NÓI VÀ LÀM
Cũng đã hơn một lần tôi nhắc tới những người hay đem thuyết định mệnh để bào chữa cho lối sống của mình. Cái gì cũng do “Trời định”, “Chúa định” hết, con người từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi bị trói chặt vào số mệnh, không còn một chút tự do. Và nếu quả thật như vậy, thì Thiên Chúa cũng chẳng cần tốn công sai Con Một xuống thế gánh lấy tội lỗi loài người (đã định cho chúng như thế thì còn cứu chuộc làm chi!) và con người hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Một cách chạy tội quá lý tưởng!!!
Cũng đã có những bài chia sẻ về bài Tin Mừng hôm nay (Mt 21, 28-32), cho rằng “con người ta ‘sống’ hoặc ‘chết’ hay nói cách khác là vào Nước Trời hay không, đều do Thiên Chúa quyết định”. Mới thoạt nghe lập luận này thì thấy quá đúng; nhưng suy nghĩ cho kỹ thì lại thấy như vậy thì phải chăng con người chỉ là một công cụ biểu diễn cho một trò chơi, mà người điều khiển (là Thiên Chúa) muốn quyết định sao thì tuỳ ý? Đọc bài đọc 1 (Ed 18, 25-28), vấn đề được khai thông. Vâng, nếu tất cả đều do “Trời định”, “Chúa quyết định”, thì sao lại có vụ một người công chính đi làm điều gian ác để đến nỗi phải chết? Còn kẻ gian ác thì “từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh” để “chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết” ? Cuối cùng thì chính Thiên Chúa lại nói: “Quả thật, Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. Vậy hãy trở lại và hãy sống” (Ed 18, 32).
Chúa có định cho một người công chính mà lại “theo đòi kẻ gian ác làm mọi điều ghê tởm” hay không? Hoàn toàn không, trăm ngàn lần không. Hắn đã tự ý làm vì bị mê hoặc, cám dỗ mà hắn không tự biết. Khi hắn bị hình phat, Thiên Chúa cũng chẳng vui gì, mà trái lại nữa là khác. Còn đối với kẻ gian ác, Chúa cũng chỉ khuyên bảo răn đe, hoàn toàn không ép buộc phải thế này hay thế khác. Khi kẻ gian ác hiểu ra những sai phạm của mình, sẵn sàng từ bỏ điều dữ mà thi hành điều công minh chính trực; được như vậy, nó sẽ sống, tất nhiên. Chính vì thế, nên Thiên Chúa mới mời gọi và khuyên răn: “hãy trở lại và hãy sống”. Cho nên có thể nói, con người đã tự định đoạt số phận của mình. Chẳng ai bắt anh phải làm thế này, buộc anh phải sống thế kia, tất cả đều do anh tự chọn và quyết định cho cuộc đời của mình.
Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay nói về dụ ngôn hai người con, ai cũng thấy rõ hai người con này tự quyết định theo ý mình trước lời kêu gọi của người cha. Một người lúc đầu thì từ chối, nhưng sau đó lại vào làm, còn một người mau mắn nhận lời nhưng sau đó lại không đi. Đọc tới đây, ai cũng hiểu ngay con người sống trên đời luôn có tự do và Thiên Chúa tôn trọng sự tự do đó của con người. Chính người con thứ nhất, ai cũng nghĩ rằng anh ta sẽ không đi làm theo ý cha vì anh ta đã thẳng thắn từ chối, nhưng rồi anh lại đi. Còn người con thứ hai thì mau mắn đáp lời cha, ai chẳng cho rằng anh ta sẽ thi hành ý cha cách tốt đẹp, vậy mà rốt cuộc thì lại trốn tránh. Cá hai trường hợp đều rơi vào cảnh “ngôn hành bất nhất” (“lời nói không đi đôi với việc làm”), nhưng xét cho cùng, ai cũng hiểu ra (kể cả những bậc “thông thái” như kinh sư, thượng tế, Pha-ri-sêu thời đó) người con thứ nhất mới là người đáng để cho người khác học hỏi. Đáng lẽ Chúa Giê-su căn cứ vào câu trả lời của nhóm người này, dạy bảo họ “hãy trở lại và hãy sống”, thì Người lại nói tới bọn gái điếm và thu thuế, tưởng chừng không ăn nhập gì tới câu chuyện dụ ngôn.
Rõ ràng Chúa Giê-su tránh không muốn nói thẳng vào đám người đã từng bị nhắc nhở và lên án nhiều lần là những tên lẻo mép, chỉ biết nói không thèm làm, hệt như người con thứ hai trong dụ ngôn ("Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! " là được vào Nước Trời cả đâu!" – Mt 7, 22; “Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm”. (Mt 23, 1-3). Có một điều rất đáng để suy gẫm là đám người kinh sư ngồi trước mặt Chúa Giê-su mà bị coi không bằng đám người thu thuế và gái điếm. Ấy cũng chỉ vì "…ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy." (Mt 21, 32).
Chung quy thì cũng chỉ vì anh nói thì hay lắm, rất hay; nhưng anh lại không làm được đúng như điều anh đã nói. Một cách cụ thể, anh không tin vào những điều anh nói – không tin cả chính mình – như vậy thì sao có thể gọi là những người đi nói cho kẻ khác tin? Còn người thu thuế và gái điếm, thì vì họ biết nhìn lại mình, biết mình là người tội lỗi và biết tin vào người chỉ dẫn cho mình đường ngay lẽ phải, chính nhờ vậy mà họ thành công. Thật rõ ràng như hai với hai là bốn: “Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 18, 26-27).
Ôi, lạy Chúa! Chẳng phải nói ai khác, mà chính bản thân con, ngay trong lúc này đây, khi đọc Lời Chúa nói về những kinh sư (“Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi" – Mt 23, 5-7), từ trong sâu thẳm lòng mình, con cũng vẫn thèm muốn được như họ, cho dù sau đó có bị án phạt thì cũng vui lòng (“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt,/ Còn hơn buồn le lói suốt năm canh” – Xuân Diệu). Thế đấy! Con cũng chỉ là một con người tầm thường, bé nhỏ, mỏng giòn. Chính vì thế, cúi xin Chúa soi lòng mở trí cho con, thêm sức cho con biết luôn luôn “nhìn lại mình” để chiến thắng chính mình trước đã, và biết luôn luôn đem Lời Chúa dạy ra thực hành với châm ngôn “Đừng làm chỉ vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su”.(Pl 2, 3-5). Ôi! Lạy Chúa con! Lạy Thiên Chúa của con! Amen.
(thanhlinh.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.