TIỀN CỦA
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP
Năm 1923, bảy nhà kinh doanh cỡ lớn đã gặp nhau ở một khách sạn của một nhà hàng tại một thành phố ở miền tây nước Mỹ. Họ trao đổi cho nhau những kinh nghiệm về kinh doanh, và dường như họ nói đến một câu châm ngôn : “Có tiền mua tiên cũng được”. Nhưng 20 năm sau, điều gì đã xảy đến cho bảy nhà kinh doanh giàu có này ? Người thứ nhất là giám đốc một trong bảy công ty sắt lớn nhất tại Mỹ đã chết vì bị phá sản. Trong những năm cuối đời, ông đã sống nhờ vào đồng tiền vay của người khác. Người thứ hai là giám đốc một công ty chuyên sản xuất vật dụng trong nhà, phải bỏ nước ra đi và chết tha phương cầu thực. Người thứ ba là giám đốc một hãng gas lớn, cũng đã bị phá sản và trở thành một nhân viên quèn. Người thứ tư là giám đốc hãng xuất nhập cảng, cũng chết ở nước ngoài, không một đồng xu dính túi. Người thứ năm là giám đốc một phòng hối đoái lớn tại Niu-Gioóc, vừa bình phục sau một thời gian dưỡng bệnh trong một nhà thương điên. Người thứ sáu là một nhân vật cao cấp trong chính phủ, vừa ra tù trong một vụ dính líu về tội phạm tham nhũng mang tai tiếng. Người cuối cùng trong danh sách bảy nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ trong thập niên hai mươi, cũng tự kết liễu cuộc sống của mình. Bức tranh trên đây không hẳn là số phận tất yếu cho sự giàu có nhất. Có biết bao người giàu có đã có một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Tiền bạc, của cải tự nó không là gì cả. Ai trong chúng ta cũng cần phải có tiền bạc để sống xứng đáng với cuộc sống của mình. Sự túng thiếu, bần cùng là một sự dữ mà Thiên Chúa không muốn con cái Ngài phải vướng mắc vào. Tuy nhiên, tiền bạc của cải vẫn luôn là con dao hai lưỡi. Nếu được sử dụng như một phương tiện, tiền của sẽ giúp cho chúng ta sống đúng với phẩm giá của mình hơn, trái lại, khi chúng ta chạy theo tiền của như một cứu cánh cho cuộc đời, nghĩa là chúng ta tôn thờ nó như thần tượng mà quên đi những giá trị khác trong cuộc sống, một lúc nào đó, sự phá sản về vật chất cũng như tinh thần là điều tất yếu.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở : “Nếu người nào được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ?”, hoặc “Được tất cả mọi sự mà mất linh hồn thì ích gì ?”. Qua những lời trên, Chúa muốn kéo chúng ta cho cuộc sống mai hậu, hãy đầu tư tất cả cho cuộc sống vĩnh cửu, hãy hướng tất cả mọi sự vào nước trời mai sau. Tóm lại, hãy dùng tiền của và cư xử thế nào để không những ích lợi cho đời sống hiện tại mà cho cả linh hồn và cuộc sống mai sau nữa.
Đối với sự vật, người ta có thể nhìn bằng hai cách khác nhau : người giàu có thường tham lam, muốn thu tích cho thật nhiều tiền của, vì lòng tham của họ không bao giờ được thỏa mãn. Thu tích cho nhiều mà lòng vẫn không toại nguyện, bởi vì họ không còn khả năng nhận thức giá trị đích thực của đồng tiền, của sự vật nữa. Trái lại, người nghèo mà có tâm hồn thanh thoát, không ham hố tiền của, sẽ nhìn thấy giá trị đích thực của mọi sự trên đời. Dưới mắt họ, tất cả đều có giá trị, nhưng chỉ là một giá trị tương đối. Tất cả phải đặt vào một trật tự hợp lý trong tương quan với con người.
Tiền của là để phục vụ con người, để giúp con người sống và chu toàn sứ mệnh được trao phó trong hoàn cảnh mà Thiên Chúa đặt họ vào. Nhưng một khi tôn sùng tiền của, con người sẽ phá hủy giá trị và ý nghĩa của chúng, đồng thời đánh mất giá trị của chính bản thân và ý nghĩa cuộc đời mình. Thực vậy, vì tiền bạc, người ta có thể chà đạp phẩm giá của mình cũng như của người khác; vì tiền bạc, người ta có thể chối bỏ cả niềm tin. Đó là nguy cơ mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào.
Vì thế, chúng ta cần sáng suốt để thấy được bậc thang giá trị của tiền của trong cuộc sống. Chúng ta cần can đảm để trong khi mưu tìm tiền bạc, của cải vật chất, chúng ta có đủ nghị lực khước từ mọi hành động bất chính, mọi thỏa hiệp với lừa đảo, gian trá. Chúng ta cần quảng đại để biết mở rộng cõi lòng và đôi tay mà chia sớt, san sẻ cho những người anh em túng nghèo khốn khổ hơn.
“Được lợi cả thế giới mà thiệt mất linh hồn thì ích gì ?”. Chúng ta phải luôn nhắc nhở mình điều đó : không bao giờ được quên mối tương quan giữa của cải vật chất và đời sống tinh thần, không bao giờ được quên mới tương quan giữa cuộc sống đời này và đời sau : sẵn sàng hy sinh của cải vật chất để bảo đảm linh hồn chứ không bao giờ hành động ngược lại : sẵn sàng hy sinh đời này chứ không bao giờ để mất đời sau. Chúng ta cần lợi dụng từng giây phút, cần hoàn tất từng công việc, dù nhỏ mọn đến đâu, để làm giàu cho cuộc sống, để làm cho đời mình có được giá trị vĩnh cữu. Chúa không cấm chúng ta làm giàu, không cấm chúng ta có nhiều tiền bạc, của cải. Nhưng Chúa dạy chúng ta đừng chỉ lo làm giàu trước mặt người đời mà thôi nhưng còn phải lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa nữa, bằng một cuộc sống siêu thoát và thánh thiện, bằng một cuộc sống quảng đại, rộng tay chia sẻ và phục vụ. Đó là cách đầu tư bảo đảm cho gia nghiệp đời mình mai sau.
(nguồn : tinmung.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.