Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY B (Ga 3, 14-21)



NIỀM VUI ĐƯỢC CỨU ĐỘ

Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
Bước vào thánh đường tham dự Thánh lễ hôm nay, chắc quý ông bà anh chị em hơi ngạc nhiên, vì ngay giữa Mùa Chay, mà bàn thờ lại có những bình hoa tươi, xinh xắn, còn Linh mục lại mặc lễ phục màu hồng. Tất cả như làm rộn lên trong từng người chúng ta một niềm vui. Vâng, đó là niềm vui của những con người nhận được một sự sống mới. Sự sống nhờ tin vào Đức Kitô. Và cũng thật lạ thường, "sự sống" ấy lại được Đức Kitô ban cho con người bằng "cái chết " trên thập giá của mình. Bởi vì, theo thánh Gioan, giờ Đức Giêsu chịu khổ nạn là lúc Ngài được "giương cao" , được tôn vinh. Thập giá không còn là dụng cụ của sự chết, nhưng trở thành Thánh giá biểu dương của sự sống, là ngai của Vua -Kitô đăng quang (Ga 3, 14; 8, 28; 12, 32).

Như thế, lời Chúa hôm nay là một câu trả lời tròn đầy cho thắc mắc: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?" của các tông đồ khi các ông từ trên núi xuống sau sự kiện biến hình, trong Chúa Nhật 2 Mùa Chay; và đây cũng là lúc kiện toàn ý nghĩa cho lời tiên báo của Đức Kitô: "Phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại", mà chúng ta vừa nghe trong Chúa Nhật 3 Mùa Chay vừa qua.


Vì thế, trong giờ này, tôi muốn chia sẻ cùng quý ông bà anh chị em một vài suy nghĩ về niềm vui ơn cứu độ mà chúng ta đã nhận được nhờ ân sủng của Đức Kitô. Ngõ hầu, khơi lên trong từng người chúng ta một niềm tin và hy vọng vững chắc vào Đức Giêsu Kitô, Cứu Chúa của chúng ta.


1. Niềm vui được giải thoát:


Trước hết đó là niềm vui được giải thoát từ nơi lưu đày trở về của dân Chúa mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một. Sau biến cố lưu đày, tác giả sách Ký sự đã nhìn lại suốt dọc dài lịch sử của dân Chúa để tìm ra nguyên nhân khiến dân tộc bị lưu đày và tìm cách làm cho dân Israel thực sự xứng đáng là một dân của lời hứa.


Khi nhìn lại cuộc sống của dân
Israel, tác giả cho thấy rằng: "Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa...". Nghĩa là, họ đã không trung thành với giao ước mà cha ông họ đã ký kết với Thiên Chúa. Họ đã chạy theo cách sống dễ dãi của các dân ngoại xung quanh, phản bội Thiên Chúa, sống bất công với anh em. Không những thế, họ còn "nhạo báng các sứ giả Chúa, coi thường lời Chúa và nhạo báng các tiên tri ". Sống như thế, hình phạt lưu đày là điều không thể tránh khỏi. Ông kết luận: "Sau hết, cơn thịnh nộ của Chúa đã đổ lên dân Người và vô phương cứu chữa". Bị lưu đày, dân Chúa phải rời xa quê cha đất tổ, không còn được sống nơi miền đất Hứa. Cả dân tộc phải sống tha phương, cầu thực nơi đất khách quê người. Như thế, họ tuy còn sống, nhưng khác gì đã chết, mà không phải một người nhưng là cả một dân tộc, bởi vì, đất nước họ đã bị xoá tên trên bản đồ thế giới. Đây là giai đoạn đau buồn và tủi hổ nhất của dân Do thái như lời diễn tả của tác giả Thánh vịnh trong bài đáp ca: "Trên bờ sông Babilon, chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ lại thành thánh Sion".

Có cảm nhận được nỗi buồn đó của dân tộc Do thái, chúng ta mới thấy được niềm vui to lớn của họ khi nhận được chiếu chỉ hồi hương của hoàng đế Cyrus, vua Batư: "Đây hoàng đế Cyrus, vua xứ Batư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất,...Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên". Không vui sao được, vì với chiếu chỉ này, họ sắp được hồi hương trở về Thánh Địa. Họ lại được lên Giêrusalem để thờ phượng Thiên Chúa. Miệng họ lại được hát những khúc ca mừng trong những ngày lễ: "Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: "Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa! "Và giờ đây, Giêrusalem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân. Giêrusalem khác nào đô thị, được xây nên một khối vẹn toàn." (Tv 122, 1-3).


Thế nhưng, niềm vui này vẫn chưa được trọn vẹn, vì sau đó, họ vẫn còn tiếp tục chịu đô hộ bởi các đế quốc như Hy lạp, La mã. Do đó, từ trong tâm khảm, họ vẫn chờ đợi Đấng Messia mà Thiên Chúa đã hứa.


2. Niềm vui của những kẻ tin:


Nỗi chờ mong của dân Do thái nay đã trở thành hiện thực với sự xuất hiện của Con Thiên Chúa. Chính Ngài là Đấng đem đến cho họ một sự giải thoát toàn diện, giải thoát khỏi tội lỗi, ban cho họ một sự sống mới, sự sống đời đời như lời Ngài nói với Nicôđêmô mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời". Tuy nhiên, để thực sự nhận được sự sống này, chúng ta cần phải tin vào Đức Giêsu như lời Ngài tuyên bố: "Tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời". Tin vào Đức Giêsu, nghĩa là, luôn hướng nhìn vào Đức Giêsu và dám phó thác trọn vẹn cuộc đời chúng ta trong tay Ngài, để Ngài dẫn chúng ta đi. Tới đây, có lẽ chúng ta nhớ tới hình ảnh của Phêrô đi trên mặt nước. Khi ông tin và nhìn thẳng vào Đức Giêsu, ông đi được trên mặt nước, nhưng khi ông nhìn xuống, ông liền bị chìm (x. Mt 14, 28-31).


Niềm vui này trong chúng ta sẽ còn lớn lao hơn nữa, nếu chúng ta ý thức rằng sự giải thoát này không phải do công trạng của chúng ta, nhưng là do tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, như lời thánh Phaolô đã nói với các tín hữu thành Êphêsô: "Vì chưng, bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Điều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải do việc làm, để không ai được tự phụ".


Giờ đây, để thực sự xứng đáng đón nhận ơn cứu độ do cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu, mỗi người chúng ta hãy can đảm dứt khoát nói không với những thói hư, tật xấu. Tới đây, tôi lại nhớ tới bài vè mà các em thiếu nhi vẫn đọc:


Một không hút chích xì ke,

Hai không nhậu nhẹt, rượu chè bê tha.
Ba không học thói trăng hoa,
quan hệ bất chính, Sida có ngày.
Bốn không bài bạc tối ngày,
chơi đề cá độ cửa nhà tan hoang.
Năm không thích mốt, đua đòi,
nay quần mai áo, nợ đòi tứ tung.
Sáu không lên mặt "yêng hùng",
đua xe bạt mạng như khùng như điên

Và với các em thiếu nhi, thì các em cũng cần nói không với các thói xấu như:


Bảy không nói dối đặt điều,

ba hoa chảnh choẹ sớm chiều bạn xa.
Tám không trốn học bỏ nhà,
đi bờ đi bụi quen đà hư thân .
Chín không kết nhóm nhập băng,
phá làng phá xóm họ hàng khinh chê.
Mười không nói tục chưởi thề,
đùa cợt bất nhã, bạn bè tránh xa.

Không những nói không với thói hư tật xấu, mỗi người chúng ta còn phải sống như con cái của sự sáng, nghĩa là luôn sống chân thật trong suy nghĩ, lời nói cũng như hành động, như lời dạy của Đức Giêsu: "Ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa". Nếu tất cả chúng ta sống được như vậy, chúng ta chắc chắn sẽ "đựơc đồng ngự trị trên nước trời trong Đức Giêsu Kitô", và lúc đó niềm vui của chúng ta sẽ sung mãn và không bao giờ mất. Amen.

(tinmung.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.