Thứ Tư, 14 tháng 7, 2010

Thần dược "Tongkat ali" của Mã Lai hay Mật nhân của Mít ???

Ôi "Tonkat ali" của Ex LT......

Rễ cây mật nhân đào về từ rừng Phước Lộc (Phước Sơn, Quảng Nam) được rao bán với giá 200.000 đồng/kg - Ảnh: T.Vũ
Nhiều tháng nay, người dân các huyện miền núi Quảng Nam như Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang... đổ xô vào rừng để đào gốc cây mật nhân đem bán.
Thông tin về khả năng chữa bách bệnh của cây mật nhân xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng Internet khiến nhiều người từ đồng bằng ngược lên núi tìm mua đã đẩy giá mật nhân từ 30.000 đồng/kg vọt lên 200.000 đồng/kg nhưng không có để mua...
Đổ xô lên rừng
Tờ mờ sáng, ngay ngã ba trung tâm huyện Phước Sơn, gần chục xe thồ đang chuẩn bị đưa khách vào xã Phước Lộc, một xã cách trở nhất của huyện Phước Sơn. Chuyện xe thồ đưa khách vào các cánh rừng sâu ở Phước Sơn không lạ vì những bãi vàng đã tồn tại ở đây gần 20 năm qua. Phước Sơn một thời huyên náo vì vàng, các cánh xe thồ cũng nổi lên từ đó. Nhưng khác với những chuyến xe thồ trước, lần này xe chở những tốp người luồn sâu vào những cánh rừng để săn tìm gốc cây mật nhân.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn, chạy xe ôm, cho biết chở một khách đi từ thị trấn vào Phước Lộc giá không dưới 500.000 đồng, nếu đi khứ hồi khoảng 800.000 đồng/người. Công việc xe thồ của anh trở nên khấm khá hẳn lên vì nhiều tháng nay có người vào ra liên tục. Do rừng Phước Lộc được phát hiện là nơi tụ rất nhiều cây mật nhân, nhất là tại Phước Sơn, thế nên hơn hai tháng qua dòng người từ nơi khác đã ùn ùn kéo về đây khai thác.


Cây mật nhân có tên khoa học là Eurycoma longifolia Jack (còn gọi là cây “bá bệnh” hay “bách bệnh”) thuộc họ thanh thất, được các nhà khoa học Trường đại học Dược Hà Nội tìm thấy tại VN từ năm 2006. Loài cây này cao 2-8m, lá kép, không cuống, mặt trên xanh bóng, mặt dưới trắng mốc. Cuống lá màu nâu đỏ. Cụm hoa hình chùm tán mọc ở ngọn. Hoa và bao hoa phủ đầy lông màu đỏ nâu. Quả hình trứng hơi dẹt, có rãnh giữa, khi chín màu vàng đỏ chứa một hạt, trên mặt hạt có nhiều lông ngắn.

Theo kinh nghiệm dân gian, người ta dùng thân cây, rễ cây mật nhân (có vị đắng, tính mát) sắc thuốc hoặc sao vàng để trị bệnh liên quan về xương, khớp.

Chị Nguyễn Thị Phượng - cán bộ văn hóa xã Phước Lộc, một trong số những người từng theo dân trong bản đi đào mật nhân - cho biết cây mật nhân tại đây mọc thành từng đám lớn giữa rừng. Một thanh niên có sức khỏe và đủ thiết bị máy móc (tời, kéo) một ngày có thể đào đến cả trăm ký mật nhân, nhưng vì đường sá xa xôi nên mật nhân được các thương lái ép bán với giá rẻ chừng 30.000 đồng/kg. “Những hôm có người dưới xuôi vào mua nhiều giá tăng lên 50.000-70.000 đồng/kg. Còn nếu chở ra tận thị trấn Phước Sơn có lúc giá bán lên đến 200.000 đồng/kg. Một người bình thường nếu chịu khó cũng kiếm được cả triệu đồng từ bán mật nhân” - chị Phượng bảo.
Cũng theo chị Phượng, mật nhân được đào từ Phước Lộc có giá nhất vì Phước Lộc là vùng núi cao, thời tiết luôn lạnh. Chính vì vậy rễ cây mật nhân ở Phước Lộc chứa nhiều biệt dược. Sau khi đào lên khỏi mặt đất, gốc và rễ mật nhân sẽ được cưa nhỏ từng khúc đem rửa sạch rồi chẻ thành từng lát mỏng phơi khô. Khi dùng chỉ cần bỏ một vài lát vào chén nước sôi hoặc cho vào rượu ngâm vài ngày rồi lấy ra uống sẽ trị được bách bệnh...
Thuốc chữa bách bệnh?
Hơn hai tháng nay tại thị trấn Phước Sơn, nhiều gia đình đã tự ý dựng bảng hiệu rao bán mật nhân ngay trước ngõ vào nhà. Trưa 28-6, chúng tôi tìm đến nhà ông Ngô Bá Thảo (khối 4, thị trấn Phước Sơn) hỏi mua mật nhân để đưa về xuôi, nhưng tất cả đều phải đợi bởi đã có một số khách hàng đến trước, còn mật nhân đang trong quá trình sơ chế.
Trong khi khách hàng đang bàn tán râm ran về công dụng của cây mật nhân thì hai vợ chồng ông Thảo lại hì hục cưa, chẻ những khúc rễ cây màu trắng vừa lấy từ rừng ra còn tươi nguyên.


Người dân vùng cao Tây Giang đi rừng đào cây mật nhân đưa về bán - Ảnh T.Vũ
Bà Mai Thị Hồng, vợ ông Thảo, vừa làm vừa hào hứng nói với khách về công dụng của loài cây này. “Bệnh gì uống cũng hết. Đau dạ dày, đau khớp, viêm xoang, viêm gan, nhức mỏi tay chân, biếng ăn mất ngủ... đều dùng cây này để chữa. Có thể ngâm rượu từ 3-5 ngày là uống được hoặc chẻ nhỏ ngâm trong nước sôi 15 phút rồi uống như uống nước chè” - bà Hồng diễn giải.
Theo lời của nhiều người dân tộc Bhnông ở Phước Sơn, cách đây vài tháng phó bí thư Huyện ủy Phước Sơn Nguyễn Văn Thịnh trong một lần đi Malaysia công tác đã tình cờ phát hiện cây mật nhân được tinh chế bày bán khắp các hiệu thuốc ở Malaysia dưới tên gọi là cây sâm đắng (Tongkat ali) với nhiều công dụng.
“Sau khi tận mắt nhìn cây mật nhân ở Malaysia, tôi quả quyết rằng loài cây này mọc đầy ở rừng Phước Sơn quê mình. Ngay khi về nước, tôi đã lên rừng đào về và phổ biến cho nhiều người dân uống” - ông Thịnh cho biết. Theo ông Thịnh, tại Malaysia sau khi tinh chế, giá 1kg mật nhân được bán không dưới 6 triệu đồng.
“Nếu quả thật mật nhân tại VN giống như Malaysia thì chúng ta cần phải bảo vệ trước khi chúng bị con người tìm diệt” - ông Thịnh nói. Trong khi đó theo ông Lê Nho Năm - hạt trưởng Hạt kiểm lâm Phước Sơn, mật nhân là loài cây bụi, có rễ cọc, hiện chưa có công trình khoa học hay văn bản nào cho rằng loài cây này chữa được bách bệnh, vì thế ngành kiểm lâm không thể cấm người dân khai thác.
Theo lương y Trần Hữu Nam - phó chủ tịch Hội Đông y TP Đà Nẵng, cây mật nhân hoàn toàn không có tên trong dược điển (sách dược), vì vậy trong đông y không hề có bài thuốc nào nói về công dụng của cây mật nhân dành để chữa bệnh cả.
Tuy nhiên theo lương y Nam, đây là một bài thuốc dân gian xưa nay vẫn dùng để trị duy nhất một căn bệnh liên quan về xương, khớp. Những người cơ thể bị nhức mỏi, đau khớp có thể dùng mật nhân để chữa trị. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ giúp giảm bệnh chứ không thể chữa khỏi bệnh.
Lương y Trần Hữu Nam cũng khuyến cáo: với những người có sức đề kháng yếu (trong cơ thể mang nhiều bệnh liên quan đến nội tạng như gan, mật, dạ dày...), nếu dùng mật nhân sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy không thể nói cây mật nhân chữa trị bách bệnh được.
Theo Đăng Nam - Tấn Vũ / Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.