“BÀ MUỐN SAO, THÌ ĐƯỢC VẬY!”
(Mt. 15, 28)
(Mt. 15, 28)
Sự kiện trong đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong chuỗi những sự kiện mà Chúa Giêsu muốn dùng để thanh luyện niềm tin cho các môn đệ. Trước tiên, Người hóa bánh ra nhiều để nuôi hàng chục ngàn người trước mặt các ông. Kế đến, Người đi trên mặt nước và làm cho Phêrô cũng đi được trên nước mà đến với Người. Thế mà, các môn đệ vẫn còn hoài nghi! Nỗi hoài nghi phát sinh từ sự sợ hãi. Trong đoạn này, Chúa Giêsu lại phải dùng một người phụ nữ dân ngoại để làm điển hình về Niềm Tin.
… Ra khỏi đó, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra… (Mt. 15, 21-22). Miền đất dân ngoại nhưng đã từng được Chúa Giêsu đánh giá cao về niềm tin và lòng sám hối trước đó: "Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối.” (Mt. 11, 21)
Tuy vậy, để thử thách niềm tin của người phụ nữ này, trước tiên “Chúa Giêsu không đáp lại lời nào” (Mt. 15, 23). Sau đó, Người đã phải dùng những biện chứng xem chừng rất hợp lý: “Ta chỉ được sai đến với chiên lạc nhà Israel” và “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”…
Bất quá tam, đến lần thứ ba mà người phụ nữ vẫn kiên trì, lì lợm với một lý lẽ kiểu “cối xay cùn”: “Chó con cũng được hưởng những mẩu bánh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt. 15, 27). Đến nước này thì Chúa Giêsu đành… “bó tay”: “Bà muốn sao, thì được vậy!”
Một câu nói mang âm hưởng có vẻ buông xuôi nhưng nội dung lại là một “phán quyết” chắc nịch, bởi vì đây là câu nói phát ra từ Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Tôi lại liên tưởng đến một “phán quyết” cũng chắc nịch như vậy nhưng ở trong một hoàn cảnh khác: Lúc Chúa Giêsu sắp trút linh hồn trên cây Thánh Giá; yếu ớt, cô đơn và hoàn toàn bất lực trước nghịch cảnh. Vậy mà, có kẻ lại đặt cược Niềm Tin vào Người: “Khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi” (Lc. 23, 42). Tên trộm chỉ cần Chúa Giêsu “nhớ đến” thôi chứ không mơ ước gì hơn, vì anh đã khẳng định thân phận tội lỗi của mình với người bạn cùng chịu hình phạt với anh bên kia Thánh giá. Và anh ta được gì? "Ta bảo thật anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở với Ta trên Thiên Đàng." (Lc. 23, 43).
Có vẻ như, Chúa Giêsu chỉ bị chinh phục vì Đức Tin! Và, cũng có vẻ như, Người luôn ban phát dư dật cho những ai tin vào Người.
Trong thực tế thì sao? Tôi cũng tin tưởng, kiên trì giữ đạo đàng hoàng mấy mươi năm nay, vậy mà, lắm khi tôi cầu xin có được gì đâu!
- Tôi bị mất trộm, cầu xin Chúa cho Công an bắt được kẻ gian để lấy lại tài sản. Tôi làm tuần tam nhật rồi cửu nhật, vẫn bóng chim tăm cá! Trong khi ông hàng xóm bị mất mấy triệu, nhờ “bà thầy” coi dùm ngày trước, ngày sau đứa đầy tớ khóc thút thít đem trả…
- Con gái tôi có dấu hiệu tâm thần, chạy thầy chạy thuốc khắp nơi. Chỉ xin Chúa cho nó gặp đúng thầy đúng thuốc, vợ chồng tôi không ngại tốn kém. Chẳng thấy kết quả gì! Ông sếp tôi có thằng con trai cũng bị tương tự, rước thầy về cúng có 1 tuần lại khỏi.
- Con trai tôi lấy vợ, một “bà bóng” quen đã nói xa gần là chúng không “hạp tuổi”. Vợ chồng tôi đâu có tin! Vậy mà, y như rằng, cưới nhau về chúng nó gặp đủ thứ “tai ách”: Hết sẩy thai rồi đến tai nạn, lại bị mất việc nữa. Chúng tôi cũng xin lễ bình yên hoài hoài mà chẳng thấy bình yên đâu cả!
- …
Những điều tôi cầu xin, thực ra chỉ là những điều “tôi muốn Chúa làm cho tôi, theo ý tôi, để phục vụ cho lợi ích của bản thân tôi”. Tôi cũng không quên ngó quanh để xem xét, để so sánh thiệt hơn… Tôi không dám “đặt cược” chỉ một cửa. Đó là chưa kể, nhiều khi tôi còn ngụy biện với chính bản thân mình:
- Con bò nhà bị “giòi ăn”, tôi chỉ “chữa mẹo” bằng cách ra gò mối quất mấy roi rồi đọc mấy câu “vô thưởng vô phạt” thôi mà!
- Tôi cũng thử “cầu cơ” để tìm của bị mất, biết đâu Chúa “mạc khải” cho mấy vong hồn về mách cho tôi?
- Chồng tôi làm ăn với dân tộc miền núi bị “ếm”. “Nó ếm thì chỉ có nó gỡ”, nhiều người nói với tôi như vậy, chắc rồi! Ông thầy Chàm là lựa chọn của tôi trong trường hợp này.
- Tôi cũng bắt chước mấy chị bạn hàng “đốt phong long” khi gặp xui xẻo. Chỉ tốn mấy tờ giấy thôi, chỉ là “xưa bày nay làm” chứ có phải cúng kiến gì đâu!
- Gặp nhiều chuyện rủi ro, có người bày cho tôi cách xoay hướng cửa, sửa lối đi, kê lại bếp… Chỉ là “phong thủy” thôi, khoa học huyền bí phương Đông có nhiều thứ chưa lý giải được, tại sao tôi không nghe theo?
- Tử vi, dịch lý cũng có tính “khoa học” đó chứ. Coi ngày tốt, xấu cho thuận tiện công việc làm ăn thì cũng đâu có gì phản lại Đức Tin? Tôi vẫn “giữ ngày Chúa Nhật” mà!
Tôi không xin được gì, chỉ bởi vì: Tôi chưa muốn điều Chúa muốn.
Người phụ nữ Canaan đã muốn đúng điều Chúa muốn:
- Vinh danh Chúa qua phép lạ Người làm (Lạy Ngài, là con Vua Đavít).
- Khiêm tốn nhận mình chỉ là thân phận tôi đòi (chó con).
- Tuyên xưng niềm tin tuyệt đối vào Đức Kitô một cách kiên trì, bền bỉ.
Chính vì thế, bà không “khiến” Chúa phải làm cho con bà khỏi bệnh. Chỉ một mực van nài: “Con gái tôi bị quỷ ám, khổ sở lắm!”, “Xin Ngài cứu giúp tôi!” và “Chó con cũng được hưởng bánh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Bấy nhiêu đó đủ nói lên hàm ý: “Xin Chúa lo liệu cho tôi cách nào đó để con gái tôi bớt khổ vì quỷ ám. Rồi nó có tật nguyền hay thế nào cũng đành theo mọi sự Chúa sắp đặt!” Một lời cầu xin thể hiện mong ước hướng thượng của con người và tín thác vào Thánh Ý Thiên Chúa.
Người con trai hoang đàng cũng trở về với tâm trạng đó: “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người tôi tớ của cha vậy” (Lc. 15, 18-19). Ấy vậy mà: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc. 15, 22-24)
Tôi chạnh nhớ chuyện vợ chồng nhà nọ: Anh chồng làm nghề thủ công, chị vợ ở nhà lo cơm nước và chăm sóc con cái… Thỉnh thoảng có vài chỗ nợ nần dây dưa, chị cũng le te đi hỏi nợ. Nhưng khổ nỗi, vốn chất phác hiền lành, chị rất ít khi đòi được nợ. Có lần, anh chồng cũng phải thở ra: “Trời ơi, chỉ có mỗi việc đi đòi nợ mà em cũng làm không xong!” Chị vợ rón rén lại bên chồng đưa ly nước: “Anh à, trong Kinh Lạy Cha có câu: Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Nay, mình cũng đã cố đòi nhưng họ không trả, mình đành phải tha cho họ thôi. Chỉ mong mai mốt, Chúa cũng vì miễn cưỡng mà đành phải tha nợ cho mình là được rồi!”
Chị vợ trong câu chuyện trên cũng mang tâm tình của người phụ nữ Canaan, của người con hoang đàng và của cả tên trộm lành: Chỉ cần hưởng “bánh vụn”, chỉ cần là “tôi tớ trong nhà Cha”, chỉ cần được Chúa “nhớ đến”, chỉ cần Chúa “miễn cưỡng mà tha tội” là đủ rồi!
Lạy Chúa Giêsu, xin Người nhớ đến con trong suốt hành trình trần thế này. Xin cho con được nuôi dưỡng bằng bánh vụn của sự sống trường sinh. Con chỉ xin được đối xử như tôi tớ Chúa ở trần gian, và mai ngày con được Chúa tha nợ để trở thành con cái Chúa trên Thiên quốc. Amen.
Pio X Lê Hồng Bảo
(nguồn : thanhlinh.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.