Chân dung vị chân sư: Cha Gioakim Nguyễn Văn Hiếu
Có một website làm thống kê với câu hỏi "Thời điểm nào là dấu ấn hạnh phúc lưu đậm nét trong đời bạn". Đại đa số phản hồi lại: những tháng năm Trung Học. Tại sao lại không phải là Tiểu hoặc Đại Học? Có lẽ thời Tiểu Học trí óc non như chim mới ra ràng, cảm quan thế giới chung quanh chưa đọng hình, còn thời Đại Học đã nhen nhúm tham sân si, đánh bóng phỉnh phờ, háo thắng, ích kỷ lộ dần nét muốn vơ về bản thân. Chỉ những năm Trung Học thoáng vui thoáng buồn, hạnh phúc tinh khiết nhất của đời người.
Riêng tôi, nếu được hỏi "Ai là người đã ảnh hưởng nhất đến đời sống của bạn?" Tôi không ngần ngại trả lời: "Ngoài các bậc thánh nhân và cha mẹ, người có ảnh hưởng nhất đến đời tôi chính là Cha Gioachim Nguyễn Văn Hiếu.
Năm lớp Nhì (lớp 4 ngày nay) ở một trường ngoại ô Sài thành, gần cuối năm thầy giáo ra bài luận với đề tài "Hãy kể lại ước mơ của em sau này sẽ làm gì ?", thế là bọn nhóc cả lớp hăm hở cắm cúi viết, thôi thì đủ các loại ước mơ: bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, thủ tướng… chẳng hiểu sao khi đặt bút xuống trí óc tôi lại nặn ra một giấc mơ rất khác người: "Em ước mơ sau này sẽ trở thành một linh mục với chiếc áo dài đen đi lên đi xuống giữa nhà thờ và đám đông…"
Chỉ một bài viết với vài dòng chữ đơn giản đó đã làm đời tôi thay đổi hẳn. Ông giáo già có đạo từ ngày đó thường lén nhìn tôi mỉm cuời mãn nguyện, nên mặc dù chưa thành Linh Mục nhưng bao giờ ông cũng thường xí xóa những lỗi nhỏ mọn, "xin lễ truớc" tôi bằng những điểm 10 tròn trĩnh dễ yêu.
Viết chơi mà hóa thiệt, vào một ngày đầu tháng Sáu năm 1969 lần đầu tiên tôi đến Chủng Viện Sài Gòn tham dự khóa "Chiêu Sinh vào Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Sàigon" kéo dài 3 ngày gồm các môn: Chính Tả, Toán, Luận Văn và Giáo Lý (các phần trong sách Giáo Lý Tân Định). Trong số hơn 400 em thi năm đó, Chủng Viện chỉ nhận 60 em (do 9 em trùng điểm nên kết quả là lớp 1969 có 68 em). Tại sao phải ở lại 3 ngày? Có lẽ vì ngoài các môn thi về tri thức, Chủng Viện muốn dành thêm thời gian thẩm định hạnh kiểm. Tưởng đến tận chốn này tôi sẽ gặp toàn các tu sĩ Công Giáo, nào ngờ lại gặp một Hòa Thượng áo đen. Vị Hòa Thượng ấy sau này tôi mới rõ đó là Cha Giám Đốc Tiểu Chủng Viện Sài Gòn Gioakim Nguyễn Văn Hiếu với mái "tóc mây", một thứ mái không bao giờ cần đến lược. Cha xuất hiện với đề tài bài luận trong tay: "Em hãy cho biết vì sao em muốn trở thành một Linh Mục"
Năm đó tôi viết kể lại những ngày lụt nước cao ở Rạch Giá, họ hàng cô chú bác tôi phải mang toàn bộ gia đình lên Sàigon, gồng gánh tạm trú nhà tôi. Rảnh rỗi đám trẻ nhỏ thường bắt chước bày trò "xem lễ". Đứa em họ tôi tính ngổ ngáo chỉ thích sắm vai "ông quản" với chiếc roi tre gõ đầu đám trẻ "hay lo ra, chia trí…khi xem lễ", còn tôi bao giờ cũng đòi sắm vai Linh Mục chỉ vì thích dâng lễ.
Bạn tôi, Vũ Quanh Khanh (hiện ở Montréal Canada) sau này kể lại đã viết bằng một kỷ niệm buồn rất thật trong đời:
- "Mầu áo dài đen là dấu chỉ của sự tang tóc, cuộc đời Linh Mục luôn gắn liền nỗi âu sầu của nhân loại. Em cũng đang có một mảnh vải đen trên ve áo: mẹ em đã không còn nữa cho đến hôm nay được đúng 3 tháng 12 ngày. Gia đình em có 6 chị, em là con trai út duy nhất trong nhà. Em muốn làm Linh Mục để cầu nguyện cho tất cả các bà mẹ đã đi vắng nhà quá sớm, đặc biệt là mẹ của em"
Hơn 40 năm về trước, vào lúc 3:17 chiều (giờ Boston) ngày 20 tháng 7 hàng tỷ người khắp thế giới dán mắt vào màn hình theo dõi bước chân đầu tiên của con người trên mặt trăng. Phi hành gia Armstrong chập chững những bước chân đưa nhân loại vào một kỷ nguyên mới, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI dâng lời cảm tạ Thiên Chúa. Sáu ngày sau, nhằm ngày 26 tháng 7 năm đó, lớp chúng tôi cũng chập chững bước vào Tiểu Chủng Viện. Năm đổi đời của tôi và các bạn lớp: 68 đứa hội tụ từ khắp ngõ ngách Sàigòn, từ những mái trường nhỏ bé rải rác xứ đạo di cư hay trường công lập, đứa hiền lành chăm chỉ, đứa nhấp nháy ngổ ngáo chưa thuần thục… cha mẹ muốn gửi vào để nhờ giáo dục, nếu không "đắc đạo" làm Linh Mục thì ít ra cũng nhận sự giáo dục tốt đẹp từ những minh sư đạo hạnh, "bậc tuyển" của Địa Phận.
Tôi và Cha Hiếu, cha con đã ở chung nhiều năm dưới cùng mái nhà, lúc nào tôi cũng thấy Cha mặc áo dòng khi ra khỏi phòng. Cha Hiếu mà mặc áo dòng thì đúng ra chiếc áo dòng phải cám ơn Cha vì nó toát ra được trọn vẹn sự giản dị, chân phương đạo hạnh của Thiền Sư. Có lẽ đúng ra tôi phải gọi là "áo khẩu" vì được may theo lối dân tộc với non sông đất nước, vải thâm nội hóa loạt soạt bước chân, cúc cài chéo qua vai kiểu quốc phục.
Ôi chiếc áo dòng của Cha Hiếu năm 1969!!!
Năm ấy sau một tuần ngỡ ngàng khung cảnh mới, chúng tôi bạo dần và bắt đầu hiện nguyên hình "tướng giặc". Bắt chước phi thuyền Apollo 11, tôi, Uông Thành Công, Nguyễn Đức Hỷ… (và vài bạn khác nay đã không nhớ rõ) dùng vỏ kem đánh răng Hynos bằng nhôm uốn thành khung phi thuyền, vỏ banh ping-pong đã dập bỏ đi được cắt nhỏ làm nguyên liệu nhét trong khoang, lúc đầu chỉ thí nghiệm giữa sân banh basket (trước phòng Cha Khả), sau chuyển ra phía trước núi Đức Mẹ, phòng Cha Hiếu nằm đối diện phía tay phải. Vài lần đầu "phi thuyền" phóng thành công cao gần tới ngọn cây me, nhưng đến lần sau cùng bay trật huớng, rớt ngay chỗ Cha Hiếu vẫn phơi áo dòng, khói bốc lên. Chúng tôi vội vàng chạy đến cất dấu tang vật. Trong lúc hốt hoảng tôi không mở ra xem rõ để biết đã cháy chỗ nào, chỉ biết là có thủng vài mảng.
Cha Hiếu đã bước vào đời tôi bằng những bước chân nhẹ nhàng nhưng luôn để lại dấu ấn sâu lắng vượt thời gian. Cha thích sửa chữa máy móc, có lẽ Cha là người đầu tiên trong Địa Phận dùng xe đạp có gắn motor và bình accu do chính Cha chế tạo. Tôi có chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Timex (loại của lính Mỹ chỉ dùng cho đến khi hư thì bỏ không sửa được vì không có chân kính ruby jewel bearings), nghe Cha biết sửa đồng hồ cứ hai ba tuần tôi lại mang đến nhờ Cha lau dầu và chỉ sau đó không lâu đồng hồ lại trúng gió lăn ra chết. Tôi vô tư mang đi mang lại như Chí Phèo cào mặt ăn vạ, vậy mà Cha vẫn cứ vui vẻ nhận lau dầu hết lần này đến lần khác. Cha Hiếu hình như không biết tức giận, phòng học lớp 6 của chúng tôi ngay cạnh phòng làm việc của Cha, khi thấy lớp quá ồn ào Cha bước vào không nói thành lời chỉ lấy bàn tay vuốt mặt như nuốt giận vào trong. Những đứa khác bảo Cha luyện Yoga nên không biết giận. Nhìn Cha lau mặt, tôi liên tưởng như khi Cha đang hì hục lau dầu chiếc đồng hồ của tôi.
Vào Chúa nhật ngày 19. 8. 2012, nghe Cha Hiếu lâm trọng bệnh, anh em Exkuro đại diện các lớp đã đến Giáo xứ Thủ-Thiêm thăm Cha. Vậy là năm nay Cha đã 88 tuổi. Đã hơn 30 năm qua tôi không gặp Ngài, 30 năm ấy qua nhanh như một giấc mơ. Hồi ấy Ngài khỏe là thế mà nay đã như chiếc lá vàng một sớm lạnh đầu thu.
Năm 2000, tôi trở về Việt Nam thăm mẹ tăng tốc úa tàn từ ngày cha tôi nằm xuống. Ông trùm trong giáo xứ từng làm việc chung trước đây biết tôi đã về, đến thăm hỏi. Tôi ngồi ngay đấy nhưng ông chỉ toàn nói chuyện với mẹ tôi kể đủ các chuyện về những người "tu xuất" trong làng ông, chen trong lời kể là giọng cười tru tréo: những ai từng ăn cơm nhà Đức Chúa Trời mà nửa đường "gẫy gánh" đều bị quả báo, Thiên Chúa trù diệt, họ nghèo ơi là nghèo… Mẹ tôi nghe vuốt mặt không kịp, ú ớ đáp lại "Cháu đâu đến nỗi gì… cũng có nhà cửa…". Tôi không nói lại, chỉ nghĩ đến hình ảnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Chúa Giêsu, các Tông Đồ… chưa từng "tu xuất" cũng đã từng sống tàn, đói rách, chết thảm như hạng bất lương. Cha Hiếu của tôi cũng từng sống nghèo, giản dị, chưa từng đứng tên trong sổ đỏ chủ nhà… Tâm trí người giáo dân thường đồng hóa Chức Thánh với quyền lực và tiền bạc như vậy khó lòng tẩy rửa. Có bản tin viết rằng Cha Hiếu đã là thầy dậy của 29 Linh Mục và 4 Giám Mục. Nhận xét như vậy mới chỉ là thấy bề mặt mà vắng chiều sâu. Thụ lãnh công ơn Người phải kể đến hằng ngàn cựu Chủng Sinh, nam nữ tu sĩ và Giáo Dân. Từ hàng ngàn ấy sẽ còn tiếp tục đâm chồi nẩy sinh trùng điệp bao thế hệ khác không dừng lại, có phải thế không? Hạt giống từ khi rời bàn tay Cha sẽ không bao giờ mất.
Quan niệm về truyền giáo hôm nay đã đổi khác, Giáo Hội trong Trần thế chứ không phải Giáo Hội và Trần Thế. Đạo giữa Đời chứ không phải Đạo và Đời. Đặc biệt hoàn cảnh xã hội Việt Nam, với 6% tỷ lệ Công Giáo sống xen lẫn "xôi-đỗ" giữa lòng dân tộc, ta ít còn "đi truyền giáo" (như từ các nước Tây Âu đến Việt Nam trước đây, hoặc từ đồng bằng lên Cao Nguyên) mà là "sống Truyền Giáo". Cha Giaokim Hiếu của tôi đã chẳng làm điều gì kỳ tích vĩ đại, Ngài chỉ sống giản dị là một con người có tấm lòng, âm thầm và lặng lẽ… kỳ lạ thay thế mà tôi lại nhớ mãi, ấn tượng lớn nhất trong thời thơ ấu của tôi.
Tôi viết bài này mang tâm tình người học trò với vị thầy đầu tiên khai mở tâm linh, những ngày tháng bên Cha, chúng tôi đã nhận được sự dậy dỗ, lời cầu nguyện của Ngài, hơn tất cả là tấm gương tận tụy, hiền lành, đạo đức của Ngài. "Kẻ sĩ" tồn tại trong xã hội hôm nay không phải là nhiều, hãy đến chiêm ngưỡng và suy niệm, kẻo một mai Cha đi rồi, thế giới này lại bỗng nhận ra sự thiếu vắng… để hồn ta thành một quán trọ chiều hoang.
Nguyễn Văn Thạch, lớp 69
Người Tôi Tớ Vô Dụng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.