Nhân dịp Ex Phúc nói đến 3-4 anh em trong lớp mình lưỡng giới.
Nhân dịp chủ nhật chúa chiên lành là ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục , tu sĩ... thiết tưởng cũng là 1 dịp thuận lợi để suy nghĩ về ơn gọi "ta ru " của mình.
Năm xưa ( cách nay hơn 40 năm) cha Gastine nói về chức linh mục cộng đồng lúc đó còn quá mới mẻ nên chưa ý thức hết . Bây giờ thì cũng chẳng hơn gì. Sau 50 năm công đồng, nhiều giáo dân, nhiều cựu chủng sinh[ tu sinh] chưa hề đọc lại chương IV của hiến chế Ánh sáng muôn dân ( Lumen Gentium: các số 31-38). Theo đó sự phân chia ra ba thành phần trong giáo hội không nhằm nói lên phẩm giá của ai cao hơn ai, hay vai trò nào quan trọng hơn vai trò nào mà chỉ muốn nói lên đặc tính hay chức năng của mỗi ơn gọi mà thôi. Chính thánh Phaolô đã cắt nghĩa sự khác biệt trong ơn gọi và vai trò của các thành phần Dân Chúa như sau: "cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng..." (Rm 12,4). Phải chăng chúng ta hay nghe nói nhiều về sự khan hiếm ơn gọi linh mục và tu sĩ. Song thời buổi này: sự khan hiếm ơn gọi giáo dân như cách công đồng Vaticano II hiểu thậm chí còn lớn hơn và còn bi thảm hơn nữa.
Quả thật, "Không ai cho cái mình không có". Tiếc thay việc đầu tiên là biết và ý thức ơn gọi giáo dân đã bị bỏ quên. Đức tin là ân huệ Chúa ban cho mỗi người chúng ta khi nhận Bí Tích Thánh Tẩy. Đây là lộ trình dẫn đưa chúng ta tới gặp Chúa. Đức tin là con đường dài mà chúng ta sẽ đi suốt cuộc đời. Nhưng "vô tri bất mộ" cho nên ta tự liệt mình thuộc hạng cá kèo, tầm thường nhất: việc nên thánh, truyền giáo ... chỉ dành cho linh mục tu sĩ hay những nhóm được tuyển chọn. Thực ra các linh mục, tu sĩ không thể dấn thân hoàn toàn vào đời thường cách trọn vẹn : đó là điều chắc chắn. Công đồng Vat II cũng không nói đời sống tu trì là mẫu mực cho đời sống hôn nhân gia đình mà là ngược lại.
Tâm lý ngán ngại là trở lực tiếp theo. Ít nhiều gì dân "ta ru " cũng bị tiếng là ăn cơm nhà Đức Chúa trời mà chẳng nên cơm cháo gì. Từ ngữ "tu xuất" ( sorti) hàm nghĩa khinh miệt. Từ lâu rồi, các linh mục tu sĩ cũng đề phòng thành phần này. Đương nhiên là thành phần vô kỷ luật, quậy phá, bất mãn ... thì mới "xuất tu". Câu "Chúa gọi nhiều mà chọn ít " vẫn không thể biện minh cho măc cảm tự ti .
Nhưng dân "ta ru" cùng lúc cũng mang mặc cảm tự tôn theo kiểu các đấng, các bậc trích dẫn Kinh Thánh tôi cũng đọc và suy niệm Lời Chúa; qúy vị trưng dẫn công đồng ( Vat II) tôi cũng có biết rồi. Thực sự trong quá khứ đã có nhiều chống đối từ dân "tu xuất" trong nhiều lãnh vực của giáo xứ từ hội đoàn đến ca đoàn, từ phụng vụ đến nhiều lãnh vực khác. Đau lòng thay, nhiều người đi đến cực đoan tách rời khỏi giáo hội cách này cách khác.
Không lạ gì nếu linh mục tu sĩ ngại giáp mặt chứ đừng nói gì cộng tác với dân "tu xuất". Chính anh em cựu chủng sinh cũng ngần ngại khi trao đổi, cộng tác với nhau: rất bình thường bởi lẽ rất VN.( theo kiểu 1 người VN giỏi hơn 1 người Nhật; 2 người Vn giỏi bằng 2 người Nhật và 3 người VN chắc chắn kém xa 3 người Nhật)
Khi còn ở chủng viện ai cũng được nghe châm ngôn đại để "chủng viện là con ngươi giám mục". Nghe thì vậy nhưng 1 thậm chí vài năm vị cha chung mới ghé 1 lần và chỉ lưu lại 1 kỷ niệm là anh em được nghỉ, được xem phim....chứ không có gì cao sâu khác.
Nhìn vào danh sách các linh mục nổi tiếng hồi tục như : Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Khắc Xuyên , Lê tôn Nghiêm, Nguyễn Ngọc Lan...Hiện nay chỉ thấy Tạ Đình Vui là đang cộng tác tích cực với giáo phận. Còn biết bao linh mục hồi tục khác nữa bị coi như " đồ chúc dữ"... Cây xanh mà còn bị đối xử như vậy thì cây khô.... à há!
Hơn nữa hoàn cảnh của giáo hội Việt Nam theo truyền thống quá đề cao vai trò của linh mục, tu sĩ cho nên vai trò người tín hữu mặc nhiên là bị lệ thuộc. Cái gì cũng phải bẩm cha, kính cụ kể cả nhiều lãnh vực mà các linh mục không phải lúc nào cũng là chuyên viên[ thí dụ xây dựng, trang trí hay giao tiếp với chính quyền....] ( Giáo hội Đại hàn hay Nhật bản ... ngay từ đầu người tín hữu có vai trò chủ động hơn).
Nhìn vào thực tế, để đào tạo được 1 linh mục thường có ít là 10 người "chuyển hướng". Như vậy hiện nay còn cả trăm ngàn mấy ông "tu ra" ... Có nhiều ông "ta ru" học đủ để làm linh mục nữa. Ôi chao sao lại phí hoài ơn Chúa quá như vậy? Trong khi bây giờ các dòng đua nhau mở nội trú, lưu xá để giúp đỡ các sinh viên với hy vọng rằng trong tương lai họ sẽ là những người cha, người mẹ tốt.
Bi quan nhỉ! Có lối thoát nào không???
Chúng ta đã gây ra vấn đề thì chính chúng ta là người giải gỡ.
Khởi đầu là việc đọc lại công đồng Vat II như năm đức tin mời gọi, để ý thức ơn gọi "sống thánh giữa đời" của người tín hữu. "Hỡi người Kitô Hữu hãy ý thức phẩm giá của mình" Lời thánh Lêo Cả hôm nay còn hợp thời lắm. Chắc chắn các cựu tu sinh phải đứng đầu trong số"giáo dân đứng hàng đầu"( hồng y Cardin). Phải chăng chúng ta chưa dám dấn thân thật: việc lãnh ấn tiên phong xin dành cho người khác.
Xóa bỏ mặc cảm: điều này khá khó khăn nhưng không phải là không làm được. Từng bước, từng bước cả hai bên đều tiến gần lại nhau: sống là không chờ đợi thật đúng trong trường hợp này.
Chắc chắn là phải bắt tay ngay vào việc: không làm như thánh Phanxicô Xavier thì làm theo kiểu thánh Têrexa Hài đồng.
Hình như vẫn chưa đâu vào đâu nhỉ?
Ta cùng đọc thêm sứ điệp ngày cầu nguyện cho ơn gọi lần thứ 50 của Đức Ben XVI
Vào mọi thời điểm, đặc biệt vào những thời điểm khó khăn nhất, chính sự trung tín của Thiên Chúa là nguồn sức mạnh đích thực của lịch sử cứu độ
Như thế, niềm hy vọng được nuôi dưỡng bằng chính sự xác tín này: "Chúng ta đã nhận biết tình yêu của Thiên Chúa đối với mình, và đã tin vào tình yêu đó" (1 Ga 4, 16)
Như trong cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu ngày xưa, thì hôm nay Chúa Phục Sinh cũng tiếp tục rảo bước đồng hành với cuộc đời chúng ta, nhìn thấy chúng ta ngụp lặn trong những sinh hoạt thường ngày, với những nhu cầu và khát vọng. Chính trong cuộc sống thường ngày đó Ngài tiếp tục ngỏ lời với chúng ta; mời gọi chúng ta cùng sống với Ngài vì chỉ có mình Ngài là Đấng có thể thỏa mãn khát vọng của chúng ta.
Chính Chúa kêu gọi chúng ta, dù chúng ta đầy khiếm khuyết, để trở nên dụng cụ bé nhỏ trong tay Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi như Abraham xưa kia"tuyệt vọng mà vẫn 1 lòng cậy trông" Rm 4,18. Dù chỉ là tôi tớ, Chúa cũng muốn nghe tiếng "Xin Vâng" Lc 1,38 như Đức Maria ( hai mẫu gương mà sứ điệp ơn gọi năm nay nhắc đến)
Được mời gọi là danh dự, là hạnh phúc của con người. Vì nhờ ơn được mời gọi ấy, con người cộng tác với Thiên Chúa hoàn hảo công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa của Người.
Từng giây phút hiện tại, chúng ta trung tín để làm trọn ơn gọi của mình, sẽ là một chuỗi tình yêu của chúng ta đáp lại ân huệ của tình yêu Thiên Chúa.
"Anh chị em hãy trở thành những người gìn giữ hồng ân của Thiên Chúa". [ĐGH Phanxixô]
Ơn gọi không bao giờ là đích đến, là mục tiêu phải đạt được. Đó là một hành trình luôn cần có Chúa Giêsu bên cạnh, một mối tương quan mật thiết cần phát triển lên. Với niềm xác tín và khát khao chúng ta hãy mạnh dạn sống đức tin giữ đời thường và mang Đức Kitô đến cho mọi người vì đó là điều quan trọng nhất của đời người Kitô hữu.
Lạy Chúa bấy lâu con thao thức như thánh Âu Tinh, tìm kiếm con đường đến với Chúa, nhưng con lại không biết rằng "Chúa là đường là sự thật và là sự sống"[ Ga 14, 6].
Lạy Chúa, Chúa biết chúng con luôn cần đến Chúa. Xin dẫn chúng con vào đường lối của Ngài. Dù ở đâu, làm gì, lúc nào chúng con cũng không ra ngoài tầm nhìn của Chúa.
Xin Chúa chúc lành cho chúng ta và công việc của chúng ta.
Ex 772
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.