Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Bụt nhà không thiêng

Ds Ng
4 Tháng 7 lúc 11:34

BỤT NHÀ KHÔNG THIÊNG

Tagore (1861-1941) là một đại thi hào của Ấn Độ, đoạt giải Nobel về văn chương năm 1913, có tài làm thơ ngay khi còn nhỏ tuổi. Lúc còn niên thiếu, thỉnh thoảng Tagore làm một vài bài thơ gửi đăng trên tờ báo do thân phụ của mình đảm trách phần biên tập. Khi thấy những bài thơ gửi đến ký tên con mình, người cha chẳng thèm đọc thơ mà quẳng ngay vào sọt rác vì cho rằng con mình còn nhỏ dại thì biết gì thi ca.
Khi hiểu rõ sự tình, Tagore chép lại những bài thơ mà cậu đã gửi đăng báo, không ký tên thật của mình nữa mà lấy một bút hiệu khác rồi gửi lại cho toà báo. Lần nầy, thân phụ của Tagore nhận thấy đây là những bài thơ có giá trị và cho đăng ngay lên báo mà không hề hay biết đó là những bài thơ của con trai mình, những bài thơ mà trước đây ông đã quẳng vào sọt rác.
Đúng là: "Bụt nhà không thiêng", hay nói như Chúa Giê-su: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi" (Mc 6, 4).

Trong truyện cổ Trung hoa có kể rằng: Dương Phủ lúc còn nhỏ nhà nghèo, nhưng hết sức cấy cầy để phụng dưỡng cha mẹ. Một hôm ông nghe bên đất Thục có ông Võ Tề đại sư rất nổi tiếng, ông liền xin song thân đến tầm sư học đạo. Đi được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng bảo ông rằng:
- Được gặp Võ Tề đại sư chẳng bằng gặp Phật
Dương phủ hỏi:
- Phật ở đâu?
Lão tăng bảo rằng: ngươi cứ quay trở về, gặp người nào quấn vải trên người, đi dép ngược là chính Đức Phật đó.
Dương phủ nghe lời quay về, đi đường chẳng gặp ai cả. Về tới nhà, đêm khuya, trời tối, ông gọi cửa. Mẹ ông nghe tiếng con mừng quá, chạy vội ra, quấn vội chiếc mền vào người, đi đôi dép ngược ra mở cửa cho ông. Bấy giờ ông nhìn kỹ, giống như hình dáng Đức Phật mà lão tăng đã mô tả. Từ đó, ông mới hiểu ra rằng: Phật chẳng ở đâu xa mà là chính cha mẹ ở trong nhà. Đúng như cha ông ta vẫn nói: "Tu đâu cho bằng tu nhà - Thờ cha kính mẹ mới là đạo con". Thế nhưng, thói đời thì vẫn thường là: "Bụt nhà không thiêng" hay "Gần Chùa gọi Bụt bằng anh".

Người ta xem thường những con người đang chung sống với mình. Ít ai nhận ra điều hay, cái đẹp mà những người thân nhất đang cống hiến cho chúng ta. Có khi còn dửng dưng, xem thường và cư xử thiếu kính trọng với những con người đang sống vì chúng ta. Có nhiều người ở ngoài đời thì nhẹ nhàng, tao nhã, lịch sự, về nhà lại gắt gỏng, chửi chồng đánh con hay đánh vợ chửi con. Có nhiều người thì dễ dàng mở miệng khen ngợi hàng xóm láng giếng, kể cả người dưng nước lã, thế mà, người trong gia đình lại suốt ngày cau có, phàn nàn. Có nhiều người luôn nghĩ cách làm vui lòng hàng xóm nhưng lại tàn bạo thô thiển với gia đình dòng tộc. Có nhiều người luôn tỏ ra đáng yêu trước người dưng nước lã, nhưng lại đáng ghét với người thân họ hàng.Họ chính là những người dại khờ mà cha ông ta bảo rằng: "khôn nhà dại chợ", hay "làm phúc nơi nao để cầu cao rách nát".
Đó là cách cư xử bất công của con người ngày hôm qua cũng như hôm nay. Họ đánh giá nhau theo định kiến có sẵn trong đầu. Đôi khi còn bị ác cảm, yên trí về địa vị, gia tộc và quá khứ của một người, khiến chúng ta đánh giá sai lệch và nông cạn về nhau. Thực tế là vậy, khi chúng ta đã không có cái nhìn khách quan sẽ dẫn đến những nhận định bất công và thiếu trung thực. Vì "Yêu ai thì nói quá ưa - Ghét ai nói thiếu nói thừa như không". Người tốt hay xấu tùy thuộc vào cái nhìn của chúng ta. Có người ở đây được coi là xấu, ở nơi khác lại được đánh giá là tốt. Có người ở nhà được coi là vô tích sự nhưng ở ngoài lại hoạt bát nhanh nhẹn. Có người ở đây được tán thưởng, ngợi khen, về nhà bị khinh bỉ, xem thường.
Từ internet
BL : Cẩn thận xét xem tôi có tính "vui vẻ với người ngoài"
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.