Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

re: từ internet



Tưởng nhớ Cha Gioakim Nguyễn Văn Hiếu

Sáng hôm nay đang đi trên đường, tôi nhận được tin báo từ một giáo dân Thủ Thiêm: cha Gioakim Nguyễn Văn Hiếu đã về nhà Cha.

Lật đật 3 giờ chiều tôi chạy về Thủ Thiêm dự thánh lễ tẩm liệm cha Gioakim Nguyễn Văn Hiếu. Cha được sinh ra trong một gia đình công giáo đạo hạnh, ông bà cố cha Hiếu đã lần lượt hướng dẫn cho con cái của mình 4 người trở thành linh mục và một là nữ tu. Trong bốn anh em linh mục, Chúa đã gọi về ba người, cha Trung dòng Chúa Cứu Thế trong ngày hôm nay cứ tần ngần đứng bên linh cữu người anh mình. Trong lời cảm ơn, cha Trung chia sẻ chân tình: Thưa Đức cha, quý cha, quý tu sĩ và cộng đoàn, con là người rất sợ chết, nhưng hôm nay chứng kiến nghi thức nhập quan cho anh mình, con không thấy sợ chết mà thích chết. Vì con nhận thấy chết không còn lạnh lẽo mà ấm áp. ấp không phải từ những cây đèn cầy hay điện chung quanh đây, mà ấm bởi cái tình mà Đức cha, quý cha, quý tu sĩ và cộng đoàn dành cho anh của con. Con ước mong mình cũng được chết trong bầu khí ấm áp này. Quả là một lời cảm ơn ngắn, xúc tích, không sáo rỗng, không khách sáo mà rất ý nghĩa, thâm tình.

Cha Gioakim Nguyễn Văn Hiếu sinh ngày 27 tháng 04 năm 1924 tại Mỹ Bình, Tân An, Long An. Cha chịu chức linh mục ngày 21 tháng 12 năm 1951 tại Rôma

đã trở về Nhà Cha lúc 16g00 ngày Thứ Sáu 08 tháng 03 năm 2013, tại Giáo xứ Thủ Thiêm, hưởng thọ 89 tuổi, sau 62 năm linh mục.

Chỉ vài dòng ngắn ngủi như thế không thể biết nhiều hơn gì về Cha Gioakim. Tôi biết Cha khi cha đang hưu dưỡng tại giáo xứ Thủ Thiêm. Tôi quý Cha vì người ta ai cũng chạy xe máy mà Cha hàng ngày vẫn lọc cọc chiếc xe đạp dù đã tuổi cao. Cả đến việc đi làm tại ủy ban Phụng Tự Cha cũng lóc cóc đạp xe và cái đáng quý hơn nữa là Cha mặc chiếc áo chùng thâm đạp xe đạp. Hình ảnh này thật là quý và hiếm!

Tôi thích Cha vì nụ cười hiền từ dễ thương. Vì nhiều lần tôi chứng kiến Cha cho tiền những người lỡ đường và cả những người lợi dụng lòng thương người của Cha mà ngày nào cũng đến nhà thờ Thủ Thiêm và bấm chuông cửa phòng Cha, ai Cha cũng cho, biết người ta ngày nào cũng "lỡ đường" mà vẫn cho!

Tôi quý mến Cha vì hôm nào tôi cũng thấy Ngài mặc áo chùng thâm từ 3-4 giờ chiều vào nhà thờ quỳ cầu nguyện và chuẩn bị tâm hồn để dâng lễ...

Tôi không được là học trò của Cha, chưa bao giờ biết cha từng làm Bề trên cho đến hôm nay khi Cha nằm xuống.

Tôi cũng không biết Cha làm tổng phụ tá tiên khởi cho Đức cố tổng giám mục Philipphe Nguyễn Kim Điền coi sóc Hội Thừa Sai Việt Nam từ năm 1972.

Và trong bài giảng của đức cha Phêrô Trần Đình Tứ trong thánh lễ hôm nay tôi mới biết Cha đã là sư phụ của rất nhiều giám mục, linh mục, nữ tu ...

Cha sống đơn sơ, âm thầm và dễ thương đến kỳ lạ. Tôi đọc được bài chia sẻ của một trong những học trò của Cha viết trên mạng: "những ngày tháng bên Cha, chúng tôi đã nhận được sự dậy dỗ, lời cầu nguyện của Ngài, hơn tất cả là tấm gương tận tụy, hiền lành, đạo đức của Ngài. "Kẻ sĩ" tồn tại trong xã hội hôm nay không phải là nhiều, hãy đến chiêm ngưỡng và suy niệm, kẻo một mai Cha đi rồi, thế giới này lại bỗng nhận ra sự thiếu vắng… để hồn ta thành một quán trọ chiều hoang.(Nguyễn Văn Thạch, lớp 69).

Thánh lễ An táng sẽ cử hành tại Giáo xứ Thủ Thiêm vào lúc 09g00 ngày thứ Hai 11.03.2013, sau đó an táng tại nghĩa trang Giáo xứ Thủ Đoàn Bến Lức, Long An.

Hôm nay, giáo dân Thủ Thiêm mất đi một người Cha, nhưng chắc chắn rằng: ở trên Thiên Đàng Cha sẽ cầu nguyện đắc lực hơn cho giáo xứ.

Nữ tu Maria Nguyễn Thị Minh Du

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.