Hi All
Chiều thứ bảy quá bận rộn nên không kịp uống cà phê với bạn hiền. Hôm nay đọc vài câu thơ từ TT (dĩ nhiên là Ex Toàn Thắng rồi, nhưng tôi liên tưởng đến nhà văn TTKH và nickname tê tê mới được ghi vào tự điển Exluro68 nên bèn sử dụng như mọi người là TT, OK ha!) và mời anh em thưởng thức cà phê chiều thứ tư vậy.
Bài này cũng được trích từ Truyện Danh Nhân (tài liệu nào cụ thể mình cũng quên mất rồi) để anh em tham khảo và để dành riêng cho ExCầu (từ những câu thơ do TT gợi ý).
---------------------------------
Trong lúc chuẩn bị lên đường về nhiệm sở, thì Nguyễn Công Trứ lại nhận chỉ dụ mới. Ân tứ lớn quá ! Nguyễn Công Trứ không phải nhậm chức ở Thanh Hóa, mà được triều đình thăng chức và phải gấp rút lên đường thẳng ra dinh Tổng trấn Bắc thành. Từ tòng tứ phẩm qua mấy ngày bệnh được thăng lên hàng chánh tam phẩm chẳng phải trong cuộc đời ai cũng thường gặp. Ngày xưa với Hàn Tín, miếng cơm bà Phiến Mẫu còn lớn thay, huống gì ơn mưa móc mà bản thân ông, gia đình, dòng họ, tổ tiên, làng xóm... được hưởng bấy lâu nay. Ăn cây nào rào cây ấy cũng là cái đạo làm người, đâu thể có phước cùng hưởng, có họa thì... bỏ chạy lấy thân. Hàn Tín bị Lã Hậu róc thịt làm mắm, nhưng nhân cách của ông ta thì để đời khi ông ta từ chối lời khuyên của Khoái Triệt. Dĩ nhiên lúc ấy và cả bây giờ vẫn có người cho Hàn Tín dại. Song cái khôn cái dại ở đời biết sao cho phải. Với ông, cái quan trọng là mình có xứng đáng làm người ở cõi đời này hay không. Phú qúi, quyền lực... dù có trùm thiên hạ mà mỗi khi tự vấn lương tâm ta thấy thẹn thì tất cả đều bằng thừa. Để phân biệt được giữa con người và con thú, theo ông, chỉ có phân biệt được qua nhân cách. Và nhân cách xuất phát từ đạo làm người. Nghĩ tới đó, ý thơ lại vụt trào lên trong ông. Ông vội lấy giấy bút ghi liền một mạch:
Giang san bất thiểu anh hùng khách,
Gánh càn khôn đeo nặng kẻ rừng nho.
Thiên phú ngô, địa phú ngô,
Thiên hạ sinh ngô nguyên hữu ý.
Dã thị giang san chung tú khí,
Quả nhiên đài các xuất danh công.
Hội rồng mây cho phỉ chí tang bồng,
Cờ báo tiệp giữa trời nam bay bướm nhẹ.
Tài bộ thế mà công danh lại thế,
Nợ trần hoàn quyết trả lúc này xong.
Dồi dào thiên tử vạn chung,
Khanh hầu xa mã tướng công lâu dài.
Trần ai ai dễ biết ai.
Mọi việc cứ lần lượt lướt qua trí nhớ ông một cách rõ ràng. Và ông thấy rằng, nếu đống lõa với những gì gọi là nhu nhược, thì có lỗi với mọi người, nhất là đối với những người đã đặt niềm tin vào ông. Việc khởi loạn của Phan Bá Vành đúng hay sai hồi sau sẽ luận, còn hiện tại cần phải dẹp. Ông chỉ muốn giang san thu về một mối, mọi người yên ổn làm ăn. Trời có lúc mưa lúc nắng, mùa có lúc được lúc thua. Nghèo đói không ai muốn, nhưng không vì nó mà ngồi chửi trời than đất. Lịch sử dân tộc là lịch sử chiến tranh, hết chiến tranh chống ngoại xâm, tới chiến tranh bè phái. Từ lúc mở mắt chào đời tới nay, ông thấy đây đó nào có ngày nào được yên. Và dân đen nào có tội tình gì phải chịu máu đổ đầu rơi phục vụ cho sự bực tức, nổi hứng nhất thời của ai đó. Chính nghĩa ở những cuộc khởi dậy này là gì ? Chẳng ai biết, kể cả những người khởi xướng.
Hiệp Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Hữu Thận lên tiếng, phá tan bầu không khí nặng nề đang bao trùm cuộc họp:
- Nhứt dạ sinh bá kế, nhưng tới nay đã không biết qua bao đêm ngày rồi mà chúng ta chưa có kế sách gì hay so với kế sách của quan Binh bộ thị lang vừa trình bày. Do đó, bổn quan giao toàn quyền vụ việc này cho quan Binh bộ thị lang quyết định. Kể từ nay, mọi người từ bổn quan trở xuống đều do sự điều động, xếp đặt của quan Binh bộ thị lang trong kế hoạch dẹp giặc Phan Bá Vành. Nếu ai có kế hoạch gì khác thì đề xuất, còn không thì sau buổi họp này, quan Binh bộ thị lang cứ việc tiến hành. Ở Kinh đô, thánh thượng đang ngóng chờ tin vui của chúng ta, chớ không phải chờ chúng ta bàn cãi, mặc cho giặc lộng hành.
Nghe vậy, mọi người có mặt đều yên lặng, ngước nhìn Nguyễn Công Trứ. Họ nghĩ, Nguyễn Công Trứ là vị quan được nhà vua biệt đãi và chắc kế sách ấy có khi cũng do nhà vua vạch ra, mượn miệng Nguyễn Công Trứ phát ngôn. Do đó, khôn ngoan nhất trong lúc này là thuận theo ý ông ta. Nghĩ vậy, ai nấy đều nhìn Nguyễn Công Trứ với nụ cười khá tươi, rồi đứng dậy chào tạm biệt và hứa sẵn sàng hợp tác.
Chờ mọi người ra về hết, Nguyễn Công Trứ mới ngồi lại bàn kỹ hơn, chi tiết hơn kế hoạch đối phó giặc Phan Bá Vành với quan Hiệp Tổng trấn Bắc thành.
Thượng thư Nguyễn Hữu Thận gật gù tâm đắc những gì mà vị giải nguyên trường Nghệ năm nào vạch ra. Nhưng với ông, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Đầu cha lộn xuống chân con, Mười bốn năm tròn hết số thì thôi. Trước đây mấy ai nghĩ, nhà Tây Sơn với quân hùng tướng mạnh như thế mà chỉ tồn tại có mười bốn năm ?
Nhìn viên hạ quan ra về, Hiệp Tổng trấn Bắc thành dấy lên niềm lạc quan hơn lúc nào hết. Nghe cặn kẽ kế sách dẹp loạn của Nguyễn Công Trứ, ông thấy thiên tử đã chọn đúng bậc văn võ toàn tài. Được người giúp việc như Nguyễn Công Trứ, ông thấy yên tâm. Thật lòng, trước đây ông chưa tin tưởng mấy. Một người mà vừa làm Tham tán quân vụ, vừa làm Binh bộ thị lang, vừa coi sóc Tào hình, ông nghĩ do được lòng quyến cố của vua, nhưng qua buổi làm việc này ông thấy Nguyễn Công Trứ hoàn toàn xứng đáng những chức vụ ấy. Và từ đó suy ra, ông thấy thiên tử có chiếu cố tới ông. Lạy trời, kế sách dẹp loạn của Nguyễn Công Trứ được như ý thì ông cũng được vinh dự lây. Phải tạo điều kiện cho kế sách này đi đến thắng lợi...
-------------------------------
Hẹn chiều mai tại Việt Phố.
ExLiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.