Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Bức tranh Phục Sinh ấn tượng nhất.



Từ trước đến nay, sự kiện Phục Sinh đã từng là nguồn cảm hứng cho nhiều danh hoạ bực thầy như Rembrandt, Rubens, Paolo Verones hay Sebastiano Ricci.                                                                                           Những bức tranh nổi tiếng cuả họ thường diễn tả cảnh huy hoàng lúc Chuá Sống Lại, sự khải hoàn bên trên ngôi mộ trống, sự sững sờ cuả đám quân canh, hoặc niềm vui tột độ cuả bà Madalena. Ít được biết đến, vì không có hình Chuá, và vì ít được sao chép cho mục đích thờ phượng, nhưng được đánh giá là một kiệt tác có ý nghiã nhất trong các tác phẩm Phục Sinh, đó là tác phẩm cuả một hoạ sĩ Thuỵ Sĩ không mấy tiếng tăm tên là Eugène Burnand. Bức tranh có một cái tên rất dài: "Các môn đệ Phêrô và Gioan chạy đến Mộ lúc buổi Sáng Phục Sinh ", niên lịch năm 1898, đang được lưu trữ tại viện Bảo Tàng Musée d'Orsay ở Paris.
Những ai bỏ công đi tới bảo tàng d'Orsay để chiêm ngắm bức tranh, đều đồng ý là bức tranh đã đánh động tâm hồn họ một cách đặc biệt.
Bức tranh không vẽ cảnh Chuá hiển vinh, chỉ miêu tả hai nhân chứng, một người là tông đồ già nhất và một người là tông đồ trẻ nhất cuả Chuá Giêsu. 
Vị tông đồ trẻ, Gioan, là người duy nhất đã có đủ can đảm đi theo chân Chuá cho đến tận đồi Golgotha, và cũng là vị tông đồ duy nhất không phải chết tử vì đạo. Còn vị tông đồ già kia, Phêrô, là người vừa mới chối Chuá nhiều lần vì sợ hãi, nhưng sau cùng thì ông đã chọn việc bị xử tử bằng cách chịu đóng đinh ngược đầu chứ không phủ nhận sự Phục Sinh cuả Chúa Kitô. 
Trong bức tranh, Gioan siết tay cầu nguyện trong khi Phêrô áp chặt bàn tay trên trái tim mình. Tóc và áo của hai người bay ngược về phiá sau diễn tả một cuộc chạy bộ vội vàng, nôn nóng để được chứng kiến một sự kiện đã thay đổi cục diện cuả cả Trời lẫn Đất một cách vĩnh viễn.
Tuy chỉ vẽ có hai người, nhưng bức tranh gợi ý đến ba nhân vật khác, Chuá Giêsu, Mẹ Maria và bà Madalena.           
Người ta có cảm tưởng bà Mary Madalena đang ở gần bên, đứng ngay cạnh bức tranh. Và hầu như người ta có thể nghe thấy giọng nói hớn hở của bà, chỉ mới vài giây trước đó, đã xông vào nhà của các môn đệ mà báo tin Người đã sống lại.    
Hình ảnh cuả Phêrô diễn tả toàn thể mối quan hệ giữa ông với Chuá Giêsu. Đôi mắt ông mở to ẩn chứa một sự hỗn hợp giữa lo âu và hy vọng. Ông đang bị dằn vặt bởi ba lần chối Chuá nhưng đã không đánh mất niềm hy vọng được cứu rỗi. Người ta có thể liên tưởng tới vài ngày sau đó khi Chuá ngồi bên đống lửa và hỏi Phêrô ba lần, "
Con có yêu Thầy không ? ", và ba câu trả lời cuả ông đã rửa đi tất cả những tội lỗi quá khứ.     
Hình ảnh Gioan với đôi mắt đăm chiêu và thái độ tuân phục nhắc nhở tới những giây phút đau buồn trên núi Sọ vẫn còn chưa vơi trong lòng ông, lúc đó Chuá Giêsu đã hướng về mẹ mình và nhắn nhủ với Gioan rằng "
Đây là mẹ con, " và hướng về Gioan mà nói với Mẹ rằng "Đây là con bà." Toàn thể loài người đã được ủy thác cho Mẹ và Mẹ cũng đã nhận loài người làm con cuả mình từ lúc đó.        
Bầu không khí khẩn trương cuả hai nhân vật trong tranh cho thấy rằng tuy một Thế Giới mới với một cuộc sống mới đã xuất hiện, nhưng mọi người vẫn còn sống trong lo âu và nghi ngờ vì đó là một bí ẩn vượt quá tầm hiểu biết và sự kiểm soát cuả con ngườì nhỏ bé.
Xét về mặt nghệ thuật, bức tranh "Các môn đệ" cuả Eugène Burnand đã được vẽ trong bối cảnh một nền nghệ thuật mới (thứ Bảy) đang ló dạng, đó là nghệ thuật điện ảnh.       
Do đó bức tranh đã mang ảnh hưởng cuả nền nghệ thuật sống động mới này, nhằm để diễn tả hành động, để kể một câu chuyện. Cảnh Phục Sinh cuả ông không mô tả những tĩnh vật như mồ đá đã mở hoặc những gương mặt 'sững sờ' đầy kịch tính, nhưng là diễn tả một cảnh chuyển động với nắng lên, mây bay và những gương mặt biểu lộ một tâm tư sôi nổi.
Tuy thể loại hiện thực cuả Burnand sẽ bị thay thế nhanh chóng bởi nghệ thuật thứ Bảy và không được tiếp đón nồng hậu ở Âu Châu khi đó đang bị rơi vào một nạn 'đói' tâm linh trước những tấn công cuả nhiều lý thuyết vô thần. Tuy nhiên bức tranh cuả Burnand đã đóng góp rất nhiều vào những phong trào 'tái sinh tôn giáo' ở cuối thế kỷ 19 tại Mỹ Châu, đã trở thành rất bình dân trong giới thợ thuyền ở 'Tân Thế Giới'. Họ nhìn thấy hình ảnh cuả chính họ ở nơi hai người thuyền chài nghèo khó đang vội vã, lo lắng nhưng cũng tràn đầy hy vọng và họ sẽ được hớn hở vui mừng, trong một buổi sáng tinh sương cách đây 2000 năm về trước.                                                                                                                                                                 
Trần Mạnh Trác
 

XEM TRỰC TIẾP ĐẠI LỄ PHONG THÁNH - GIOAN XXIII VÀ GIOAN PHAOLÔ II

VIDEO TRỰC TIẾP ĐẠI LỄ PHONG THÁNH
ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII
ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II
TẠI ROMA

(từ 14g30 Chúa Nhật ngày 27.4.2014, giờ Việt Nam)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II PHỤC SINH NĂM A (Ga 20, 19-31)


Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

CN Phục Sinh. Halleluia

                                     CÓ CÁI GÌ TRONG QUẢ TRỨNG CỦA JEREMY? 

 Jeremy chào đời với một thân thể vặn vẹo, một tâm trí trì độn và một căn bệnh mãn tính thời kỳ cuối đang giết dần mòn tuổi thơ của em. Nhưng cha mẹ em vẫn cố gắng cho em sống bình thường bao nhiêu có thể và họ gửi em theo học trường Thánh Terexa. Dù 12 tuổi Jeremy vẫn vất vả theo học lớp hai. Doris Miller, cô giáo của em gặp cha mẹ Jeremy để yêu cầu chuyển trường cho em vào trường đặc biệt. Hai ông bà nói:” Thưa cô, không có một trường nào như vậy quanh đây. Thật “sốc” với Jeremy nếu chúng tôi đưa nó ra khỏi trường này. Chúng tôi biết nó thích học ở đây mà. Cô Doris thật thất vọng, cô còn phải dạy 18 đứa khác mà Jeremy chỉ luôn ngăn trở việc này. Vì sao phải cố gắng một cách vô ích? Nhưng khi cô bình tâm nghĩ về hoàn cảnh và tội lỗi mà cô đã được thứ tha. Cô cầu nguyện:” Lạy Chúa, con chỉ biết phàn nàn, vấn đề của con không thấm vào đâu với những đau khổ mà gia đình đó phải gánh chịu. Xin Chúa giúp con kiên nhẫn hơn nữa với Jeremy.” Rồi một ngày, Jeremy trườn lên bàn của cô, kéo lê cái chân liệt của nó và nói lớn cho cả lớp: -Cô Miller, em yêu cô!. Cả lớp cười chế nhạo, còn mặt cô Doris đỏ như trái táo chín. Cô lắp bắp: -Được rồi, cám ơn Jeremy, em hãy về chỗ ngồi đi. Mùa xuân đến, học trò hào hứng bàn tán về Lễ Phục Sinh đang đến. Cô giáo kể cho bọn trẻ về điều này và nhấn mạnh đến một đời sống mới phát sinh từ đó. Cô cho mỗi em một quả trứng lớn bằng plastic và nói với chúng: -Bây giờ, cô muốn các em đem cái trứng này về nhà, và ngày mai các em sẽ mang cái trứng này đến lớp với một cái gì đó bên trong biểu hiện một đời sống mới. .. Các em có hiểu không? - Thưa cô Miller, chúng em hiểu. Đám trẻ trả lời nhiệt tình trừ Jeremy, tuy nó ngồi nghe rất chăm chú, không gây ra tiếng ồn ào như thường lệ. Không biết Jeremy có hiểu những gì cô nói về cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giê su không? Chắc phải gọi điện cho bố mẹ em để giải thích về công việc mà Jeremy phải làm.
Tuy nhiên , chiều hôm đó cái bếp của cô bị trục trặc, cô bận tâm vào việc sửa chữa và những công việc khác nên hoàn toàn quên mất phải gọi điện cho cha mẹ Jeremy. Sáng hôm sau 19 đứa bé đến trường nộp trứng của chúng trên bàn cô Miller. Đến giờ mở trứng, đầu tiên cô Doris tìm thấy một bông hoa -Tốt lắm, bông hoa chắc chắn là dấu hiệu của đời sống mới... chúng ta biết mùa xuân đang đến. Một cô bé ngồi hàng đầu vẫy vẫy tay và kêu lên:” thưa cô, đó là quả trứng của em” Quả trứng kế tiếp đựng một con bướm bằng plastic như thật. Cô Doris cầm con bướm lên: -Tất cả chúng ta đều biết con sâu đã biến thành con bướm. Đó cũng là một đời sống mới. Con nhỏ Judy cười kiêu hãnh:” Thưa cô, con bướm của em đó” Kế đó , Doris tìm thấy một viên đá với rong rêu trên nó. Cô giải thích cả rong rêu nữa, chúng cũng bày tỏ sự sống. Từ cuối phòng học, thằng Bill nói vọng lên và cười sung sướng:” Bố em đã giúp em đó” Cô giật mình khi mở quả trứng thứ tư, nó hoàn toàn trống rỗng! Chắc là của Jeremy rồi, chỉ tại cô quên gọi điện thoại cho cha mẹ em. Để cho Jeremy khỏi bối rối, cô im lặng bỏ quả trứng sang một bên và lấy tiếp quả khác. Thình lình Jeremy nói lớn: Sao cô không nói gì về quả trứng của em?
Bị bất ngờ, cô Doris trả lời:’Ồ jeremy, quả trứng của em thì trống rỗng!” Jeremy nhìn vào đôi mắt của cô và nói cách dịu dàng: “Vâng, nhưng mộ Chúa Giêsu cũng trống rỗng!”
Thời gian như ngừng trôi. Khi cô lấy lại bình tĩnh, cô hỏi Jeremy:”Thế em có biết vì sao ngôi mộ trống rỗng không?” -Jeremy đáp:” Vâng, Chúa Giê su đã bị giết chết và đặt vào trong đó. Nhưng Chúa Cha đã cho Người sống lại từ cõi chết.” Tiếng chuông hết giờ rung lên. Trong lúc bọn trẻ hào hứng ra sân, thì cô Doris đã khóc. Sự lạnh lẽo bên trong tâm hồn cô đã tan chảy hoàn toàn. Ba tháng sau, Jeremy chết, những người tiễn đưa em ra nghĩa trang đã phải ngạc nhiên khi thấy 19 quả trứng nằm trên nắp quan tài của em, tất cả những quả trứng đó đều trống rỗng

                                          Ida Mae Kempel

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Tam nhật thánh

THỨ NĂM TUẦN THÁNH Chúa lấy khăn mà thắt lưng Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?" Đức Giêsu cho chúng ta tấm gương cụ thể này, và Người muốn chúng ta lặp lại qua các thời đại và hàng ngày. Việc rửa chân có ý nghĩa gì cho chúng ta hôm nay? Sẵn lòng chấp nhận rửa chân cho nhau, là tỏ cho nhau biết chúng ta tìm cách làm cho mỗi người, nam hoặc nữ, thành một người anh, một người chị. Chúng ta không đánh giá theo vẻ bề ngoài. Châp nhận rửa chân cho nhau, là chấp nhận đi vào sự thân tình với người khác và chia sẻ điều chúng ta có...Cũng là châ'p nhận người khác chia sẻ thân tình với chúng ta. Chính Thầy đòi hỏi điều đó! Nếu bạn muốn là môn đệ của Vị Thầy này, thì bạn phải làm điều Người yêu cầu. Thầy chúng ta có những đòi hỏi không tranh cãi. Nếu bạn cảm nghiệm được niềm vui đón nhận những người khác không điều kiện, thì bạn cũng phải có tâm hồn khá cởi mở để cảm thấy vui được những người khác tiếp nhận. Trái tim bày tỏ sự quảng đại khi cho đi và khi đón nhận... Chính Thầy mời gọi chúng ta đi vào sự hiệp thông này. René Pageau  ************************************************************************************* THỨ SÁU TUẤN THÁNH Tưởng niệm cuộc thương khó của chúa chay và kiêng thịt Cử hành cuộc Khổ nạn của Đức Kitô... Này là người Giêsu. Này là bản chất người của Chúa. Này là nhận thức của Chúa về con người. Này là cuộc đời Chúa hiến cho con người. Này là chúng ta, nam và nữ, là Ađam và Evà, đã được viếng thăm để được hồi phục. Cử hành cuộc Khổ nạn của Đức Kitô, là dấn thân vào cuộc sống có tính chất Phục Sinh nổi bật của người nam hoặc người nữ, một cuộc sống được in dấu bằng sức mạnh và sự dịu êm của Tin Mừng, bởi vì được dựa vào sự công bằng, đồng thời vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Trong đêm Phục Sinh, khi chúng ta đón nhận và hoan hô ánh sáng Đức Ki tô trong tối tăm, khi chúng ta lắng nghe Tin Mừng ơn cứu độ giữa đêm đen, thì sau đó chúng ta cử hành phụng vụ bí tích Thanh tẩy quanh giếng nước hằng sống là Đức Kitô, và lặp lại những cam kết ngày chịu phép Rửa... Lúc đó, khi trước mắt có gương mặt của con người Giêsu bị biến dạng và biến hình, nên nhờ Người, với Người và trong Người, cái "có" của chúng ta phải là "có" và cái "không" phải là "không". Nếu như vậy, trong đêm ngày mai, người nam và người nữ mới, là con cái của ánh sáng sẽ chỗi dậy. Eric T. de Clermont-Tonnerre, o.p. *************************************************************************************** THỨ BẢY TUẦN THÁNH Sống sự vắng mặt của Chúa như một ân huệ Đời sống tâm linh là một con đường khúc khuỷu, nơi Thiên Chúa tỏ mình ra như là Thiên Chúa của những bâ't ngờ. Chúng ta sống những xen kẽ của gần và xa, thông đồng và khoảng cách, như trong mọi quan hệ của con người... Mọi quan hệ giữa người và người là một huyền bí phải sống, chứ không phải là một sự phụ thuộc phải duy trì bằng bất cứ giá nào. Chỉ khi mọi sự được cho đi, thì mọi sự sẽ được trả lại theo một cách khác. Trong sự thinh lặng của ngày thứ bảy Tuần Thánh, chúng ta được chiêm ngắm sự vô hình. Chúng ta được gợi ý đào sâu ước muốn của chúng ta và sự vắng mặt, được châ'p nhận như một nghịch lý, lại thuộc về sự hiện diện sâu kín nhâ't. Cũng như không bao giờ chúng ta hoàn toàn chú ý đến điều bí ẩn riêng tư, thi trong mọi quan hệ đích thực cũng vậy... Chúng ta được yêu cầu đi tới sự phong phú thần linh mà không một quan hệ nào của con người có thể lấp đầy, nếu không phải là sự hiện diện của Đấng đã hứa sẽ cư ngụ nơi những ai vâng giữ Lời Người... Chỉ khi nào chúng ta nên giống Chúa và ánh sáng của người lâp lánh trong chúng ta, thì chúng ta mới khám phá ra hình ảnh của Đấng-Mến-Yêu, được khắc ghi từ ngày chúng ta sinh ra, không bao giờ bị điều ác và cái chết gây tổn thương. Và lúc đó, trong nơi sâu thẳm của chúng ta, tỏa sáng ikôn (hình ảnh) của Đấng Phục Sinh. Bernard Ugeux

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

HAPPY BIRTHDAY

THIÊN TĂNG TUẾ NGUYỆT NHÂN TĂNG THỌ,
XUÂN MÃN CÀN KHÔN, PHÚC MÃN ĐƯỜNG.
CHÚC MỪNG CHA HÙNG VŨ NGÀY SINH NHẬT.


ExLiên

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Lễ lá

SỰ TỰ DO HOÀN HẢO

Khi một người có thời gian phục vụ nơi nhà tù và trải qua hầu như cả cuộc đời để làm công việc ấy thì tôi không bao giờ quên nhà tù bất thường nhất mà tôi từng viếng thăm.

Nhà tù ấy mang tên Humaita ở Sao Jose dos Campos, Brazil. Ngày xưa trại này do 1 chúa ngục cai trị còn bây giờ được điều hành bởi quản đốc trại giam Brazil: khác với mọi nhà tù có lính canh và các thiết bị kỹ thuật cao, thay cho những điều đó là những nguyên tắc Kitô giáo về Tình yêu Thiên Chúa và tôn trọng con người.

ở Humaita chỉ có hai nhân viên làm toàn thời gian. Công việc còn lại do 370 phạm nhân đảm nhận: từ kẻ sát nhân và khủng bố đến những tên cướp và con nghiện: họ phục vụ mọi việc. Mỗi người đều được chỉ định cho một phạm nhân khác mà họ phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa , mỗi phạm nhân đều được chỉ định một người hướng dẫn tự nguyện ở bên ngoài, giúp đỡ y về công việc trong suốt thời kỳ ở tù và cả sau khi mãn hạn. Tù nhân được theo học các lớp phát triển nhân cách, được khuyến khích tham dự các chương trình giáo dục và tôn giáo.

Khi tôi viếng nhà tù này, tôi thấy các phạm nhân hay mỉm cười- đặc biệt kẻ sát nhân lại được giữ chìa khóa, anh ta mở cổng và dẫn tôi vào. Bất kỳ nơi nào tôi đi qua , tôi đều thấy những con người bình thản, những khu vực sống động và sạch sẽ; tôi đã thấy họ làm việc cách siêng năng, cần mẫn. Các bức tường được rang trí với những câu danh ngôn và Kinh Thánh.

Humaita có một số liệu làm ngạc nhiên: tỷ lệ tái phạm sau khi mãn hạn là 4%. Do đâu vậy?

Tôi đã thấy câu trả lời khi yêu cầu người hướng dẫn thân thiện, hộ tống tôi tới khu biệt giam giữ những tù nhân khét tiếng. Anh ta nói với tôi: ngay các phòng ấy cũng trở nên gần gũi như các phòng khác. Sau khi chúng tôi đi qua một hành lang dài heo hút, ông ta tra chìa khóa vào ổ rồi quay lại hỏi tôi :

-Ông có chắc chắn là muốn vào trong đó không?

Tôi trả lời ngay lập tức:

-Dĩ nhiên, tôi đã từng vào những nhà tù biệt giam trên khắp thế giới rồi, chứ đâu phải mới lần đầu.

Từ từ, ông mở cánh cửa đó ra và tôi đã thấy người tù trong căn phòng này:"Một Thánh Giá được chạm rất đẹp- Chúa Giêsu đang treo mình trên Thánh Giá"

Người hướng dẫn nhẹ nhàng nói:

-Người đang ở tù vì tất cả chúng ta.

                                                                 Charles W. Colson

*  *  *

Alexander Solzhenitsyn [Nobel văn chương 1970] kể lại thuở ông bị lao động khổ sai trên miền Siberie băng giá, ngoài cảnh thiếu ăn, ông còn lâm phải một cơn bệnh ngặt nghèo. Tuy thế, ông vẫn phải bị bắt xúc cát hàng giờ, đau buốt cả sống lưng. Một hôm, không chịu nổi nữa, ông đành buông xuôi, mặc dù ông biết chắc thế nào cũng bị cai tù đánh đập tàn nhẫn, thậm chí có thể mất mạng như chơi.

Ông vừa buông chiếc xẻng, thì may thay, có một bạn tù chạy đến đỡ lấy cái xẻng của ông. Anh ta lấy chân quẹt trên đất ngay dưới chân ông Alexander một "Dấu Thánh giá", rồi nhanh như cắt, anh lấy cả bàn chân xóa tan dấu Thánh giá ấy đi. Tuy đất lại hoàn dất, dấu Thánh giá đã tan biến trên đất cát, nhưng cặp mắt ông Alexander đã nhìn thấy, và tim ông đã thâu nhận dấu chỉ ấy. Thế rồi lòng tràn ngập can đảm và tin cậy, ông lấy lại chiếc xẻng, và tiếp tục phấn đấu.

Sau này, ông vẫn thường nhắc lại mẫu chuyện ấy, và tin rằng hôm ấy ông đã được cứu sống nhờ dấu Thánh Giá.                                                                                        

Từ internet


Hai ông này cùng ở tù( 1 Mỹ 1 Nga) cùng được giải templeton 1993 và 1983 

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Từ ExluroSG

http://exlurosg.net/?p=6365

Thư Mời HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG

Hop mat 01-4-2014Hằng năm, vào ngày 1 tháng 5, nhằm ngày dâng kính Thánh Giuse thợ, Gia đình Ex Luro (xuất thân từ Chủng Viện Thánh Giuse, 6 đường Luro) đều tổ chức một ngày lễ Truyền thống cho tất cả mọi thành viên trong Đại Gia đình.
          Xin thân mời: Quý Linh Mục đồng môn. Quý Gia Đình Anh Chị Em
cố gắng sắp xếp thời gian để đến cùng chung sống lại với anh em trường cũ những ngày tháng xưa ; Đặc biệt, chúng ta có kính mời Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc dâng Thánh lễ để cùng cầu nguyện cho các Cha Giáo, cho tất cả mọi thành viên trong Đại gia đình Ex Luro còn sống cũng như đã qua đời.
Sự hiện diện của Quý Cha, Quý Anh Chị Em là một chia sẻ tình cảm quí báu cho tất cả chúng ta.
                                                                    Thân mời
                                                                    Đại diện Anh em Luro
                                                                       TÔMA NGUYỄN TRÍ DŨNG
C HƯƠNG TRÌNH
8g30 – 9g00  : Gặp gỡ, thăm hỏi, hàn huyên.
9g00 – 9g45  : Sinh hoạt chủ đề : Lm Nguyễn Văn Hiền
10g00 – 10g45  : Thánh lễ : ĐTGM Phaolô chủ tế
10g45 – 12g00  :
-   Mừng kỷ niệm 50 năm lớp 64 nhập trường.
-         Phát thưởng cho các cháu ngoan giỏi..
-         Xổ số may mắn.
12 g 00  …….. :      Bữa cơm gia đình.
         Hẹn ngày tái ngộ

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

Chúc mừng bổn mạnh Thánh Vinh Sơn Ferrê, linh mục...

CN V MC



M cửa mộ 
Tai họa ngày 11 tháng 09 năm 2001 trên đất Mỹ đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với mọi người. Trong phút chốc, hai tòa tháp chọc trời đổ sập xuống, trở thành ngôi mộ khổng lồ chôn vùi mấy ngàn sinh mạng. Ngôi mộ gieo tang thương. Ngôi mộ gieo kinh hoàng. Ngôi mộ làm rung chuyển thế giới.                                                                                        
 Ngôi mộ không chỉ hiện hữu từ khi toà tháp đôi đổ xuống. Trước đó ngôi mộ đã hiện diện trong trái tim của những người khủng bố. Sau đó ngôi mộ vẫn phủ màn u ám trên cuộc sống thân nhân bạn bè.                  
Như thế, ngôi mộ không chỉ xây bằng gạch đá. Nó được xây bằng những lực lượng chết chóc như sự hận thù, sự áp bức, sự độc ác… Ngôi mộ không chỉ chôn vùi sự sống. Nó chôn vùi cả niềm tin, cả niềm hy vọng. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã dõng dạc mở cửa mộ và truyền cho người chết chỗi dậy bước ra. Việc Chúa Giêsu mở cửa mộ cho Ladarô mở ra những chân trời mới cho đời sống con người.                                    
 Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa sự sống. Thông thường, ngôi mộ là vương quốc của tử thần. Cửa mộ là cửa mở vào thế giới chết chóc. Ai đã vào đó chẳng còn hy vọng thoát ra. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã mở cửa mộ để Ladarô không phải bước vào sự chết nhưng bước vào sự sống. Khi mở cửa mộ, Người phá tan sào huyệt Thần Chết. Khi tháo những dải băng liệm cuốn quanh thân thể Ladarô, Người giải phóng ông khỏi dây trói ràng buộc của tử thần.       
                               Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa niềm tin. Trước đó, niềm tin của Mácta chỉ là một niềm tin mơ hồ, chung chung của đa số người Do Thái thời ấy. Nhưng sau khi thấy Ladarô sống lại, niềm tin của bà trở nên cụ thể, sống động và vững vàng. Trước đó, nhiều người Do Thái chưa tin vào Chúa Giêsu. Nhưng sau khi được chứng kiến Ladarô từ cõi chết sống lại, họ không thể nào không tin. Tảng đá lấp cửa mồ tung ra cũng làm bật tung tảng đá nghi ngờ che lấp trái tim, đưa họ tới tin nhận Chúa là Thiên Chúa.                                                                                       
 Khi mở cửa mộ, Người mở ra cánh cửa niềm vui. Chết chóc gieo tang tóc u buồn. Ngôi mộ bao giờ cũng gợi lên nỗi buồn. Buồn ly biệt. Buồn mất mát. Buồn thất bại. Cái buồn vốn hay lây. Nước mắt người thân dễ làm cay mắt ta. Nên Chúa Giêsu không ngăn được dòng lệ. Nhưng khi Ladarô bước ra, cả một trời vui. Đám tang bỗng biến thành đám hội. Lời chia buồn đổi thành lời chúc mừng. Thiên Chúa đã biến tang tóc thành niềm vui. Niềm vui ấy trọn vẹn.              
                                  Khi mở cửa mộ, Chúa Giêsu mở cánh cửa hy vọng. Thiên Chúa đến biến đổi số phận con người. Con người không còn bị giam hãm trong thân phận hay chết, nhưng được thênh thang tự do trong cõi sống. Con người không sinh ra để chết đi nhưng để sống, sống mãi, vì Chúa là “sự sống”, “ai tin sẽ sống đời đời”. Con người không sinh ra để tàn lụi, nhưng để triển nở đến vô biên.                                                                   
 Trong mỗi người chúng ta có nhiều nấm mộ. Chúng ta bị giam hãm trong những nấm mộ tội lỗi, gian tham, ích kỷ, bất công, đam mê, ghen ghét hận thù, nghèo đói, thất học… Có những nấm mộ kiên cố, tự sức mình không thể phá nổi. Ta hãy xin Chúa đến mở những cửa mộ, lăn những tảng đá đè nặng đời ta, để ta được sự sống dồi dào của Chúa nuôi dưỡng. Đồng thời, ta cũng phải tiếp tay với Chúa, phá đi những nấm mộ vây bọc anh chị em chúng ta, để mọi người được sống và sống dồi dào như lòng Chúa mong ước, như định mệnh Chúa dành cho ta, những người con cái Chúa.                                                                                                                           ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Khi còn trẻ, thánh Charles Borrômê (1538-1584) đầy những tước vị, danh vọng. Nhưng một lúc Borrômê đã nhận ra ngày nào đó, Ngài sẽ phải bỏ tất cả. Ngài muốn ghi khắc điều đó, nên nhờ một họa sĩ nổi tiếng vẽ bức bích họa trong tư thất để diễn tả cái chết. Bức họa hoàn thành: họa sĩ trình bày thần chết theo lối cổ điển: một bộ xương người nắm chặt lưỡi hái trong tay.                                                                     
Borrômê ngạc nhiên: “Tại sao họa sĩ hình dung cái chết bằng chiếc lưỡi hái?”                   Họa sĩ đáp: “Vì thần chết cắt hái mọi cuộc sống. Cái chết hủy hoại mọi cuộc đời.”     
             “Đồng ý”, Borrômê nói, “nhưng thần chết cũng mở cửa Nước Trời nữa chứ. Cái chết là cửa ngõ vào đời sống tốt đẹp hơn. Vì thế, tôi đề nghị họa sĩ xóa chiếc lưỡi hái đi và đặt vào tay thần chết chiếc chìa khóa vàng.”                                                                                                         

Phải, Chúa Kitô đã chết và đã sống lại. Thập giá là chìa khóa Nước Trời. Thần chết đã buông lưỡi hái và cầm lấy chiếc chìa khóa vàng. Cửa Trời đã mở ra cho con người vào Nhà Cha.         

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

NGƯỜI TÙ XUYÊN THẾ KỶ_NHÂN CHỨNG ĐỨC TIN


Trân trọng gửi Quý Anh Chị thông tin này như một chia sẻ đức tin với lòng tạ ơn Chúa.

 

Xin vui lòng dành thì giờ nghe buổi phỏng vấn Ông Nguyễn Hữu Cầu, Người Tù Xuyên Thế Kỷ.

 

https://www.youtube.com/watch? v=tthomX3wcT0

 

****

 

Đem yêu thương vào nơi oán thù…"

 

ĐĂNG NGÀY: 31.03.2014 , MỤC: - TIN NI BTBLOG THÀNH VIÊN

 

Tù nhân chính trị Nguyễn Hữu Cầu.

 

VRNs (01.04.2014) – Sài Gòn -  Tôi đã định chia sẻ với mọi người thật nhiều về một câu chuyện tôi gặp được ở một làng quê êm ả phía bắc Việt Nam, một làng quê có đời sống xã hội và đời sống đạo đầy nét tinh khôi mà tôi đã được trải nghiệm trong một chuyến đi công việc ngắn ngày. Những người dân quê mộc mạc, những sinh hoạt kinh sách rân ran các khu ngõ ban đêm, những hình ảnh các bạn trẻ và thiếu niên đầy ắp sân Nhà Thờ mỗi tối để học bổn, để tập hát, để đọc kinh, những hình ảnh bà mẹ già oằn lưng trên những luống rau sân nhà nhưng miệng vẫn lẩm bẩm lời kinh Mai Khôi… Anh em ở tại chỗ nói với tôi: "Ở đây không bao giờ mất cắp, chỉ có một lần nhà kia có quả bầu bị cắt mất một nửa, có lẽ do bọn trẻ nó nghịch".

 

Hôm ấy, hôm ở Xứ Đạo miền quê ầy, sau bài đọc một trong Thánh Lễ, bài đáp ca có lời của Chúa nói với mọi người: "Chớ đem thần lạ về nhà, thần ngoại bang chớ hề cúng bái". ( Đáp ca ngày thứ sáu sau Chúa Nhật III Mùa Chay, Thánh Vịnh 80 ).

 

Câu xướng trong bài đáp ca đã làm cho lòng tôi băn khoăn và suy nghĩ rất nhiều, suy nghĩ về một cuộc sống của cộng đồng Dân Thiên Chúa, suy nghĩ về những cơn bão táp loạn lạc trong xã hội, bao giờ nó đến, bao giờ nó quét qua bầu khí tinh ròng này, khi nào thì các thần lạ sẽ lần mò xâm nhập ? Bao giờ thì nó tàn phá như đang tàn phá rất nhiều nơi trên mảnh đất thân yêu Việt Nam ? Những cảm xúc ấy vẫn theo tôi cho đến khi trở lại Sàigòn.

 

Nhưng rồi đến khi ngồi vào bàn phím máy vi tính, tôi đã bị hút vào một câu chuyện khác nóng bỏng hơn, vì thế xin đành hẹn lại một dịp khác, tôi sẽ quay trở lại câu chuyện làng quê miền Bắc. Vâng, tôi bất ngờ lướt qua trang mạng của Nhà Dòng, mục "Việt Nam Tuần Qua", thì nghe được cô Huyền Trang, phóng viên của Truyền Thông Chúa Cứu Thế, chia sẻ với mọi người một câu chuyện khác, câu chuyên về một chứng nhân, được mệnh danh là người tù xuyên thế kỷ, Ông Nguyễn Hữu Cầu

 

 ( xin xem: www.chuacuuthe.com

https://www.youtube.com/watch?v=tthomX3wcT0

 

Trước năm 75, ông là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ông bị bắt và bị lên án tử hình, và phải ngồi tù suốt 37 năm qua. Đến trước Tết 2014, người cháu nội của ông đã viết thư cho Chủ Tịch nước để xin cho ông được về với gia đình, nghe nói đã có nhân viên an ninh đến nhà thông báo ông sẽ được về trước Tết, vậy mà đến Tết ông vẫn biệt vô âm tín. Sau Tết, người cháu nội ấy lại một lần nữa  viết thư xin cho ông trở về, và cuối cùng ông vừa được thả về tuần qua.

 

Điều bất ngờ là khi trở về với gia đình, ông thu xếp để lên thành phố khám bệnh, đã đến thăm ngay Nhà Dòng chúng tôi, ông cho biết trong tù ông đã trở thành Kitô hữu, cha Giuse Nguyễn Công Đoan, Dòng Tên, bạn tù với ông, đã âm thầm cử hành Bí Tích Thánh Tẩy cho ông đúng Lễ Phục Sinh 1986, đặt tên Thánh là Gioan Baotixita. Bây giờ thì ông xin chúng tôi dẫn vào Nhà Thờ Kỳ Đồng Sàigòn để cám ơn Chúa và Đức Mẹ, ông đã khóc rất nhiều trong Nhà Thờ, người tù xuyên thế kỷ tưởng đã cạn khô nước mắt nay lại dâng trào, ông véo mạnh liên tục vào hai tay của mình mà hỏi: "Tôi có nằm mơ không ?"

 

Trong chương trình "Việt Nam Tuần Qua", ông chia sẻ về hành trình Đức Tin của mình, một người tù xuyên thế kỷ được gặp Chúa và những người tù khác đã được gặp Chúa, họ được biến đổi hoàn toàn, những hận thù đau đớn biến mất trong ông, còn lại chỉ là niềm bình an sâu xa, sức mạnh tinh thần và lòng yêu thương, những người khác cũng vậy, ông kể về một bạn tù: "Nó biến đổi hoàn toàn, không còn như xưa nữa, trước đây nó là trùm của các trùm, nay đã thay đổi".

 

Điều làm tôi xúc động khi ông kể, lúc bị biệt giam, dây xích quấn quanh cổ chân ông, ông ngồi trong tư thế như vậy ngày này qua ngày khác, nhưng ông bình an vì ông dùng chính dây xích ấy để làm tràng hạt Mai Khôi, cứ vậy, giờ này qua giờ khác, ông lần từng mắt xích lao tù như lần từng đóa hồng dâng Mẹ, và trong dòng sông kinh nguyện Mai Khôi ấy, ông được bình an. Một bài hát cầu nguyện ông sáng tác trong tù, ông đã đổi từ chữ "hận thù" ra chữ khác vì lòng ông không còn hận thù nữa.

 

Thật lạ khi xem và nghe ông chia sẻ trong chương trình "Việt Nam Tuần Qua", một tù nhân mang án tử, một người tù xuyên thế kỷ, không một chút hận thù, không mặc cảm sợ xệt, không tự ty thành kiến, ông bình tĩnh và làm chứng về sức mạnh và tình thương. Tôi muốn tự hỏi lại mình, hỏi lại hành trình Đức Tin của chính mình, hỏi lại những xác tín của đời mình, hỏi lại mình trước tấm gương Nguyễn Hữu Cầu, tôi gọi ông là "chứng nhân Đức Tin".

 

Cám ơn Nhà Dòng, cám ơn cô Huyền Trang, và cám ơn những người cộng tác, cám ơn một cố gắng "loan báo Tin Mừng theo cách thức mới".

Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật 30.3.2014

 

http://www.chuacuuthe.com/2014/03/dem-yeu-thuong-vao-noi-oan-thu/



*******

 

Bài vừa nhận được của cha Nguyễn Công Đoan, SJ

 

Nguyễn Hữu Cầu và Nguyễn Công Đoan: "Như Một Sự Tình Cờ"

 

Tôi bỗng dưng được nổi tiếng ké từ mấy ngày nay, nhờ ông Nguyễn Hữu Cầu. Ông đứng lên làm chứng về ơn đức tin ông đã được trong khám tử hình, lại còn khai thêm tên ngưồi làm phép Rửa cho ông mấy năm sau, khi cùng nhau vác cuốc ra đồng ở trại Lao Động Z30A, núp sau chân núi Chứa Chan. Anh em trong trại hay gọi đùa là núi "Chán Chưa"! thế mà có người ở hoài chưa chán đấy!

Ông đã được biết Chúa nhờ bao nhiêu người ông đã có "duyên" gặp từ khi vào tù và ông đã sống đức tin một cách sâu xa với chuỗi mân côi và chặng đàng thánh giá. Cái xâu chuỗi ông dùng thật là hy hữu, có lẽ phải đề nghị GUINESS đưa vào kỷ lục thế giới, nhưng cái ơn kiên trì trong đức tin và sự biến đổi nội tâm thì GUINESS không thể kiểm chứng được, mà chỉ có những người cùng chung đức tin mới cảm thông được và ca ngợi Thiên Chúa cùng với Đức Mẹ: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa".


Tại sao Kinh Mân Côi và Đàng Thánh Giá lại có hiệu quả kỳ diệu như thế? Nên nhớ hồi đó ông Cầu chưa được lãnh nhận bí tích nào cả, nhưng ông vẫn xác tín là n
ếu ngày mai người ta thi hành án tử hình thì ông sẽ được gặp Chúa và Đức Mẹ. 

 

Ở trong tù thì làm gì có Sách Thánh mà đọc, nên Kinh Mân Côi và Đàng Thánh Giá là sách Phúc Âm thu gọn để nghiền ngẫm mà biết Chúa, yêu Chúa và theo Chúa. Cái thú vị là sách này có thể giữ an toàn, không sợ bị cán bộ xét phòng tịch thu; có thể đọc và nghiền ngẫm mà không cần ánh sáng bên ngoài, trong tư thế nào cũng được.

 

Tôi đã học từ Bà nội tôi mà biết dùng chuỗi Mân Côi để tính đường dài, và trong tù thì còn dùng để tính giờ nữa! Nhờ thế mà suốt ngày cứ "xem phim" cuộc đời Chúa Cứu Thế từ đầu đến cuối, xem hoài không chán, càng xem càng mê! Trong phòng tử hình tối thui, ông Cầu đã biết tính giờ từ sáng đến tối bằng 6 lần 15 mầu nhiệm Mân Côi và 3 lần 14 chặng đàng Thánh Giá. Đồng hồ này chính xác hơn đồng hồ điện tử! Đồng hồ này ông chờ nó sẽ điểm giờ một lần duy nhất khi nào người ta gõ cửa gọi ra cho về chầu Chúa. Khốn nỗi Chúa lại sai thiên thần tháo chuông cất đi… cho ông chờ dài cổ, rồi lấy mất luôn cái xâu chuỗi vô giá của ông.

 

Được biết Chúa, yêu Chúa và theo Chúa trên chính con đường thập giá, không phải đi mà nằm, nằm sẵn trên thánh giá, chỉ chờ người ta dựng lên là sẽ được nghe Chúa nói "Ngay hôm nay con sẽ được ở trên thiên đàng với Ta". Thật là tuyệt vời phải không, anh Cầu!

Nhưng Chúa lại không cho anh được "phong thánh tức khắc" (Santo subito), mà để cho anh vác cây cuốc làm cây thập giá, không phải mấy năm, mà mấy chục năm. Rượu để lâu năm mới ngon! Nay Chúa đã đưa chai rượu chôn kỹ hơn ba chục năm để cho mọi người thưởng thức.

Xin tạ ơn Chúa muôn đời.

 

Nhiều người nhắn tin, yêu cầu tôi "phát biểu cảm tưởng", thì tôi cũng xin nói thêm. Chuyện "như một sự tình cờ". Có một bài ca sinh hoạt quen thuộc: "Gặp nhau đây, rồi chia tay, đường trường sông núi hẹn nhau ta sum vầy". Gặp nhau trong tù cũng vậy thôi. Gặp nhau đây, rồi chia tay…vì lệnh "chuyển trại" có thể tới bất cứ lúc nào. Một điều ông Cầu nói có thể gây thắc mắc, đó là tôi nói chỉ làm Phép Rửa cho ông thôi. Lý do khiến phải rất thận trọng khi làm phép Rửa trong tù là vì "sau đó  thì sao?" Làm sao giúp người đã chịu phép Rửa tiếp tục phát huy đời sống đức tin, rồi sau khi ra tù sẽ có cộng đoàn tín hữu nào đón nhận. Trường hợp ông Nguyễn hữu Cầu, tôi an tâm "làm liền", vì thấy ông đã được Thiên Chúa trực tiếp tôi luyện, cho đối diện với cái chết từng ngày suốt hai năm trời, thực hành – tuy chưa đọc - lời trong thư  Hip-ri (12,2-3) "mắt chăm chú nhìn vào Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn đức tin. Vì niềm vui đang chờ mình ở phía trước, chính Người đã chịu khổ hình thập giá, coi thường ô nhục, và nay đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến Đấng đã chịu đựng một sự chống đối như thế từ phía những người tội lỗi, để anh em khỏi sờn lòng nản chí".

 

Trong câu chuyện đức tin của ông Cầu cũng như trong nhiều chuyện khác ở trong tù, tôi chỉ là

Như Một Sự Tình Cờ

Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,
làm chân tay cho những người què cụt,
làm đôi mắt cho ai phải đui mù,
làm lỗ tai cho những người bị điếc,
làm miệng lưỡi cho người không nói được,
làm tiếng kêu cho người chịu bất công.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đồng lúa,
để đem cơm cho người đói đang chờ,
và đem nước cho người họng đang khô,
đem thuốc thang cho người đang đau ốm
đem áo quần cho người đang trần trụi,
đem mền đắp cho người rét đang run.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đường vắng,
thắp đèn soi cho ai bước trong đêm,
đốt lửa ấm cho những ai giá lạnh,
truyền cảm thông cho lữ khách dơn côi,
nâng phẩm giá cho kẻ đời chà đạp,
đem ủi an cho những kiếp đọa đày.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con vào thôn xóm
đem an hòa cho những ai bất thuận,
đem thanh bình cho kẻ sống âu lo,
đem ủi an cho người đang sầu khổ,
đem niềm vui cho những ai bất hạnh,
đem vận may cho người gặp rủi ro.

Lạy Chúa, xin cứ đặt con như một sự tình cờ,
đem may mắn cho những ai gặp được
giữa đường đời khi lỡ bước bơ vơ.
Cứ cho con đừng bao giờ khiếp sợ:
giữa biển đời mang con tim núi lửa,
với đôi tay êm ái của mẹ hiền.

Lạy Chúa, xin cứ dùng con làm tất cả
cho mọi người được hạnh phúc yên vui,
còn phần con, xin gởi hết nơi Ngài
là Thiên Chúa, Tình Yêu và Lẽ Sống,
Ngài cho con tất cả niềm hy vọng,
để tin yêu mà vui sống trọn đời. 

Trại lao động cải tạo Z30A – 1987 – L.M. Nguyễn Công Đoan, S.J.

PS: Xin gửi bài đính kèm