Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

ngày quốc tế bệnh nhân

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ NHÂN NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN (11/2/2014): « ĐỨC TIN VÀ ĐỨC MẾN : “CHÚNG TA CŨNG PHẢI HIẾN MÌNH CHO ANH EM” »

 

Anh chị em thân mến,
1. Nhân dịp Ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần thứ XXII, năm nay sẽ có chủ đề “Đức tin và đức mến: ‘Chúng ta cũng phải hiến mình cho anh em chúng ta’” (1Ga 3, 16)”, tôi xin nói đặc biệt với các bệnh nhân và tất cả những ai đang trợ giúp và săn sóc họ. Anh chị em bệnh nhân thân mến, Giáo Hội nhận ra nơi anh chị em một sự hiện diện đặc biệt của Chúa Kitô đau khổ. Như thế: ở bên cạnh, hay đúng hơn ở trong đau khổ của chúng ta, có đau khổ của Chúa Giêsu, Đấng mang sức nặng của nó cùng với chúng ta và cho thấy ý nghĩa của nó. Khi Con Thiên Chúa bị treo trên thập giá, Ngài đã phá đổ sự cô đơn của đau khổ và Ngài đã chiếu sáng bóng tối của nó. Bằng cách này, chúng ta được đặt trước mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng và sự can đảm; niềm hy vọng, bởi vì trong kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa, ngay cả đêm tối đau khổ được mở ra cho ánh sáng Phục Sinh, và can đảm, để đương đầu với mọi nghịch cảnh trong sự đồng hành của Ngài, kết hiệp với Ngài.
2. Con Thiên Chúa làm người đã không xóa bỏ bệnh tật và đau khổ khỏi kinh nghiệm nhân loại, nhưng chính Ngài đã  đảm nhận chúng, Ngài đã biến đổi chúng và mang lại cho chúng một chiều kích mới. Một chiều kích mới, bởi vì chúng không có tiếng nói sau  cùng nữa, mà trái lại là sự sống mới tròn đầy; được biến đổi bởi vì, khi kết hiệp với Chúa Kitô, chúng có thể, từ tiêu cực, trở thành tích  cực. Chúa Giêsu là con đường và chúng ta có thể bước theo Ngài cùng với Thánh Thần của Ngài. Như Chúa Cha đã ban Con Một vì yêu thương, và Chúa Con đã hiến mạng sống mình cũng vì yêu thương, nên chúng ta cũng có thể yêu thương tha nhân như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, bằng việc hiến mình cho anh chị em chúng ta. Niềm tin vào Thiên Chúa nhân từ trở thành lòng nhân từ, niềm tin vào Chúa Kitô chịu đóng đinh trở thành sức mạnh yêu thương cho đến cùng, kể cả kẻ thù của ta. Bằng chứng của một đức tin đích thực trong Chúa Kitô là sự tự hiến được diễn tả trong tình yêu tha nhân, cách riêng người bé mọn, người đau khổ, người bị gạt ra bên lề xã hội.
3. Qua Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta được kêu gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, người Samaritanô Nhân Hậu của tất cả những ai đau khổ. “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã hiến mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải hiến mạng vì anh em” (1Ga 3,16). Khi chúng ta ân cần đến gần những ai cần săn sóc, thì chúng ta mang lại niềm hy vọng và nụ cười của Thiên trong những mâu thuẫn của thế giới. Khi sự tận tâm quảng đại đối với tha nhân trở nên phong cách của hành động chúng ta, thì chúng ta dành chỗ cho Trái Tim Chúa Kitô và chúng ta được sưởi ấm, và như thế mang lại sự đóng góp của chúng ta cho sự lên ngôi của Vương quốc Thiên Chúa.
5. Để lớn lên trong sự ân cần và lòng bác ái tôn trọng và tế nhị, chúng ta có một khuôn mẫu Kitô hữu mà chúng ta cần hoàn toàn tin tưởng hướng nhìn về. Đó là Mẹ của Chúa Giêsu và là Mẹ của chúng ta. Mẹ chú tâm lắng nghe tiếng Chúa và các nhu cầu và khó khăn của các con cái Mẹ. Được thúc đẩy bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã hóa thành nhục thể nơi Mẹ, Đức Maria đã quên mình và nhanh chóng lên đường, từ Galilê đi về Giuđê, để gặp gỡ và giúp đỡ người chị họ của mình là bà Êlisabeth; Mẹ can thiệp với Con Mẹ ở tiệc cưới Cana, khi thấy thiếu rượu; Mẹ mang trong tâm hồn mình, trong suốt cuộc lữ hành cuộc đời của Mẹ, những lời của cụ gia Simêon, người đã cho Mẹ biết rằng một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Mẹ, và Mẹ vẫn vững vàng dưới chân Thập giá Chúa Giêsu. Mẹ biết làm cách nào bước đi trên con đường này và chính vì thế Mẹ là Mẹ của tất cả các bệnh nhân và những người đau khổ. Chúng ta có thể thân thưa với Mẹ với lòng tin tưởng và sùng kính con thảo, xác tín rằng Mẹ sẽ trợ giúp chúng ta, Mẹ sẽ nâng đỡ chúng ta và sẽ không bỏ rơi chúng ta. Mẹ là Mẹ của Đấng chịu đóng đinh đã phục sinh; Mẹ ở gần bên thập giá của chúng ta và đồng hành với chúng ta trên con đường dẫn đến sự phục sinh và sự sống tròn đầy.
5. Thánh Gioan, người môn đệ đã đứng dưới chân Thập giá cùng với Mẹ, dẫn chúng ta đến tận nguồn mạch đức tin và đức mến, đến trái tim của Thiên Chúa “là tình yêu” (1Ga 4,8.16) và nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa nếu chúng ta không yêu thương anh  chị em chúng ta. Người đứng dưới Thập giá cùng với Đức Maria sẽ học yêu mến như Chúa Giêsu. Thập giá “là sự xác tín về tình yêu trung tín của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Một tình yêu lớn lao đến nỗi Ngài đi vào trong tội lỗi chúng ta và tha thứ tội lỗi, Ngài đi vào trong nỗi đau khổ của chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh gánh lấy đau khổ, Ngài cũng đi vào trong cái chết để chinh phục nó và cứu độ chúng ta… Thập giá của Chúa Kitô cũng mời gọi chúng ta để cho tình yêu này xâm chiếm chúng ta, nó dạy chúng ta luôn nhìn tha nhưng với lòng thương xót và yêu thương, nhất là ngời đau khổ, người cần đến sự giúp đỡ” (Đàng Thánh Giá với giới trẻ, Rio de Janeiro, 26/7/2013).
Tôi phó thác Ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần thứ XXII này cho sự cầu bàu của Đức Maria, để Mẹ giúp đỡ các bệnh nhân sống nỗi đau khổ của mình trong sự kết hiệp với Chúa Giêsu-Kitô, và để Mẹ nâng đỡ những ai đang săn sóc họ. Tôi hết lòng ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người, cho các bệnh nhân, các chuyên viên y tế và các tình nguyện viên.
Vatican, ngày 6 tháng 12 năm 2013
Tý Linh chuyển ngữ  theo ZENIT

 một vài chứng từ:
Ngày quốc tế bệnh nhân: Lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11/02
... Chị Aude 31 tuổi, Hiệp Hội Simon de Cyrène.
Tôi mắc chứng bệnh phát hiện từ từ, một loại sưng khớp xương kinh niên non trẻ ngay từ thơ ấu. Trong một thời gian dài tôi ao ước sao cho THIÊN CHÚA chữa tôi lành bệnh. Năm 10 tuổi tôi đi hành hương Lộ-Đức với ước nguyện thầm kín dấu ẩn trong trái tim. Và tôi trở về - như quý vị có thể tưởng tượng - với nỗi tuyệt vọng lớn lao.      
Phải đợi mãi đến năm 18 tuổi tôi mới trở lại Lộ Đức với một tiếng gọi khẩn thiết đòi buộc: lần này phải tắm nơi hồ nước Đức Mẹ! Mặc dầu phải chiến đấu dữ lắm vì tôi rất ghét nước lạnh - tôi đã tắm và ra khỏi hồ nước với niềm hân hoan và an bình không thể nào diễn tả được. Đây giống như một cuộc khỏi bệnh nội tâm: tôi chấp nhận khuyết tật của mình! Từ đó không còn gì có thể ngăn cản tôi sống, và sống hạnh phúc! Tôi vạch thảo kế hoạch và có niềm hứng khởi, ngay cả đôi khi THIÊN CHÚA xem ra rất chậm chạp trả lời cho các vấn nạn của tôi.
    
Trong khoảng thời gian từ 12 đến 15 tuổi, thị giác của tôi giảm rất nhiều đưa đến việc tôi bị mù con mắt trái và cho đến hôm nay thì tôi chỉ còn trông thấy lờ-mờ nhờ ánh sáng của con mắt phải. Nhưng điều kinh ngạc đã xảy ra, đó là, xuyên qua thử thách mới này, lòng tôi dần dần được mở rộng. Đôi mắt tôi nằm nơi đầu hai lỗ tai. Tôi nhìn và lắng nghe. Thị giác chuyển sang thính giác: tôi cảm nhận sự việc. Với sự kiện không có thể chạy đôn chạy đáo nơi này nơi kia để lo công chuyện, tôi học cách thức hiện hữu chứ không phải hành động. Tôi học cách thức sẵn sàng tiếp nhận sự hiện diện của THIÊN CHÚA trong tôi hoặc sự hiện diện đích thật của Đức Chúa GIÊSU trong bí tích Thánh Thể. Tôi cũng học cách thức hiện diện cho tha nhân.    

... Anh Marc Henri, 35 tuổi, khuyết tật ngồi xe lăn.
        
Tôi nhận Đức Tin Công Giáo như món quà từ Cha Mẹ tôi. Từ từ, câu chuyện đẹp của Đức Chúa GIÊSU xuất hiện trước mắt tôi như gây phẫn uất. Khi con người đau khổ thì đó chỉ lời hay ý đẹp viết trên cây giấy (papyrus)! Tôi như muốn kêu lên:
  
- Lạy Chúa GIÊSU, tại sao Chúa làm cho con bị tàn tật???
   
Khuyết tật từ nguồn gốc là một cái gì thật tàn bạo - mà ngay cả khi có Đức Tin - cũng khiến cho người ta phải phản loạn. Người bất toại trong Phúc Âm cũng phải khó nhọc lắm mới có thể đến gần Đức Chúa GIÊSU. Người ta phải leo lên mái nhà và dỡ ngói ra. Chỉ khi đưa đến gần Đức Chúa GIÊSU anh mới được chữa lành. Phần tôi, sau bao nhiêu năm trời tìm kiếm, tôi nghe tiếng Đức Chúa GIÊSU KITÔ phán bảo tôi:
         
- Bởi vì con đã đến gần Thầy, bởi vì con đã gỡ ngói cuộc đời con, con đã làm được cố gắng này, giờ đây con hãy làm chứng cho Đức Chúa GIÊSU KITÔ Phục Sinh!
  
Tôi tin nơi một vì THIÊN CHÚA, THIÊN CHÚA thật và là người thật, Đấng đã thật sự chịu đau khổ, đã cần đến ông Simon thành Xyrênê và thánh nữ Vêrônica để đi tới cùng cho đến khi sống lại. Đối với tôi, tất cả các bạn hữu tôi đều là ông Simon thành Xyrênê. Khó khăn khi được chia sẻ bỗng trở nên nhẹ nhàng êm ái cách lạ lùng.       
Chính vì sự kiện này mà tôi cảm thấy mình được kêu gọi làm chứng cho mọi người sống chung quanh tôi. Chứng Tá trở thành hữu ích cho xã hội ngày nay. Hãy đi và loan báo rằng:
  
- Đức Chúa GIÊSU KITÔ đã sống lại,
     
- Cuộc đời thật đẹp, cho dẫu bị khuyết tật, nó vẫn thật đáng sống!
- Giáo Hội là một toàn thể, mỗi phần tử thật quan trọng để làm thành Nhiệm Thể Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Tất cả chúng ta cùng nhau tiến về Thánh Giá Vinh Quang!
  
Ước gì Giáo Hội Công Giáo hiểu được chỗ đứng đích thật của Người Khuyết Tật .. Người khuyết Tật không phải chỉ được đưa đến để nhận lãnh, nhưng cũng để cho đi nữa, vì thiện ích của toàn thể Giáo Hội!                                      Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.