Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

cuoi tuan

Giữa người phong cùi Đức Mẹ mang bộ mặt phong cùi

Tháng dâng kính Đức Mẹ MARIA lại trở về. Tháng Đức Mẹ cảm động và đáng ghi nhớ nhất không phải là Tháng tôi sống tại Lộ Đức (Pháp) hay tại Fatima (Bồ Đào Nha) hoặc tại Czestochowa (Ba Lan) cũng không phải tại MariaZell bên Áo nhưng là tại Molokai, hòn đảo của anh chị em phong cùi thuộc Hawaii trên Thái Bình Dương.         

Tháng 5 năm đó, tôi đặt chân lần đầu tiên lên đảo để giảng khai mạc Tháng dâng kính Đức Mẹ MARIA. Thú thật, tôi cảm thấy kinh hãi vì đây là lần đầu tôi có dịp tiếp xúc trực tiếp với cái tàn phá ghê rợn của bệnh phong cùi! Tôi hoàn toàn xúc động. Đi kèm với bài giảng tôi còn phải làm phép bức tượng Đức Mẹ Fatima để anh chị em phong cùi đến đọc kinh và lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ. Bức tượng thật đẹp với khuôn mặt thật dịu hiền của Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA. Tôi thật lúng túng. Tôi phải nói gì với các anh chị em phong cùi mà thân thể chỉ còn là những mảnh thịt tơi tả, trước một bức tượng tuyệt đẹp như bức tượng Đức Mẹ Fatima này??? Quả thật tôi hoàn toàn lúng túng!!!                                 Còn đang mông lung nghĩ ngợi thì có người gõ nhẹ cửa. Nữ Tu y tá bước vào thưa:     
- Xin Cha đến gấp nơi một bệnh nhân hấp hối! Nghe thế tôi lại càng lúng túng hơn. Tuy nhiên thái độ anh dũng cương quyết của Nữ Tu khiến tôi không có giờ để do dự. Chị nói thêm:   
- Xin Cha mang theo bức tượng Đức Mẹ Fatima. Ông cụ ao ước trông thấy Đức Mẹ trước khi nhắm mắt lìa đời. Có chiếc xe hơi đang đợi sẵn trước cửa.      

Khi đến bên người bệnh, tôi chỉ ấp úng được vài lời. Người bệnh thều thào:   
- Đức Mẹ! Con muốn trông thấy Đức Mẹ!     

Tôi liền đi lấy bức tượng Đức Mẹ. Nhưng vì quá cảm động, khi ôm bức tượng bước lên cầu thang, tôi vấp ngã. Bức tượng cũng ngã theo, mặc dầu tôi đã cẩn thận ôm chặt bức tượng. Hai cánh tay của Đức Mẹ bị sứt mẻ nhiều chỗ, tuy vẫn còn giữ được tràng chuỗi Mân Côi trong tay. Nhưng khuôn mặt Đức Mẹ thì bị trầy trụa nhiều nơi. Đây đó có nhiều vết sạm đen, vì vẹc-ni bị tróc đi khiến khuôn mặt trông như bị nhiều vết thương. Nơi miệng có một vết trầy khiến nụ cười biến mất! Chỉ có đôi mắt là giữ nguyên nét đẹp từ bi, nhân hậu và hiền dịu khôn tả..                                                                           

Tôi vô cùng ân hận vì tai nạn vừa xảy ra. Đang còn phân vân chưa biết phải làm gì thì Chị Nữ Tu lại xuất hiện. Chị cũng tỏ ra ân hận không kém vì tai nạn nhưng cương quyết mời tôi đem bức tượng đến cho người hấp hối.                                                             

Vừa trông thấy tượng Đức Mẹ Fatima, khuôn mặt bệnh nhân trở nên rạng rỡ, y như được diễm phúc trông thấy Mẹ Hiền. Hai Mẹ con, bốn ánh mắt, âu yếm nhìn nhau. Suốt cuộc đời Linh Mục tôi rất ít khi chứng kiến người hấp hối nào nhắm mắt lìa đời trong niềm vui sướng bao la, như người bệnh phong cùi tôi được diễm phúc trông thấy tại đảo Molokai năm đó!                                                    

Ngày hôm sau là buổi làm phép bức tượng Đức Mẹ Fatima - bị trầy trụa - và giảng khai mạc Tháng 5 dâng kính Đức Mẹ. Tôi không cần phải tìm kiếm xa xôi đề tài cho bài giảng hôm đó. Tượng Đức Mẹ bị tai nạn là đề tài hùng hồn nhất:  
- Đức Mẹ đã trở nên tất cả cho mọi người! Giữa anh chị em phong cùi Đức Mẹ mang bộ mặt của người phong cùi!!!                                    

Tôi nói thao thao bất tận trong vòng hai tiếng đồng hồ. Mọi người im lặng lắng nghe. Tôi nói như có người nói thay tôi. Tôi không rõ có lời cầu xin nào tha thiết hơn những lời cầu xin của cộng đoàn anh chị em phong cùi yêu dấu của tôi hôm đó không. Nhưng chúng tôi đã cầu nguyện chung với nhau thật sốt sắng, không sách vở, không giấy tờ! Đúng là Tháng Đức Mẹ MARIA với trọn ý nghĩa và với trọn lòng kính mến!

Riêng tôi, kể từ kinh nghiệm quý hóa đó, tôi luôn luôn mở đầu một tuần cấm phòng bằng một bài giảng nói về Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA, để ca tụng Đức Mẹ và để học nơi Đức Mẹ tấm lòng từ mẫu bao la

(René Laurentin + Albert Pfleger, "FIORETTI DE LA VIERGE MARIE", Mambré Éditeur Diffuseur, Paris 1992, trang 73-74)

                                                Sr Jean Berchmans Minh Nguyệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.