NHẬN BIẾT ĐẤNG CỨU THẾ
Chúa Nhật hồng, có tin vui: Đấng Cứu Thế sắp đến. Nhưng Đấng Cứu Thế là ai để mọi người nghênh đón. Tiên tri Isaia đã tiên báo về Người:
Thánh Thần Chúa ngự trên Người, đã xức dầu cho Người. Và Thánh Thần đã sai Người “đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”. (Is 61,1)
Vâng, nay lời tiên tri ứng nghiệm. Nhưng tiếc thay, có người không nhận ra, không biết Người, như Thánh Gioan nói: “Người đang ở giữa các ngươi, mà các ngươi không biết”. (Ga, 1,26)
Các tư tế và Lêvi không biết và không nhận ra Đấng Cứu Thế vì họ tự phụ với vốn học, vốn hiểu biết của họ. Họ muốn nhìn thấy một Đấng Cứu Thế làm theo ý họ là khôi phục lực lượng Israel để chiến đấu, chiến thắng và thống lĩnh, cai trị… hơn là họ phải làm theo ý của Đấng Cứu Thế phục vụ yêu thương những người cùng khổ.
Họ không tin lời chứng của ông Gioan, người được sai đến để dọn đường cho Thiên Chúa, vì ông Gioan quá tầm thường chăng? Ông Gioan chẳng là gì trong mắt họ. Có thể là như vậy. Một vị tiền hô trang phục không giống ai, ăn uống không giống ai, và cả việc làm cũng chẳng giống ai. Họ không tha thiết đến việc ăn năn sám hối và nhận phép rửa của ông Gioan để tỏ lòng sám hối đón Chúa đến.
Và khi không tin lời chứng của Thánh Gioan, và chuẩn bị đón Chúa đến bằng sự khiêm nhường sám hối thì việc nhận ra Đấng cứu thế ở giữa họ càng trở nên khó khăn hơn, nếu không nói là không thể biết, không thể nhận ra.
Mỗi chúng ta cũng đang chờ mong Chúa đến, nhưng có nhận biết Người không? Hay là chúng ta cũng đang chờ đợi một Đấng khác vì tự phụ vốn học thức của mình để hình thành cho mình một chân dung Đấng Cứu Thế làm thỏa mãn những dục vọng chính trị của mình như những tư tế và Lêvi thuở ấy?
Thiên Chúa muốn chúng ta nhận ra Người, không nhờ vào vốn học thức, vốn hiểu biết, nhưng nhờ vào sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần trong đức tin, như lời thánh Phaolô dẫn giải: “Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Đừng dập tắt Thánh Thần; đừng khinh khi các lời tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại. Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức”. (1 Tx, 5, 16-22)
Thời nào, con người cũng cần có vốn học thức. Học để hiểu biết. Học để sống. Học để nên người. Cha Mẹ nào cũng lo cho con cái có chút vốn học thức. (Tội nghiệp cho các cha mẹ có ước muốn tốt lành ấy, nhưng lực bất tòng tâm). Giáo hội cũng tha thiết mời gọi con cái mình có vốn học thức, nhưng không chỉ để cho nên người mà còn là cho nên người nhận biết Thiên Chúa và nhận biết mình là con cái Thiên Chúa.
Tôi bống nhớ đến một minh họa cụ thể nhất là nỗ lực của các Giáo Sĩ Tây Phương đã sáng lập chữ Quốc Ngữ, để con dân Việt Nam được học về Chúa và học sống với Chúa. Như thế mục đích ban đầu của chữ Quốc Ngữ đã rõ ràng, không ai có thể chối cãi được. Thiết tưởng chữ Quốc Ngữ Việt Nam đối với người Việt Nam là một hồng ân hơn là phát minh của khoa ngôn ngữ học.
Từ ấy, một người đã nhận được chữ Quốc Ngữ, thông thạo chữ Quốc Ngữ thiết nghĩ phải biết tạ ơn Chúa, ca tụng Chúa và làm cho sáng danh Chúa, và đừng như “con chim hay nói, nó nói tào lao, không có đứa nào, dạy cho tao nói”.
Từ chữ Quốc ngữ đến vốn học. Vốn học con người được bao nhiêu? Tại sao con người còn phải học nữa, học mãi, học cho đến mãn đời? Có người phải học nữa học mãi vì kiêu ngạo, vì muốn thống lĩnh kẻ khác. Nhưng cũng có người học nữa học mãi vì khát khao Thượng Trí và họ đã ngộ ra, thượng trí ấy chỉ có nơi Thiên Chúa. Như vậy, vốn học chân chính là vốn học dẫn đến Thiên Chúa, trí thức chân chính là trí thức phát xuất từ Thiên Chúa, sự hiểu biết chân chính là sự hiểu biết vinh quang của Thiên Chúa.
Có uổng công cha mẹ không, uổng công Giáo Hội không nếu chúng ta dùng chính chữ Quốc Ngữ để rắc gieo tin buồn thay cho Tin Mừng, rắc gieo chia rẻ hận thù thay cho hiệp nhất yêu thương, rắc gieo sự dữ của Satan thay cho sự lành của Thiên Chúa? Bởi đâu dẫn đến sự bi đát này? Thiết tưởng bởi “Người đang ở giữa các ngươi, mà các ngươi không biết”.
Mỗi chúng ta, những Kitô hữu đã được xức dầu tái sinh và thánh hiến qua bí tích Rửa Tội, đã nhận lấy Thánh Thần qua Bí Tích Thêm Sức, hẳn cũng nhận lấy một phần sứ mạng của Hội Thánh: đem Tin Mừng cho người nghèo khó… Nhưng trước tiên, là phải nhận biết Chúa đang ở giữa chúng ta, một Thiên Chúa thực hiện chương trình của Ngài, không phải thực hiện kế hoạch của chúng ta.
Chúa nhật hồng, có tin vui Đấng Cứu Thế đến. Lời Chúa mời gọi mỗi chúng ta khiêm tốn mà nhận biết Chúa đang hoạt động khắp nơi trong Giáo Hội, dưới tác động của Chúa Thánh Thần; đồng thời cộng tác với Chúa đem Tin Mừng cho anh em. Sứ điệp ấy còn yêu cầu chúng ta hy sinh lý trí nhỏ nhoi, sự khôn ngoan thấp bé, vốn học hữu hạn của mình, để nhường chỗ cho khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa tác động trong mọi tình huống cuộc đời.
Lạy Chúa, xin cho chúng con khiêm tốn để Chúa Thánh Thần tác động trong chúng con, từ lời ăn, tiếng nói, từ suy nghĩ đến hành động, sao cho phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa và sứ mạng của Chúa đã giao phó.
PM. Cao Huy Hoàng, 9-12-2011
(thanhlinh.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.