Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH NĂM A (Lc 24, 13-35)




 ĐỒNG HÀNH VỚI NHAU VÀ VỚI CHÚA

Lm Louis Hữu Độ, CMC
Một bà già người Đức thuật lại câu truyện mà chính bà là người trong chuyện: Khoảng năm 1942, bà và một số người Đức bị đưa đi lưu đày xa quê hương. Tất cả là người Công Giáo và cùng lao động tại một nông trường, nơi ấy không có nhà thờ cũng không có linh mục. Nhưng mỗi chiều Chúa Nhật, họ được phép tụ họp trong một nghĩa trang để cầu nguyện với nhau. Khi biết cách đó một ngàn cây số, có linh mục thì họ quyết định hàng tháng đóng góp một số tiền để mua vé cho một bà già đi đến nơi đó mang Mình Thánh Chúa về cho họ chịu. Mỗi Chúa Nhật họ đều trung thành gặp gỡ nhau, sốt sắng cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, cuối tháng thì rước Mình Thánh Chúa. Trong suốt 20 năm dài, cộng đoàn Kitô hữu đó sống đùm bọc, yêu thương nhau cho đến năm 1962 được trả tự do. Bà già thuật lại câu chuyện trên chính là người điều khiển cộng đoàn cầu nguyện mỗi chiều Chúa Nhật. Sau khi kể lại câu chuyện này thì bà thêm: "Mặc dầu được thả về tự do, nhưng chúng tôi ra về với một niềm lưu luyến sâu đậm và nhớ nhung vô cùng những phút giây đoàn kết, yêu thương trong tình người và tình Chúa đó."

Câu chuyện cảm động ở trên một phần nào đã diễn tả được ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay. Hai môn đệ trên đường đi đến làng Emmau, một làng cách Giêrusalem 7 dặm, một môn đệ tên là Cleopha, còn môn đệ kia có thể là chính thánh Luca mà các nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng vì khiêm nhường nên thánh sử giấu tên.

Hai môn đệ cùng đi với nhau. "Hai người" chỉ về ý nghĩa cộng đoàn chứ không phải một người thì lẻ loi, đơn độc. Con người khi được gửi vào trần gian nầy là để sống cộng đoàn, tương trợ lẫn nhau, chứ không phải để sống đơn độc và ích kỷ. Xét về mặt xã hội thì sự tương trợ là một ích lợi cho thương mại, cho hội đoàn, cho pháp luật... Xét về mặt tôn giáo thì sự tương trợ là một điều đáng ca ngợi, chính Chúa Giêsu đã lên tiếng, "Nơi đâu có 2, 3 người họp nhau lại vì Danh Ta thì Ta ở giữa họ". Thiên Chúa đứng về phe những người đoàn kết, quan tâm nhau, chứ Ngài không về phe những ai chia rẽ, ích kỷ. Ngay từ thời Giáo hội sơ khai, sách Tông Đồ Công Vụ kể lại các tín hữu một trí một lòng, biết quan tâm đến nhau vì thế họ được toàn dân mến chuộng và càng ngày Chúa càng làm gia tăng số người vào Đạo.

Ngày nay khi nói đến từ ngữ "Emmau" người ta thường nhắm đến ý nghĩa "Đồng Hành" tức : cùng đi - cùng chia sẻ - cùng hưởng nhận - cùng khích lệ - cùng giúp đỡ - cùng lo cho nhau. Đời sống "đồng hành" căn bản đến từ đời sống gia đình, dòng tu, hội đoàn, giáo xứ, rồi Giáo Hội.

Tuy nhiên, nếu chỉ cậy vào sức con người thôi thì cho dù chúng ta có hợp nhau lại vẫn có nhiều vấn đề không thể giải quyết được, vì nó ở ngoài khả năng trí óc và bàn tay của chúng ta. Phúc âm nói rõ 2 môn đệ cùng đi với nhau lúc đầu thì họ buồn bã (có thể họ còn thất vọng và sợ sệt nữa), thế nhưng khi có Chúa Giêsu cùng đi với họ thì lòng họ ấm lên và hăng hái khác thường, đến nỗi ngay trong đêm đó họ quay trở lại Giêrusalem để báo tin cho 11 tông đồ. Chúng ta cũng cần có Thiên Chúa đồng hành với chúng ta để nhờ "bộ óc và bàn tay" của Ngài giải quyết các vấn đề cho chúng ta. Hơn nữa chính sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta hăng hái đi cho trọn con đường trên trần gian này.

Con đường Emmau là hình ảnh của con đường trên trần gian này. Kinh nghiệm lịch sử và chính cảm nghiệm cá nhân dạy chúng ta biết, con người không thể sống và phát triển ở môi trường lẻ loi, đơn độc được, trái lại con người cần tương trợ, đồng hành với nhau. Quan trọng hơn nữa là có Thiên Chúa đồng hành với chúng ta để dù đường có quanh co, hiểm trở cũng đừng lo, vì Chúa là "Đường" dẫn về đích dù trên đường có tối tăm, hang hóc cũng đừng lo vì chính Chúa là "Sự Sáng", dù cuối cùng tử thần có nhào tới bên chúng ta cũng đừng lo vì chính Chúa là "Sự Sống Lại." 

(tinmung.net) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.