XÂY NHÀ TRÊN ĐÁ
Đêm nọ vị mục sư đi đóng cửa nhà thờ bỗng thấy một cậu bé nằm ngủ trên hàng ghế chót. Ông đến đánh thức cậu dậy, mời cậu ra để ông đóng cửa nhà thờ. Cậu bé nài nỉ ông thương cho ngủ đỡ một đêm, nhưng ông dứt khoát từ chối. Thấy cậu van xin quá, ông gọi điện đến hai trung tâm, nhưng cả hai nơi đều từ chối vì hết chỗ. Thế là cậu bé phải lủi thủi đi vào đêm tối, mà chẳng biết mình sẽ đi về đâu!...
Về đến phòng, vị mục sư bắt đầu đọc kinh tối và Kinh Thánh như thường lệ. Hôm đó, ông đọc ngay dụ ngôn nói về người Samaritanô nhân hậu. Bỗng ông thấy cậu bé lúc nãy giống như người bị kẻ cướp, còn ông là một trong các tư tế bước qua một bên mà đi, không thương giúp người bị cướp…
Nhìn lại chính mình và tự vấn lương tâm, nhiều lúc chúng ta cũng đã hành động như vị mục sư trên đây. Chúng ta đã từng đọc và nghe Lời Chúa, nhưng hạt giống Lời Chúa không sinh hoa kết quả gì trong cuộc sống chúng ta.
Những ai nghe Lời Chúa mà không đem ra thực hành thì “giống như người dại xây nhà trên cát” (Lc 6,49). Cuộc đời này quá ngắn ngủi để chúng ta xây dựng khát vọng trường cửu của mình. Cần sáng suốt nhận định những gì chóng qua và những gì có giá trị vĩnh cửu. Phải lấy Lời Chúa làm khuôn vàng thước ngọc và nền tảng vững chắc cho cuộc sống như người xây nhà trên đá… (Theo “Sám hối và Canh Tân”).
Sau khi trình bày Hiến Chương Nước Trời trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu kể dụ ngôn xây nhà trên đá và trên cát như để xác quyết rằng: Nghe Tin Mừng cứu độ chưa đủ, cần phải đem ra thực hành. Biết Phúc Âm chưa đủ, còn phải sống Phúc Âm.
1. Sống đạo cũng giống như xây nhà.
Muốn xây một ngôi nhà hoàn mỹ phải hội đủ hai yếu tố quan trọng, đó là đẹp và bền. Ngôi nhà càng cao nền móng càng phải vững chắc.
Chúa Giêsu ví đời sống đạo của người tín hữu như việc xây nhà. Có người xây trên nền cát không vững. Có người xây trên nền đá rất vững vàng. Người nghe và thực hành Lời Chúa như người khôn ngoan xây nhà trên nền đá. Gió bão mưa lũ không làm cho ngôi nhà lay chuyển được. Người nghe Lời Chúa mà không thực hành như người ngu dại xây nhà trên cát. Mưa sa bão táp nuớc lùa, ngôi nhà sẽ bị đổ.
Hai ngôi nhà bề ngoài như nhau. Chỉ khi có mưa sa bão táp mới biết nhà nào xây trên đá, nhà nào xây trên cát. Như hai ngôi nhà, hai tín hữu có thể giống nhau bề ngoài, sử dụng cùng những từ ngữ, thi hành cùng một chức vụ, được cùng thứ ơn đoàn sủng trong Giáo Hội. Chẳng thấy họ khác biệt nhau chỗ nào, lương tâm của cả hai có lẽ cũng bình an như nhau. Thế nhưng kẻ này mềm như cát, người kia vững như đá. Chính cơn thử thách sẽ cho thấy bản chất đích thực của hai người. Có những Kitô hữu đã ngã đỗ vì một thử thách. Chẳng hạn, cầu nguyện sốt sắng mà vẫn không được nhận lời, bị người thân yêu nhất phản bội, bàng hoàng trước gương xấu của một số chủ chăn. Đó là bởi thay vì đặt niềm tin của mình trên Lời Chúa, họ đã xây nó trên tình cảm tôn giáo (mà họ lầm lẫn với đức tin), trên các quyến luyến nhân loại (mà họ cho là đức bác ái) hay trên một sự nóng lòng chờ đợi các kết quả thấy được bên ngoài (mà họ đồng hóa với đức cậy trông).
Có một số cách sống đạo, cần xét mình để xem đó có phải là xây nhà trên nền đá vững chắc hay không.
- Sống đạo bằng cách đọc kinh, dự lễ rất đầy đủ và chuyên cần. Có lẽ đa số người giáo dân theo cách này. Ngày Chúa Nhật và những ngày lễ, nhà thờ đông người tham dự. Nhiều nơi xây thêm nhà thờ mới. Nhiều nhà thờ ngày càng trở nên chật hẹp, phải nới rộng thêm. Đây cũng là cách của những người biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu đã nói “Không phải những ai thưa ‘Lạy Chúa lạy Chúa’ mà được vào Nước Trời”. Đọc kinh dự lễ rất nhiều mà rốt cuộc không được vào Nước Trời. Đó là xây nhà trên cát.
- Sống đạo bằng cách chọn Chúa là Đấng bảo vệ che chở cho đời mình. Người ta, có kẻ thờ Quan Công, có người thờ thần tài, có người thờ Phật Bà Quan Âm. Nhưng tôi nhất quyết chọn Chúa vì tin rằng Ngài quyền phép hơn tất cả những thần thánh kia. Bởi thế, khi bắt đầu làm ăn, tôi cầu xin Chúa giúp; khi gặp trục trặc, tôi xin Ngài giải quyết; khi thành công, tôi dâng lễ vật tạ ơn Ngài; cho đến khi sắp chết, tôi xin Ngài rước tôi lên thiên đàng với Ngài. Thiên Chúa trở thành ô dù, là nhà tài trợ, là mạnh thường quân, là lá bùa hộ mệnh. Những người này có phần “khôn khéo” vì biết chọn theo Thiên Chúa mạnh thế hơn, nhưng xét cho cùng thì cách sống đạo của họ cũng không khác gì những người thờ các thần khác. Cũng là xây nhà trên cát.
- Có những người bệnh tật không đến nhà thờ được, hoặc ở nơi không có nhà thờ. Họ không dự lễ nhiều, nhưng họ luôn cố gắng thực hành những điều Chúa dạy trong Tin Mừng, họ quan tâm tìm hiểu ý Chúa và làm theo ý Chúa. Chúa Giêsu nói về họ: “Ai nghe những lời Thầy nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá”. (sợi chỉ đỏ)
2. Xây nhà trên đá vững chắc
Cái nền đá vững chắc mà Chúa Giêsu nói, đó chính là đức tin thể hiện bằng việc làm “Không phải những ai nói với Ta ‘lạy Chúa, lạy Chúa’ mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ có người nào thực hiện ý Cha Ta trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời”; “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây và đem ra thực hành thì giống như người khôn ngoan đã xây nhà mình trên đá”.
Chúa Giêsu không hề hứa là ngôi nhà trên đá sẽ không bị mưa tuôn, sóng vỗ. Điều Chúa hứa là cho dù ngôi nhà đó có bị bao nhiêu mưa tuôn và sóng vỗ đi nữa thì nó vẫn đứng vững.
Hơn hai ngàn năm qua, Giáo Hội vẫn luôn đứng vững dù gặp nhiều cơn bão tố phủ vây. Giáo Hội được xây dựng trên nền Lời Chúa. Lời đã được đem ra thực hành trong đời sống của Giáo Hội suốt dòng lịch sử.
Tri thức cần phải chuyển biến thành hành động. Lý thuyết cần đem vào thực hành. Thần học cần đưa vào cuộc sống. Một giáo dân thường biết áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống, canh tân theo tinh thần Tin Mừng thì có giá trị hơn nhà Thần học, nhà Thánh Kinh mà không sống Lời Chúa.
Một đời sống đạo được kết hợp bằng những hiểu biết lý thuyết, được diễn tả bằng ngôn ngữ hoa mỹ, có thể đánh lừa được người khác, hoặc tự tạo cho bản thân một cảm giác an toàn giả tạo, nhưng nó sẽ rất nguy hiểm khi mưa lũ thử thách và bão táp bách hại kéo đến, thiệt hại tất sẽ nặng nề.
Sách Cách Ngôn viết: “Bão táp thổi qua, gian ác chẳng còn, nhưng người chính trực vững như nền vạn cổ” (Cn10, 25). Người chính trực là kẻ khôn ngoan đã xây nhà trên nền đá, mưa có đổ, nước có tràn, gió có thổi nhà vẫn không sập. Người khôn ngoan ở đây không có nghĩa là người hiểu biết, giỏi lý luận, có thể nói về Thiên Chúa một cách lưu loát. Người khôn ngoan phải là người luôn tuân giữ giới luật của Thiên Chúa. Người khôn ngoan đón nhận hạt giống từ kho tàng Thánh Kinh và đem gieo vào cuộc sống thực tế để cây Lời Chúa mọc lên trổ sinh bông hạt.
Lời Chúa vốn đã tốt đẹp bền vững, không cần con người phải chải chuốt tô điểm. Bổn phận của con người là phải liên kết Lời Chúa vào đời sống của mình. Chẳng một dịp nào mà con người có thể bỏ qua mà không áp dụng vào lời dạy của Chúa Giêsu. Chẳng một câu hỏi nào mà không đòi hỏi có giải đáp đã nằm sẵn trong lời dạy của Đức Kitô. Một đời sống đạo lý tưởng phải là lời lặp lại câu nói của thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.
Sống đạo không chỉ bằng lời nói: đọc kinh nhiều, hoặc bằng ý nghĩ hay: suy tưởng sâu xa, nhưng còn bằng việc làm nữa, biết chăm lo thực hành thánh ý Chúa để thánh hoá đời sống mỗi ngày.
Lòng đạo đức đích thực không phải do những hình thức đạo đức bên ngoài, nhưng do đời sống phù hợp với Tin Mừng của Chúa. Muốn vào Nước Trời, cần phải nỗ lực và kiên trì sống tinh thần và giáo huấn của Chúa, chứ không được tự mãn vì những hình thức sống đạo bên ngoài. Tác giả linh đạo Kenpis từng nói: “Sống khiêm nhường thì quan trọng hơn biết được định nghĩa về đức khiêm nhường”. Học, đọc, suy niệm Lời Chúa chưa đủ, mà còn phải đem áp dụng vào đời sống những giáo huấn của Chúa nữa.
3. Vấn đề thời sự
Diễn biến của khu vực Bắc Phi và Trung Đông dồn dập xảy ra trong những ngày qua. Sau sự ra đi của các nhà độc tài, các nhà phê bình thường phán xét mức độ tội ác trong thời gian trị vì, sự thiệt hại, cũng như hậu quả mà họ đã gây ra cho quốc gia đó và thế giới. Có nhiều nhận định về sự khôn ngoan, ngu xuẩn của các nhà lãnh đạo. Ngày hôm nay, nhân dân yêu chuộng tự do và dân chủ trên toàn thế giới nói chung và người Việt nói riêng, vui mừng trước sự sụp đổ của hai thể chế độc tài ở Tunisia và Ai Cập. Đồng thời mọi người cũng đang hồi hộp theo dõi dòng các sự kiện dầu sôi, lửa bỏng tiếp theo ở các quốc gia Ả Rập khác như Algieria, Yemen, Jordan, Barhain, Syria, ... và đặc biệt tại Libya.
Ngày 22.2, trong một cuộc họp khẩn cấp, Saif al-Islam Gaddafi, con trai của Muammar Kadafi thông báo đã có 300 người bị chết, trong đó có 242 thường dân và 58 binh lính.Thấy khó giành được ưu thế trên mặt đất, Kadafi đã ra lệnh cho máy bay quân sự ném bom, nhả đạn vào người biểu tình, tuyên bố đanh thép sẽ tử thủ tại Tripoli và với những ai chống đối sẽ bị trừng phạt bằng cái chết.
150 ngàn binh lính, cảnh sát và lính đánh thuê là nền móng của chế độ Kadafi. Một nửa trong số này là quân tinh nhuệ. Nếu không tiếp tục duy trì quyền kiểm soát được lực lượng này, Kadafi sẽ mất quyền lực.Tuy nhiên, dù quân đội tinh nhuệ, cảnh sát và lính đánh thuê hùng hậu, nhưng khi đã dã man, vô nhân đạo nổ súng vào dân thường, thì họ không đủ mạnh nữa. Tàn ác cỡ Hitler cũng không quay ngược súng bắn vào nhân dân của mình. Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel nói rằng “Kadafi đã tuyên bố chiến tranh với chính dân tộc mình”. Miền Đông Libya dường như tuột khỏi tầm kiểm soát của Kadafi, trong khi ngày càng tăng lên số binh lính ngả về phe đối lập. Lệnh xử bắn ngay lập tức lính đào ngũ không giúp được Kadafi bao nhiêu. Truyền hình Al-Jazeera loan tin Ngoại trưởng Libya kêu gọi quân đội đứng về phía đối lập. Các giáo sĩ chuyển thông điệp tới tín hữu chống lại Kadafi và coi đây là trách nhiệm của người Hồi giáo. Hai máy bay phản lực hạ cánh xuống Malta xin tỵ nạn chính trị vì từ chối ném bom xuống quần chúng. Hàng loạt các đại sứ của Libya ở nước ngoài từ chức phản đối cuộc tắm máu của Kadafi. Liên đoàn các nước Ả Rập họp bất thường loại bỏ Libya tham dự và đòi hỏi Kadafi “chấp nhận khát vọng của dân tộc Libya” và “phải bảo vệ an toàn cho nhân dân”. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp...
Hosni Mubarak trong tình thế nguy cập đã lên truyền hình xoa dịu, cam kết không ra tranh cử vào tháng 9, tiến cử Phó Tổng thống và uỷ quyền cho ông ta thương lượng với các lược lượng phản kháng và quân đội. Quan trọng nhất là Mubarak đã không dùng quân đội chống lại nhân dân. Việc điều động xe tăng tới quảng trường Tahrir chỉ cốt đe doạ. Hình ảnh người cha đặt em bé ngồi trên xe tăng hay cặp uyên ương trong bộ đồ cưới chụp hình bên xe tăng sẽ đi vào lịch sử như những hình ảnh tuyệt đẹp của cuộc xuống đường bất bạo động và tình cảm giữa người lính với nhân dân.
Có khoảng 100 người tử vong, hàng trăm người bị thương, trong hơn ba thập kỷ cầm quyền cái ác mà Mubarak đưa lại cho nhân dân Ai Cập nhiều hơn cái thiện, nhưng sự ra đi của Mubarak dù sao cũng khôn ngoan hơn Kadafi nhiều.
Kadafi cho máy bay dội bom chính thủ đô của mình, bắn thẳng vào chính nhân dân của mình, những người mà không có họ ông ta đã không có cơ hội để ngồi trên ngai vàng suốt 42 năm qua.
Về số phận của Muammar Kadafi tôi cho rằng, nếu không giống như Saddam Hussein của Iraq, Slobodan Milosevic của Serbia, thì rất có thể là màn kịch dành cho Ceausescu của Romania trong năm 1989 sẽ tái diễn. Cho dù Kadafi không những sử dụng xe tăng như Đặng Tiểu Bình trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 mà còn sử dụng cả máy bay ném bom nữa. Kadafi rồi sẽ thất bại. Những ngày tàn của Kadafi chắc chắn đang kết thúc. (x.Blog LeDienDuc)
Một loạt tổng thống thủ lĩnh sống như vua nhiều năm không thể bạo tàn mãi ở Tunisia, Ai Cập, Bahrain, Lybie, Yemen… Những Ben Ali, Hosni Mubarak, Muammar Kadafi và tiếp theo còn ai nữa ôm hàng tỷ đôla bãi chức ra đi tìm mua một chỗ nằm…
Những bài học về sự khôn dại, xây nhà trên đá trên cát rất thiết thực qua những diễn biến thời sự nóng bỏng.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
(nguồn : thanhlinh.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.