PHỎNG VẤN ĐỨC TÂN GIÁM MỤC GIUSE ĐỖ MẠNH HÙNG
GIÁM MỤC PHỤ TÁ TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON
Sáng 25 tháng 6, Phòng Báo Chí Tòa Thánh
cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng làm
tân Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Sàigòn. Đức tân giám mục Đỗ Mạnh
Hùng, 58 tuổi, sinh ra tại Sàigòn. Từ 1968 đến 1976 theo học tại tiểu
chủng viện thánh Giuse, Sàigòn, và từ 1976 đến 1982 học tại Đại chủng
viện Thánh Giuse cũng thuộc tổng giáo phận Sàigòn. Từ 1993 đến 1998, học
thần học tại Học viện Công Giáo Paris, Pháp.
Nay VietCatholic có dịp được phỏng vấn Đức Cha Giuse Hùng như sau:
PV.
Trọng kính Đức Cha, chúng con xin chúc mừng Đức Cha, và xin Đức Cha cho
chúng con biết tâm tình của Đức Cha khi nhận được sự bổ nhiệm của Tòa
Thánh.
Đức Cha Hùng: Khi nhận được sự bổ nhiệm của Tòa Thánh, 2 tâm tình mà tôi cảm nhận là “vui” và “lo”.
a)
Trước hết, niềm vui có thể được diễn tả qua một câu thánh vịnh mà tôi
rất thích: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại ! Ta thấy mình chan chứa một
niềm vui.” (Tv 125,3).
b) Tâm tình thứ hai là cảm thấy “lo lắng
trước sứ vụ mới”: sứ vụ Giám mục Phụ tá tại Tổng giáo phận Sàigòn,
trong một thành phố lớn rất đa dạng và phức tạp. Nhưng sự lo lắng này,
ngay lúc đó, lại được “phủ đầy” bởi sự quan tâm của toàn thể cộng đoàn
Dân Chúa. Ngay sau khi Tòa Thánh công bố, liên tục điện thoại, tin nhắn
và email tại Việt Nam và hải ngoại gởi về, từ các Tòa giám mục, các giám
mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, bạn bè, bà con thân nhân… với 3 nội
dung: chúc mừng, cầu nguyện và khích lệ tôi trong sứ vụ mới.
Từ
hai tâm tình trên đây, tôi chợt nghĩ rằng, chắc chắn trong sứ vụ giám
mục sắp tới sẽ có rất nhiều lo lắng, khó khăn, nhưng nếu tôi để “Chúa
hoạt động nơi tôi” và nếu tôi biết “đón nhận lời cầu nguyện và sự giúp
đỡ” của toàn thể công đoàn dân Chúa, tôi sẽ mãi giữ được niềm vui và
bình an.
PV: Tổng Giáo phận Sàigòn lớn về địa dư, số tín hữu giáo
dân và cả về họat động mục vụ, xin Đức Cha chia sẻ cho chúng con những
ưu tư cũng như hy vọng của Đức Cha trước sứ vụ mà Chúa giao phó cho Đức
Cha.
Đức Cha Hùng: a) Là Giám mục phụ tá tôi chia sẻ những ưu tư
mục vụ của Đức Tổng Phaolô. Một ưu tư lớn của ngài là về truyền giáo. Về
mặt cơ sở, trong 400km2 ở trung tâm Tổng giáo phận Sàigòn có 210 nhà
thờ, trong khi đó tại vùng ngoại ô khoảng 1.800km2 chỉ có 24 nhà thờ.
Theo hướng mục vụ hiện nay, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng
giám mục Sàigòn và cũng là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nhấn
mạnh đến chiều kích truyền giáo trong Đường hướng Mục vụ (ngày
5-11-2013) cho Giáo Hội Việt Nam và đặc biệt cho tổng giáo phận: “Giáo
Hội tại Việt Nam trong thời hiện đại, chưa chu toàn đầy đủ sứ vụ loan
báo Tin mừng. Có những cố gắng còn rời rạc, chưa được nối kết và hướng
dẫn. Cần phải có một sự “chuyển mình thật mạnh dạn”, thật can đảm chuyển
từ một loại “mục vụ bảo trì” (a pastoral of maintenance), gìn giữ và
bảo vệ cơ chế, cơ sở, sang một “mục vụ truyền giáo” đích thực (a
pastoral of mission)”.
Theo thống kê ngày 31.12.2015, Tổng giáo
phận Sàigòn có: 687.959 giáo dân trên dân số Thành phố là 8.000.000 dân
(chiếm khoảng 11,6%). Số nhập cư đến để học và làm việc khoảng 3.000.000
người, trong số đó có khoảng 180.000 Công Giáo. Cộng chung cả số nhập
cư, Công Giáo chiếm khoảng 7,9% (867.959/11.000.000 dân).
Từ 2
năm nay, sau 16 năm sống và làm việc tại Đại chủng viện Thánh Giuse
Sàigòn, tôi được bổ nhiệm về Tòa Tổng Giám mục. Tôi thấy điều này: khi
vào Tòa giám mục Sàigòn với tòa nhà 1 trệt và 3 lầu, thì gặp 3 văn phòng
đầu tiên ở tầng trệt: văn phòng Caritas (đông nhân viên nhất), văn
phòng HIV, và văn phòng Tòa án Hôn phối giáo phận. Còn văn phòng mục vụ
chính của giáo phận thì ở trên lầu 2. Nguyên điều này có thể thấy sinh
hoạt và những vấn đề “nổi cộm”, mà giáo phận phải đối diện là những vấn
đề gì: văn phòng Caritas với những người nghèo, khuyết tật, bất hạnh;
văn phòng HIV với những bệnh nhân của thời đại; văn phòng Tòa án Hôn
phối với khủng hoảng về đời sống hôn nhân gia đình.
b) Thế nhưng,
trước những khó khăn, tôi thấy một niềm hy vọng đến từ những thành phần
Dân Chúa của Tổng giáo phận. Để phục vụ 203 giáo xứ và 32 họ lẻ, Tổng
giáo phận có:
347 linh mục triều;
463 linh mục dòng thuộc 31 Hội dòng và Tu Hội;
67 dòng nữ và tu hội có nhà chánh tại Thành phố. Và 41 cộng đoàn dòng tu và tu hội mà nhà chánh ở ngoài thành phố.
5.523 giáo lý viên và 29 các đoàn thể.
Trước
nguồn nhân sự về linh mục, tu sĩ và giáo dân, tôi rất muốn cộng tác với
họ để cùng xây dựng ngôi nhà Tổng Giáo phận và ra đi Loan báo Tin Mừng
cho những người chưa biết Chúa.
PV: Đức Cha tốt nghiệp chuyên
ngành đào tạo linh mục và thi hành sứ mạng ấy trong thời gian dài và
cũng đã tham dự Hội Thảo Quốc Tế về “Đời Sống Linh Mục Công Giáo – Một
Thách Đố của Thế Giới Hiện Đại”, xin Đức Cha chia sẻ cho chúng con những
thao thức của Đức Cha trong công việc đào tạo linh mục và vun trồng ơn
gọi trong hòan cảnh hôm nay.
Đức Cha Hùng: Hiện nay, chất lượng
đào tạo là quan tâm hàng đầu tại các Đại Chủng Viện tại Việt Nam: đào
tạo những Linh mục như Chúa muốn và Giáo Hội muốn.
Chất lượng đào
tạo được kiểm tra qua 3 tiêu chuẩn: linh mục, “con người mầu nhiệm,
hiệp thông và truyền giáo”. Ba tiêu chuẩn này được trình bày rõ ràng
trong văn kiện chính thức đầu tiên của Hội Đồng Giám Mục VN về “Định
hướng và hướng dẫn” việc đào tạo linh mục. Văn kiện này đã được Tòa
Thánh phê chuẩn ngày 31-10-2011 và chính thức áp dụng từ ngày 01-09-2012
tại tất cả các Đại Chủng viện ở Việt Nam.
Trong 3 tiêu chuẩn
đó, tiêu chuẩn “linh mục, con người mầu nhiệm” là nền tảng. Mầu nhiệm ở
đây là mầu nhiệm Chúa Giêsu được thể hiện đặc biệt nơi “máng cỏ, thập
giá và Thánh Thể”. Người linh mục phải là con người “Giêsu nhập thể”
(máng cỏ), khiêm tốn, có khả năng đến với người nghèo, chia sẻ với họ,
(2) là con người “Giêsu thập giá”, sẵn sàng hy sinh thời giờ, khả năng
và ngay cả mạng sống cho đoàn chiên; (3) là con người “Giêsu Thánh Thể”,
sẵn sàng trở nên tấm bánh thơm ngon cho mọi người qua sự nhiệt tâm phục
vụ.
Và về phương diện cụ thể, trong bối cảnh hiện tại của Việt
Nam hôm nay, điểm nhấn của việc đào tạo linh mục là “hiệp thông” với 2
khả năng: “đối thoại” và “khiêm tốn phục vụ”. Càng cởi mở đối thoại (với
xã hội, với các tôn giáo, với người nghèo…), và càng khiêm tốn phục vụ,
thì người linh mục càng có thể loan báo Chúa Giêsu là Tin Mừng cho đồng
bào Việt Nam.
Tại Việt Nam, gia đình còn đóng một vai trò quan
trọng trong việc phát sinh và phát triển ơn gọi. Vì thế, quan tâm vun
trồng ơn gọi cũng đòi hỏi phải quan tâm đến việc củng cố và phát huy đời
sống gia đình. Không thể có những ơn gọi sẵn sàng quảng đại dâng hiến
đời mình để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người, nếu nơi phát sinh
ra ơn gọi là một bầu khí gia đình ích kỷ, cãi cọ, ích kỷ và ly dị.
PV:
Chúng con còn nhớ khi trả lời hãng tin Fides mấy năm trước, Đức Cha đã
nói: “Khi tôi suy nghĩ về giáo dân, trước hết tôi nghĩ về những người
trẻ tuổi”, xin Đức Cha cho chúng con biết thêm những suy tư của Đức Cha
về công việc mục vụ cho giới trẻ trong Giáo phận.
Đức Cha Hùng:
Khi tôi suy nghĩ về giáo dân, trước hết tôi nghĩ về những người trẻ
tuổi, họ là động lực cho sứ mạng của Giáo Hội trong xã hội. Điều này
được chứng minh bởi thực tế rằng, khoảng 80 ngàn giáo lý viên trong 26
giáo phận của đất nước hầu như là người trẻ. Đặc biệt tại Tổng Giáo phận
Sàigòn, sau khi theo học giáo lý (chương trình từ bé đến lớn khoảng 10
năm: 3 năm “rước lễ lần đầu”, 3 năm “thêm sức”, 3 năm “bao đồng”, 1-2
năm “vào đời”), những người trẻ tuổi có thể giảng dạy và lần lượt trở
thành giáo lý viên, truyền lại kinh nghiệm sống đức tin cho những thế hệ
đàn em.
Khi nói tới người trẻ, chúng ta thường thấy một hình ảnh
sôi động, nhiệt tình, ồn ào, thích hoạt động. Nhưng tôi có một kinh
nghiệm khác về nhu cầu tâm linh của người trẻ. Từ năm 2000 đến 2014, Đức
Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn giao cho tôi, lúc đó là linh hướng Đại Chủng
viện, vào mỗi tối thứ ba hằng tuần, từ 19g30 đến 20g30, tổ chức giờ Cầu
Nguyện theo phương thức của cộng đoàn Taizé (gọi tắt là cầu nguyện
Taizé). Cầu nguyện Taizé được gọi là “cầu nguyện dựa trên Lời Chúa với
sự hỗ trợ của các bài thánh ca". Lời Chúa trong bài Phúc âm Chúa Nhật,
được lập lại vào tối thứ ba. Và những bài thánh ca được chọn, dựa trên
chủ đề Lời Chúa của bài Phúc âm Chúa Nhật, được lập đi lập lại nhiều lần
với mục đích để Lời Chúa thấm vào trong tâm hồn.
Giờ cầu nguyện
Taizé được 7 ca đoàn của các giáo xứ gần Chủng viện đến giúp. Thường
xuyên có khoảng hơn 120 người (với 70% là giới trẻ tham dự) hằng tuần.
Những tuần cao điểm (mùa Vọng, mùa Chay), có khoảng hơn 200 người. Trong
14 năm tổ chức, ngay cả những ngày mưa và những ngày có bóng đá, vẫn có
các bạn trẻ đến tham dự giờ cầu nguyện. Có người hỏi tôi là: các bạn
trẻ thường thích náo nhiệt, thích những điều mới lạ, hoạt động, cha đã
dùng phương pháp nào để lôi kéo họ thường xuyên đến cầu nguyện với những
giây phút trầm lắng, thinh lặng. Tôi đã trả lời: chính Lời Chúa tạo nên
sự mới mẻ, hấp dẫn lôi kéo người trẻ, chứ không phải do những hình thức
mới lạ hay náo động bên ngoài.
Chính từ kinh nghiệm này, tôi
thấy rằng mục vụ giới trẻ Công Giáo phải hài hòa giữa nhu cầu tâm linh
và nhu cầu nhiệt tình hoạt động của giới trẻ. Chính những giờ phút tĩnh
tâm, cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa sẽ là động lực cho những hoạt động
nhiệt tình và tạo cho những hoạt động này có một ý nghĩa, một chiều sâu
đích thực.
PV: Chúng con biết Đức Cha xuất thân từ gia tộc có
nhiều ơn gọi tận hiến, xin Đức Cha chia sẻ cho chúng con về gia đình
cũng như hành trình ơn gọi của Đức Cha.
Đức Cha Hùng: a) Tôi sinh
ra và lớn lên trong một gia đình Công Giáo đạo đức tại giáo xứ Sao Mai,
Chí Hòa. Từ lúc 6 tuổi tôi đã được cha xứ Phaolô Lê Nguyên Kỷ cho vào
trong Ban giúp lễ của giáo xứ. Ba tôi là quản giáo trong giáo xứ, chăm
sóc và hướng dẫn cho các thiếu nhi. Bác của tôi là cha Nicôla Vũ Gia Đệ,
là giáo sư Tiểu Chủng viện. Nên khoảng 4,5 tuổi mẹ tôi đã có lần dẫn
tôi lên Tiểu Chủng viện thăm cha Đệ, hình ảnh Chủng viện đã bắt đầu đi
vào tâm trí nhỏ bé của tôi. Rồi anh tôi là Lôrensô Đỗ Hữu Chỉnh, hiện
nay là cha sở giáo xứ Xây Dựng giáo phận Sàigòn, đã được vào Tiểu Chủng
Viện Sàigòn năm 1965, lúc đó tôi 8 tuổi. Thỉnh thoảng ngày Chúa Nhật, ba
tôi chở tôi bằng xe đạp lên Tiểu Chủng viện thăm anh. Năm 1968, lúc 11
tuổi. Anh Hai tôi đã giúp tôi chuẩn bị thi vào Tiểu Chủng viện. Tôi có
một người cháu ruột, con của chị ba tôi, là cha Phaolô Vũ Đỗ Anh Khoa,
hiện đang phụ trách lớp chủng sinh dự bị, tại Trung Tâm Mục vụ Sàigòn.
Từ những kinh nghiệm trên tôi xác tín, gia đình chính là “chủng viện đầu
tiên” nuôi dưỡng ơn gọi.
b) Năm 1975 tôi đang học lớp 12 ở Tiểu
Chủng viện và năm 1976 tôi vào Đại Chủng Viện Sàigòn. Sau 6 năm tu học,
năm 1982 tôi hoàn tất chương trình học tại ĐCV, thật là may mắn, vì ngay
sau đó ĐCV hoàn toàn đóng cửa, cho đến 1986 được chính thức mở lại. Năm
1982, tôi được gởi đi lao động tại Nông Trường Lô 6, Củ Chi, một năm.
Năm 1983, trở về ĐCV, tôi tham gia ban ngày vào Hợp tác xã Mây Tre Lá
Đằng; ban tối, tôi theo học các khóa ngoại ngữ Anh, Pháp tại Đại Học mở
của Đại Học Tổng Hợp, chỉ cách Chủng Viện 03 phút đi bộ. Đầu năm 1990
tôi tốt nghiệp Đại học với Cử nhân Anh văn và Pháp văn. Từ đây, xác tín
thứ hai trên hành trình ơn gọi, chính là sự cần thiết của Chủng Viện,
“vườn ươm những mầu ơn gọi”. Chủng viện đã đào tạo, nâng đỡ, và gìn giữ
ơn gọi của tôi, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn.
c) Ngày
30-8-1990, tôi và cha Trần Chí Nguyện được chịu chức là món quà của Nhà
Nước dành cho Đức Cố Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình, dịp lễ Thượng thọ Bát
tuần của ngài. Trước đó 20 năm, năm 1970, cha Nguyện là giáo sư Việt văn
của tôi tại Tiểu Chủng Viện.
Tôi nhớ lại ngày chịu chức linh mục
là 30-8-1990, dịp lễ Thượng thọ của Đức cố Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình,
có rất đông người tham dự. Sau thánh lễ, có một bà cụ khoảng gần 70 nắm
lấy tay tôi và nói: “Cha không biết tôi đâu. Nhưng tôi biết cha khi đi
giúp xứ. Tôi đã cầu nguyện xin Chúa cho cha được kiên trì. Và hôm nay
Chúa đã nhận lời. Xin chúc mừng cha.” Tôi chỉ kịp nói 2 tiếng cám ơn,
rồi bị kéo đi. Cho tới nay, hơn 25 năm qua rồi, nhiều lần tôi cố nhớ lại
khuôn mặt của bà cụ đó, vẫn không nhớ được. Và cũng không kịp hỏi bà ở
đâu. Nhưng tôi rất xúc động mỗi khi nhớ đến chuyện này. Có rất nhiều
người mà tôi không biết, nhưng đã âm thầm cầu nguyện cho tôi. Và nhờ đó
Chúa đã gìn giữ tôi. Hơn 25 năm qua trong đời sống linh mục, ngoài những
người thân, chắc chắn có rất nhiều người đã cầu nguyện cho tôi. Tôi đã
được ơn Chúa gìn giữ nhờ những lời cầu nguyên như vậy.
d) Tóm
lại, nhìn lại hành trình ơn gọi của mình, tôi cảm nhận hạt giống Ơn gọi
Chúa đã ban đã được gìn giữ, bảo vệ, nuôi dưỡng trong gia đình, trong
giáo xứ và nhất là trong Chủng Viện; đặc biệt là nhờ những lời cầu
nguyện.
Giờ đây, trong sứ vụ mới, tôi rất xác tín về sự cần thiết
của Ơn Chúa nhờ lời cầu nguyện của tất cả mọi người, ngay cả những
người giáo dân mà tôi chưa có dịp biết đến. Xin cám ơn tất cả mọi người,
và xin tiếp tục cầu nguyện cho tôi.
(VietCatholic News)