Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

re: thấy trên mạng

CHA NGUYỄN NHƯ YÊNG

Bắt đầu ngồi viết lúc này đã là 7 giờ sáng Boston ( Việt Nam 7 giờ tối Chúa Nhật, sáng thứ hai cha Quang Uy lên khuôn báo Ephata: mong cha hiểu vì sao ), tôi rất muốn viết đôi dòng về Chủng Viện nhân Ngày Nhà Giáo 20 tháng 11, chẳng hiểu sao ý thì dư nhưng hễ đụng đến bàn phím là y như bút hết mực. Cũng có lẽ vì "bội thực", tôi "ăn cơm Nhà Đức Chúa Trời" đã quá nhiều năm, thụ công lao dưỡng dục tựa sông Hằng, nên loay hoay mãi không biết phải bắt đầu thế nào, đồng nào mua rau, đồng nào mua mắm, rõ cầm tiền trong tay mà cứ thẫn thờ.

Tôi đã đọc biết bao bài viết về học đường, giáo dục, kỷ niệm thầy cô… có những bài viết rất hay, tình người, đọc rưng rưng dòng lệ… nhưng thương thay lại không có bài nào viết về mái trường Chủng Viện. Các bạn cùng lớp tôi một khi ra khỏi Mái ấm là đi thẳng, đã không bao giờ trở lại thăm, tôi liên tưởng đến con tàu ông Noe ngày mắc cạn, thả con sáo đi kiểm tra: sáo "vượt Trường Sơn", sáo đi thẳng không hẹn ngày về. Quanh quẩn trong tầu chỉ còn đám bồ câu ăn chay trường, sống với khói hương nên "khờ khạo". Nghĩ cũng tội cho các cha giáo, bất công cả một đời "giáo nghèo". Suốt đêm qua nằm thừ người trên ghế sofa tôi cứ suy nghĩ mãi mà vẫn không viết thêm được chữ nào vào dàn bài đã lên khuôn.

Cam phận bạc lòng, tôi đi ngủ.

Không hiểu sao sáng nay tôi lại có ý nghĩ da diết về cha Gioan Nguyễn Như Yêng. Cha dạy Nhạc, Địa Lý, Sử, chủ nhiệm lớp Chín… Hình ảnh cha hiện lên trong tâm trí tôi luôn luôn với cặp kính trắng dầy cộm. Ấn tượng nhất chữ ký của cha, chữ "Y" duy nhất với nét uốn éo lượn xoắn quanh nhiều vòng, tôi thần tượng bắt chước mãi mà sao nét cong vẫn gượng gạo không tự nhiên.

Năm lớp Tám, tôi thường ghen tỵ với lớp Chín vì có cha Yêng làm Chủ Nhiệm: sao lớp người ta lúc nào cũng dòn dã tiếng cười, trong khi lớp mình ảm đạm chiều thu như Đạm Tiên nơi Phần Mộ. Mãi đến năm lớp Chín tôi mới được thỏa lòng. Qua cặp "ve chai" cha nhìn thấu vấn đề: năm lớp Chín là năm quan trọng của đời người với tuổi dậy thì, phái nữ mượt mà óng ả ô mai, còn bọn con trai chúng tôi lại là thời nhiệt thành nóng bỏng, hăm hở trùm lấp, thân xác vừa chín tới và mộng mơ mới trở mình. Thấy chúng tôi nhiều đứa xanh lét, cha bỏ tiền túi phát động mỗi đứa phải uống một ly sữa do chính tay cha pha và buổi chiều sau giờ thể thao.

Cha Yêng có những suy nghĩ đột phá đi trước chương trình đào tạo của Chủng Viện, đáp ứng nhu cầu thời đại cha khuyến khích chúng tôi học thêm tiếng Anh ( ngoài tiếng Pháp là Sinh Ngữ chính ), với những sách học tiếng Anh mua ở Hội Việt Mỹ Cha tự thiết lập tủ sách đặt trong phòng riêng của mình.

Năm 1987, ở trại tỵ nạn Phanatnikhôm Thái Lan, lúc đó tôi là người chuyên phụ trách chăm lo cho các em minor ( dưới 18 tuổi, vượt biên không có cha mẹ bên cạnh ) tôi gặp một thầy tự nhận là nghĩa tử của cha Yêng, sống ở ngoài khu vực dành riêng minor, cứ đến giờ lại vào dạy thêm cho các em, thấy có chiếc nhẫn cưới đeo tay, tôi hỏi:

- Sao cậu đi tu mà lại có gia đình ?

- Không phải. Cha Yêng đã tặng chiếc nhẫn cưới này cho tất cả các thầy nghĩa tử của ngài. Cha dặn: các con hãy luôn đeo chiếc nhẫn này, trước là nhớ đời mình đã tận hiến Thiên Chúa, sau là để giữ mình khỏi sa ngã.

Vài năm trước, lúc cha nằm bệnh viện, các bạn tôi rủ nhau đến thăm cha Yêng, thấy trong đám có một học trò nổi tiếng nghiện rượu, cha cố vươn người nhỏm đầu khuyên nhủ:

- Con phải cố gắng bỏ rượu vì có hại cho sức khỏe, mau dẫn đến nghĩa địa. Uống bia điều độ vẫn tốt hơn, con ạ.

Anh bạn nghiện của tôi đùa cãi lời thầy dạy:

- Cha nói sao chứ ở nghĩa địa thấy toàn mộ bia, đâu có mộ rượu.

Nghe thế cha nằm phịch xuống, không biết là nói đùa, mệt lả thở hắt ra. Một bạn khác xót thương vuốt lời nịnh rất "Thần Học":

- Cha nói phải đấy anh bạn ạ ! Trong lời kinh vẫn đọc chỉ nghe "Đức Bà là Hòm Bia Thiên Chúa" đâu phải là "Hòm Rượu"…

Bạn đọc mến, đôi lúc có một vài bạn Linh Mục viết thư tâm sự ngã lòng vì lòng tận tụy vất vả của mình như chìm đáy biển, không mang lại kết quả. Nghe tội nghiệp quá, khi người Tông Đồ ngồi nhìn đếm lại bước chân mình, đếm đến đâu bước chân bị xóa đến đấy, để cuối cùng chỉ còn thấy quạnh hiu một mình. Tôi không biết trả lời thế nào, bèn kể đời mình: từ khi xa lìa Chủng Viện đã gần 25 năm qua, tôi chưa hề gặp lại hoặc viết thư thăm hỏi cha Nguyễn Như Yêng, dầu vậy những lời nói, lòng tận tụy, ánh mắt, nụ cười, tôi vẫn không bao giờ quên.

Lúc này mắt cha đã gần như mù không còn đọc sách được, nhưng đôi mắt đó vẫn sáng rực rỡ trong trái tim tôi. Nếu ai có dịp đến thăm cha, xin cho tôi gửi lời nhắn: Đức Tin cha đã gieo, tôi vẫn còn giữ vẹn toàn. Đức Tin đó như ngọn lửa Olympic, tôi nguyện sẽ trao đến tận tay người khác kế thừa. Một ngày nào đó khi đã mãn phần tôi sẽ kể lại với Chúa là cha Yêng chính là người đã gieo những hạt đó nơi tôi. Người Tông Đồ hạnh phúc là người đi gieo không mong ngày gặt, tận tụy hết lòng không mong đáp đền. Cứ đi và đi mãi không quay lại đếm bước chân…

Cha ơi ! Con sẽ nhớ mãi không bao giờ quên.

NGƯỜI TÔI TỚ VÔ DỤNG, Hoa Kỳ, Ngày Nhà Giáo 2012

( Ephata 536)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.