Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

từ internet



Giàu Và Nghèo
Một ngày nọ, người cha giàu có dẫn con trai đến một vùng quê để thằng bé thấy những người nghèo ở đây sống như thế nào. Họ tìm đến nông trại của một gia đình nghèo nhất nhì vùng. "Đây là một cách để dạy con biết qúy trọng những người có cuộc sống cơ cực hơn mình"
.
Người cha nghĩ đó là bài học thực tế tốt cho đứa con bé bỏng của mình. Sau khi ở lại và tìm hiểu đời sống ở đây, họ lại trở về nhà.

Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười: "Chuyến đi như thế nào hả con?"
- Thật tuyệt vời bố ạ!

- Con đã thấy người nghèo sống như thế nào rồi đấy!

- Ô, vâng.

- Thế con rút ra được điều gì từ chuyến đi này? Đứa bé không ngần ngại:

- Con thấy chúng ta có một con chó, họ có bốn. Nhà mình có một hồ bơi dài đến giữa sân, họ lại có một con sông dài bất tận. Chúng ta phải treo những chiếc đèn lồng vào vườn, họ lại có những ngôi sao lấp lánh vào đêm. Mái hiên nhà mình chỉ đến trước sân thì họ có cả chân trời. Chúng ta có một miếng đất để sinh sống và họ có cả những cánh đồng trải dài. Chúng ta phải có người phục vụ, còn họ lại phục vụ người khác. Chúng ta phải mua thực phẩm, còn họ lại trồng ra những thứ ấy. Chúng ta có những bức tường bảo vệ xung quanh, còn họ có những người bạn láng giềng che chở nhau…

Đến đây người cha không nói gì cả. "Bố ơi, con đã biết chúng ta nghèo như thế nào rồi…"

– cậu bé nói thêm. Rất nhiều khi chúng ta đã quên mất những gì mình đang có và chỉ luôn đòi hỏi những thứ gì không có. Cũng có những thứ không giá trị với người này nhưng lại là mong mỏi của người khác. Điều đó còn phụ thuộc vào cách nhìn và đánh giá của mỗi người. Xin đừng quá lo lắng, chờ đợi vào những gì bạn chưa có mà bỏ quên điều bạn đang có, dù là chúng rất nhỏ nhoi.


Ai giàu hơn ai?

Lúc Đức phật còn tại thế, bấy giờ tại thành Xá Vệ có một cư sĩ tên là Tu Lại. Vị cư sĩ này mặc dù rất nghèo nhưng ưa bố thí và sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Một bữa nọ trên đường đi ra chợ, tình cờ ông nhặt được một viên "Nguyệt Minh Châu" viên ngọc này rất là quý hiếm nhưng với cái tâm muốn chia sẻ những khó khăn và nổi thống khổ của người đời. Ông tuyên bố với mọi người là ông có nhặt được một của báu "ai nghèo nhất thì tới tôi cho".

Sau khi tuyên bố như vậy thì lúc bấy giờ ở nhà vị cư sĩ Tu Lại - thật ra chỉ là một cái chòi nhỏ thôi - có rất là nhiều người tự xưng là mình nghèo để mong nhận được của báu. Có người nghèo thiệt nghèo Tu Lại thấy cũng biết, nhưng có người giàu thiệt giàu cũng giả làm nghèo nữa để tới xin được của báu đó nhưng tất cả những người này Tu Lại đều từ chối.

Ông nói: " Các vị chưa phải là những người nghèo thật sự mà nhà vua, vua Ba Tư Nặc trong vương quốc này mới là người thật sự nghèo nhất"

Lúc đó mọi người ngạc rất ngạc nhiên hỏi Tu Lại: "Tại sao nhà vua lại là người nghèo nhất, trong khi ông ta vừa có quyền lực lại vừa có tài sản lớn, tất cả những của quý trong vương quốc này đều phải đem dâng nạp cho ông ấy, ống ấy sao có thể là người nghèo nhất được."

Tu Lại nói: "Không! theo như tôi nghĩ thì quốc vương là cái người nghèo nhất trong vương quốc này".

Tu Lại quyết định đem viên nguyệt minh châu này tặng cho nhà vua coi như là giúp ông ta thoát khỏi cảnh nghèo. Khi đi tới diện kiến vua lính triều đình chặn lại không cho ông vào, lúc bấy giờ ông mới đem viên ngọc ra và nói "Đây là một viên ngọc quý báu ta muốn đem tặng cho quốc vương. Xin hãy cho ta vào được diện kiến ngài", thì quân lính mới cho Tu Lại vào.

Khi Tu Lại bước vào thì gặp một cảnh rất chướng tai gai mắt: vua Ba Tư Nặc đang ép những người thương phú trong thành vì những lỗi nhỏ, bắt họ phải đem tiền tới chuộc mới mong thoát được tội.

Thật ra thì những tội mà họ mắc phải không đáng là gì nhưng vì họ rất giàu có, của cải và tài sản rất nhiều vị vua này có lòng tham nên bắt ép họ để thu gom tài sản về mình. Những người này vì sợ tính mạng của mình nên họ đã chấp nhận những yêu cầu của vua đem tài sản tới chuộc mạng của mình.

Sau khi những người này được thả ra về,Tu Lại được vào diện kiến nhà vua. Cư sĩ Tu Lại quỳ xuống và nói: "Thưa đại vương! Hôm nay thảo dân đến đây chỉ có một ước nguyện duy nhất thôi"

Vua mới nghĩ chắc là tên này muốn xin ta giúp đỡ điều gì đây vì thấy tướng nó nghèo quá, nên mới hỏi: "Ngươi có ước nguyện gì?"

Tu Lại mới nói: "Thưa đại vương! Thảo dân tình cờ có nhặt được một viên nguyệt minh châu rất có giá trị, thảo dân phát nguyện là ai nghèo nhất trong thiên hạ này, thảo dâng sẽ đem viên ngọc tặng cho người đó, thì xét thấy đại vương là người nghèo nhất trong vương quốc này nên thảo dân đi tới đây muốn tặng viên ngọc quý này cho đại vương"

Nhà vua nghe xong rất bực mình nhưng mà cũng tế nhị nói: "Cho dù ta có nghèo đến mức nào đi nữa ta cũng không nghèo hơn nhà ngươi"

Cư sĩ Tu Lại nói: "Dạ không thưa đại vương! Thảo dân thấy đại vương là người nghèo nhất trong vương quốc này, còn nghèo hơn cả thảo dân nữa"

Vua nghiêm mặt nói: "Nếu ngươi mà giải thích điều ngươi vừa mới nói không xong thì đầu của ngươi sẽ rơi xuống đất"

Tu Lại mới nói: "Đối với đại vương thì kho lộc chất đầy, vàng bạc không thiếu, trân báu của tất cả các nơi đều đem về cống hiến, dâng nạp thế mà đại vương vẫn cảm thấy chưa đủ cho nên đại vương mới bắt nạt, ép người ta phải đem tiền tới, bao nhiêu của cải và tài sản của người khác đại vương đều muốn nó phải trở vào túi của mình càng nhiều càng tốt, như vậy thảo dân thấy đại vương chưa từng biết đủ, lúc nào cũng cảm thấy thiếu có nghĩa là đại vương đang nghèo.

Trong khi thảo dân ăn cơm bữa sáng thì đã lo tới bữa chiều chỉ có một viên minh châu thôi nhưng mà thảo dân thấy như thế đã quá đủ rồi, sẵn sàng đem nó tặng cho người khác, cho nên thảo dân có nghèo đi nữa thảo dân cũng vẫn giàu có hơn đại vương".

Vậy ai giàu hơn ai! Rõ ràng người thật sự giàu có không hẳn là người đó có nhiều tiền của và vật chất, vì những thứ đó có thật nhiều đi chăng nữa thì đến lúc nhắm mắt xuôi tay chúng ta cũng không thể mang nó theo được, những thứ đó chỉ làm cho cuộc sống chúng ta đỡ vất vả hơn thôi.

Chính tình thương và lòng nhân ái của mỗi chúng ta mới thật sự làm cho chúng ta ngày thêm giàu có, khi đó chúng ta mới cảm thấy thật hạnh phúc và có ý nghĩa khi chúng ta hiện diện trong cuộc đời này.

Mỗi lần chúng ta tạo niềm vui và hạnh phúc đến với người khác, biết lắng nghe, thông cảm và chia sẻ cùng họ những nổi khó khăn thì ngay lúc đó chúng ta đã thêm vào tài khoản tiết kiệm của mình một số lượng rất lớn, và dần dần trở thành người giàu có thật sự mà có khi chúng ta không hề hay biết. Ngược lại, chính lòng tham chấp và sự ích kỷ của bản thân sẽ làm cho tài khoản tiết kiệm này của chúng ta ngày một cạn kiệt và dần dần chúng ta sẽ trở thành một người nghèo nàn nhất.





Hóa ra, mình cũng là một người giàu có




Chàng thanh niên nọ lúc nào cũng than vãn số mình không tốt, không thể giàu có được. Một ngày, một ông lão đi qua, nhìn thấy vẻ mặt ủ ê của anh bèn hỏi:

- Chàng trai, sao trông cậu buồn thế, có việc gì không vui à?

- Cháu không hiểu tại sao cháu làm việc chăm chỉ, vất vả mà vẫn nghèo. - Chàng trai buồn bã nói.


- Nghèo ư, cháu là một người giàu có đấy chứ.

- Chưa ai nói với cháu như vậy cả, cháu rất nghèo.

- Giả như ta chặt một ngón tay cái của cháu, ta trả cháu 3 đồng vàng, cháu có đồng ý không?

- Không ạ.

- Giả như ta chặt của cháu một bàn tay, ta trả cháu 30 đồng vàng, cháu đồng ý không?

- Không bao giờ.

- Vậy ta muốn lấy đi đôi mắt của cháu, ta trả cháu 300 đồng vàng, cháu thấy thế nào?

- Cũng không được.

- Vậy, ta trả cháu 3.000 đồng vàng để cháu trở thành một ông lão như ta, già cả, lú lẫn được không?

- Đương nhiên là không.

- Cháu muốn giàu. Vậy ta sẽ đưa cho cháu 30.000 đồng tiền vàng để lấy đi mạng sống của cháu, cháu thấy thế nào?

- Cháu cảm ơn ông! Cháu đã hiểu cháu cũng là một người giàu có.





Người nghèo – người giàu   



Một câu chuyện kể rằng có một người nghèo, rất nghèo. Anh luôn than thân trách phận là mình đã không gặp may mắn như bao người khác, nếu như mình có một chút vốn liếng thôi thì mình cũng có thể làm giàu được như rất nhiều người… và bao năm rồi anh vẫn trách cuộc đời sao bạc bẽo với anh đến vậy. Một ngày kia có một người giàu nhìn thấy anh ta đáng thương đã sinh lòng từ tâm muốn giúp anh ta làm giàu.

Anh nhà giàu đưa tới cho anh nhà nghèo một con bò dặn phải khai hoang chờ tới vụ mùa xuân sẽ gieo hạt, mùa thu sẽ hết nghèo. Chàng nghèo lòng tràn đầy hy vọng bắt đầu phấn đấu. Nhưng chỉ được vài ngày, bò cần ăn cỏ, người cần ăn cơm, cuộc sống ngày càng khó khăn. Chàng nghèo nghĩ, nếu bán con bò sẽ mua được vài con dê, giết một con dê để ăn, những con còn lại sẽ sinh con đẻ cái, chờ chúng lớn sẽ mang bán sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
Anh chàng thực hiện kế hoạch của mình thật, sau khi ăn hết một con dê, vẫn chẳng có con dê con nào được sinh ra cả, cuộc sống lại càng khó khăn ; chịu không nổi, anh ta lại giết tiếp một con dê nữa. Anh ta nghĩ, cứ thế này mãi sẽ không ổn, chẳng thà bán dê mua gà, gà đẻ trứng nhanh hơn, bán kiếm tiền nhanh hơn, chắc cuộc sống sẽ khá hơn.
Anh ta làm đúng như vậy, nhưng cuộc sống hàng ngày vẫn không thay đổi được, càng ngày càng khó hơn, cuối cùng, khi chỉ còn một con gà cuối cùng, lý tưởng của người nghèo hoàn toàn tan vỡ. Anh ta nghĩ, không còn hy vọng làm giàu nữa, chẳng thà bán quách con gà đi mua một bình rượu, ba chén vào bụng là quên hết sầu đau.
Mùa xuân đã đến, anh nhà giàu phấn khởi mang hạt giống đi gieo, anh ta phát hiện anh nhà nghèo đang ngồi uống rượu, bò chẳng còn nữa, trong nhà cũng sạch trơn chẳng còn thứ gì bèn quay lưng bỏ đi.
Người nghèo đương nhiên vẫn nghèo mãi!
Rất nhiều người nghèo đã từng có ước mơ, thậm chí còn có cơ hội và đã có hành động, nhưng kiên trì được đến cùng là điều rất khó.
Lời bình: Theo lời một chuyên gia đầu tư, bí quyết thành công của ông ta là: Khi không có tiền, dù khó khăn thế nào cũng không động tới khoản đầu tư và tích luỹ, áp lực sẽ khiến cho bạn tìm ra phương pháp kiếm tiền mới, giúp ta thanh toán các hoá đơn. Đó là một thói quen tốt.
Rất nhiều người nghèo đã từng có ước mơ, thậm chí còn cơ hội, đã có hành động, nhưng kiên trì được đến cùng lại quá khó. Tính cách hình thành thói quen, thói quen quyết định thành công.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.