ngôn ngữ gốc "Ấn Âu" này thì cũng có lợi cho việc học các sinh ngữ thông dụng.

Thời gian gần đây, nhất là từ ngày có Huấn thị số V về dịch thuật trong Phụng Vụ Liturgiam Authenticam (cũng là La-tinh), có thêm sự khuyến khích đặc biệt của Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI, tiếng La-tinh bỗng sáng giá hẳn. Chứ không à? Sách phụng vụ bây giờ phải dịch từ nguyên bản La-tinh, không được dịch từ bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Cha Đỗ Xuân Quế viết liền mấy bài về Huấn thị số V, trích nguyên văn La-tinh làm cho bài thêm "nặng ký" và tăng phần giá trị vì "Rôma đã phán."Giáo hữu phần lớn không biết La tinh nên "cha nói sao con biết vậy" chứ cứ mấy ai hiểu. Đi nhà thờ nghe La-tinh cứ như vịt nghe sấm. Nghĩ lại các cha giáo Chủng Viện Thánh Giuse Saigon thật là "nhìn xa, trông rộng". Mãi từ thời tưởng La-tinh chết thật đến nơi, thế mà các chú bị bắt phải học đều đều mới biết các cha thật có "tầm nhìn". Giờ bày tỏ lòng biết ơn, tuy "muộn còn hơn không".

Nhớ ngày xưa khi giúp lễ phải học tiếng La-tinh để đáp lại các câu xướng của chủ tế (vì giáo dân mấy ai biết La-tinh để thưa với đáp cho các ngài), bây giờ thì quên gần hết, chỉ nhớ làm dấu thánh giá và vài câu thông dụng như Dominus vobiscum, et cum spiritu tuo; Gloria in exelcis Deo; Sanctus, sanctus; Ite misa est, Deo gratias. Hồi còn bé, tham dự thánh lễ hay giúp lễ tiếng La-tinh, mỗi lần nghe đến câu: Perómnia sáecula saeculórum thì lại nghĩ đến kẹo sô-cô-la và biết sắp được ngồi xuống.


Thực ra tiếng La-tinh cũng rất quan trọng và có vẻ đang trở lại thời hoàng kim đấy. Chả thế mà trong một buổi triều kiến mới đây, các sinh viên của Đại học Giáo hoàng tại Rô-ma đã được Đức Benedictô XVI khuyến khích học tiếng La-tinh. Ngài dùng La ngữ để nói với họ, khuyến khích sinh viên học tiếng La-tinh để có thể nắm vững các học thuyết tín điều của đạo. Dù gì cũng không tránh khỏi những câu thông dụng, những chữ và câu quen thuộc: Gloria, Sanctus, Pater Noster, Agnus Dei, Ave Maria, Oremus, đến những chữ viết tắt thông dụng nhưng cũng gây khó khăn ít nhiều như A.M.D.G (Ad Majorem Dei Gloriam), D.O.M (Deo optimo maximo), R.I.P (Requiescat in pace). Những từ ngữ "thông thái" hơn được dành cho các giám mục khi các ngài đi Ad limina: khi họp, các ngài dựa trên Lineamenta, chuẩn bị cho tổng công nghị thì cần Instrumentum laboris. Các tu sĩ, linh mục thì phải đọc Lectio divina, hay những văn kiện Giáo Hội hay Công Đồng toàn được đặt tên bằng những chữ đầu của văn bản La ngữ: Verbum Dei, Lumen gentium, Gaudium et spes, Nostra Aetate, Dignitatis Humanae, Chirstus Dominus va Optatam Totius... Đây là những chữ, những câu thường được sử dụng trong các văn bản hoặc cách nói của "con nhà đạo."

Tuy nhiên, dù được coi là một ngôn ngữ tuyệt vời, từ vựng và câu cú chặt chẽ, rõ ràng, La ngữ cũng có những hạn chế nhất định. Kể lại chuyện phiên dịch văn kiện công đồng Va-ti-can II qua Anh ngữ, cha Joseph Gallagher đã cho thấy một vài điểm lý thú: Khi các nghị phụ muốn nói đến dân số thế giới, các ngài không có con số "tỷ," nên đã phải "chế" ra cụm từ La ngữ sau đây: vicies milies centena milia (20 lần 1000 nhân 100 đơn vị 1000 = 2 tỷ). Hoặc khi nói về mục đích của hôn nhân, vì tiếng La tinh không có mạo từ "a" hay "the" như Anh ngữ, nên bản văn La tinh không nói rõ được việc sinh sản con cái là "một (a)" hay "chính (the)" là mục đích của hôn nhân. Vì thế, dịch câu non posthabitis ceteris matrimonii finibus sẽ gặp khó khăn. Câu trên được dịch là "không xao lãng, xem nhẹ các mục đích khác của hôn nhân" hoặc "không đặt những điều khác sau mục đích của hôn nhân" nhưng như thế thì điều nào quan trọng hơn: "sinh con cái" hay "yêu thương kết hợp thân xác?" Rõ ràng các nghị phụ soạn văn bản cũng như các dịch giả sau này, để tránh phải đặt thứ hạng cao thấp hoặc quan trọng cho hai mục đích này của hôn nhân, đều phải chú thích dài dòng hoặc trích dẫn nguyên văn La-tinh.

Hơn nữa, việc dịch thuật tiếng văn bản La-tinh qua ngôn ngữ địa phương đâu phải dễ dàng gì. Hồng y Avery Dulles cho một ví dụ: chỉ vì bỏ tiếng et (và) trong nguyên bản, mà hai bản văn tiếng Anh của Công Đồng Vatican II đã làm sai lạc ý nghĩa và đưa đến việc coi nhẹ huấn quyền của Giáo Hội khi "vô tình" đề cao phương pháp "phê bình lịch sử". Đoản văn ngài trích dẫn nằm trong phần đầu của chương 12 trong Hiến Chế Lời Chúa (Dei verbum). Khi dịch câu La-tinh, "attente investigare debet, quid hagiographi reapse significare intenderint et eorum verbis manifestare Deo placuerit," một bản dịch Anh ngữ khá uy tín viết như sau: "nên cẩn trọng tìm ra ý nghĩa mà các thánh sử muốn nói, ý nghĩa đó do Chúa muốn biểu lộ qua ngôn ngữ của họ", còn bản dịch thứ hai thậm chí đi xa hơn, "nên cẩn thận tìm ra ý nghĩa các thánh sử muốn trình bày, đó cũng là điều mà Chúa chọn để muốn trình bày bằng ngôn ngữ của các ngài". Trong khi đó, bản văn của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt trình bày rất đúng như sau: "phải cẩn thận tìm hiểu điều các thánh sử thực sự có ý trình bày, và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của họ". Dịch mà bỏ chữ "và" như hai bản văn trên đã làm người đọc hiểu rằng chỉ có phương pháp "phê bình lịch sử": tìm hiểu ý nghĩa của các thánh sử là đủ, mà không quan tâm đến Thánh Ý của Thiên Chúa được mạc khải theo "huấn quyền" của Giáo Hội.


Một số "tayquậy" chống phá Giáo hội Công giáo thì còn dùng cả La-tinh để bôi bác vai trò của Giáo hoàng La mã. Họ lấy câu Khải Huyền 13:18 và gán cho con vật mang số 666 là Giáo Hoàng của Công giáo. Nếu ta thay chữ bằng số, I là 1, V là 5, X là 10, L là 50, C là 100, D là 500 và M là 1000, họ cho Đức Giáo hoàng một tên Vicarius Filii Dei (Đấng Đại diện Con Thiên Chúa), và khi thay những chữ trên bằng các con số, ta được số 666. Thực ra, đây cũng là trò chơi chữ La-tinh một cách "láu cá", vì Giáo hoàng Rô-ma chưa bao giờ có tên gọi này. Tên chính thức thông thường dùng cho Giáo hoàng là Vicarius Christi, Servus Servorum Dei, Pontifex Maximus, Successor Petri (tất cả đều là La-tinh.)Nếu không biết La-tinh thì làm sao mà đối đáp với "bọn chống báng" nói trên.


Câu chuyện sau đây của một linh mục dòng Tên, cha James Martin, hy vọng giúp chúng ta suy nghĩ lại, để biết ơn Chủng Viện đã có công "ép buộc" ta học tiếng La-tinh.Cha Martin kể câu chuyện như sau:


Có thời mẹ tôi cứ than phiền tôi không chịu học tiếng La-tinh. Bất cứ lúc nào thấy một chữ viết tắt trên tường nhà thờ, hoặc một câu trích trong sách báo, hay nghe một bài bình ca La-tinh mà tôi dịch không suông sẻ thì bà lại thở dài ngao ngán, "Bao nhiêu năm học trường dòng Tên…mà con cũng không biết tiếng La-tinh. Thật Mẹ không thể nào hiểu nổi!"

Tôi vào nhà dòng khi đã có tuổi, nên không có giờ học cổ ngữ như các anh em vào dòng khi họ mới 16, 17 cái xuân xanh. Những anh em này được tiếp xúc văn tài của các văn hào nổi tiếng như Cicero hoặc Ovid. Hơn nữa, tôi biết có nhiều học giả biết La-tinh rất cừ mà tôi không thể nào theo kịp, dù tôi có cố học trong nhiều năm đi nữa. Thế nên học La-tinh làm gì, cứ tin tưởng trông cậy vào việc dịch thuật La-tinh của họ mà thôi.

Tiếc rằng lời giải thích trên của tôi không làm cho mẹ tôi hài lòng. Cho dù tôi có khoe với bà cụ rằng tôi cũng biết một vài ngoại ngữ khác; kể cả việc biết và dịch được Tân ước từ nguyên bản Hy ngữ, mẹ tôi vẫn không bằng lòng. Bởi vì có bao giờ bà nghe ai hát tiếng Hy lạp trong nhà thờ đâu?

Dạo gần đây, tôi chợt nghĩ có lẽ mẹ tôi nói đúng. Tôi có thể dùng một số từ La-tinh, không phải trong công việc, nhưng để sử dụng hàng ngày với các anh em trong Dòng. Hoá ra gần như mọi anh em trong dòng đều nói thứ tiếng mà được xem là "tử ngữ" này.

Trước đây, khi tập sinh vào dòng sau khi học Trung học, họ bắt đầu vào tập viện, tiếp theo là chương trình 2 năm chuyên học các môn cổ điển. Không chỉ học tiếng La-tinh, họ còn học các môn khác bằng tiếng La-tinh nữa. Ai nghe mà chẳng khiếp: bạn thử nghĩ xem, học toán hình học bằng tiếng La-tinh thì phải biết khó đến như thế nào!

Rồi trong nhà dòng vẫn còn dùng tiếng La-tinh mỗi ngày. Các tập sinh năm thứ nhất thì được gọi là primi, năm hai là secundi. Vào cuối tuần thì phải làm manualia (cứ gọi là tạp dịch cho dễ). Sắp vào giai đoạn huấn luyện khác thì phải có informationes (bảng đánh giá cá nhân), cần đi gặp formatores (người huấn luyện). Khỏi cần giải thích, ai trong dòng cũng biết những chữ dễ nhớ đáng yêu này.

Nhưng mà sống trong Dòng với những người đã học"classics" này đôi khi cũng hồi hộp đáng sợ lắm. Như tháng vừa rồi, trên bản tin của nhà Dòng có đăng một thông tin kèm theo hai chữ: Ne auferatur. Tôi cũng biết bản tin thông báo dặn dò mình "không" được làm cái gì đó, nhưng mà "không" cái gì mới được chứ? Thoạt tiên, tôi trông chữ đó giống như "Nosferatu," nhưng tôi nghĩ… có lẽ bề trên không muốn bàn về phim truyện kinh dị cùng tên bằng tiếng Đức của những năm 1920 đâu.Cuối cùng thì có anh bạn thấy tôi cứ dán mắt vào chữ đó nên nhắc, "Không đượcgỡ đi."Vài ngày sau trên bảng lại ghi chú thêm tiếng La-tinh nữa, viết rằng…Chà, tôi cũng quên không nhớ biết chữ đó là gì. Thôi thì nếu họ bảo tôi làm gì thì chắc chắn là tôi đã không làm rồi.

Sau thánh lễ, vào trước bữa ăn, cũng có lúc đàn anh kể chuyện tiếu lâm La-tinh, hoặc các cha giáo kể chuyện cho đám đệ tử "ngu dốt." Chuyện kể đại loại như sau:

Chú tập sinh hỏi, "Quid blah, blah, blah, blah, blah?"

Cha viện trưởng đáp, "Quod blah, blah, blah, blah, blah!"

Các cha già cười rộ lên khoái trá. Tôi thì ngẩn người ra, chẳng hiểu gì. Mãi rồi có cha giải thích, "À, nó có nghĩa là…"

Trong khi những điều trên chỉ gây phiền toái cho tôi chút đỉnh, nhưng tôi lại khám khá được ích lợi thiêng liêng của việc không biết tiếng La-tinh của mình: nó giúp tôi học được tính khiêm tốn. Mà đúng ra, nếu để làm vui lòng mẹ tôi thì phải nói: nó thật giúp cho humilitas của tôi. 

Đó là câu chuyện kể của cha James Martin viết trong tạp chí America của các cha dòng Tên Hoa Kỳ. Đối với anh em chủng sinh chúng ta, học La-tinh cũng có lợi lắm chứ. Ngày xưa phần lớn các thánh chỉ dùng La-tinh để viết sách thần học. Phải học La-tinh để hiểu những câu thời danh của thánh Biển Đức Ora et labora (cầu nguyện và làm việc); thánh Tôma Aquinô thì nói Nullus potest amare aliquid incognitum (không ai yêu được cái mình không biết – vô tri bất mộ); câu này cũng tương tự Nemo dat quod non habet mà mấy anh học luật phải biết khi giao dịch địa ốc.Thánh Augustinô thì lừng lẫy với nhiều tác phẩm, nhưng có câu này được cho là của Ngài mà ngày nay anh chị em Tin Lành vẫn thường nhắc, In necessarius unitas, in dubias libertas, in omnibus caritas (hiệp nhất trong những điều thiết yếu, tự do trong những điều nghi ngờ, nhưng trong mọi sự phải có tình bác ái). Trong những công việc của Giáo hội, phải ưu tiên hàng đầu cho việc cứu các linh hồn, và coi đó là luật tối thượng Salus animarum suprema est lex. Biện hộ cho những sai sót của mình hoặc của người, chúng ta cũng có thể nói Errare humanum est (Nhân vô thập toàn). Trích được câu nói trên, vừa chứng tỏ mình biết La ngữ, vừa biện hộ rất khéo cho những sai sót lỗi phạm mắc phải, và chắc chẳng ai nỡ lên án, vì Vanitas vanitatum et omnia vanitas (Phù vân nối tiếp phù vân, ở đời hết thảy đều là phù vân – Gv 1, 2.)

Thế đấy, các bạn có thấy chúng ta đã "rất thông thái" khi đã bắt đầu học tiếng La-tinh từ hồi còn nhỏ không? Ít nhiều chúng ta cũng hiểu và sử dụng được những từ thông dụng trên, hoặc một số khái niệm như De iure, De facto hoặc Carpe diem, Cogito, ergo sum. Những câu thông dụng khác như Mens sana in corpore sano, Caritas Christi urget nos; Qui bene cantat, bis orat. Câu sau cùng này thường hay bị trích dẫn thiếu thành "Hát là cầu nguyện hai lần." Tôi tin các bạn học nhạc với cha Kim Long còn nhớ cha là người đã "sửa lưng", Hát hay mới là cầu nguyện hai lần. (Các anh phụ trách ca đoàn hay ca viên hát cho cha nghe phải cẩn thận đấy!).Thông điệp mới của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI  Deus Caritas Est. Học tiếng La-tinh thì ít nhất cũng biết rằng khi viết hay dịch sách đạo thì phải xin  Nihil Obstat, để chứng nhận văn bản phù hợp nguyên tác Concordat cum originali, phải được phép Imprimatur để đem in. Hiện nay thì lác đác có vài nhà thờ đây đó đã bắt đầu hát Kinh Thương Xót và Lạy Chiên Thiên Chúa bằng La ngữ trong thánh lễ rồi. Mà Giáo Hội đã chính thức cho dâng lễ lại dâng lễ bằng tiếng La-tinh, thì khi được trao Mình Thánh Chúa, nghe Corpus Christi thì thưa Amen; hoặc lúc chủ tế xướng Ite missa est sẽ không ngẩn người ra nhưng nhớ thưa: Deo gratias.Và cũng cố học hát bài Salve Regina kính Đức Mẹ, Te Deum để tạ ơn Chúa, Pange lingua (Tantum ergo) để hát khi chầu Mình Thánh. Trong mọi biến cố của cuộc đời luôn noi gương Đức Mẹ xin thưa một chữ Fiat (nếu dịch ra tiếng Việt thì là hai từ Xin Vâng), và cùng với Mẹ ca tụng Thiên Chúa bằng bài hát Magnificat.

Cuối cùng thì anh em chủng sinh cũ, mới chúng ta cầu cho nhau…là linh mục hay giáo dân, lập gia đình hay độc thân…sẽ không đối xử với nhau như câu, "homo homini lupus, femina feminae lupior, sacerdos sacerdoti lupissimus,"nhưng trong tất cả mọi điều lớn nhỏ của cuộc sống, xin cho "in omnibus caritas" và chỉ theo như thánh Inhaxiô, "Ad majorem Dei gloriam." Amen!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.