Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN B (Mc 2, 1-12)



CẦN TẤM LÒNG DÀNH CHO NHAU 
(Mc 2,1-12)

Lm. Phaolô Đoàn Thanh Phong
Ở Nhật Bản, người ta thường kể cho nhau nghe một câu chuyện có thật rằng: ngày kia, một người Nhật muốn sửa lại ngôi nhà bằng gỗ của mình nên đã phá bức tường đi. Khi phá bức tường, người đó nhìn thấy một con thằn lằn bị mắc kẹt trong một khoảng rỗng nhỏ giữa các bức tường gỗ, vì bị chiếc đinh từ phía ngoài đóng dính vào chân nó! Người ấy thấy vậy nên thương cảm, nhưng cũng hết sức tò mò, vì khi kiểm tra chiếc đinh, anh thấy nó được đóng từ lúc ngôi nhà mới dựng, tức là 10 năm nay rồi.!!! Một câu hỏi nảy ra trong đầu người Nhật là tại sao, làm sao con thằn lằn có thể sống ở trong tường suốt 10 năm không hề xê dịch, không hề đi một bước nào, vì chân nó đã bị đóng dính!? Để trả lời cho thắc mắc đó, anh ta tạm ngừng làm việc, tìm một góc ngồi quan sát con thằn lằn! Một lúc sau, không biết từ đâu, xuất hiện những con thằn lằn khác miệng ngậm thức ăn, nước uống bò về phía con thằn lằn “kẹt chân” và giúp cho nó được ăn uống! Nhìn thấy cảnh tượng đó, người Nhật Bản mới ngộ ra rằng chính tình thương của những con thằn lằn kia giúp cho con thằn lằn mắc kẹt chân vượt qua nỗi sợ hãi, chính tình yêu của những con thằn lằn kia đã đem lại cho con thằn lằn “kẹt chân” bất hạnh niềm tin và niềm hy vọng vô bờ. 
 
Cũng như những con thằn lằn kia yêu thương mang thức ăn tới cho bạn mình, bài Tin Mừng hôm nay cũng kể lại câu chuyện bốn chàng trai khiêng người bại liệt đến với Chúa Giêsu. Bốn chàng trai “ngờ nghệch” nhưng lại dám liều mạng khiêng người bệnh lên nóc nhà, rồi lại cả gan chọc thủng mái nhà để thả bạn mình xuống ngay trước mặt Chúa Giêsu. Họ phải làm như thế, vì trong khi mọi người chen lấn, giành nhau từng bước chân để có thể đến thật gần Chúa Giêsu, thì họ cũng tìm đến với Chúa, nhưng không phải vì mình, mà vì một người bạn khốn khổ, một kẻ liệt giường không thể tự mình bước đi. Thế nhưng, trước hành động đó, Chúa Giêsu đã không trách mắng họ mà còn tỏ lộ niềm vui. Bởi, dù bị mái nhà che khuất, Ngài vẫn nhìn thấy họ rất rõ, nhìn thấu cả tấm lòng.
 
Đối với Chúa, Ngài không thấy họ “ngờ nghệch” chút nào mà chỉ nhận ra nơi họ những cố gắng như một lời cầu xin. Nói đúng hơn, họ làm điều đó, chỉ vì một ước muốn, một khát khao là tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho người anh em yếu đuối bại liệt bằng hành động yêu thương: khi người bại liệt không thể bước đi thì họ trở thành đôi chân giúp anh bước đi; khi người bại liệt không thể dùng đôi tay của mình để cầm nắm, leo trèo thì họ trở thành đôi tay cùng anh leo trèo. Hành động như thế, họ chấp nhận thiệt thòi về mình, chấp nhận bị che khuất để người anh em của mình được tỏ lộ, được ra ánh sáng, được gặp Chúa. Và ơn phúc từ trời cao đã hiển hiện, không chỉ đơn thuần là niềm vui cho sự khốn khổ bất hạnh của kẻ liệt giường được “vác chõng về nhà”, mà còn như lời đáp trả cho tấm lòng của bốn chàng trai biết yêu thương, biết “cháy” hết tình với anh em. 
 
Trong bối cảnh đó, trái ngược với bốn chàng trai, là những kẻ hiếu kỳ. Tương phản với người bại liệt là những Kinh sư khỏe mạnh, thông thái. Vì lúc này, những kẻ hiếu kỳ, những Kinh sư mới là “kẻ bại liệt”: Bại liệt vì con tim chai lỳ, với hư danh quyền chức; bại liệt vì con tim bất động, không chút rung cảm trước nỗi khổ của người đồng loại. Họ bại liệt vì não trạng đố kỵ, kiêu căng, không tiếp nhận những điều mới mẻ từ Thiên Chúa. Họ bại liệt vì lương tâm hẹp hòi, ghen tức, khó chịu trước niềm vui, điều lành của người khác… 
 
Không ai có thể ngờ rằng người gặp được Chúa  trước tiên lại là bốn chàng trai đứng trên mái nhà. Họ gặp được Chúa  không phải bằng con mắt xác thịt mà bằng con mắt của niềm tin, con mắt của tình yêu chân thành, vô vị lợi. Bởi, con tim yêu thương vẫn thường làm nên những sáng tạo diệu kỳ. Và phải có lòng tin mạnh lắm, mới có thể làm một việc lạ lùng như thế. Có lẽ, sau khi người bại liệt được chữa lành, chắc chẳng có ai để ý đến bốn anh chàng khiêng kẻ bại xụi. Nhưng hình ảnh của họ chắc chắn đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong trái tim nhân ái của Chúa Giêsu. Vì một lẽ đơn giản: họ đã sống như chính Ngài đang sống, họ đã làm điều mà Ngài đang thực hiện cho con người.  
 
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Thật vậy, sống trong một xã hội văn minh và tiến bộ, đáng lẽ, con người sẽ được vui và hạnh phúc hơn, vì biết dành cho nhau tấm lòng yêu thương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đau khổ và bất hạnh dường như vẫn cứ lan tràn trong thế giới với nền văn hóa thực dụng. Thế giới ấy, giúp người ta năng động, giỏi giang hơn trong việc kiếm tiền và hưởng thụ, nhưng lại trở thành kẻ “tê liệt” trước những nỗi bất hạnh, khốn cùng của người khác. Thế giới ấy, giúp người ta thỏa mãn với những gì mình đang có, an phận trong lớp vỏ bọc của vật chất hiện đại, nhưng lại dễ đánh mất đi tình người, để lỡ mất những cơ hội lớn lên trong yêu thương, khi không còn biết cư xử tử tế với nhau.
 
Bon chen trong dòng xoáy của thế giới này, lòng người trở nên nghèo nàn, hẹp hòi và ích kỷ để rồi chỉ biết kết án, nghi ngại thay vì đỡ nâng, chia sẻ. Cuộc sống vì thế, cần lắm những con người, những tấm lòng như bốn chàng trai trong Tin Mừng hôm nay. Cần vì nỗi khổ được sẻ chia sẽ vơi đi một nửa, nhưng hạnh phúc sẽ tăng thêm rất nhiều lần khi nó được trao ban. Và trong tình yêu thương thì không ai là người vô dụng. Bởi, khi biết tận dụng tấm lòng của mình cho đúng nghĩa, người ta có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người khác. Và khi con người thương yêu nhau, là lúc hạt mầm hạnh phúc mà Thiên Chúa ươm gieo sẽ được kết trái đơm hoa. 
 
Ước gì Lời Chúa hôm nay đánh động và gióng lên cho chúng ta một suy tư: người Kitô hữu có là những kẻ dại khờ khi cứ phải bận lòng vì người khác, như tấm lòng của bốn chàng trai trong Tin Mừng. Và như vậy thì đâu là điều chúng ta noi gương Chúa và học nơi bốn chàng trai kia trong cuộc sống hôm nay?
 
(thanhlinh.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.