Người nghèo trong truyền
thống Kitô giáo
Người nghèo, hiểu theo nghĩa
người thiếu thốn về vật chất và tinh thần; người
đau khổ vì bệnh tật, hoạn nạn; người bị bóc lột,
áp bức, tù đày; người bị ruồng bỏ, loại trừ, cô
thân cô thế trong xã hội…được nói đến trong Cựu và
Tân ước, trong nhiều văn bản của các Đức Giáo hoàng,
của Giáo Hội.
Nhưng, phải đến sau Công đồng
Vatican II, tại châu Mỹ Latin, một khuynh hướng thần học
mục vụ dành ưu tiên cho những người “nghèo” trong xã
hội mới hình thành. Khuynh hướng này được Đại hội
các Giám mục của châu Mỹ Latin, lần III, tại Puebla, năm
1979 công nhận và khai triển thành nguyên tắc “Ưu tiên
chọn lựa người nghèo”.
Thật vậy,
Trong cựu ước,
Thiên Chúa được ca ngợi là
Đấng nuôi dưỡng cô nhi, bênh đỡ quả phụ, giải phóng
người bị tù đày, xử phạt quân phản nghịch…(Tv
68,6-7; 103,6; 145,14; 146,6-9); là Đấng bảo vệ và bênh vực
người nghèo, lên án tình trạng bất công xã hội, và
đưa ra các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của
người nghèo (Đnl 24,19-22; 23,25-26).
Sách Đệ nhị luật ghi rõ
những quy tắc để bảo vệ người nghèo, như định kỳ
bảy năm, năm mươi năm được tha nợ, xóa nợ…(Dnl
15,1-2); (Lv 25,10); không được bóc lột người làm thuê
nghèo, chủ thuê phải trả tiền công cho họ trước khi
mặt trời lặn vì họ nghèo khổ cần tiền để sống
(Đnl 24,14-15); (Lv 19,13).
Lễ nghi phụng tự có vai trò
quan trọng trong đời sống của cộng đoàn Dân Chúa thời
Cưu ước, nhưng lễ tế chỉ được Thiên Chúa chấp nhận
khi người tế lễ phải sống đạo hạnh, công bằng và
tình liên đới (Amos 5,21-24), phải làm điều thiện, kiếm
lẽ công bằng, sửa phạt người áp bức, xử công minh
cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ (Is 1,13-17), và…mở
xiềng xích, tháo gông cùm, trả tự do cho người áp
bức…chia cơm cho người đói, rước vào nhà người
nghèo không nơi trú ngụ, cho người trần áo che thân…”
(Is 58,6-7).
Ước mơ của Cựu Ước là
“làm sao không còn người nghèo khổ trong lòng dân tộc
được tuyển chọn” (Đnl 15,4), chính vì vậy mà luật
lệ thời này nhằm vào việc bảo vệ quyền lợi của
người bé mọn, nghèo hèn.
trong Tân ước,
Đức Giêsu Kitô tiếp nối và
kiện toàn chương trình cứu độ của Thiên Chúa, nhưng
nét độc đáo của Đức Kitô là đã liên kết tính phổ
quát của tình yêu Thiên Chúa với việc ưu tiên chọn lựa
dành cho người bị thua thiệt. Nhờ Đức Kitô và qua sứ
vụ của Người, Thiên Chúa hiện diện với con người.
Thánh sử Luca (Lc 4,16-19) ghi lại
việc Đức Giêsu tuyên bố sứ mạng của Người với mọi
người hiện diện lúc bấy giờ, qua lời tiên tri Isaia
rằng, “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức
dầu tấn phong tôi để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo
hèn” (Is 61, 1-2). Và qua câu trả lời các môn đệ của
Gioan tiền hô khi họ hỏi Ngài có phải là Đấng thiên
sai không, “Các anh về thuật lại cho Gioan những gì mắt
thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què đi được,
người phong cùi được lành sạch, người điếc nghe
được, kẻ chết sống lại, người nghèo được nghe Tin
Mừng” Đức Giêsu muốn khẳng định, Ngài là con Thiên
Chúa, là Đấng thiên sai, vì dấu chỉ hiển nhiên của
Đấng thiên sai là hành động lựa chọn đứng về phía
người nghèo khổ, bé mọn, tật nguyền, xấu số…(Mt
11,4-5).
Suốt ba năm ngược xuôi rao
giảng Tin Mừng, Đức Giêsu luôn đồng hành và gần gũi
với những người nghèo khổ, Người tự đồng hoá với
họ. Những gì chúng ta làm cho họ là làm cho chính Người.
Những gì chúng ta không làm cho một trong những người bé
mọn nhất của nhân loại khổ đau này là đã không làm
cho chính bản thân Người (Mt 25,34-36).
và trong các văn kiện
của các Đức Giáo hoàng, của Giáo Hội.
Một tháng trước khi khai mạc
Công đồng Vatican II, trong diễn văn ngày 11-9-1962, ĐGH
Gioan XXIII đã đưa ra đề tài “Giáo hội của những
người nghèo”. Nhưng đề tài này lúc đó, chưa trở
thành chủ đề chính của Công đồng Vatican II vì với
các Giáo hội phương Tây lúc ấy, hai chủ đề “Hiệp
nhất giữa các Kitô hữu” và “Đối thoại với thế
giới hôm nay” là chính yếu và được đưa vào Công
đồng Vatican II thảo luận.
“Giáo hội của những người
nghèo”, được xem là thứ yếu trong Công đồng Vatican
II, thì năm 1968, Đại hội các Giám mục của châu Mỹ
Latin tại thành phố Medellin (nước Colombia), một lục địa
nghèo đói và có nhiều bất công lại trở thành đề tài
chính: “Giáo hội tại châu Mỹ Latin”.
Giáo hội xem những vấn đề
của những người nghèo là những vấn đề của giáo
hội. Giáo hội có nhiệm vụ nói thay cho những người
nghèo vì họ thường là nạn nhân của bất công, bạo
lực.
Một khuynh hướng thần học
mục vụ dành ưu tiên cho những người bị thua thiệt
trong xã hội đã được phát triển tại châu Mỹ Latin.
Sau này, như nói trên được công nhận và khai triển
thành nguyên tắc “Ưu tiên chọn lựa người nghèo”,
một trong những nguyên tắc nền tảng của Giáo huấn Xã
hội Công giáo.
Vị Giáo Hoàng đầu tiên của
Giáo Hội nói về người nghèo về điều kiện lầm than
của những người nghèo trong hoàn cảnh xã hội thay đổi
vì tiến trình kỹ nghệ hoá, đó là Đức Giáo Hoàng Lêô
XIII qua thông điệp Rerum Novarum - Tân sự, 1981.
105 năm sau kể từ Thông điệp
Rerum Novarum, Bộ Giáo lý Đức tin qua Huấn thị Libertatis
Conscientis - Tự do Lương tâm, 1986 (Triều đại Giáo hoàng
Gioan Phaolô II), số 86, nói, “sự khốn cùng của con
người xuất hiện dưới nhiều hình thức: thiếu thốn
vật chất, bất công và đàn áp, bệnh hoạn thể xác và
tâm thần, cuối cùng là cái chết…vì thế Chúa Giêsu đã
chạnh lòng thương mang lấy thân phận khốn cùng ấy, tự
đồng hoá với người bé mọn nhất. ...Giáo hội thể
hiện Ưu tiên chọn lựa người nghèo bằng nâng đỡ, bảo
vệ và đem lại hạnh phúc cho họ qua vô số những công
tác từ thiện”.
Sau đó một năm, năm 1987, Đức
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II,
- trong Thông điệp Sollicitudo
rei Socialis - Quan tâm đến vấn đề xã hội, số
42...Không thể quên sự hiện hữu của thực tại (tình
trạng nghèo khổ) này. Phủ nhận nó có nghĩa là chúng ta
tự đồng hoá với “người giàu có yến tiệc linh
đình”, làm ngơ không biết đến người hành khất
Lazarô đang nằm trước cửa.
- Cùng năm ấy, Ngài ban hành
Thông điệp Mẹ Đấng Cứu thế - Redemtoris Mater, khẳng
định tình thương ưu tiên dành cho người nghèo được
ghi lại cách tuyệt diệu trong kinh Magnificat của Đức
Maria. Thiên Chúa của giao ước mà Mẹ ca ngợi là Đấng:
“giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng
trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người
nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban
của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay không”
(Lc 1,51-53),
- Và trong Bách Chu Niên -
Centesimus Annus, 1991, số 57, Ngài giải thích rõ “Ưu tiên
chọn lựa người nghèo” là một chọn lựa không mang
tính chất loại trừ và phân biệt đối xử với các
nhóm khác. Đây là một chọn lựa không chỉ giới hạn
nơi cái nghèo vật chất mà còn nghèo về văn hoá, tôn
giáo, bất chấp sự phát triển kỹ thuật và kinh tế (số
57).
- Năm 1999, trong Tông huấn
Ecclesia in Asia - Giáo hội tại Á châu, ở số 34, Đức
Giáo hoàng Gioan Phao lô II viết, Á châu, một lục địa
có tài nguyên phong phú, có nền văn minh cổ đại, là quê
hương của các tôn giáo lớn trên thế giới. Nhưng là
vùng đất của bất công, nghèo đói, vi phạm nhân quyền,
…Vì thế, vấn đề ưu tiên chọn lựa người nghèo tại
châu Á là cấp thiết. Theo các Nghị phụ của Thượng
Hội đồng Giám mục Á châu: Khi tìm cách thăng tiến nhân
phẩm, Giáo hội ưu tiên chọn lựa người nghèo và những
người không có tiếng nói, vì giáo hội theo Chúa Giêsu,
Đấng đã đồng hoá với những người này một cách đặc
biệt. Tình yêu không loại trừ một ai nhưng cần ưu tiên
cho những người nghèo (Mt 25,40).
Đức đương kim Giáo Hoàng
Bênêđictô XVI,
- trong Thông điệp Thiên Chúa
là Tình yêu - Deus Caritas est, 2005, số 15, nhắc nhở chúng
ta rằng, Loan báo Tin Mừng đi đôi với hành động thăng
tiến nhân bản và cuộc giải phóng đích thực theo Kitô
giáo. Kính Chúa, yêu người quyện hoà với nhau: trong
những người nghèo hèn nhất, chúng ta gặp được chính
chúa Giêsu, và trong Chúa Giêsu, chúng ta gặp được chính
Thiên Chúa.
- Trong diễn văn trước Hội
đồng Giám mục Brazil, tại Vương Cung Thánh đường São
Paulo, ngày 11-5-2007, ĐGH Benêđictô XVI nhắc nhỡ các Giám
mục, Loan báo Tin Mừng phải là một trọng điểm của
mọi chương trình mục vụ trong tương lai tại đây, …
trong những nỗ lực loan báo Tin Mừng, không bao giờ lãng
quên người nghèo khổ. Ngài nhấn mạnh, như đã nói
trong Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, Giáo hội không
được lãng quên các công tác bác ái, từ thiện, cũng
như giáo hội không được lãng quên các Bí tích và Lời
Chúa.
- Trong diễn văn khai mạc Đại
Hội Giám mục Châu Mỹ Latin lần V, tại Brazil, ngày
13-5-2007, Ngài khai triển chủ đề của Đại hội: “Trở
nên môn đệ và thừa sai của Đức Giêsu Kitô để, trong
Người, các dân tộc chúng ta được sống dồi dào” khi
đề cập đến chỗ đứng của những người cùng khổ
trong cộng đồng Dân Chúa và mong rằng rao giảng Tin Mừng
phải đi đôi với hành động thăng tiến con người
Sách Tóm lược Giáo huấn Xã
hội Công giáo, số 184, Giáo hội yêu những người nghèo
vì tình yêu này bắt nguồn từ Tin Mừng của bát phúc,
từ nếp sống nghèo của Đức Giêsu và sự ân cần của
Người đối với người nghèo…” (số 184).
Như vậy, truyền thống đứng
về phía người nghèo, nói thay tiếng nói của người
nghèo, bênh vực và giúp đỡ họ, qua các huấn giáo của
giáo hội tiếp tục đến ngày nay.
Những điều băn khoăn
Thế nhưng, nhìn lại quá trình
hình thành và phát triển của xã hội loài người, chúng
ta dễ nhận ra nguyên nhân của “cảnh nghèo”, “người
nghèo” là do ở chế độ xã hội và phương thức quản
lý xã hội của chế độ ấy. Ước mơ về “một xã
hội công bằng, trong đó mọi người ấm no hạnh phúc,
…” có thành hiện thực không, bởi vẫn còn đó chế
độ xã hội này hay chế độ xã hội khác - căn nguyên
của “cảnh nghèo”, “người nghèo” ? Và liệu rằng
những cố gắng của Giáo Hội có được con người đáp
ứng không, vì với bản tính ích kỷ, trọng chuộng tiền
bạc, vật chất, … trong xã hội đang trên đường tục
hóa, có chăng một người nào đó sẵn sàng từ bỏ lợi
ích của mình cho người khác, thậm chí cho người nghèo
? …
Hy vọng
Giáo hội hiện diện và đồng
hành với xã hội, nhưng Giáo Hội không phê phán, chỉ
trích một chế độ xã hội nào, bởi vốn dĩ không một
chế độ xã hội nào hoàn hảo, mà với thiện tâm hợp
tác với nhà cầm quyền, với mọi tổ chức, với các
tôn giáo, với mọi người trong xã hội, dưới ánh sáng
Tin Mừng tìm kiếm những phương thế hữu hiệu nhằm
thăng tiến xã hội và con người, đặc biệt những người
nghèo.
Khi xét riêng từng vấn đề mà
Giáo huấn xã hội Công giáo đề cập đến như Nhân vị,
Công ích, Liên đới, Bổ trợ, … Ưu tiên chọn lựa
người nghèo chẳng hạn, chúng ta dễ có tâm trạng hoài
nghi, bế tắc nhưng đặt mỗi vấn đề trong tương quan
với những vấn đề khác chúng ta sẽ nhận ra rằng Giáo
huấn Xã hội Công giáo là kim chỉ nam để mỗi người,
cùng với Giáo Hội nỗ lực góp phần xây dựng cộng
đồng nhân loại ngày một tốt đẹp, trong đó mỗi người
sống đúng với phẩm giá cao trọng là con cái Chúa.
Hát mừng Chúa đến với nhân
loại trong thân phận nghèo hèn ở Mùa Giáng Sinh 2012, hòa
trong niềm vui chào đón Năm Mới 2013, xin mượn những lời
đầu trong Sứ điệp của Đức Thánh Cha Benêđictô nhân
ngày Hòa Bình Thế Giới 01-01-2013 để kết thúc những
băn khoăn này, “Năm
mới luôn mang lại cho chúng ta niềm hy vọng về một thế
giới tốt đẹp hơn. Trong ánh sáng này, tôi nguyện xin
Thiên Chúa là Cha của nhân loại, ban cho tất cả chúng ta
sự hoà thuận và bình an để những khao khát của chúng
ta về một đời sống hạnh phúc và thịnh vượng, có
thể được thành tựu”.
Tôma
Hoàng Kim Khánh
Thư
ký Ban CL&HB Huế
---------------------------------------------------------------
Trích nguồn.
- Linh mục Emmanuel Nguyễn Vinh
Gioang, Tài liệu Giáo lý Công Giáo cho Sinh viên Công Giáo
tại Huế niên khoá 2011-2012, Bài Ưu tiên chọn lựa người
nghèo tr 79-87.
- Gm Phaolô Nguyễn Thái Hợp,
Một Cái Nhìn Về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, NXB Phương
Đông, 2010, tr 201-216.