Sứ điệp Chúa phục sinh
Chúa Giêsu Kito sống lại là trung tâm sứ điệp phục sinh. Và để giúp cho dễ hiểu sứ điệp đó, con người trong dòng lịch sử thời gian, xưa nay luôn tìm cách diễn tả theo cách thức văn hóa qua bằng ngôn ngữ cùng hình ảnh mầu sắc.
1. Trái trứng nhiều mầu sắc
Mùa mừng lễ phục sinh hầu như khắp nơi đều có những trái trứng gà tô vẽ nhiều mầu sắc. Theo luật thiên nhiên, từ trong trái trứng chứa đựng mầm sự sống. Một chú gà con trong đó dần dần thành hình cứng cát với ngày tháng có đủ độ nóng ấm, sẽ dùng mỏ nhọn chọc vỡ vỏ trứng bao phủ nó chui ra ngoài ánh sáng. Một sự sống mới xuất hiện. Đây là điều lạ lùng bỡ ngỡ với mọi người. Chúa Giêsu Kito chỗi dậy từ nấm mồ kẻ chết sống lại đi ra ngoài cũng là điều gây ngạc nhiên bỡ ngỡ cho mọi người tín hữu. Đây là phép lạ sự sống Thiên Chúa thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô là cho Ngài từ trong nấm mồ tối tăm cõi sự chết sống lại.
2. Chú Thỏ phục sinh.
Chú Thỏ ở nhiều nền văn hóa đất nước là hình ảnh biểu trưng cho sự sống, sự sinh sôi nẩy nở. Vì loài thỏ sinh sản mau và nhiều. Thỏ và trứng gà có thể là hình ảnh cắt nghĩa vể ý nghĩa sứ điệp phục sinh: Qua Chúa Giêsu Kito phục sinh con người chúng ta được ban tặng sự sống mới và vĩnh cửu.
3. Cây nến phục sinh
Ở Thánh đường cũng như ở nhiều tư gia, người ta cắm dựng cây nến phục sinh có khắc vẽ những biểu tượng những con số niên lịch như 2015, hai chữ A Và Omega, hình thập gía cùng năm dấu đinh của Chúa Giêsu bị đóng trên thập gía. Cây nến phục sinh nói cho ta mầu nhiệm sứ điệp Chúa Phục sinh: Chúa Giêsu đã sống lại. Những vết thương đau khổ của Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập gía được biến đổi cho sáng tỏ thành ơn cứu độ trong ánh sáng của Chúa. Chúa Giêsu là ánh sáng soi chiếu vào nơi tối tăm sự chết.
4. Con chiên nướng làm bằng bột hay Sôcôla
Con chiên nướng là hình ảnh ngày xưa khi Thiên Chúa đem đân Israel ra khỏi Ai Cập trở về đất Chúa hứa. Vào buổi chiều ngày xuất hành, họ phải giết con chiên non nướng ăn cho hết cùng lấy máu của nó bôi quét trên ngưỡng cửa nhà. Thiên Thần Chúa khi đi ngang qua nhà nào thấy có máu chiên trên cửa sẽ đi qua không gieo tai họa chết cho nhà đó. Chúa Giêsu Kitô là con chiên vượt qua mới. Máu con chiên Giêsu đổ ra trên cây thập gía đã giải thoát con người khỏi phải chết đời đời.
5. Tảng đá đã vỡ tan
Có những nơi ở cửa ra vào thánh đường cũng đặt một tảng đá vỡ tan vào ngày lễ mừng Chúa phục sinh. Hình ảnh này nhắc nhớ đến khi Chúa Giêsu sống lại tảng đá lấp chắn nơi cửa mồ chôn Chúa đã bị lăn vật sang một bên, mở lối thông thương cho người trong mồ đi ra, cho người từ bên ngoài đi vào trong nấm mồ. Tảng đá sự chết đã bị đập vỡ cho sự sống nổi lên phát triển.
6. Hình chiếc cầu vồng
Trong Kinh Thánh thuật lại sau trận lụt đại hồng thủy một chiếc cầu vồng hiện ra ở nền trời là biểu hiệu Thiên Chúa lập trật tự giao ước mới giữa trời và đất với dòng giống Ông Noe.
Hình ảnh cầu vồng nhắc nhớ đến, Chúa Giêsu phục sinh là nhịp cầu mới bắc nối liền giữa trời và đất. Qua nhịp cầu đó mọi người có thể đi đến cùng Thiên Chúa.
7. Chiếc xẻng xúc đất
Maria Mai đệ Liên khi ra mộ viếng xác Chúa, chị đã gặp Chúa Giêsu phục sinh. Nhưng chị tưởng là người làm vườn. Vì thế Chúa Giêsu có khi cũng được trình bày với chiếc xẻng trên tay. Hình ảnh này nói lên: với chiếc xẻng có thể đào hố sâu hay mồ mả để chôn, nhưng cũng dùng đào khai quật bới tìm tình yêu cho nổi lên hiển thị.
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long