Hy vọng gì ở năm đức tin
Chí ít chúng ta đã đi được gần nửa đường của năm đức tin, thiết nghĩ việc dừng lại một chút trước khi tiếp tục dấn bước là cần thiết.
Chúng ta đã được gì trong năm đức tin ??
Một lễ khai mạc hoành tráng?
Các bài giảng, logo, bích chương;
các buổi học hỏi, phát hành kinh& sách;
các cuộc hành hương, các buổi tĩnh tâm và còn nhiều nhiều nữa…
Lòng chúng ta đã thấy xao động,
tâm hồn hình như được nâng lên,
một quyết tâm bùng phát hay
một ước muốn mãnh liệt thay đổi [ có thể là cả thế giới]...
Nhưng phải chăng bây giờ chúng ta lại tự thấy rằng: "mọi sự đều chóng qua"và "mọi việc hình như lại đâu vào đấy"
Đời thường ta vẫn thấy nhiều người học đàn, trăm người học vẽ, ngàn người học võ... ban đầu hăng say nhưng chỉ những ai vượt qua "cơn khủng hoảng nửa chừng"mới có chỗ đắc dụng sau này.
Ban đầu, cứ ngỡ càng học càng giỏi .
Sau này, mới biết càng học càng ngu …
Đời sống đạo của ta cũng thế, cả trong năm đức tin ??
Vì sao vậy?
Chúng ta đang làm nửa vời.
Chúng ta vào nhà thờ mà vẫn nghe điện thoại, vẫn lo công việc bên ngoài. Xác ở đấy nhưng lòng trí thì lại xa Chúa.
Chúng ta chân trong chân ngoài và tự hào mình khôn,
Chúng ta làm tôi hai chủ để mong được cả đời này lẫn đời sau,
Chúng ta thích phục vụ vừa Thiên Chúa, vừa tiền tài,
Chúng ta cố gắng làm điều này mà không bỏ cả điều kia.
Chúng ta đã nửa vời khi thấy cái rác trong mắt anh em mà lơ đi cái xà trong mắt mình.
Chúng ta xét mình, tự vấn lương tâm hằng ngày nhưng cả "răng giả" cũng chưa lắp vào nên đâu thấy cắn rứt gì!...
Các thánh lễ của nhiều người"thiếu trước hụt sau".
Điều mà Giáo Hội và chúng ta tuyên xưng như là phần quan trọng nhất, là đỉnh cao và nguồn mạch đời sống giáo hội lại bị cắt xén không thương tiếc.
Bao nhiêu nam thanh nữ tú đi lễ bên ngoài nhà thờ?
Bao nhiêu người đi lễ để tìm bài giảng đánh động, ca đoàn hát hay hoặc khung cảnh ấn tượng?
Chúng ta luôn rước lễ nhưng chuẩn bị và cám ơn thì không!
Mời các bậc vị vọng , trưởng thượng vào nhà mà không dọn dẹp, sửa sang gì. Chào hỏi qua quít, rót nước xong rồi cho quý vị "ngồi chơi xơi nước" theo đúng nghĩa đen.
Còn mình thì mải lo những chuyện không đâu.
Chúng ta đối xử bất công như vậy với Chúa hoài.
Chúng ta hứa nhiều với Chúa nhưng ngại thực hiện hay rùi rắng cho qua. Đôi khi lại còn tự nhủ rằng lời hứa lúc sốt sắng Chúa không chấp.
Chính tôi cũng "đạo đức nửa vời" nếu lên mặt dạy dỗ các bạn.
Chính tôi phải đấm ngực trước :"lỗi tại tôi mọi đàng"
Nhiều người sau một quãng thời gian dài sống nửa vời , hai mặt phải than: "Bây giờ mới biết đạo đức [hạnh phúc] luôn đeo mặt nạ….
Tất cả các bậc thầy từ thánh Antôn tu rừng cho đến T. Merton đều coi trọng việc cầu nguyện. Cầu nguyện là oxygene của đời Kitô hữu mà.
Lúc nào cũng ở trong tình trạng kết nối với Chúa.
Sống mối thân tình thực sự...
Chắc chắn khi làm được điều này ( nghĩa là sự cầu nguyện đích thực), đời sống chúng ta sẽ khác xưa, sẽ được biến đổi.
Chắc chắn Chúa sẽ làm điều đó không chóng thì chày.
Các bậc thầy về linh đạo luôn quả quyết: cuộc sống không thay đổi là vì chúng ta chưa thực sự cầu nguyện đích thực.
Tiếc thay chúng ta thường cầu nguyện nửa vời và kết nối với Chúa cũng lửng lơ thôi.
Trong tuần thánh này, Chúa yêu đến cùng và cũng muốn ta đi đến cùng của Tình yêu, của con đường, của sự Thật, của sự Sống.
Một nửa tình yêu bạn có chịu không
Một nửa sự thật bạn có thỏa mãn không
Một nửa hạnh phúc bạn có chấp nhận không
Bạn có trông chờ một nửa hy vọng hay
Bạn có ao ước sự tín trung một phần?
Nhìn lại đời sống các thánh tử đạo VN, quả thật đáng khâm phục lắm thay!
Thánh Giuse Nguyễn văn Lựu nói:
"Đạo đã nhập vào xương tủy tôi, làm sao tôi có thể bỏ được."
Tôi xin trích đoạn truyện thánh Phanxicô Cần. Có nhiều người tỏ lòng thương hại thầy. Quan khuyên thầy Phanxixô Cần bước qua Thập Gía, thầy cương quyết từ chối. Lính khiêng thầy lên đặt vào ảnh Chúa, thầy ôm chặt lấy Thánh Giá và la lên: "Tôi không đạp lên ảnh Chúa đâu''. Một số giáo dân bỏ đạo nói: "Tội nào Chúa chẳng tha, Phêrô chối Chúa ba lần mà còn được làm thủ lãnh Giáo hội''. Người khác lừa dối, cha Liêu nhắn thầy cứ bước qua Thập Gía, rồi sẽ liệu sau. Họ còn đe dọa Nếu thầy không nghe quan sẽ làm khổ cả làng đó. Nhưng tất cả đều không xoay chuyển nổi ý chí sắt đá của vị chứng nhân Đức Kitô. Thầy quả quyết: "Dù thiên thần xuống bảo tôi bỏ đạo, tôi cũng chẳng tin. Dù kính trọng cha Liêu, tôi không thể sai lạc điều đó được. Hơn nữa, tôi biết chắc ngài không ra lệnh cho tôi làm như vậy. Còn với giáo dân, tôi thương mến thật, nhưng cũng không vì họ mà xúc phạm đến Chúa''.
Quan Tổng trấn khuyên thày nhắm mắt bước qua Thập Giá. Thày nói: "Mắt thì nhắm được, chứ lòng trí khôn không thể nhắm được, nên tôi chẳng làm". Quan lại cho xếp chéo hai khúc gỗ và nói: "Đây không phải ảnh Chúa, gỗ này cũng chưa được làm phép, cứ bước qua đi sẽ thoát chết". Nhưng thày không làm vì biết đó là dấu hiệu chối đạo.
Truyện thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu kể rằng, lúc nhỏ ngài cho cha mình tất cả trừ 1 món đồ chơi bé xíu giấu sau lưng.
Nhưng khi ngài vào dòng kín thì khác hẳn. Ngài dâng cho Chúa hết:
Không giữ lại bất kỳ điều gì dù nhỏ nhặt nhất.
Tất cả các thánh không bao giờ là người nửa vời,
Là người bắt cá hai tay,
Là người làm tôi hai chủ,
Là người đúng núi này trông núi nọ...
Ở sách cuối của Thánh Kinh ta đọc thấy:" Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta" Kh 3,15-16
Ai cũng biết chuyện đàn chó đuổi thỏ của cố hồng y C. Martini: sau lúc ban đầu hăng hái cuối cùng rơi rụng dần và chỉ còn lại 1,2 con quyết tâm săn đuổi đến cùng thôi. Tại sao ư? Vì chỉ có 1,2 con nhìn thấy thỏ, cả bầy đàn theo sau chỉ làm theo "phong trào".
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin đoái nhìn chúng con, xin tỏ nhan thánh Chúa, thì chúng con sẽ được rỗi. TV 79,4
Xin Cho con luôn nhận ra và dõi theo Thánh Nhan Chúa trong mọi nơi, mọi lúc, mọi việc, mọi thành công, thất bại... và nhất là trong mọi thánh giá đời thường.
Chúng con là con người Chúa đã tạo dựng từ bùn đất. Chúng con thường ngây thơ nghĩ rằng Chúa thương chúng con Chúng con nghĩ đơn giản là Chúa yêu thương vô cùng và chỉ muốn điếu tốt lành cho chúng con.
Chúng con khó chấp nhận điều hiển nhiên là vì yêu thương Chúa cũng gửi cho chúng con thập giá, thất bại, đắng cay...
Vâng lạy Chúa, chắc chắn ngày hôm nay Chúa yêu thương con hơn ngày hôm qua bằng cách để chúng con đối diện với những thử thách và thánh giá lớn hơn, nhiều hơn hôm qua.
Ước mong sao trong ngày [ các bạn mỗi người cũng có những ước mong khác nữa]
Thứ năm tuần thánh chúng ta chiêm ngắm và bắt chước Chúa: Chúa yêu cho đến cùng , dù có phải chết trên Thập giá.
Thứ sáu tuần thánh chúng ta kiên trì cùng vác thánh giá với Chúa
Thứ bẩy tuần thánh chúng ta được ngẩng cao đầu cất bài ca Halleluia
Amen