Thứ sáu tuần này, Giáo Hội mừng kính trọng thể Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, kết thúc Năm Linh Mục. Anh Khoan nhắc nhở: "Em dành thì giờ đọc (lại) cho xong quyển LINH MỤC GIỮA DÂN CHÚA, CHA J.M. VIANNEY (A. Ravier, SJ) trước ngày lễ Thánh Tâm nhé..."
Và hôm nay... tình cờ đọc lại một vài bài giảng và chia sẻ về Linh Mục Đoàn Cao Lý, SJ, đã yên nghỉ trong Chúa hôm 17 tháng 4 vừa qua...Xin mạo muội gửi đến quý anh, là những người đã gặp nhau khi cùng tìm kiếm ơn gọi linh mục. Nay có người đang thi hành sứ vụ này, nhiều người sống ơn gọi người tín hữu giữa lòng đời, nhưng có lẽ những thao thức ngày xưa vẫn còn trong tâm khảm...
Xin hiệp lòng tạ ơn cho những linh mục nhân dịp kỷ niệm ngày thánh hiến... Xin hiệp thông để chia sẻ, cầu nguyện cho các linh mục, cho những ai có tâm hồn linh mục...và xin cầu cho nhau.
*********
Bài Giảng Thánh Lễ An Táng Cha Âu-tinh Đoàn Cao Lý 21.04.2010 Khi nghĩ về một đời người Tôi thường nhớ về rừng cây. ............ Bài Giảng Thánh Lễ An Táng Cha Âu-tinh Đoàn Cao Lý (tại Nhà thờ giáo xứ Hiển Linh Thủ Đức, thứ ba 20-04-2010) Lm. Giuse Hoàng Văn Tình, S.J Trọng kính cha chủ tế, đại diện cha Bề Trên Dòng Tên Việt Nam, quý cha đồng tế, quý gia đình tang quyến, quý bề trên và quý tu sĩ nam nữ, cùng toàn thể anh chị em thân mến. Trước hết tôi xin cảm ơn cộng đoàn phụng vụ hôm nay đã dành cho tôi niềm vinh dự được chia sẻ về một người cha, một người anh em rất đáng mến của chúng ta, cha Âu-tinh Đoàn Cao Lý, người vừa được Chúa gọi về với Chúa trong bình an của Đấng Phục sinh. Biến cố ra đi của Cha Âu-tinh khá đột ngột, đến độ đã làm cho nhiều người trong chúng ta đây cảm thấy hụt hẫng, ập đến niềm vui buồn lẫn lộn, man mác, chất chứa. Giờ đây ít nhiều, mỗi người chúng ta đều muốn nghe về con người và cuộc đời của Cha Âu-tinh để nghiệm xem Chúa đã đoái thương một thân phận mọn hèn, phải chết ra sao! Thú thực tôi chỉ nhận niềm vinh dự này này vì đức vâng phục mà thôi, vì tôi biết chắc rằng những chia sẻ của tôi về cha Âu-tinh sẽ có rất nhiều thiếu sót. Xin mọi người rộng lòng đón nhận tôi, và nếu tôi có làm tổn thương đến lòng khiêm tốn vốn được Chúa ban cách đặc biệt cho Cha Âu-tinh thì xin Cha cũng bao dung. Anh chị em thân mến, tôi xin mạo muội nói ra tâm tình của tôi trước biến cố Cha Âu-tinh vĩnh viễn giã biệt đời sống trần thế của chúng ta. Vừa được tin cha qua đời, tôi liền liên tưởng đến một cây cổ thụ đổ xuống! Trong đầu, nghĩ tới một bài hát mà tôi chưa một lần đọc hết lời, nhưng lại rất thích nghe, còn khả năng hát vẫn chưa đảm bảo! Đó là bài: Một Đời Người Một Rừng Cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Lần đầu tiên tôi đi tìm một bài hát đời ở trên mạng! Bài hát khá thú vị đối với tôi. Bây giờ tôi xin cộng đoàn vui lòng nghe tôi đọc lời bài hát một lần rồi sau đó tôi xin chia sẻ đôi điều. Một Đời Người Một Rừng Cây Khi nghĩ về một đời người Tôi thường nhớ về rừng cây. Khi nghĩ về một rừng cây Tôi thường nhớ về nhiều người, Trẻ trung như cụm hoa hồng, Hồn nhiên như ngàn ánh lửa Chiều hôm khi gió về! Cây đã mọc từ thuở nào Trên đồi núi thật cằn khô, Cây có hiểu vì sao Chim thường kéo về làm tổ Và em như cụm lan mọc Từ những cành cổ thụ già kia! Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây Sống gần nhau thân mới thẳng Có một cây là có rừng Và rừng sẽ lên xanh rừng giữ đất quê hương! Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, Gian khổ sẽ dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai Cũng từng nghĩ về đời mình Phải đâu may nhờ rủi chịu? Phải đâu trong đục cũng đành. Phải không em, phải không anh? Vâng, kính thưa cộng đoàn, có thể nói tựa đề và nội dung của bài hát Một Đời Người Một Rừng Cây là chân dung của Cha Âu-tinh mà tôi muốn phác họa trong bài chia sẻ này. Để tròn trách nhiệm hơn, tôi xin cô đọng ở một số điểm như sau: 1. Cây đã mọc từ thuở nào! Cha Âu-tinh đã sống và thể hiện một nhân cách đặc biệt, duy nhất của mình một cách rất nhẹ nhàng, đến độ Cha có khuynh hướng khá mạnh muốn sống ẩn khuất, tôi nghiệm khá rõ điều này. Tuy nhiên phần Cha, chắc chắn Cha đã biết rõ và xác tín về nguồn gốc của mình. Cha thường hát cách sốt sắng với chúng tôi bài hát của Cha Kim Long: từ muôn thuở Chúa đã yêu con, một tình yêu không bờ bến. Nay con biết lấy chi báo đền lòng tứ ai Chúa vô biên! Đối với Cha, bài hát này thật dễ hát và dễ cảm. 2. Trên đồi núi thật cằn khô Cụ thể tôi muốn nói đến mảnh đất tập viện Thánh Tâm của Dòng Tên, tại Gx. Tam Hà, Thủ Đức. Từ buổi đầu cho đến nhiều năm sau này, đó là một miếng đất rất cằn khô, đất sét pha cát, bạc màu trắng phếch và thiếu nước. Anh em chúng tôi đã trải qua một thời gian rất vất vả để canh tác, cải tạo mảnh đất ấy. Một câu hỏi đã đến với tâm trí của nhiều người: tại sao Cha Âu-tinh lại chọn sống và rất thích sống ở đây? Một người trí thức, nhiệt thành tông đồ nhưng sức khỏe chỉ ở mức dưới trung bình, làm sao có thể hợp với điều kiện và khung cảnh sống ở Tam Hà? Thiết tưởng không ai có thể trả lời cách đầy đủ và chính xác được, ngoại trừ chính cha Âu-tinh. Còn chúng ta chỉ biết một điều là Cha đã sống rất giản dị, đơn nghèo, trọng tương quan với mọi người, cách riêng là người nghèo. 3. Cây có hiểu vì sao/ Chim thường kéo về làm tổ Và em như cụm lan mọc/ Từ những cành cổ thụ già kia! Một điều rất rõ mà anh em Giê-su hữu, đặc biệt các lớp Tập Sinh, Môn Sinh của Cha Âu-tinh đều nhận thấy: Cha là một người sống rất hạnh phúc sống trên mảnh đất Tam Hà, trước đây hoang sơ khô cằn mà nay đã lên màu xanh tươi! Chính Tập Sinh nhiều lớp là Ân Huệ và Hạnh Phúc cho cha, và cho Dòng Tên. Chính vì thế Cha có sức kiên trì trong bổn phận phục vụ Chúa và Giáo hội. Đã có không ít lần cha bị kiệt sức và cha cũng đã ý thức về giới hạn của một cây cổ thụ già cỗi của mình. Tuy nhiên Cha sẵn sàng quên mình đi để phục vụ cho những lớp người của tương lai, theo cách thế của Chúa. 4.Ai cũng một thời trẻ trai/ Cũng từng nghĩ về đời mình Cậu bé Âu tinh vừa tròn 9 tuổi đã được cha mẹ đạo đức dâng cho Chúa. Thời gian tu học từ nhà trường Trung Linh đến khi chịu chức linh mục khá dài vì hoàn cảnh đất nước lúc đó. Mấy chục năm dài được đào luyện theo chương trình của Giáo hội chưa đủ sao? Học miệt mài để lấy được bằng tiến sĩ văn chương Mỹ mà Cha không ngán học sao? Bất cứ ai có dịp tiếp xúc và làm việc với cha Âu-tinh, đều nhận ra Cha là một con người coi trọng việc học, hiếu học, một tâm trí thích khám phá, sáng tạo, muốn hiểu biết hơn để phục vụ hơn. Đó là tính năng động ăn sâu vào con người của Cha, đặc biệt thích hợp với linh đạo Dòng Tên: Sống Cho Vinh Danh Chúa Hơn. Kính thưa cộng đoàn, ngoài những gì mà bài hát còn muốn diễn tả nhiều hơn về Cha Âu-tinh thay cho tôi, tôi xin được mạn phép mạnh tay tô đậm hơn nét chân dung của cha với hy vọng diễn tả được phần nào nét chiều sâu nội tâm của Cha. Đoạn Tin Mừng Gioan 12, 23-26 chúng ta vừa nghe đã được chọn do các tập sinh dọn phụng vụ thánh lễ tiễn biệt hôm nay. Tôi rất tâm đắc với sự lựa chọn này vì nó hoàn toàn trùng hợp với cảm nhận của tôi, một họa sĩ bất đắc dĩ đang cố gắng cách chật vật phác họa chân dung của cha Âu-tinh. Qua đoạn Tin Mừng này, thầy Giê-su lộ ra một khả năng tuyệt vời về khoa sư phạm. Bằng cách nói rất dung dị, đơn sơ, dễ hiểu, thầy Giê-su đã trao vào tay các tông đồ, vào tay chúng ta và mọi người thành tâm thiện chí, chìa khóa siêu hiệu năng để làm cho cuộc sống con người được hạnh phúc đích thực, lớn lao. Tôi xin mời cộng đoàn nghe lại một lần nữa những lời vàng ngọc quý báu mà thầy Giê-su đã nói từ chính trái tim của mình: "Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác". Đây là lời tâm huyết, là giáo lý mới mẻ mà Thầy Giê-su long trọng công bố cho chính mình cho mọi người chúng ta, đặc biệt là cho cha Âu-tinh. Vậy cha đã đón nhận ra sao? Chúng ta có thể trả lời cách dễ dàng: chắc chắn phải nhờ ơn Chúa giúp Cha mới có thể đã đón nhận một điều nghịch lý ghê gớm của niềm tin Ki-tô giáo này một cách xác tín và mãn nguyện. Chúng ta nói: chắc chắn phải nhờ ơn Chúa giúp nghĩa là sao? Thưa, cha Âu-tinh đã rất nhiều lần hướng dẫn cho các thao viên rằng chúng ta chỉ có thể đạt được một tự do thiêng liêng lớn lao, một thái độ sống Bình Tâm của lòng tin mãnh liệt khi ta mở rộng tâm hồn và trí khôn để tin nhận rằng chính Thiên Chúa là Nguyên Lý và Nền Tảng của đời sống chúng ta. 5. Chúng ta nhận thấy Cha Âu-tinh là người của Chúa Qua cách sống của Cha, chúng ta có thể nhận ra ngọn lửa tin cậy mến của Cha khá mạnh và càng ngày càng rực cháy. Cha đã say mê lời Chúa, đã sống lời Chúa và làm cho nhiều người khác cũng say mê và sống theo. Cha cũng là người của cầu nguyện và nhận định thiêng liêng liên lỉ trong đời sống hằng ngày. Một cách cụ thể, cha đã can đảm, sáng tạo và kiên trì trong việc giúp nhiều khóa Linh Thao và cầu nguyện kể từ khi Cha vừa đến cư ngụ ở Tam Hà cho tới bây giờ. Chúng ta thường nói vạn sự khởi đầu nan. Việc giúp Linh Thao cũng không ra ngoài thường lệ ấy. Hơn nữa, lại vào một hoàn cảnh thiếu thốn và vào một thời điểm khá nhạy cảm và khó khăn đến nỗi: "mất mạng dễ như chơi!" Trải nghiệm này giúp Cha và nhiều người trong chúng ta đang ở đây hiểu và thấm thía hơn lời Thầy Giê-su đã nói: "Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói!" (Lc 10,3) Cha Âu-tinh đã sống thế nào? Thưa, cha đã sống niềm xác tín: Ai có thể tách chúng ta ra khỉ tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, bắt bớ, gươm giáo? (Rm 8,35). Không, không có gì! 6. Chúng ta cũng không khó khăn nhận ra Cha Âu-tinh là người của mọi người Phải công nhận là suốt 35 năm trời Cha chỉ cư ngụ và thường xuyên trụ trì tại Tập Viện Thánh Tâm, Tam Hà, trong một khunh cảnh sa mạc thanh vắng. Vậy làm sao chúng ta thấy Cha là người của mọi người được? Thưa, vì Chúa đã thương ban cho cha ơn Bình Tâm tuyệt vời nên cha luôn đón nhận và phó thác cho Chúa mọi sự, đặc biệt là những cơn gian nan đến từ hoàn cảnh bên ngoài hay những đau buồn diễn ra trong nội tâm. Cha thường có một tâm hồn bình an, thư thái giữa những áp lực của công việc và hoàn cảnh, và một khả năng lắng nghe thấu cảm đáng kể, và như thế Cha đã chu toàn được những bổn phận khá nặng nề: Bề trên Dòng Tên 12 năm, Giám tập 13 năm, và nhiều công việc tông đồ cho nhiêu người khác, đặc biệt là những người nghèo ở vùng sâu vùng xa. Kính thưa cộng đoàn, chúng ta tiếp tục dâng thánh lễ để tạ ơn và cầu nguyện cho Cha Âu-tinh thân yêu, Cha đã nhiều lần nhiều dịp xin chúng ta cầu nguyện xứng đáng hơn với tình yêu Thiên Chúa và chắc chắn hôm nay và trong tương lai, Cha vẫn xin lời cầu nguyện của chúng ta để Cha sớm được hưởng sự sống đời đời như lòng cha hằng tin tưởng và mong ước. Amen. | |
URL của bản tin:http://www.dongten.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=748 |
Tâm tình về một người Anh trong Dòng vừa ra đi...
20.04.2010
Chúa vừa gọi người tôi tớ trung thành Âu Tinh "Hãy vào hưỏng niềm vui của chủ ngươi"!
Cha Giám Tỉnh và anh em thân yêu,
Chúa vừa gọi người tôi tớ trung thành Âu Tinh "Hãy vào hưỏng niềm vui của chủ ngươi"!
Chúng ta, những người còn lại, thấy Chúa đã khóet một lỗ hổng thật lớn trong Tỉnh Dòng, khiến chúng ta bàng hòang như người vừa mồ côi cả cha lẫn mẹ trong một ngày.
Cha Âu Tinh là người cha âm thầm như thánh Giuse, đã trông coi Miền Dòng nhỏ bé suốt mười hai năm (1981-1993) trong tình trạng của thánh Gióp: mất hết nhà cửa, tài sản, tiền bạc; 9/30 anh em ở tù.
Cha Âu Tinh là người mẹ đã cưu mang, nuôi nấng, dạy dỗ 4/5 số anh em trong Tỉnh Dòng hiện nay suốt từ năm 1981. Có những lúc phải làm như bà mẹ của Mosê, bỏ con vào thúng thả trong dòng sông Bộ Đội và Thanh Niên Xung Phong, cậy nhờ công chúa của vua Pharaô đỡ đầu…
Sau khi đậu bằng tiến sĩ văn chương bên Mỹ, cha đã vào nhà tập ở bên Pháp vì lúc đó ở VN không có đủ tập sinh để mở cửa nhà tập (gián đọan từ 1962 đến 1966), cha về VN hòan tất năm tập 2 và tuyên khấn tại nhà tập Thủ Đức ngày 30 tháng 10 năm 1966, cũng là ngày cha Cavanna phụ tá của cha giáo Mariano Manso được Chúa gọi về trong tai nạn xe máy trên đường Thủ Đức – Saigon.
Tuy là tiến sĩ văn chương, nhưng cuộc sống của người nông dân VN lại cuốn hút cha say mê dấn thân vào công việc "phát triển nông nghiệp" (D.E.T.A.). Về việc tông đồ trực tiếp thì cha tích cực giúp phong trào Cursillo.
1975, cha đem kiến thức nông nghiệp và nghị lực tông đồ trụ trì mảnh đất "Ba Sông". Tập Viện hôm nay được "an cư lạc nghiệp" ở mảnh đất này cũng là nhờ sự kiên trì và công khó của "mẹ Âu Tinh" chân lấm tay bùn, bám trụ mảnh đất cuối cùng để có chỗ làm tổ nuôi con.
Ôi, người vừa là Cha, là Mẹ, người Anh Cả và người Chị Cả đã giữ gìn, nuôi dưỡng gia đình nhỏ bé, èo ọt 30 người của Tỉnh Dòng VN để "sinh lời được năm nén khác," làm cho Tỉnh Dòng hôm nay có 154 anh em. Chúa đã gọi tôi tớ trung thành vào hưởng niềm vui của chủ.
Nước mắt tràn trề, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa, chúng con chúc tụng Chúa, chúng con ngợi khen Chúa, con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa đã biểu lộ nơi cha Âu Tinh.
Chúng con không hỏi Chúa tại sao Chúa cất người cha, người mẹ, người anh cả, người chị cả của chúng con về, nhưng chúng con xin tạ ơn Chúa đã ban cha Âu Tinh cho chúng con bấy nhiêu năm. Chúng con xin trao cha Âu Tinh lại cho Chúa để người tôi tớ trung thành được hưởng trọn niềm vui vĩnh cửu trong nhà Chúa, muôn đời hát HALLELUIA với các thiên thần và các thánh của Dòng!
Giêrusalem, ngày 17 tháng tư năm 2010
Giuse Nguyễn Công Đoan, S.J.
http://www.dongten.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=741#
Bác Bảy đã đi xa…
20.04.2010
Con đã không được diễm phúc biết Bác Bảy nhiều, nhưng qua những lần được gặp Bác Bảy trong các dịp họp Tỉnh, con có cảm nghiệm Bác Bảy là người dễ gần dễ mến, lạc quan hy vọng, kiên trung tín thác.
Bác Bảy đã đi xa…
(Viết về Cha Augustinô Đoàn Cao Lý, S.J. vừa an nghỉ trong Chúa lúc 8g29 sáng thứ bảy 17.04.2010 tại Thủ Đức)
Đúng 09 giờ 24 phút sáng ngày 20 tháng 04 năm 2010, đội mai táng đưa linh cữu của Bác Bảy bước qua ngưỡng cửa Nhà thờ Hiển Linh, nhún 3 nhịp bái biệt để đi vào lòng đất mẹ sau Thánh lễ an táng tiễn biệt.
Con đã không được diễm phúc biết Bác Bảy nhiều, nhưng qua những lần được gặp Bác Bảy trong các dịp họp Tỉnh, con có cảm nghiệm Bác Bảy là người dễ gần dễ mến, lạc quan hy vọng, kiên trung tín thác. Nhớ dịp họp Tỉnh tháng 7 năm ngoái, Bác Bảy gọi con vào phòng nghỉ của Bác ở Học viện, tặng con bộ suy niệm Kinh Môi Khôi ở gia đình. Thú thật là con chưa từng chiêm niệm tài liệu đó trừ một lần duy nhất nghe Bác Bảy "trình bày" vào buổi tối hôm ấy sau giờ cơm chiều. Nhưng cuộc đời Bác Bảy đã là một kinh nghiệm Kinh Môi Khôi rồi! Phải thế thật thôi!
Trong nghi thức di quan từ nhà hội của Học viện sang Nhà thờ Hiển Linh sáng nay, con thấu cảm được kinh nghiệm Kinh Môi Khôi mà Bác Bảy đã sống và dẫn dắt Dòng sống. Chưa bao giờ con khóc khi hát bài Sống trong niềm vui (của Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Duy) như đã trào lệ trong nghi thức tiễn biệt.
Một đời lần trong đêm tối, tình yêu con nay như hao mòn.
Một đời tìm trong thao thức, lòng con ngập tràn bao nỗi buồn.
Chúa ơi xin thương giữ gìn con, về đây xin dâng cả tâm hồn.
Tin rằng Ngài là Thiên Chúa, bên Ngài hạnh phúc suốt đời.
Vâng, bây giờ thì Bác Bảy đã bắt đầu nếm hưởng hạnh phúc suốt đời ở bên Chúa.
Tối hôm qua, trong những tâm tình được sẻ chia của Đêm Canh Thức, con đã nghe và đã cảm được cuộc đời Bác Bảy đã sống trong giai đoạn "không tên" của Dòng Tên tại Việt Nam. Biết là trong những đằng đẵng năm tháng của 1981 đến 1993 Bác Bảy đã hao mòn nhiều vì tình yêu, đầy nỗi buồn phủ ngập lòng, và tâm hồn những mong tín thác tuyệt đối trong sự giữ gìn và dẫn dắt của Thiên Chúa. Có phải thời gian đó Bác Bảy cũng đã "lần trong đêm tối" như chính bối cảnh làm nên lời kinh nguyện cầu của cha Nguyễn Duy!
Mới trưa nay thôi, khi con kể cho cha Duy nghe tâm tư của con trong những ngày thọ tang Bác Bảy, cha Duy mới chia sẻ rằng tâm tình "Sống trong niềm vui" ấy đã như được thốt lên bằng mãnh lực của niềm tin trong những tháng ngày "đêm tối" nhất của năm 1978. Ấy là vào một buổi tối cúp điện – như những ngày cúp điện tối tăm triền miên của dạo ấy – mà cuộc sống chật vật gian khó bít lối trông mong lần tìm những bước đi tiếp cho mối tình dâng hiến của tác giả! Chính niềm tin ấy đã dẫn dắt nhạc sĩ vượt xuyên qua đêm tối để tiến đến Bàn Thánh sau ngót 19 năm được Chúa "dìu con những bước chân hy vọng".
Nghiệm lại cuộc đời 81 năm của Bác Bảy, con thấy Bác cũng đã từng bước lần mò Thiên Ý cho đến khi tìm được "vé" cho chuyến đi vào vĩnh hằng của Đấng "cùng đích trọn đời con ước mong" vào lúc 08 giờ 29 phút sáng ngày Thứ bảy, 17 tháng 04 năm 2010.
Khi con đọc được email ngắn gấp của cha Siêu báo tin về hơi thở cuối cùng của Bác Bảy ngay sáng hôm đó, chưa kịp bàng hoàng thì cha Kiên điện thoại điểm báo cùng tin. Con như thấy rất gần với Bác, và với Tỉnh Dòng Phanxicô Xaviê.
Đích thực Bác Bảy đã là quà tặng mà chính Chúa đã ban cho Dòng. Và chính thực là Bác Bảy đã để Chúa và Dòng sử dụng món quà ấy cho đến hơi thở cuối cùng.
Bác Bảy đi du học Mỹ. Rồi chịu chức Linh mục ở Oregon. Rồi trải nghiệm 1 năm ở Đại học Loyola Chicago, sang Đại học Fordham ở New York. Với bằng tiến sĩ văn chương, Bác Bảy lại bỏ hết để sang Pháp nhập Dòng. Rồi về lại Việt Nam khấn Dòng năm 1966.
Bác Bảy làm linh mục 10 năm rồi mới vào Dòng.
Mười năm sau ngày Bác Bảy chính thức gia nhập Dòng Tên tại Việt Nam, Bác Bảy đã đồng hành với Dòng những trang sử mới với những "chật vật chông chênh" ở Đắc Lộ.
Từ Đắc Lộ đến Tam Hà. Từ bề dưới đến bề trên. Từ quản trị đến đào tạo. Nhiệm vụ nào Bác Bảy cũng hoàn thành. Con có cảm giác rằng Bác Bảy đã dọ dẫm từng bước để kiếm được ý Chúa, làm theo ý Chúa, và đi trong lộ trình của Chúa. Việc nhà nông Bác Bảy cũng đã thử. Tiến sĩ ngôn ngữ cũng được Chúa chỉ cho làm nông; để mang niềm vui đến cho người nghèo. Bốn năm nay đã về hưu, mà Bác Bảy vẫn chưa nghỉ hưu; Bác Bảy tận tình truyền lại kinh nghiệm thiêng liêng của mình cho hết thảy những ai Bác Bảy có thể tìm được. Ở hoàn cảnh nào Bác Bảy cũng "táy máy' cho ra một sứ vụ nào đó để phục vụ. Không đợi chờ, không lãng phí.
Mấy ngày qua, đã nhiều anh em nhắc đi nhắc lại trong nghẹn ngào, rõ mồn một lời chỉ dạy của Bác Bảy: trên hết mọi sự, hãy qui hướng về Chúa. Nhiều Anh lớn trong Dòng đã không ngừng tấm tắc rằng Chúa đã sử dụng Bác Bảy cách diệu kì để chăm sóc Dòng Tên Việt Nam lớn và mạnh như ngày hôm nay. Chắc Bác Bảy đã nghe được lời của Bác Hai nghẹn ngào về Bác Bảy: Cha Âu Tinh là người cha âm thầm như thánh Giuse, đã trông coi Mìền Dòng nhỏ bé suốt mười hai năm (1981-1993) trong tình trạng của thánh Gióp: mất hết nhà cửa, tài sản, tiền bạc; 9/30 anh em ở tù. Cha Âu Tinh là người mẹ đã cưu mang, nuôi nấng, dạy dỗ 4/5 số anh em trong Tỉnh Dòng hiện nay suốt từ năm 1981. Có những lúc phải làm như bà mẹ của Mosê, bỏ con vào thúng thả trong dòng sông Bộ Đội và Thanh Niên Xung Phong, cậy nhờ công chúa của vua Pharaô đỡ đầu…
Thế mới hiểu làm sao mà Bác Tám cứ ngẩn ngơ trong Thánh Lễ an táng Bác Bảy. Thế mới cảm được những giọt nước mắt chảy ngược vào trong của Cụ Quý khi chủ tế Thánh Lễ tiễn biệt của toàn Tỉnh tối hôm qua và khuôn mặt ửng đỏ mếu ngậm tiếc thương khi Cụ ngồi trong đoàn đồng tế của Thánh Lễ an táng. Có lẽ cũng dễ hiểu vì sao cha Quế đã ra tham dự và đồng tế Thánh Lễ tiễn biệt Bác Bảy tối hôm qua.
Bây giờ thì đích thực Bác Bảy đã hạnh phúc rồi. Hạnh phúc vì một đời sống trọn tín trung, sống trong niềm vui, sống theo Thiên Ý.
Con nhớ nụ cười của Bác Bảy. Phải bình tâm lắm Bác Bảy mới có được nụ cười bình thản như vậy. Phải bình an lắm Bác Bảy mới có được phong thái bình dị như vậy. Những hình ảnh ghi nhận về cuộc đời của Bác Bảy được anh em chia sẻ tối hôm qua để lại trong con một niềm vui. Vui vì được biết Bác Bảy. Vui vì được ở với Bác Bảy mấy ngày vừa qua. Vui vì tìm được một ảnh hưởng tốt của một linh mục Dòng Tên chân chính, tốt lành, tín trung. Vui vì Bác Bảy đã nảy lửa trong trái tim con một tình yêu lớn hơn với Dòng Tên Việt Nam.
Bác Bảy đã đi hết một con đường. Và con đường ấy đã đưa Bác Bảy về bên Chúa. Con đường ấy cũng giúp chúng con biết đi ngăn nắp hơn, bình tâm hơn, hy vọng hơn trên Đại lộ Tình Yêu Chúa đã gọi mời!
Giuse Đào Nguyên Vũ, S.J.
http://www.dongten.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=745#
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.