Thứ Hai, 26 tháng 11, 2007

Bai viet tang PHT

Vi Phuoc co ten tuc la hu tiu, nen xin trich bai nay dang o Nhat Bao Nguoi Viet,
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=69681&z=1
Moi PHT va cac EXs xem choi.

DM

Văn Lang/ Người Việt
Có lần, một người bạn là Việt kiều sống ở Mỹ bảo tôi: Bên đó, do là hợp chủng quốc nên chỉ ở Mỹ cũng có thể thưởng thức đủ loại món ăn của Tây, Tàu, Nhật, Mê-hi-cô... Tôi không biết điều bạn tôi nói chính xác bao nhiêu phần trăm nhưng tại Sài Gòn, nơi tôi đang sống, bạn có thể thưởng thức đủ thứ món ngon, vật lạ của mọi miền đất nước. Ngoài phở Bắc, bún bò Huế, mì Quảng, Sài Gòn còn có hủ tiếu Sa Ðéc, hủ tiếu Nam Vang và những nhà hàng bán các món Tây, Tàu, Ấn... Tôi đã nếm qua nhiều thứ, trừ hủ tiếu Mỹ Tho dù qua lại hàng trăm lần quán hủ tiếu Mỹ Tho nằm góc ngã tư Nguyễn Ðình Chiểu-Phạm Ngọc Thạch bởi trộm nghĩ, hủ tiếu thì Sa Ðéc, Nam Vang hay Mỹ Tho cũng... rứa!

Cho tới lần nọ, tôi buột miệng hỏi một người bạn quê Gò Công cho có chuyện để... hỏi: Hủ tiếu Mỹ Tho có gì lạ? Người bạn này bảo rằng: Sợi hủ tiếu Mỹ Tho là loại sợi tươi, mềm như sợi phở, vì không phơi cho khô hẳn rồi khi ăn mới đem trụng nước sôi như các loại hủ tiếu khác. Với tôi, đó là chuyện lạ. Nhiều nông dân ở miền Nam không thích phở vì sợi phở quá mềm, ăn... “ngán”. Ngược lại, không ít người miền Bắc chẳng ưa hủ tiếu do theo họ, sợi hủ tiếu bởi bị phơi khô nên quá dai, lại độn cả giá lẫn hẹ, nhìn phát... “chán”.

Trong vài năm gần đây, tại Sài Gòn, rất khó kiếm quán hủ tíu nấu theo phong cách miền Nam mà hủ tiếu mì của người Hoa thì lại khác hẳn. Cũng vì vậy, tôi quyết định thử vào quán bán hủ tiếu Mỹ Tho như đã kể...

Hóa ra bạn tôi đúng! Sợi hủ tiếu trong quán hủ tiếu Mỹ Tho ở Sài Gòn này mềm, chứ không dai như các loại hủ tiếu khác. Phần còn lại thì gần giống như hủ tiếu Nam Vang (nghe nói hủ tiếu Nam Vang xuất xứ từ Nam Vang - thủ đô của Cambodia nhưng do người Hoa sáng tạo): cũng thịt heo xắt lát, gan heo, tép bóc vỏ song có thêm cục giò heo (hủ tiếu Nam Vang không thấy giò heo nhưng có thịt bằm). Cô phục vụ quán hủ tiếu này cho biết, sợi hủ tiếu ở đây không phơi khô nhưng cũng chẳng tươi mà phơi “dôn dốt” (kiểu phơi qua cho se mặt như mực một nắng). Bởi phơi “dôn dốt” nên khi trụng nước sôi, sợi hủ tiếu mềm như... bánh phở. Ăn xong tô hủ tiếu giá 15 ngàn đồng (giá trung bình của một tô thức ăn ở Sài Gòn), tôi nảy ra ý định đi Mỹ Tho để “đối chiếu” với “nguyên bản”, xem nét riêng của hủ tiếu Mỹ Tho thật sự là gì...

Ngày xưa, do công việc tôi thường ra bến xe Chợ Lớn, đón xe đi Long An. Ðây cũng là chỗ người ta đón xe đi Mỹ Tho. Lần này, tới bến xe Chợ Lớn, tôi chẳng tìm được chiếc xe đò Sài Gòn-Mỹ Tho nào cả. Hóa ra, bây giờ, xe đò đi Mỹ Tho bị điều hết về Xa Cảng Miền Tây. Giá vé từ Xa Cảng Miền Tây đi Mỹ Tho có hai loại: 19 ngàn đồng/người nếu đi xe thường và 24 ngàn đồng/người nếu chọn xe có máy lạnh. Tuy nhiên xe xuất bến theo thứ tự nên có muốn kén cũng chẳng được...

Tôi tới Mỹ Tho vào lúc trời đã giữa trưa. Lúc xe gần tới bến xe Mỹ Tho, tôi thấy một nhà hàng lớn, đoạn gần ngã ba Trung Lương, treo một tấm bảng to kẻ dòng chữ: “’Ðặc sản’-Hủ tiếu Mỹ Tho”. Xuống xe đò, nhảy lên xe ôm, tôi đề nghị anh chàng chạy xe ôm chở tôi tới một quán hủ tiếu Mỹ Tho chính gốc. Câu trả lời của anh chàng chạy xe ôm khiến tôi chưng hửng: Mỹ Tho có rất nhiều quán hủ tiếu nhưng chẳng quán nào quảng cáo họ bán hủ tiếu Mỹ Tho, trừ một quán nằm gần ngã ba Trung Lương, quảng cáo như vậy chắc là để chiêu dụ bá tánh trên đường thiên lý.

Lỡ bộ, tôi đành nhờ anh chàng chạy xe ôm chở ra ngã ba Trung Lương ăn thử “đặc sản - hủ tiếu Mỹ Tho”. Giá tô hủ tiếu Mỹ Tho tại ngã ba Trung Lương cũng ngang với quán hủ tiếu Mỹ Tho ở Sài Gòn. Tuy nhiên “nội dung” thì khác hẳn. Sợi hủ tiếu được phơi khô như mọi loại sợi hủ tiếu khác. Khi ăn mới trụng nước sôi và khi nhai thấy dai chứ không mềm xèo như quán hủ tiếu Mỹ Tho ở Sài Gòn. Tuy nhiên đây là thứ dai ngon chứ không phải dai... nhách. Phần còn lại thì khá giống quán hủ tíu Mỹ Tho ở Sài Gòn, chỉ khác là cả giá lẫn rau đều được trụng chín, chứ không để tươi theo kiểu hủ tiếu Nam Vang.

Ăn xong, tôi nhờ anh chàng chạy xe ôm đưa tôi đi dạo một vòng quanh thành phố Mỹ Tho. Tiếng là thành phố, trung tâm của tỉnh Tiền Giang nhưng diện tích Mỹ Tho chỉ cỡ một quận của Sài Gòn.

Khác với nhiều tỉnh lỵ lâu đời của miền Nam, đường phố ở Mỹ Tho không có cổ thụ, thay vào đó chỉ toàn bàng non. Tôi đem thắc mắc này hỏi anh chàng xe ôm thì anh cho biết: Ngày xưa, Mỹ Tho cũng có rất nhiều cổ thụ nhưng do mở rộng đường sá và sợ bão to, cây đổ, người ta chặt hết rồi trồng bàng thay thế.

Anh chàng chạy xe ôm còn dừng xe nơi một công viên nhỏ chỉ cho tôi xem cái cồn nằm bên kia sông nơi Ông Ðạo Dừa từng sống. Tôi đã từng đọc một cuốn sách nhỏ do ông viết, trong đó ông đề cập tới việc ăn chay có thể giúp “chống” bom hạt nhân và một số suy nghĩ khác của ông về hòa bình. Có thể nhiều người không đồng ý với ông về nhiều điểm song cái triết lý sống “vừa vừa, phải phải” của ông lại rất gần gũi vơi quan niệm về cuộc sống của những người miền Nam ngày xưa...

Ðây cũng là lần đầu tiên tôi biết chợ Mỹ Tho và chợ trái cây. Nghe nói, hồi xưa, chợ trái cây nằm trong chợ Mỹ Tho nhưng sau này do kẻ bán, người mua quá đông, nó được tách ra thành một ngôi chợ riêng gần bờ sông và là chỗ cho đủ loại trái cây từ Cái Bè, Cái Mơn cũng như các tỉnh lân cận đổ về. Dấu tích thành phố Mỹ Tho ngày xưa - dưới thời còn thuộc Pháp - có lẽ chỉ còn hai mố cầu quay.

Mỹ Tho còn có chùa Vĩnh Tràng - một cổ tự nghe nói được xây từ thế kỷ 17. Cổ tự này có dáng dấp của kiến trúc Khe'mer. Nét cổ kính không biết có còn khi một tượng Phật thật lớn đang được xây phía trước chùa...

Người ta thường bảo ẩm thực cũng là văn hóa. Tôi không rành vụ này nhưng một chút tò mò về một món ăn đã đưa tôi tới một vùng đất mà trước giờ tôi chỉ nghe kể...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.