Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

Re: xuong kinh

Khaùt voïng                                                                  Trong những ngày qua, cùng với tin tức về thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản, có rất nhiều bài viết ca tụng người dân Nhật. Chẳng hạn, trên báo Tuổi Trẻ, số Chúa nhật 20-3-2011, một tác giả kể rằng ông không tin vào những điều người ta ca tụng dân Nhật “bình tĩnh, trật tự trong và sau trận động đất kinh hoàng”. Lý do là vì ông “đã chứng kiến tận mắt rất nhiều người cứ hay thổi phồng những câu chuyện họ thấy ở nước ngoài để dạy dỗ ngược trở lại những điều diễn ra ở Việt Nam”. Nhưng lần này ông buộc phải nghĩ lại khi nhìn thấy “những hình ảnh của người dân Nhật trong và sau sự cố được phát trên bản tin thời sự của VTV: những người dân quy củ xếp hàng nhận đồ cứu tế, dòng người xếp hàng nhiều đến nỗi người ta không thể đứng thành một hàng dọc, mà phải uốn thành hình cong trong một trật tự đáng khâm phục”.                     Đúng là cả thế giới phải khâm phục dân tộc Nhật Bản. Trước đây người ta khâm phục Nhật Bản về những tiến bộ kỹ thuật và phát triển xã hội, nhưng bây giờ người ta thấy rõ hơn và khâm phục cái làm nên những tiến bộ và phát triển đó, chính là những người dân Nhật Bản. Nhiều cơ quan truyền thông không ngần ngại gọi Nhật Bản là dân tộc vĩ đại.                                          Tuy nhiên, cùng với sự khâm phục đó, có một thực trạng khác không nên quên: tại Nhật Bản, mỗi ngày trung bình có 100 người tự tử. Riêng trong năm 2007, số người Nhật tự tử là 33.093 người. Con số này có chiều hướng gia tăng chứ không giảm. Cụ thể là so với năm 2006, số người tự tử tăng 3%. Thế nên một trong những cam kết của Chính phủ mới là nỗ lực kéo tỷ lệ tự tử xuống. Với số người tự tử cao như thế, thiệt hại nhân mạng trong thảm họa sóng thần và động đất vừa qua, tuy khủng khiếp nhưng mới chỉ bằng một nửa.  Câu hỏi được đặt ra là tại sao người dân sống trong một đất nước giàu có và văn minh như thế lại muốn tìm đến cái chết đông như vậy? Có thể có nhiều cách trả lời. Tôi đặc biệt chú ý đến bài viết của nhà văn người Nhật Ryu Murakami trên tờ New York Times ngày 16-3-2011. Ông là một cây viết nổi tiếng đã được trao tặng nhiều giải thưởng tại Nhật. Khi thảm họa xảy ra, từ Tokyo, nhà văn mô tả tình trạng động đất và những tác động trong đời sống người dân Nhật. Sau đó ông viết: “Cách đây 10 năm tôi có viết cuốn tiểu thuyết trong đó có kể câu chuyện một học sinh trung học đã tuyên bố trước quốc hội: Đất nước này thừa mứa mọi thứ. Ở đây người ta có thể tìm được mọi thứ mình muốn. Cái thiếu duy nhất là hi vọng”.      Lại chẳng phải là lời lý giải sâu sắc cho tình trạng tự tử hay sao? “Cái thiếu duy nhất là hi vọng. Đã không còn hi vọng nữa thì sống làm gì? Một cuộc sống vô nghĩa, và vì thế, cần phải chấm dứt. Như thế, cái mà con người cần, cái đem lại hạnh phúc cho con người không chỉ là những tiến bộ kỹ thuật và sự giàu có thịnh vượng vật chất nhưng còn là niềm hi vọng.        
            Thế rồi Ryu Murakami hân hoan loan báo: “Bất kể những gì đã mất, người Nhật chúng ta đã tìm lại được một điều, đó là hi vọng. Cơn động đất sóng thần kinh hoàng đã cướp mất của chúng ta bao sinh mạng và bao nguồn của cải. Nhưng chúng ta, những người từng thừa mứa với sự thịnh vượng của mình, nay đang gieo trồng lại hạt mầm của hi vọng”. Hay quá! Nhưng niềm hi vọng mà nhà văn vui mừng loan báo là gì vậy? Ấy là vì trước đây người ta có đủ mọi thứ ngoại trừ hi vọng, còn bây giờ thì ngược lại: “Các trung tâm di tản đang phải đối mặt với bao thiếu thốn nghiêm trọng về thực phẩm, nước ngọt và thuốc men. Thiếu cả lương thực và điện ngay tại khu vực Tokyo. Cuộc sống của người dân đang bị đe dọa. Chính phủ và các cơ quan dịch vụ công đã không phản ứng đúng như lẽ ra phải có”. Chính tình trạng thiếu thốn đó khiến cho người ta phải đợi chờ và biết hi vọng vào tương lai tươi sáng hơn.                       Hóa ra vậy! Bỗng cảm thấy chút thất vọng khi bài báo chỉ ngưng lại ở đó. Thất vọng vì tự nghĩ: đối với một dân tộc giàu có và hùng mạnh như dân Nhật, chắc sẽ không lâu để mọi sự đi vào ổn định. Sẽ không còn cảnh xếp hàng nhận đồ cứu tế hay đổ xăng. Sẽ không còn những kệ hàng trống vắng trong các siêu thị. Sẽ không còn những trại tạm cư thiếu thốn, và trên đống hoang tàn đổ nát sẽ mọc lên những ngôi nhà mới còn đẹp đẽ hơn bội phần. Lại sẽ thừa mứa mọi thứ. Phải chăng đến lúc đó – và không xa lắm đâu – niềm hi vọng lại sẽ lụi tàn? Lại sẽ tự tử mỗi năm mỗi nhiều hơn?                                                        Nếu chân trời hi vọng chỉ là sự thịnh vượng và giàu có vật chất thì đúng là thế. Thành ra câu hỏi cốt yếu ở đây là câu hỏi về chân trời hi vọng của con người. Trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp, từ vị trí của một người xin nước uống: “Chị cho tôi xin chút nước uống” (Ga 4,7), Chúa Giêsu giúp chị phụ nữ khám phá khát vọng sâu kín trong lòng chị, khát vọng mà không có ai và không có gì trong cuộc đời này có thể lấp đầy: “Chị nói tôi không có chồng là đúng vì chị đã năm đời chồng rồi và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị” (4,19). Rồi từ đó, Người giúp chị khám phá nguồn nước hằng sống có khả năng lấp đầy khát vọng của lòng người: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với chị “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin và người ấy sẽ ban cho chị nước hằng sống” (4,10).                                                                     Phải chăng đây là thách đố lớn nhất cho Hội Thánh trong nền văn hóa kỹ trị và duy vật ngày nay: đồng hành với con người trong mọi nỗi niềm cuộc sống để cùng với họ khám phá khát vọng sâu xa trong lòng người, và mạnh dạn giới thiệu với họ Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ? Người Kitô hữu có thể đáp trả thách đố này nếu niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô thực sự trở thành xác tín cá nhân xuyên qua những trải nghiệm của đời sống. Đó chính là con đường thánh Augustinô đã kinh qua để trở thành người loan báo Tin Mừng. Rất nhẹ nhàng mà đầy sức thuyết phục: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.    HTT    
But kho sao 

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY NĂM A (Ga 4, 5-42)


CON… KHÁT

Nhân loại có nhiều thứ để khát, không chỉ khát nước mà còn khát tiền tài danh vọng, địa vị, tình yêu… Trong muôn vàn cái khát, hiếm thấy khát chân lý, tình thương. Có lẽ vì khát mãi mà không thấy, không gặp, không thỏa mãn cho nên nhân loại buông xuôi.


Văn minh ngày càng phát triển, nhu cầu khao khát của con người hầu như đáp ứng đầy đủ. Chỉ cần có tiền, người ta có thể mua được tất cả. Thế nhưng, điểm mấu chốt là thế giới khát mãi không ngừng. Có tiền mà mua cho hết khát cũng tạm đi, nhưng trớ trêu, khát vọng con người vô đáy, không bao giờ đủ, không bao giờ dừng lại. Cứ vậy, thế giới ngày càng trượt dài trong bánh xe tham vọng, khát vọng này nối tiếp khát vọng kia đến vô tận.


Có một thứ nước làm cho người ta không còn khát nữa, đó là dòng nước trường sinh, dòng nước cứu độ, nó lấp đầy mọi hố sâu tham vọng. Càng khát nhân loại càng cuống cuồng đi tìm, lôi kéo, chiếm hữu. Họ không chỉ xin cho được cơm ăn áo mặc mà mọi tiện nghi nhanh gọn hiệu quả đều được thế giới quan tâm đẩy mạnh. Càng uống tham vọng vật chất, nhân loại càng thêm khát. Chỉ những ai biết uống nguồn lương thực bất diệt mới no thỏa được thôi.


Đối diện với văn minh tiến bộ, con người đặt ra muôn vàn câu hỏi thỏa đáp nhu cầu bảo tồn cuộc sống. Nhưng thử hỏi giàu có bạc tiền cũng có mấy ai dừng lại với những gì mình có. Tại sao vậy, tại sao cơn khát của nhân loại lại vô tận? Phải chăng thực tại trần thế không thể thỏa đáp khát vọng của họ? Có lẽ khi cơn lốc tham vọng dậm chân tại chỗ, thế giới sẽ có hòa bình, yêu thương.


Quả vậy, cũng chỉ vì tham vọng mà con người vẫn hoài lây lất trong tranh chấp và nước mắt chia ly. Mãi vẫn không thấy hòa bình thịnh vượng, trong khi con người ai cũng muốn được thịnh vượng hòa bình. Nhân loại khát tham vọng, Đức Giêsu lại khát tình yêu. Ngài khao khát cho con người nhận biết, yêu mến, tôn thờ Thiên Chúa để được sống. Ngài thao thức mong mỏi con người tin vào dòng nước trường sinh bất tử chỉ vì muốn họ no thỏa không thôi, và không còn phải khát nữa.


Cứ hỏi tại sao nhân loại mãi khóc, vì chưa no thỏa nên phải khóc. Người nghèo khóc cái ăn cái mặc, kẻ giàu khóc sao cho được giàu có thêm. Cứ bấu víu vào thế lực vật chất thì làm sao no thỏa được? Có gì trong vũ trụ thỏa đáp khát vọng nhân loại đâu. Thế giới sống như không cần Thiên Chúa, việc tôn thờ thần linh trở thành dịch vụ thỏa đáp tham vọng con người. Cầu khấn để cho được quyền lực vật chất chứ không để tôn thờ. Thiên Chúa không phải là Đấng ngồi trong đền thánh chờ đợi con người đến tôn sùng khấn vái nhưng Ngài hiện diện trong chính tâm lòng họ, khi nhân loại biết tin yêu và phụng thờ với cả lòng thành.


Phải chăng hoạt động của Thiên Chúa chìm sâu trong thinh lặng nên nhân loại khó tin. Hay chỉ vì cái nhu cầu về cơm ăn áo mặc lớn hơn khát vọng chân lý để mà nhân loại bao đời vẫn chìm trong lầm than đói khổ. Tìm được lý tưởng sống là điều không dễ. Người ta khó khăn thế nào mới tìm được nghiệp, sẽ càng khó hơn để mà tìm lẽ giữa đời.


Đến trần gian là để thế giới hiểu rằng chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy khát vọng sâu thẳm của nhân loại, nhưng con người đã phủ nhận điều đó, chỉ vì tin thờ Thiên Chúa là đi trên bánh xe trần thế, tự bảo mình phải vượt thoát khỏi tham vọng ở đời. Sống siêu thoát đâu phải là việc dễ dàng. Càng bám vào con người, nhân loại càng khát nhưng đi theo Thiên Chúa càng phải từ bỏ mình. Cuộc sống luôn đòi hỏi chọn lựa. Thế nào là chọn lựa khôn ngoan để được sống mãi, là dấu hỏi ngàn đời nhân loại phải giải mã.


Niềm tin vào thế giới thần linh ngày nay đã trở thành một thứ dịch vụ “xin – cho”. Họ tung tiền cầu khấn để xin được như ý. Họ cúng vái, làm phước đức đền này thành nọ để được ban ơn, mà quên đi cái đền thờ Thiên Chúa ở ngay trong chính tâm hồn. Đền thờ nhất thiết phải biết trân trọng tôn kính chính là bản thân mình, vì đã được Thiên Chúa cứu chuộc bằng chính giá máu Ngài. Thiên Chúa đâu phải ở đền đài cao sang hay trên núi cao mà Ngài hiện diện trong mỗi cá vị kìa. Người ta có biết coi trọng Thiên Chúa là ai, ở đâu, cho nên không cảm thấy ngần ngại khi tổn thương, xúc phạm tha nhân cách vô tâm, không cần biết đến Thiên Chúa của họ.


Trình thuật Đức Giêsu với người phụ nữ Samiaria hôm nay cũng chính là thao thức của Giáo Hội, làm thế nào để có thể giới thiệu hình ảnh Đấng Cứu Độ duy nhất cho nhân loại. Con người càng uống sự cậy dựa vào của cải vật chất họ càng thêm khát, phải làm sao cho thế giới tin nhận Ngài là Đấng giải thoát họ khỏi mọi khát vọng. Có Thiên Chúa là có tất cả, chiếm hữu được Ngài nhân loại sẽ không còn thèm khát bất cứ điều gì. Thế nhưng, thế giới chả mấy người muốn được Thiên Chúa chiếm hữu. Ai cũng biết vạn vật rồi sẽ qua đi, không thọ tạo nào có thể khiến con người no thỏa, ngoài Thiên Chúa, nhưng vẫn không thiếu kẻ điềm nhiên chối từ, kẻ thì ngại bỏ mình, người ngại hy sinh… tựu trung cũng là ích kỉ hưởng thụ cá nhân lôi kéo.


Lạy Chúa, diễm phúc hơn trong nhân loại, con sớm được mời, được chọn, được tách riêng để uống dòng Nước Cứu Độ. Tìm được lẽ sống đời mình, thay vì ngủ yên trong ân sủng, để được lấp đầy mọi khát vọng, con lại từ khước, bước lại đường mòn trần gian tìm đến nguồn trường sinh bất diệt. Trần gian có khi nào khiến con người no thỏa, nhân loại có ai không khát, sao có thể giúp người bớt khát? Con xin lỗi vì không tìm được sự no thỏa nơi Ngài trên con đường ân thánh, phải chăng con chỉ là thụ tạo, muốn được trở về sự thật đời mình? Cảm ơn Thiên Chúa, tình yêu Ngài cho con niềm tin, sức mạnh. Con không khát danh vọng, bạc tiền nhưng khát yêu thương. Được sinh ra từ tình yêu, con không thể sống trong bầu khí quyển gian dối. Tha thứ cho con, không phải vì ham muốn bất chính mà chỉ vì con khát… Chúa ơi!

M. Hoàng Thị Thùy Trang.
(nguồn : thanhlinh.net)



Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY NĂM A (Mt 17, 1-9)



LỜI THÌ THẦM MÙA CHAY

Chúng ta đang bước vào Mùa Chay, nhưng đó không phải là Mùa Chay thứ nhất trong cuộc đời mỗi người. Nếu hôm nay có người đặt câu hỏi “Mùa Chay là mùa gì ?” chắc ai cũng có thể trả lời một cách dễ dàng thuộc lòng theo giáo lý. Nhưng nếu tôi tự đặt câu hỏi ấy cho chính mình : “Mùa Chay là mùa gì đối với tôi ?”. Câu trả lời thật sự không phải là dễ, mặc dầu bao nhiêu Mùa Chay đã từng trôi qua trên cuộc đời tôi rồi.

Đối với giáo dân Việt Nam, nhất là các giáo dân thuộc xứ đạo miền Bắc, thì không khí Mùa Chay nó bàng bạc tính chất đạo đức tình cảm hơn là dấn thân vào cuộc vượt qua của Đức Giêsu Kitô, vì thế các nghi thức thường hướng về cuộc tử nạn đau thương của Đức Giêsu rồi cắm chặng ở đó, bị sa lầy ở đó, không rút chân ra được để vươn tới chân lý tuyệt đối là sự phục sinh của Đức Kitô. Gọi là chân lý tuyệt đối vì sự phục sinh của Đức Giêsu là đích điểm của Mùa Chay, và cũng là cùng đích của Kitô hữu, vì nếu cuộc tử nạn của Đức Kitô mà không có phục sinh thì thử hỏi chúng ta đi đạo làm cái gì ?


Mùa Chay là mùa mọi kẻ tin dìm mình vào đại dương lòng thương xót của Chúa, dìm đời mình vào cuộc tử nạn của Đức Kitô, để máu và nước từ trái tim Chúa đổ ra rửa sạch và thánh hoá những con người tội lỗi và biến đổi thành con người mới trong Đức Kitô phục sinh. Nói rõ hơn Mùa Chay là mùa mỗi người phải dừng lại để thu góp tất cả những tất bật lo âu từ vật chất như cơm ăn áo mặc nhà ở, đến những khổ não tinh thần như tuổi già, bệnh tật, sự chết và mọi thứ dằn vặt tâm trí mình, kể cả tội lỗi. Tất cả những lao tâm khổ tứ ấy mỗi người hãy gom lại mà trút lên vai Đức Kitô cho Ngài gánh lấy, rồi một lòng một dạ đi theo Ngài. Kinh Thánh nói :


“Mọi nỗi lo âu anh em hãy trút cả cho Ngài, vì Ngài lo đến anh em”
(1P 5,7).

Như thế Mùa Chay không phải là mùa chúng ta dừng lại để “thương xót” Đức Kitô, mà hãy để Chúa “xót thương” ta. Đó thực là mùa những đứa con hoang đàng quay về để được xót thương. Vì thế ngày thứ tư Lễ Tro mở đầu mùa chay, Lời Chúa trong bài đọc hai, thánh Phaolô đã hô lớn lên rằng :


“Này đây, chính bây giờ là thời Đại Sủng”.
 
 
Đại sủng là ơn huệ lớn lắm, vô cùng lớn. Gọi là ơn huệ vô cùng lớn, mà thân phận của mỗi người chúng ta, như thân phận con ốc, đã phải mang cái vỏ nặng nề là những lao đao vất vả cuộc đời, chưa kể tội lỗi, lết đi không nổi mà mỗi năm còn phải dừng lại 40 ngày để thương khóc sự khổ nạn của Đức Giêsu, thì làm sao có thể gọi Mùa Chay là mùa ĐẠI SỦNG, ĐẠI PHÚC được. Đức Giêsu không muốn như thế. Ngài đã nói với chúng ta qua các phụ nữ đạo đức ở Giêrusalem rằng :
 
Hỡi phụ nữ Giêrusalem, đừng thương khóc tôi,
nhưng hãy thương khóc lấy mình và con cái các bà” 
(Lc 23,29).


Không phải Đức Giêsu là Đấng cần được thương xót, mà chính chúng ta mới là những kẻ đáng thương và cần được xót thương. Chúng ta đáng thương không phải vì chúng ta đạo đức tốt lành, xứng đáng được thương, nhưng vì “Thiên Chúa là tình yêu”, vì tấm lòng của Thiên Chúa là như vậy: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” 
(Isaia 49,15); “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăm sóc” (Mc 6,34). 
Chúa dong duổi đi tìm những con chiên lạc.
…..

Nếu tôi cho rằng Mùa Chay là mùa để tôi lập công đền tội, đó cũng là một ý tốt thôi, còn tôi có lập được công đền tội hay không thì vấn đề gai góc này cần phải xét lại.

Một Mùa Chay nữa lại bắt đầu, tôi nhìn vào Đức Giêsu để xem Ngài đã sống 40 ngày đêm chay kiêng như thế nào. Ngài đã sống bằng sức mạnh của Thần Khí và ý Cha của Ngài. Xin Thần Khí Đức Giêsu Phục Sinh cho tôi thấy mình là kẻ đáng thương và rất cần tình thương của Thiên Chúa để tôi bớt thương cảm Đức Giêsu. Xin cho tôi biết mở lòng ra để tình thương của Đức Giêsu từ nơi trái tim bị đâm thâu của Ngài tái tạo thân xác linh hồn tôi nên dũng mạnh trước những cơn cám dỗ, biết xót thương anh em, nên tinh tuyền thánh thiện trong Đức Kitô. Lúc ấy Cha trên trời mới nhận ra tôi là con chí ái của Ngài, vì tôi đã trở thành thân mình của Đức Giêsu Kitô con của Cha. Nếu Mùa Chay năm nay lòng tôi cứ đóng kín lại, không để Chúa xót thương và không mở lòng thương xót anh em, nếu tôi chỉ tham dự các nghi thức mùa chay tuần thánh rồi cho rằng nhờ những công việc ấy mà tôi đẹp lòng Chúa thì thật là uổng phí. Một Mùa Chay nữa lại qua đi vô ích trên cuộc đời tôi.


*Lm. Giuse Trần Đình Long - Dòng Thánh Thể

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG

HÂN HOAN CHÚC MỪNG BỔN MẠNG
CÁC EXS :
  • Jos. Nguyễn Hữu Bình
  • Jos.TrầnQuốc Công
  • Jos. Nguyễn Văn Dũng
  • Jos. Nguyễn Ý Định
  • Jos. Đinh Trọng Hiến
  • Jos. Phạm Đức Hoà
  • Jos. Đỗ Mạnh Hùng
  • Jos.Nguyễn Xuân Hùng
  • Jos. M. Trần Chí Nguyện
  • Jos. Nguyễn Văn Phan
  • Jos. Vũ Ngọc Thành
  • Jos. Phạm Đình Thước
  • Jos. Trần Anh Tuấn

Mời xem video
(Nếu lỡ có sót Ex nào xin lượng thứ. Hãy xem như bộ nhớ bị hư...)


Giuse đông quá nên ra nhà hàng mừng cho xôm tụ, lấy lại khí thế, hoãn chay tịnh lại một ngày...




THÁNH CẢ GIUSE
TẤM GƯƠNG ĐƠN SƠ VÀ KHIÊM NHƯỜNG

Cứ mỗi độ tháng 3 về, Giáo Hội mời gọi con cái mình hướng về Thánh Cả Giuse trong suốt tháng, đặc biệt là ngày 19/3, ngày lễ kính. Hơn nữa tháng kính Thánh Cả Giuse thường rơi vào mùa chay, mùa mời gọi con cái Thiên Chúa trở về với Ngài trong cầu nguyện, chay tịnh và bác ái. Nhưng, để sống đúng nghĩa ba chủ đề chính của mùa chay, trước tiên ta phải có tấm lòng đơn sơ, nhỏ bé trước Chúa và với nhau. Một trong những tấm gương đơn sơ và nhỏ bé trước Thiên Chúa và trước mọi người để ta học hỏi không ai khác. Đó chính là Thánh Cả Giuse.


Vâng! Trong chương trình cứu độ nhân loại, Thiên Chúa mời gọi sự cộng tác của con người nhân loại như: Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse và Thánh Gioan Tẩy Giả… Riêng với Thánh Cả Giuse công việc và cuộc đời của Ngài chỉ gói gọn trong một vài chương đầu của Tin Mừng, đặc biệt nơi Tin Mừng của thánh sử Luca. Có thể nói Thánh Cả chỉ là bóng mờ trong quá trình mà Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ nhân loại qua Đức Kitô.


Kể cũng lạ! Thánh Cả Giuse cũng được truyền tin, hướng dẫn, mời gọi như Mẹ Maria. Nhưng, nơi Mẹ Maria Tin Mừng tường thuật những ngôn ngữ của Mẹ đối đáp với sứ thần trong ngày truyền tin, cất lên bài ca Magnificat khi đi thăm viếng bà Êlisabét và lời Mẹ thưa với Đức Kitô, dặn dò các giai nhân nơi tiệc cưới Cana.


Với ông Gioan Tẩy Giả, Tin Mừng và Ngay cả Đức Kitô giới thiệu là một ngôn sứ vĩ đại, người mở đường cho Đấng Cứu Thế qua việc rao giảng, làm phép rửa và chịu cảnh ngục tù, cuối cùng là bị giết chết vì dám minh chứng, bảo vệ chân lý và sự thật.


Riêng với Thánh Cả Giuse, Tin Mừng thánh Mátthêu giới thiệu Ngài là bạn đính hôn với Mẹ Maria và là người công chính, mời gọi Thánh Nhân đón nhận Mẹ Maria làm bạn trăm năm sau khi Mẹ mang thai Đấng Cứu Thế do quyền năng của Chúa Thánh Thần 
(x,Mt.1,18-25); tường thuật lại việc Sứ Thần báo mộng và mời gọi Thánh Nhân đem Hài Nhi Giêsu lên đường trốn sang Aicập, rồi sau đó lại lên đường đưa Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria về lại quê hương (x,Mt.2,13-23)

Tin Mừng thánh Luca giới thiệu hình ảnh của Thánh Cả cùng với Mẹ Maria trong ngày Hài Nhi Giêsu giáng trần, ngày tiến dâng Hài Nhi Giêsu lên cho Thiên Chúa trên đền thờ, và sự kiện Thánh Cả cùng với Mẹ Maria lạc và tìm thấy Đức Giêsu nơi đền thờ năm Đức Giêsu lên 12 tuổi 
(x,Lc.2,22-52). Ngoài ra không thấy Tin Mừng thuật lại một lời nào của Thánh Cả. Điều này cho ta thấy sự âm thầm lặng lẽ và đơn sơ khiêm hạ của Thánh Cả trong chương trình cộng tác vào công cuộc cứu độ nhân loại mà Thiên Chúa đã hoạch định và mời gọi.

Có thể nói cuộc đời và sự nghiệp của Thánh Cả Giuse không có gì đặc sắc, cao trọng dưới con mắt của người đời. Tuy là dòng dõi vua Đavít, theo như Tin Mừng giới thiệu Thánh Cả chỉ là một bác thợ mộc tầm thường nơi làng Nadarét, ngày ngày cặm cụi với nghề thợ mộc đơn sơ để kiếm miếng cơm manh áo nuôi thân và phụ giúp Mẹ Maria dưỡng nuôi Đấng Cứu Thế khi Ngài mang thân phận con người nhân loại.


Ngày Đức Kitô nói về ông Gioan Tẩy Giả cho Dân Do Thái rằng: “Tôi nói thật cho anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” 
(Mt.11,11).

Vâng! Người nhỏ nhất trong Nước Trời có lẽ không ai khác hơn, đó chính là Thánh Cả Giuse, Ngài không nhỏ về vóc dáng, về những công việc… Nhưng, Ngài nhỏ về lòng đơn sơ, yêu mến, tin tưởng và phó thác cả cuộc đời vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Sự đơn sơ của Thánh Cả Giuse được tỏ hiện qua việc lắng nghe và thực thi Thánh Ý của Thiên Chúa cho dù Lời Thiên Chúa mời gọi Ngài chỉ qua giấc mơ! Ngài không thắc mắc, cũng chẳng dùng dằng, không than vãn và đưa ra ý kiến riêng, nhưng luôn mau mắn, từ bỏ ý riêng, xin vâng và thực hiện theo thánh ý của Thiên Chúa.


Lòng đơn sơ của Thánh Cả Giuse được tỏ hiện qua việc Ngài chu toàn bổn phận của người chồng, người cha trong gia đình nơi mái ấm Nadarét, chu toàn giới luật của tiền nhân, là một công dân gương mẫu đối với xã hội, sống chan hòa với mọi người…. Tin Mừng đã minh chứng điều đó qua việc Ngài giữ đúng tập tục luật Môisê và luật kê khai nhân khẩu của xã hội trước và sau ngày Hài Nhi Giêsu Giáng thế, qua việc Ngài cùng với mọi người trẩy hội đền thờ hằng năm…


Chính nhờ lòng đơn sơ, khiêm hạ của Thánh Cả Giuse trước mắt Thiên Chúa và người đời, hơn nữa sự tận tụy, mau mắn vâng nghe theo ước muốn của Thiên Chúa, qua việc cùng với Mẹ Maria dưỡng nuôi Đấng Cứu Thế. Để rồi trong muôn vàn vị thánh ngoại trừ Mẹ Maria được Thiên Chúa ân thưởng và tôn phong qua sự hướng dẫn của chúa Thánh Thần, Giáo Hội chiêm ngưỡng và tôn phong Ngài là Thánh Cả trên hết các thánh, đặt Ngài là Đấng bảo trợ Giáo Hội, gia đình và mỗi con người, nhất là các bậc gia trưởng trong gia đình.


Trong ngày mừng kính Thánh Cả Giuse, nhất là trong mùa chay, ta xin Chúa nhờ lời chuyển cầu rất thần thế của Ngài, ban cho ta có tấm lòng đơn sơ, khiêm hạ trong bổn phận với Chúa và với nhau, luôn mau mắn thực thi Thánh ý của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh và mọi biến cố của cuộc đời, cần mẫn trong công việc dù thấp hèn hay cao sang… luôn là người gia trưởng gương mẫu trong vai trò người chồng, người cha trong gia đình, người phụ trách và dẫn dắt cộng đoàn…Nhất là xin cho ta biết từ bỏ ý riêng mà thuận theo ý Chúa trong mọi sự.


Lạy Thánh cả Giuse! Giờ đây con xin được hiệp cùng với Ngài dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân, vì Thiên Chúa đã đoái thương ban cho con và mọi người hình ảnh và tấm gương của Cha trong bổn phận làm con cái Thiên Chúa và là anh em với nhau nơi gia đình trần thế.


Xin Thánh Cả dâng con lên cho Thiên Chúa như xưa Thánh Cả đã dâng Chúa Hài Đồng, xin bảo vệ con như xưa Ngài đã bảo vệ Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria, xin dẫn con lên đền thánh Chúa như xưa Ngài đã cùng đi với Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria, xin giúp con chu toàn bổn phận của chính mình mà Thiên Chúa đã giao phó cho con. Cuối cùng xin Thánh Cả cầu cùng Chúa, để nhờ lời cầu bầu rất thần thế của Ngài Thiên Chúa chúc phúc và ban bình an cho con, gia đình con và cho mọi người nhất là những ai nhận thánh hiệu của Ngài làm bổn mạng Amen.


Sài Gòn Ngày 17/03/2011
Antôn Lương Văn Liêm
Xuất bản Bài đăng
(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Re: Mung bon mang

Chào mọi người
Kính Mừng lễ thánh cả Giuse, quan thầy giáo hội Việt nam, chủng viện Sài gòn và rất nhiều các anh em trong đại gia đình Ex Luro68
Sau khi HT tiên sanh quy ẩn, mỗi tuần chỉ thấy anh Sui xướng kinh mà không có người đáp hay là anh em ăn chay cầu nguyện nhiều quá??
Thằng mõ

Lời cám ơn

Thưa Chư Huynh,
Con trai tớ, cháu Kim Bằng xin được cám ơn các bác Ex68 (bạn bố) đã quan tâm ủng hộ cháu bằng những giao dịch tín dụng nhân dịp cháu khai trương vừa qua.
Cụ thể hiện nay đã có 1 bác vay và 1 bác gửi tiền nơi Phòng giao dịch mà cháu phụ trách.
Sắp tới xin các bác tiếp tục ủng hộ cho cháu, khi các bác có mọi nhu cầu về tín dụng xin cứ nhớ đến cháu ( giao dịch vay và giao dịch gửi đều là chức năng kinh doanh của cháu và cùng được hoan nghênh như nhau) :

NGUYỄN NGỌC KIM BẰNG
Vietinbank - Chi nhánh 3
Trưởng phòng - Phòng Giao dịch Hồ bá Kiện

35 - 37 Hồ bá Kiện  P15, Q10, TP.HCM
Tel : 08.39797212
Fax : 08 39797213
Mobile : 0908.686827

Một lần nữa, tớ và con trai xin cám ơn sự ủng hộ của Chư huynh.

Thân
Cảnh 762.

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Re: CC


Không nên hành động khi đang giận dữ

Một hôm, một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá. Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.” Vị samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức. Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.”
Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống. “Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Ðôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đo chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.”

Vị samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường. Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Ðừng hành động khi đang giận dữ.” Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn. Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông.
Ông gào lên: “Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!”
Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng.”

Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị samurai. “Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”, người đánh cá phấn khởi nói.
“Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi.” Vị samurai trả lời, “Ngươi đã trả nợ rồi.”
But khờ sao chép

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM A (Mt 4, 1-11)




BUÔNG TAY

Có phải ngày nay đâu, mà ngay từ thuở đầu, người ta đã lấy danh vọng, bạc tiền, địa vị làm thước đo chuẩn mực. Thế nên, có lạ đâu thế lực sự ác mời gọi Đức Giêsu làm theo lời đề nghị hưởng vinh hoa phú quí phúc lộc trần gian. Nào là chức tước, địa vị; nào là bánh ăn, lương thực; nào là vinh hoa, lợi lộc… những phạm trù nằm trong top ten của nhân loại. Vậy mà Đức Giêsu đã từ chối, làm sao Ngài có thể đồng ý được cơ chứ, vì chính Ngài là Chủ tể, chính Ngài tạo dựng nên thế giới cùng vạn vật trong đó, sao lại có thể nô lệ, tôn thờ cho đặng được?


Ngày nay nhân loại thờ cái bụng làm chúa. Não trạng ăn để mà sống như không còn phù hợp, người ta sống để mà ăn, mà hưởng thụ. Không lạ mà quán xá, cửa hàng, khách sạn, siêu thị… mọc ra như nấm, đáp ứng nhu cầu sự sống của con người thì ít mà hưởng thụ là nhiều. Không biết bao nhiêu thứ tội lỗi diễn ra bên trong những bức màn trá hình của sự giàu sang, tiện nghi và văn minh nhân loại.


Cũng dễ hiểu, việc thế lực sự ác đánh đòn tâm lý, đưa ra những chuẩn mực tham vọng xã hội để đánh đố Đức Giêsu. Như vậy, tất cả những ai tôn thờ tham vọng, đều không thuộc về Thiên Chúa. Đấy cũng là thước đo để nhận biết mình có đang sống trong ân sủng hay không.


Cái trớ trêu chính là, lời dụ dỗ bao giờ cũng ngon ngọt, còn Lời đem lại sự sống lại đòi hỏi nhân loại đi vào ngõ hẹp. Thế giới văn minh, nhu cầu lưu thông ngày càng rộng, ai chẳng thích con đường sang rộng, thoải mái, có ai thích đi vào đường hẹp bao giờ. Cái gồ ghề, chật chội, lồi lõm của nó đã khiến không biết bao nhiêu người bỏ cuộc vì sợ phải chảy máu, sợ hy sinh, mất mát.


Thiên Chúa và đường lối của Ngài có trở nên lạc lõng giữa thế giới hôm nay hay không khi mà nền văn minh thực dụng ngày càng phát triển ngoài vòng kiểm soát. Cái tự do Thiên Chúa phú bẩm cho nhân loại theo phẩm tính của Ngài đã bị lạm dụng nghiêm trọng. Người ta không chỉ tự do trong lựa chọn mà ngay cả trong hành động nghịch lại ý muốn Thiên Chúa. Nhân loại bỏ qua sự hiện diện cũng như quyền năng của Ngài.


Thay vì hãy sống như thể ngày cuối cùng được sống, người ta sẽ biết sống tốt hơn, yêu mến Thiên Chúa hơn thì nhân loại lại hưởng thụ như ngày cuối cùng được hưởng thụ. Sự sai lệch trong suy nghĩ, trong lối tư tưởng đã khiến con người đi hết sai lầm này đến sai lầm khác. Cứ thế càng ngày họ càng dấn sâu vào con đường lầm lạc.

Của cải vật chất thật quan trọng vì nó góp phần mang lại hạnh phúc con người, gia đình, xã hội và thế giới nhưng cũng chính vì của cải mà bao người phải mất mạng, bao quốc gia phải mất nước, bao gia đình cửa nhà phải tan nát. Hãy dùng của cải như là phương tiện cho ta cuộc sống, tại sao cứ phải tiền của như là cứu cánh để rồi gây không biết bao nhiêu là nỗi đau cho người thân, đồng loại?

Có phải thời đại ngày nay nhân loại mới cần tiền, tham tiền đâu, mà xu hướng hướng chiều về điều xấu đã phát xuất từ khi con người biết ý thức về tội. Tội thật ra không là điều ghê gớm lắm, nhưng chai lỳ trong tội mới đáng sợ. Tội mà biết ăn năn hối cải, vẫn đáng trân trọng. Tội đến độ vô lương tâm coi thường đạo lý thì thật đáng trách vô cùng.


Nếu như thế giới biết lấy Lời Chúa để sống có lẽ cuộc sống này thật tốt đẹp hơn rất nhiều. Khổ nỗi, nói Lời Chúa thật dễ nhưng để sống là cả một vấn đề. Lời Chúa hàng ngàn năm nay có bao giờ thiếu người để tâm suy niệm, tìm hiểu, học hỏi và rao giảng đâu, vậy mà hoa quả Lời Chúa tìm mãi chả mấy thấy. Nỗi đau về thực trạng thế giới là ở đó. Cũng chỉ vì tham vọng thôi mà đời nọ nối tiếp đời kia, con người lam lũ sống trong giả trá. Tìm tình yêu thật giữa thời đại này khó lắm. Chả còn mấy ai yêu thích thế giới tâm linh mà Thiên Chúa đã thiếp lập và ngự trị. Người ta thích thực tế hơn, những cái gì tiện nghi, nhanh gọn, hiệu quả đều chiếm được thị hiếu thời đại.

Đức Giêsu đã toàn thắng thế lực sự ác, còn nhân loại thì sao? Ngài đã can đảm trả lời không với những cám dỗ mang lại hạnh phúc lợi nhuận ngay trước mắt. Còn chúng ta, con người đã trả lời gì với lời mời gọi hấp dẫn của danh vọng vinh hoa trần thế. Hãy trả lời sao để nhân loại bớt tiếng khóc than, để hòa bình được trở lại trên thế giới. Cuộc sống đã quá nhiều đau khổ, người ta khóc quá nhiều, phải làm sao để nhân loại tìm được lối thoát, tìm được con đường cứu rỗi để được hạnh phúc viên mãn, thứ hạnh phúc không bao giờ mất đi.


Con người không phải không ý thức tiền tài danh vọng, địa vị, chức tước đều cũng qua đi, đến một ngày tay trắng đối diện với sự chết, vẫn biết họ có mang theo gì được bên mình, thế nhưng, nhân loại vẫn mặc nhiên hưởng thụ, tranh giành. Chút danh chút lợi nhưng lại vô cùng quan trọng, bởi thế mà không ít người đi tìm danh vọng, chấp nhận khước từ Lời ban sự sống.


Lạy Chúa, làm người, con khó tránh khỏi trải qua những giai đoạn đam mê danh vọng, đã đến lúc con giật mình tỉnh ngộ, muộn màng nhận ra hạnh phúc vô vàn từ những điều rất chân thường của cuộc sống. Hạnh phúc ấy dù nhỏ nhoi nhưng vô cùng quan trọng với ai tìm được cái lẽ đời mình. Lẽ sống đời con là Chúa, cùng với Ngài lên trời từ đất. Đất với con, giờ này là một cuộc sống lao động âm thầm khiêm hạ, miệt mài cộng tác vào chương trình cứu chuộc. Con hạnh phúc vì thực sự được sống kiếp người. Như chim én đưa thoi miệt mài, con cố gắng chu toàn cuộc sống mà thánh ý Chúa đã đặt để, hạnh phúc vì Đấng toàn thắng sự ác luôn ở bên mình. Có Chúa là tất cả rồi. Xin giúp con đoạn tuyệt mọi tham vọng, lấy hạnh phúc Nước Trời làm cùng đích, buông tay gửi lại phù vân cho trần thế…


M.. Hoàng Thị Thùy Trang
(nguồn :thanhlinh.net)

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

Re: Tro

Thưa anh em
Bắt đầu mùa chay, thấy bài này nên đọc, xin chép để anh em cùng nghĩ

TRO

Tro…Bụi…

Là bụi đường cuốn theo chiều gió, là vật dơ

Là vật dơ lẻn vào khắp chốn khắp nơi.

Ai cũng tìm cách lau chùi cho sạch.

Tro là cái gì còn lại đó

Khi tất cả đã cháy tiêu tan

Là đô thị hoang tàn

Vì những kẻ sát nhân đã phát điên ni lửa.

Là mối tình hôm nay không còn nữa - Vì ích kỷ của đôi bạn cố tri

Là tình yêu của đôi vợ chồng

Đã tan vỡ vì thói kiêu căng - trong lòng anh, trong lòng chị.

Là vẻ đẹp của ngày nào – nay trở thành nắm tro tàn lạnh lẽo.

Tro là cái gì còn lại đó

Khi niềm hy vọng của ta bị tiêu tan.

Là cái gì chung cuộc còn lại đó

khi cuộc sống của ta đến hồi kết liễu.

Thế con người là gì ?

Con người không thể làm được chi

Mà một ngày kia lại chẳng thành tro bụi

Tro tàn là dấu hiệu ta bé nhỏ

Dứt khoát không thể làm được chi

Có cơ may tồn tại

Đavít vua Israel – tay anh hùng hào kiệt 

Đương lúc tuổi xuân

Khi nhận biết mình tội lỗi -  Đã rắc tro trên đầu

Vua thánh Louis – khi thấy mình sắp chết

Đã bảo gia nhân khiêng mình đặt trên tro 

Để đi nghênh đón Chúa.

Tro bám vào thân thể như lớp bùn nhơ

Có ai còn nhận ra đó là vua nữa !

Còn đâu vàng bạc,

Còn đâu quyền thế !

Còn gì lôi cuốn, còn gì tươi trẻ !

Khi lớp sơn hào nhoáng đã trôi rồi,

Thì chỉ còn lại con người thôi

Với tội lỗi và yếu đuối –

Chờ Chúa đến thanh tẩy

Tro là những gì còn sót lại

Khi tôi đã mất đi –

Vẻ hào nhoáng bên ngoài - Và tính kiêu căng , và tài đóng kịch

 

Tro là cái gì còn lại đó

Khi tôi đã mất đi – những chiếc mặt nạ tôi ưa mang cho mình ra đẹp đẽ.

Tro tàn chấm dứt vẻ hào nhóang bên ngoài của tôi.

Thế thì càng hay, cớ sao lại buồn ???

 

Kể từ nay, tôi sẽ không còn phải bận tâm

Với những gì tôi nghĩ là cần cho cuộc sống :

Những thứ tôi dùng, những thứ tôi có…Những buổi tiếp tân,

Những gì làm cho người ta lác mắt. Dáng vẻ bên ngoài khi tôi xuất hiện.

 

Nếu tôi đưa mắt nhìn nắm tro tàn

Thì đâu phải vùi mình trong khốn khổ,

Hay là mang bộ mặt ê chề,

Của người gặp thất bại triền miên

 

Cũng không phải là để nhắc cho mình

Rằng tôi không đáng gì cả.

Chẳng làm nên cháo cơm gì hết.

Tôi phải có gan nhận nắm tro tàn - để biết mình rồi sẽ tới đâu ???

 

Nếu không vận dụng trí não và con tim – Để vươn mình đứng thẳng

Tôi phải có gan nhận nắm tro tàn  - Để nhắc nh cho mình

Rằng gặp thất bại vẫn có thể vươn lên

Rằng dưới đáy bùn dơ bẩn hôi tanh -Luôn có những báu vật còn cất dấu

 

Để nói với tôi rằng mình bé bỏng,

Nhưng nhất là phải bắt tôi kêu lớn tiếng

Rằng tôi có thể vượt lên trên những cái gì bé nhỏ

Rằng tôi đã khá hơn hồi còn yếu đuối.

 

Và tay tôi vẫn có thể xây đựng một cái gì tồn tại

Rằng tôi có thể làm chớm nở tình yêu  - Đem lại niềm hy vọng,

Đưa tay vỗ về âu yếm - Chấm dứt nỗi khổ đau

Trở nên bạn đống hành của Chúa.

 

Thế thì các bạn của tôi ơi,

Hãy bốc tro đầy tay và đưa mắt nhìn,

Dưới lớp tro tàn có than đỏ rực

Chỉ cần gió ni lên là lửa hồng bừng cháy

Thiêu rụi đêm đen, đẩy lùi bóng tối

Này các bạn, hãy đứng thẳng vươn cao

Hãy vươn cao, đứng thẳng

Đưa mắt nhìn xem dưới lớp tro tàn

Có cái gì Chúa đã gieo, còn tiềm năng trong đó.

 

Đưa mắt nhìn xem Chúa đến tìm ta

Dầu ta mang dáng vẻ nào đi nữa,

Hãy lắng tai nghe Chúa cho ni gió

Và từ nắm tro tàn của ta -  Lửa hồng bừng cháy

Mãnh liệt thay ngọn lửa của tình ta !!!

 Charles Singer


  Ex 772

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

Re: 1/2 the gioi


Lúc đó vào khoảng 8g sáng , giữa bầu không khí bận rộn của bệnh viện. Một ông cụ khoảng 80 tuổi bước vào phòng và được yêu cầu cắt chỉ khâu ở ngón tay cái. Ông nói ông đang vội vì có hẹn vào lúc 9g. Tôi mời ông ngồi vì biết phải hơn một tiếng đồng hồ nữa mới có người giúp ông                        .
Tôi thấy ông nhìn đồng hồ . Vì lúc đó không bận với bệnh nhân nào , nên tôi quyết định khám và chăm sóc vết thương cho ông                
.
              Trong khi chăm sóc vết thương, tôi hỏi phải chăng ông có hẹn với một bác sỹ khác trong sáng nay bởi vì thấy ông vội. Ông nói không, chỉ là ông cần đi đến nhà dưỡng lão để ăn sáng với vợ ông. Tôi hỏi thăm sức khỏe của bà . Ông cho biết bà đã ở đó một thời gian rồi , và bị chứng Alzheima (chứng mất trí nhớ)              
.
Trong khi trò chuyện tôi hỏi ông là bà có khó chịu chăng nếu ông đến trễ một chút. Ông trả lời rằng bà không còn biết ông là ai nữa đã 5 năm nay. Tôi ngạc nhiên hỏi hỏi ông:" và cụ vẫn đến ăn với cụ bà mỗi sáng, mặc dù cụ bà không còn biết cụ là ai nữa?"                              .
Ông vừa cười , vừa vỗ nhẹ vào tôi và nói :
" Bà ấy không nhận ra tôi , nhưng tôi vẫn biết bà ấy là ai"

            
Khi ông đi rồi , tôi cố gắng cầm nước mắt với bao cảm xúc trào dâng. Tôi nghĩ rằng đây là tình yêu tôi muốn có trong đời                          .
Tình yêu chân thật là sự quan tâm chăm sóc nhau đến trọn đời.
Tình yêu chân thật không phải là tình yêu thân xác , cũng không phải là tình yêu lãng mạn                   
.
Tình yêu chân thật là chấp nhận tất cả những gì đã có, đang có , và sẽ có                               
.
Trong các chuyện bông đùa cho vui trên các e-mail, thỉnh thoảng cũng có những e-mail mang một thông điệp quan trọng. Và hôm nay tôi
muốn chia sẻ với các bạn thông điệp này.
             Những người hạnh phúc nhất không nhất thiết phải là người có được điều tốt đẹp nhất , mà là những người biết tổ chức cuộc sống của mình một cách tốt đẹp nhất với những gì mình đang có.

" Sống không phải là thoát khỏi cơn bão , mà là nhảy múa dưới cơn mưa"
Bút khờ chép                 

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 9 MÙA THƯỜNG NIÊN A (Mt 7, 21-27)


XÂY NHÀ TRÊN ĐÁ

Đêm nọ vị mục sư đi đóng cửa nhà thờ bỗng thấy một cậu bé nằm ngủ trên hàng ghế chót. Ông đến đánh thức cậu dậy, mời cậu ra để ông đóng cửa nhà thờ. Cậu bé nài nỉ ông thương cho ngủ đỡ một đêm, nhưng ông dứt khoát từ chối. Thấy cậu van xin quá, ông gọi điện đến hai trung tâm, nhưng cả hai nơi đều từ chối vì hết chỗ. Thế là cậu bé phải lủi thủi đi vào đêm tối, mà chẳng biết mình sẽ đi về đâu!...

Về đến phòng, vị mục sư bắt đầu đọc kinh tối và Kinh Thánh như thường lệ. Hôm đó, ông đọc ngay dụ ngôn nói về người Samaritanô nhân hậu. Bỗng ông thấy cậu bé lúc nãy giống như người bị kẻ cướp, còn ông là một trong các tư tế bước qua một bên mà đi, không thương giúp người bị cướp…

Nhìn lại chính mình và tự vấn lương tâm, nhiều lúc chúng ta cũng đã hành động như vị mục sư trên đây. Chúng ta đã từng đọc và nghe Lời Chúa, nhưng hạt giống Lời Chúa không sinh hoa kết quả gì trong cuộc sống chúng ta.

Những ai nghe Lời Chúa mà không đem ra thực hành thì “giống như người dại xây nhà trên cát” (Lc 6,49). Cuộc đời này quá ngắn ngủi để chúng ta xây dựng khát vọng trường cửu của mình. Cần sáng suốt nhận định những gì chóng qua và những gì có giá trị vĩnh cửu. Phải lấy Lời Chúa làm khuôn vàng thước ngọc và nền tảng vững chắc cho cuộc sống như người xây nhà trên đá… (Theo “Sám hối và Canh Tân”).

Sau khi trình bày Hiến Chương Nước Trời trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu kể dụ ngôn xây nhà trên đá và trên cát như để xác quyết rằng: Nghe Tin Mừng cứu độ chưa đủ, cần phải đem ra thực hành. Biết Phúc Âm chưa đủ, còn phải sống Phúc Âm.

1. Sống đạo cũng giống như xây nhà.

Muốn xây một ngôi nhà hoàn mỹ phải hội đủ hai yếu tố quan trọng, đó là đẹp và bền. Ngôi nhà càng cao nền móng càng phải vững chắc.

Chúa Giêsu ví đời sống đạo của người tín hữu như việc xây nhà. Có người xây trên nền cát không vững. Có người xây trên nền đá rất vững vàng. Người nghe và thực hành Lời Chúa như người khôn ngoan xây nhà trên nền đá. Gió bão mưa lũ không làm cho ngôi nhà lay chuyển được. Người nghe Lời Chúa mà không thực hành như người ngu dại xây nhà trên cát. Mưa sa bão táp nuớc lùa, ngôi nhà sẽ bị đổ.

Hai ngôi nhà bề ngoài như nhau. Chỉ khi có mưa sa bão táp mới biết nhà nào xây trên đá, nhà nào xây trên cát. Như hai ngôi nhà, hai tín hữu có thể giống nhau bề ngoài, sử dụng cùng những từ ngữ, thi hành cùng một chức vụ, được cùng thứ ơn đoàn sủng trong Giáo Hội. Chẳng thấy họ khác biệt nhau chỗ nào, lương tâm của cả hai có lẽ cũng bình an như nhau. Thế nhưng kẻ này mềm như cát, người kia vững như đá. Chính cơn thử thách sẽ cho thấy bản chất đích thực của hai người. Có những Kitô hữu đã ngã đỗ vì một thử thách. Chẳng hạn, cầu nguyện sốt sắng mà vẫn không được nhận lời, bị người thân yêu nhất phản bội, bàng hoàng trước gương xấu của một số chủ chăn. Đó là bởi thay vì đặt niềm tin của mình trên Lời Chúa, họ đã xây nó trên tình cảm tôn giáo (mà họ lầm lẫn với đức tin), trên các quyến luyến nhân loại (mà họ cho là đức bác ái) hay trên một sự nóng lòng chờ đợi các kết quả thấy được bên ngoài (mà họ đồng hóa với đức cậy trông).

Có một số cách sống đạo, cần xét mình để xem đó có phải là xây nhà trên nền đá vững chắc hay không.

- Sống đạo bằng cách đọc kinh, dự lễ rất đầy đủ và chuyên cần. Có lẽ đa số người giáo dân theo cách này. Ngày Chúa Nhật và những ngày lễ, nhà thờ đông người tham dự. Nhiều nơi xây thêm nhà thờ mới. Nhiều nhà thờ ngày càng trở nên chật hẹp, phải nới rộng thêm. Đây cũng là cách của những người biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu đã nói “Không phải những ai thưa ‘Lạy Chúa lạy Chúa’ mà được vào Nước Trời”. Đọc kinh dự lễ rất nhiều mà rốt cuộc không được vào Nước Trời. Đó là xây nhà trên cát.

- Sống đạo bằng cách chọn Chúa là Đấng bảo vệ che chở cho đời mình. Người ta, có kẻ thờ Quan Công, có người thờ thần tài, có người thờ Phật Bà Quan Âm. Nhưng tôi nhất quyết chọn Chúa vì tin rằng Ngài quyền phép hơn tất cả những thần thánh kia. Bởi thế, khi bắt đầu làm ăn, tôi cầu xin Chúa giúp; khi gặp trục trặc, tôi xin Ngài giải quyết; khi thành công, tôi dâng lễ vật tạ ơn Ngài; cho đến khi sắp chết, tôi xin Ngài rước tôi lên thiên đàng với Ngài. Thiên Chúa trở thành ô dù, là nhà tài trợ, là mạnh thường quân, là lá bùa hộ mệnh. Những người này có phần “khôn khéo” vì biết chọn theo Thiên Chúa mạnh thế hơn, nhưng xét cho cùng thì cách sống đạo của họ cũng không khác gì những người thờ các thần khác. Cũng là xây nhà trên cát.

- Có những người bệnh tật không đến nhà thờ được, hoặc ở nơi không có nhà thờ. Họ không dự lễ nhiều, nhưng họ luôn cố gắng thực hành những điều Chúa dạy trong Tin Mừng, họ quan tâm tìm hiểu ý Chúa và làm theo ý Chúa. Chúa Giêsu nói về họ: “Ai nghe những lời Thầy nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá”. (sợi chỉ đỏ)

2. Xây nhà trên đá vững chắc

Cái nền đá vững chắc mà Chúa Giêsu nói, đó chính là đức tin thể hiện bằng việc làm “Không phải những ai nói với Ta ‘lạy Chúa, lạy Chúa’ mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ có người nào thực hiện ý Cha Ta trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời”; “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây và đem ra thực hành thì giống như người khôn ngoan đã xây nhà mình trên đá”.

Chúa Giêsu không hề hứa là ngôi nhà trên đá sẽ không bị mưa tuôn, sóng vỗ. Điều Chúa hứa là cho dù ngôi nhà đó có bị bao nhiêu mưa tuôn và sóng vỗ đi nữa thì nó vẫn đứng vững.

Hơn hai ngàn năm qua, Giáo Hội vẫn luôn đứng vững dù gặp nhiều cơn bão tố phủ vây. Giáo Hội được xây dựng trên nền Lời Chúa. Lời đã được đem ra thực hành trong đời sống của Giáo Hội suốt dòng lịch sử.

Tri thức cần phải chuyển biến thành hành động. Lý thuyết cần đem vào thực hành. Thần học cần đưa vào cuộc sống. Một giáo dân thường biết áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống, canh tân theo tinh thần Tin Mừng thì có giá trị hơn nhà Thần học, nhà Thánh Kinh mà không sống Lời Chúa.

Một đời sống đạo được kết hợp bằng những hiểu biết lý thuyết, được diễn tả bằng ngôn ngữ hoa mỹ, có thể đánh lừa được người khác, hoặc tự tạo cho bản thân một cảm giác an toàn giả tạo, nhưng nó sẽ rất nguy hiểm khi mưa lũ thử thách và bão táp bách hại kéo đến, thiệt hại tất sẽ nặng nề.

Sách Cách Ngôn viết: “Bão táp thổi qua, gian ác chẳng còn, nhưng người chính trực vững như nền vạn cổ” (Cn10, 25). Người chính trực là kẻ khôn ngoan đã xây nhà trên nền đá, mưa có đổ, nước có tràn, gió có thổi nhà vẫn không sập. Người khôn ngoan ở đây không có nghĩa là người hiểu biết, giỏi lý luận, có thể nói về Thiên Chúa một cách lưu loát. Người khôn ngoan phải là người luôn tuân giữ giới luật của Thiên Chúa. Người khôn ngoan đón nhận hạt giống từ kho tàng Thánh Kinh và đem gieo vào cuộc sống thực tế để cây Lời Chúa mọc lên trổ sinh bông hạt.

Lời Chúa vốn đã tốt đẹp bền vững, không cần con người phải chải chuốt tô điểm. Bổn phận của con người là phải liên kết Lời Chúa vào đời sống của mình. Chẳng một dịp nào mà con người có thể bỏ qua mà không áp dụng vào lời dạy của Chúa Giêsu. Chẳng một câu hỏi nào mà không đòi hỏi có giải đáp đã nằm sẵn trong lời dạy của Đức Kitô. Một đời sống đạo lý tưởng phải là lời lặp lại câu nói của thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.

Sống đạo không chỉ bằng lời nói: đọc kinh nhiều, hoặc bằng ý nghĩ hay: suy tưởng sâu xa, nhưng còn bằng việc làm nữa, biết chăm lo thực hành thánh ý Chúa để thánh hoá đời sống mỗi ngày.

Lòng đạo đức đích thực không phải do những hình thức đạo đức bên ngoài, nhưng do đời sống phù hợp với Tin Mừng của Chúa. Muốn vào Nước Trời, cần phải nỗ lực và kiên trì sống tinh thần và giáo huấn của Chúa, chứ không được tự mãn vì những hình thức sống đạo bên ngoài. Tác giả linh đạo Kenpis từng nói: “Sống khiêm nhường thì quan trọng hơn biết được định nghĩa về đức khiêm nhường”. Học, đọc, suy niệm Lời Chúa chưa đủ, mà còn phải đem áp dụng vào đời sống những giáo huấn của Chúa nữa.

3. Vấn đề thời sự

Diễn biến của khu vực Bắc Phi và Trung Đông dồn dập xảy ra trong những ngày qua. Sau sự ra đi của các nhà độc tài, các nhà phê bình thường phán xét mức độ tội ác trong thời gian trị vì, sự thiệt hại, cũng như hậu quả mà họ đã gây ra cho quốc gia đó và thế giới. Có nhiều nhận định về sự khôn ngoan, ngu xuẩn của các nhà lãnh đạo. Ngày hôm nay, nhân dân yêu chuộng tự do và dân chủ trên toàn thế giới nói chung và người Việt nói riêng, vui mừng trước sự sụp đổ của hai thể chế độc tài ở Tunisia và Ai Cập. Đồng thời mọi người cũng đang hồi hộp theo dõi dòng các sự kiện dầu sôi, lửa bỏng tiếp theo ở các quốc gia Ả Rập khác như Algieria, Yemen, Jordan, Barhain, Syria, ... và đặc biệt tại Libya.

Ngày 22.2, trong một cuộc họp khẩn cấp, Saif al-Islam Gaddafi, con trai của Muammar Kadafi thông báo đã có 300 người bị chết, trong đó có 242 thường dân và 58 binh lính.Thấy khó giành được ưu thế trên mặt đất, Kadafi đã ra lệnh cho máy bay quân sự ném bom, nhả đạn vào người biểu tình, tuyên bố đanh thép sẽ tử thủ tại Tripoli và với những ai chống đối sẽ bị trừng phạt bằng cái chết.

150 ngàn binh lính, cảnh sát và lính đánh thuê là nền móng của chế độ Kadafi. Một nửa trong số này là quân tinh nhuệ. Nếu không tiếp tục duy trì quyền kiểm soát được lực lượng này, Kadafi sẽ mất quyền lực.Tuy nhiên, dù quân đội tinh nhuệ, cảnh sát và lính đánh thuê hùng hậu, nhưng khi đã dã man, vô nhân đạo nổ súng vào dân thường, thì họ không đủ mạnh nữa. Tàn ác cỡ Hitler cũng không quay ngược súng bắn vào nhân dân của mình. Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel nói rằng “Kadafi đã tuyên bố chiến tranh với chính dân tộc mình”. Miền Đông Libya dường như tuột khỏi tầm kiểm soát của Kadafi, trong khi ngày càng tăng lên số binh lính ngả về phe đối lập. Lệnh xử bắn ngay lập tức lính đào ngũ không giúp được Kadafi bao nhiêu. Truyền hình Al-Jazeera loan tin Ngoại trưởng Libya kêu gọi quân đội đứng về phía đối lập. Các giáo sĩ chuyển thông điệp tới tín hữu chống lại Kadafi và coi đây là trách nhiệm của người Hồi giáo. Hai máy bay phản lực hạ cánh xuống Malta xin tỵ nạn chính trị vì từ chối ném bom xuống quần chúng. Hàng loạt các đại sứ của Libya ở nước ngoài từ chức phản đối cuộc tắm máu của Kadafi. Liên đoàn các nước Ả Rập họp bất thường loại bỏ Libya tham dự và đòi hỏi Kadafi “chấp nhận khát vọng của dân tộc Libya” và “phải bảo vệ an toàn cho nhân dân”. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp...

Hosni Mubarak trong tình thế nguy cập đã lên truyền hình xoa dịu, cam kết không ra tranh cử vào tháng 9, tiến cử Phó Tổng thống và uỷ quyền cho ông ta thương lượng với các lược lượng phản kháng và quân đội. Quan trọng nhất là Mubarak đã không dùng quân đội chống lại nhân dân. Việc điều động xe tăng tới quảng trường Tahrir chỉ cốt đe doạ. Hình ảnh người cha đặt em bé ngồi trên xe tăng hay cặp uyên ương trong bộ đồ cưới chụp hình bên xe tăng sẽ đi vào lịch sử như những hình ảnh tuyệt đẹp của cuộc xuống đường bất bạo động và tình cảm giữa người lính với nhân dân.

Có khoảng 100 người tử vong, hàng trăm người bị thương, trong hơn ba thập kỷ cầm quyền cái ác mà Mubarak đưa lại cho nhân dân Ai Cập nhiều hơn cái thiện, nhưng sự ra đi của Mubarak dù sao cũng khôn ngoan hơn Kadafi nhiều.

Kadafi cho máy bay dội bom chính thủ đô của mình, bắn thẳng vào chính nhân dân của mình, những người mà không có họ ông ta đã không có cơ hội để ngồi trên ngai vàng suốt 42 năm qua.

Về số phận của Muammar Kadafi tôi cho rằng, nếu không giống như Saddam Hussein của Iraq, Slobodan Milosevic của Serbia, thì rất có thể là màn kịch dành cho Ceausescu của Romania trong năm 1989 sẽ tái diễn. Cho dù Kadafi không những sử dụng xe tăng như Đặng Tiểu Bình trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 mà còn sử dụng cả máy bay ném bom nữa. Kadafi rồi sẽ thất bại. Những ngày tàn của Kadafi chắc chắn đang kết thúc. (x.Blog LeDienDuc)

Một loạt tổng thống thủ lĩnh sống như vua nhiều năm không thể bạo tàn mãi ở Tunisia, Ai Cập, Bahrain, Lybie, Yemen… Những Ben Ali, Hosni Mubarak, Muammar Kadafi và tiếp theo còn ai nữa ôm hàng tỷ đôla bãi chức ra đi tìm mua một chỗ nằm…

Những bài học về sự khôn dại, xây nhà trên đá trên cát rất thiết thực qua những diễn biến thời sự nóng bỏng.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
(nguồn : thanhlinh.net)